tập Ki-Aikido có cái trò rất buồn cười. không cần biết bạn khỏe tới đâu, tư thế không vững, không có Ki thì đừng hòng làm được. mỗi lần tập đòn thế mà loay hoay, anh lại bảo tôi khoan đã, chậm lại một nhịp, chỉnh lại tư thế của mình.
tôi đem điều này áp dụng vào cuộc sống hàng ngày, thấy đúng.
trước khi quyết định mua một bộ quần áo, chậm lại một nhịp, hỏi mình xem “có thật cần không?”. cái trò shopping nhiều khi chỉ để cho vui, xả stress, chứ đồ mua về chất đống chẳng mấy khi mặc đến. năm ngoái tôi ra Hà Nội với 3 bộ đồ xếp trong balo, mặc hoài như vậy tới 1-2 tháng sau không mua đồ mới, mà vẫn đủ.
những thứ như giày dép, mỹ phẩm, cả sách vở và đồ ăn cũng thế. thỉnh thoảng tôi thèm bánh ngọt phát điên. nhưng phải chậm lại một nhịp, hỏi xem mình có thật đói, cơ thể mình có thật cần không. có rất nhiều thứ chúng ta ăn vào người chỉ để cho-vui, thoả mãn cơn thèm, nhưng thực ra cơ thể không hề cần đến chúng.
Nếu sau này con tra cứu lại lịch sử tìm kiếm trên google Vietnam vào khoảng tháng 5/2016, hẳn con sẽ ngạc nhiên rằng từ khóa nổi bật nhất, đáng chú ý nhất, chính là “cá”. Con có muốn biết thêm rằng, vào những ngày này, mọi người dân đang đổ xuống đường ồ ạt, còn new feeds của mẹ ngập tràn các thông tin về “cá”, “biển”, “Formosa”..v..v.. và những điều trông thấy, như Nguyễn Du đã bảo, thì bao giờ cũng đau đớn lòng.
Trong những bức hình trên mạng, mẹ chú ý nhất tới hình ảnh một người cha cầm tờ giấy ghi “Biển chết 2016 Bố đã làm gì?”. Điều ấy khiến mẹ nghĩ tới nhiều năm sau đó, khi bắt gặp câu hỏi này của con, mẹ sẽ phải trả lời như thế nào. Read More »
Nếu có thể tôi rất muốn xây một cái công viên, trong đó trồng thật nhiều cây. Không có gì ngoài cây cả. Không xích đu, bập bênh hay nhú nhún gì cả. Không có cổng và hàng rào và thu phí gì cả. Chỉ có thật nhiều cây: cây nhỏ, cây to, cây hoa, cây cỏ, cây lá bự và cây lá dẹp, vân vân.
Những đứa trẻ sẽ được tự do vào đó. Những người lớn sẽ được tự do vào đó. Bọn chúng có thể tùy ý chọn cái cây mà chúng thích. Ôm cây, hôn cây, leo trèo, tựa đầu, dựa lưng… vào những gốc cây cao lớn và bao dung.
Sẽ có những hốc cây cho bọn trẻ thủ thỉ tâm sự. Sẽ có những nguyện ước được ủ vào lá cây. Sẽ có những tấm bảng treo trên thân cây, giả dụ như “Lại ôm tôi nhé, đừng buồn”. Sẽ có những hoa rơi và quả rụng để tụi nhỏ nhét vào túi áo. Sẽ có đồi cỏ xanh bạt ngàn cho bọn chúng nằm ườn lên trên.
Tôi nghĩ con người đã từng là những sinh vật vô cùng gần gụi với thiên nhiên. Một cái cây bị thương, một chồi xanh đang nhú, con người đều có thể cảm nhận được. Việc con người chuyện trò với cỏ cây hẳn đã từng là điều rất hiển nhiên. Cho tới khi người ta không còn muốn nghe chúng nữa. Cho tới khi người ta chỉ còn biết chặt cây hoặc khai thác từ rừng. Cho tới khi người ta quan tâm tới wifi hơn là oxi.
Thì lũ trẻ bỗng nhiên thèm ipad của mẹ hơn là một nhúm quả cho vào túi áo.
Chuyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa có một ông vua tên là Lý Thế Dân – hoàng đế vĩ đại nhất của triều đại nhà Đường (618-907). Ông là người đã xúi cha mình là Lý Uyên – một viên quan phụng sự cho nhà Tùy, nổi dậy đánh chiếm Trường An, ép Tùy Cung Đế phải nhường ngôi, lập ra nhà Đường. Tám năm sau khi lên ngôi, Lý Uyên đã nhường ngôi cho Lý Thế Dân, mở ra một triều đại vô cùng thịnh vượng trong lịch sử Trung Hoa. Nói chung nó cũng giống với phần lớn các câu chuyện lịch sử khác. Nhưng điều đặc biệt là, Lý Thế Dân trong suốt những năm trị vì có làm một việc khiến người viết vô cùng cảm động: Đó là quyết định trồng một cái cây bạch quả ở trong chùa.
Tất nhiên là đến giờ thì ổng đã mất rồi, nhưng cái cây bạch quả thì vẫn còn sống, nay đã 1400 năm tuổi, hiện cư ngụ tại chùa Quan Âm nằm trên núi Chung Nam. Hàng năm, vào mùa thu, cây bạch quả cổ thụ này lại trút xuống cả một biển lá vàng rực rỡ, và do đó, thu hút hàng ngàn lượt khách du lịch tới thăm.
Ngày hôm qua facebook của tôi tràn ngập những bản tin. Các bạn liên tục share bài về vụ khủng bố ở Paris, số người chết liên tục tăng lên và các con tin vẫn đang bị giam cầm. Không khí hỗn loạn ngập tràn trên đường phố kinh đô nước Pháp. Và chỉ vài giờ sau đó, lửa đã bùng lên ở trại tị nạn Jungle.
Bạn gửi cho tôi bản tin và bảo bạn thấy tuyệt vọng với con người quá. Tôi rất muốn nói với bạn rằng đừng như vậy, không sao đâu, mọi chuyện sẽ ổn. Nhưng tôi cũng biết là không thể. Càng lúc, con người càng bị đẩy vào các tình thế thử thách lòng tin đến tột độ, những biên độ dao động quá lớn giữa đúng và sai. Nhưng bi kịch ngày hôm nay dường như chỉ mới bắt đầu. Đằng sau những lời động viên với bè bạn hãy cố lên là một nỗi day dứt không biết nên làm gì cho phải.