tập Ki-Aikido có cái trò rất buồn cười. không cần biết bạn khỏe tới đâu, tư thế không vững, không có Ki thì đừng hòng làm được. mỗi lần tập đòn thế mà loay hoay, anh lại bảo tôi khoan đã, chậm lại một nhịp, chỉnh lại tư thế của mình.
tôi đem điều này áp dụng vào cuộc sống hàng ngày, thấy đúng.
trước khi quyết định mua một bộ quần áo, chậm lại một nhịp, hỏi mình xem “có thật cần không?”. cái trò shopping nhiều khi chỉ để cho vui, xả stress, chứ đồ mua về chất đống chẳng mấy khi mặc đến. năm ngoái tôi ra Hà Nội với 3 bộ đồ xếp trong balo, mặc hoài như vậy tới 1-2 tháng sau không mua đồ mới, mà vẫn đủ.
những thứ như giày dép, mỹ phẩm, cả sách vở và đồ ăn cũng thế. thỉnh thoảng tôi thèm bánh ngọt phát điên. nhưng phải chậm lại một nhịp, hỏi xem mình có thật đói, cơ thể mình có thật cần không. có rất nhiều thứ chúng ta ăn vào người chỉ để cho-vui, thoả mãn cơn thèm, nhưng thực ra cơ thể không hề cần đến chúng.
nước cũng vậy. trời nóng thế này thì khát quá. nhưng cứ chậm lại, uống từng ngụm nhỏ và thật nhỏ. cho tới khi nào cơ thể báo rằng nó đã nhận đủ nước rồi. nếu cứ cầm cả chai lít rưỡi lên mà tu thì không thể cảm nhận được.
tương tự như thế. đi mua hàng, trước khi nhận một cái túi nilon, nghĩ xem mình có thật cần chăng, mình cho đồ vào túi xách được chăng, mình có đem theo túi vải không? thời tiết có nóng tới mức phải bật điều hòa hay quạt hết công suất không? lúc tắm rửa hay giặt đồ thì để ý xem mình có đang hoang phí nước không? xà phòng, nước rửa bát hay bột giặt có cần thiết tới vậy không, hay là tự nhiên còn có những thứ như là bồ kết và bồ hòn lành tính hơn hẳn.
lúc chuyện trò hay tranh luận cũng thế. chậm lại một nhịp để hiểu được trọn vẹn ý đối phương, để tránh các cuộc cãi vã không cần thiết. vui chậm một nhịp, buồn chậm một nhịp, để thấy những cảm xúc hóa ra cũng thật mong manh. niềm vui thường rất ngắn, nỗi buồn không quá dài.
nhưng cái sự chậm lại không chỉ là chậm-khơi-khơi. cũng như việc chỉnh lại tư thế trong Ki-Aikido. nhiều người, trong đó có tôi, hay nghĩ rằng tư thế không vững thì chỉ việc kiễng chân lên rồi hạ xuống là được (giải thích vì sao lại thế dài dòng lắm, tập thì hiểu). nhưng không đúng. việc kiễng chân chỉ nhằm đưa ý thức xuống đầu mũi chân, để trọng tâm cơ thể dồn về phía dưới, để nhắc nhớ ta khi hạ chân xuống vẫn giữ nguyên tư thế như vậy.
có điều, ta thường quên ngay cái giây phút hạ chân. ta thường quên ngay cái giây phút chậm lại của mình. như đồ cần mua thì vẫn đẹp, túi nilon thì vẫn sẵn, nước thì vẫn mát, ngủ có điều hòa thì vẫn ngon và bột giặt thì vẫn tiện lợi vô cùng.
nên lời nhắc “chậm lại một nhịp” chỉ như cái chạm vai áo mà thôi, việc sau đó quyết định thế nào, vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào mỗi người vậy.
Nhược Lạc
Bản dịch tiếng Anh của chị Van Nguyen: https://goo.gl/La1Zds