không phải giấc mơ,

Trong những giai đoạn khó khăn nhất của công việc, sếp tôi nói: “có đêm chị đi ngủ và mong sáng hôm sau thức dậy, tất cả chỉ là một giấc mơ, và các vấn đề biến mất.”

Nhưng rồi sáng hôm sau thức dậy, không có thứ gì biến mất cả. Các vấn đề vẫn còn nguyên, và ta phải xắn tay áo lên, giải quyết từng việc một.

Tôi cũng có nhiều buổi sáng như thế, và dù chỉ trong giây lát thôi, tôi vẫn muốn được quay lại làm một em rất bé. Em bé sẽ khóc khi vấn đề xảy ra, và sẽ có người rất lớn nào đó thay em giải quyết. Nhưng vì tôi đã thành người lớn, nên tôi đành ngồi lại với vấn đề của mình.

Bỏ chạy bao giờ cũng là phương án đầu tiên và dễ nhất có thể nghĩ đến. Tôi bỏ chạy nhiều rồi tôi biết. Dù là chuyện tình cảm hay công việc, có biến thì cứ bỏ đi là xong. Chỉ có điều, sao mà bỏ đi mãi được.

Khi quyết định không bỏ chạy, mà đứng lại, thì việc đau đớn đầu tiên là phải chấp nhận rằng cái khối vấn đề này là do mình gây ra. Có những vấn đề hoàn toàn do mình, có cái do mình một phần to, có khi là phần nhỏ – nhưng bao giờ ta cũng góp phần biến nó trở thành một vấn đề. Chấp nhận được chuyện này là điều rất khó, dù có khi chỉ là cái chấp nhận âm thầm diễn ra trong tâm tưởng. Nhận sai, thực sự biết sai, không dễ dàng như câu “xin lỗi”. Thấy khó, biết khó, không bỏ, mà gỡ dần dần – đó là thái độ của kiểu người lớn mà tôi muốn trở thành, muốn ở bên cạnh.

Nhìn nhận đúng cốt lõi vấn đề rồi, thì phải lên kế hoạch để giải quyết nó. Từng bước một. Cái gì tự xử lý được, cái gì phải nhờ cậy người khác. Cái gì làm cho nó tốt lại được, cái gì không – chấp nhận là không, và điều chỉnh nó thành mức ít tệ nhất có thể.

Toàn bộ quá trình này không thoải mái, dễ dàng gì, nếu không muốn nói là cực kỳ khó chịu. Song, vẫn có một món quà mà nó mang đến.

Là cái cảm giác sau khi gỡ xong một chuyện rối tơ vò, tôi ngồi xuống, trước một hiên nhà đầy gió. Có cái gì rất nhẹ nhõm trong tôi, mà không thể nói ra hay chia sẻ với ai được. Cái giây phút nhẹ bẫng đó, chỉ một mình tôi cảm thấy được.

Nó rất là dễ chịu.

Sự dễ chịu không đến từ việc bỏ đi ngay từ đầu, không đến từ việc tránh khỏi cái khó chịu. Mà, nó đến từ việc ta đứng lại, ngồi xuống, đối đầu với cái khó chịu ấy. Và đi qua nó.

Một người lớn thì không lẩn mất khỏi vấn đề do mình gây ra. Họ ở lại, và đi qua.

Nhược Lạc

Advertisement

vấn đề của việc có con, là…

“Vấn đề lớn nhất của việc có con, theo em là gì?”

Một người chị hỏi tôi như thế trong một cuộc chuyện phiếm. Tôi nói, có lẽ là việc chị luôn phải quyết định sẽ chọn điều gì. Nếu chị chọn hiện tại – nghĩa là thời gian ở bên con, đồng nghĩa với việc chị có thể đang bớt một phần tương lai của nó. Nếu chị chọn tương lai – nghĩa là chị làm việc nhiều hơn, nỗ lực nhiều hơn, đồng nghĩa với việc chị đang tước bớt hiện tại của nó.

Vấn đề của chuyện này là, thực ra rồi chị cũng chẳng chọn được cái gì cả. Chị sẽ luôn phải cố gắng nhiều hơn trong công việc, tích lũy tài sản, để chăm lo cho cuộc sống cả hiện tại và tương lai của gia đình, của đứa nhỏ chị đã sinh ra. Chị cũng luôn đau đáu về thời gian và sự chú tâm dành cho nó, rồi rất nhanh thôi, chị sẽ nhận ra là bao nhiêu thời gian cũng không đủ.

Luôn luôn, sẽ có những tối chị trở về nhà, khi bọn trẻ con đã ngủ, chị chưa kịp nghe chúng nó kể chuyện gì của ngày hôm nay, chúng nó chưa kịp ôm chị trước khi đi ngủ. Luôn luôn, sẽ có những lúc, chị nghĩ rằng sẽ xin nghỉ việc vài ngày, rồi đưa chúng nó đi du lịch, đi đâu đó chơi, và cái ý nghĩ đó cứ bị trì hoãn mãi bởi những dự án mới lại đâm chồi nảy lộc…

Giải pháp của chuyện này là, thực ra cũng không có giải pháp gì cả. Chúng ta rồi sẽ luôn cố gắng làm tốt nhất trong khả năng của mình thôi. Hồi bé anh bị nhốt ở nhà suốt, chồng tôi nói, tất nhiên bố mẹ anh cũng đâu muốn vậy, nhưng đó là điều tốt nhất họ có thể làm rồi. Hồi mười tuổi, tôi cứ tan học là ra chợ để mua về từng cân gạo một (vì mua nhiều một lúc không vác được), và học cách nấu canh chua sấu sườn bằng việc hỏi cô bán rau và chú bán thịt, và khóc ướt gối trong lần đầu tiên phải ở nhà một mình trông nhà. Chúng ta sẽ luôn ước cha mẹ mình có nhiều thời gian hơn cho mình. Và nếu họ lại có cả nhiều tiền hơn để giúp mình thực hiện ước mơ thì tốt quá.

Nhưng họ cũng chỉ có thể làm tốt nhất trong khả năng của họ. Và riêng việc cố gắng làm tốt nhất trong khả năng đấy, đã là minh chứng rõ ràng nhất cho tình yêu thương rồi.

Tôi ngồi ăn trái cây với bọn trẻ con sau bữa tối, rồi tôi nói: thế này nhé, mẹ mệt lắm rồi. Nên chúng ta sẽ chơi thêm năm phút nữa thôi, rồi con sẽ tự lên học bài, còn mẹ sẽ đi ngủ. Lát nữa con tự ngủ, được chứ? Bọn trẻ con gật đầu, và chúng đã làm đúng thế.

Như con bé con đã nói với tôi trong một khúc hát giữa đêm, rằng “mẹ yêu mẹ nữa, rồi mẹ yêu con”. Tôi sẽ cố gắng thêm một chút, chồng tôi cũng vậy, bọn trẻ con cũng vậy. Vì chúng ta là một gia đình, nên thật khó để riêng ai đó cứ phải cố gắng hết mình. Chúng ta sẽ dành thời gian cho nhau khi có thể, và khi không thể, ta sẽ tự chăm sóc mình tốt nhất có thể.

Vấn đề lớn nhất của việc có con, là sinh con rồi mới sinh cha (mẹ), sinh cháu trong nhà rồi mới sinh ông (bà). Đều là những con người mới, lần đầu được sinh ra trong đời, việc học những bài đầu tiên với nhau, thật là khó. Song cũng thật là đáng.

Nhược Lạc

học hạnh kiên nhẫn qua chén trà Shinobi

Có rất nhiều điều tác động đến hương vị sau cùng của chén trà mà bạn uống. Ngoài các yếu tố như giống trà, thổ nhưỡng khí hậu của vùng trà, cách thu hái, sơ chế, thì cách pha và dụng cụ pha cũng ảnh hưởng đáng kể đến hương, vị của trà. Đây cũng là một trong những điều khiến tôi thích nhất.

Cách pha mà tôi thường sử dụng trong những tiệc trà ở Lạc Teahouse là cách pha nóng và nhiều lượt nước (dùng ấm nhỏ, lượng trà lớn, thời gian ủ trà ngắn). Thỉnh thoảng, tôi cũng dùng trà ủ lạnh (cold brew) với thời gian ủ khoảng 8-12 tiếng tùy từng loại trà. Nhưng trong một tiệc trà gần đây, tôi có thử một phương pháp pha mới, gọi là Kōridashi (氷出し) hay Shinobi-cha.

Trong tiếng Nhật, Shinobi có nghĩa là Nhẫn (忍茶). Nói cách khác, đây là hình thức pha đòi hỏi nhiều sự kiên nhẫn, chờ đợi trong thời gian dài để có thể thưởng thức một chén trà nhỏ. Phương pháp của nó rất đơn giản, sử dụng đá viên, đặt trực tiếp lên trà, và đợi nó tan ra, rất từ từ. Một cách pha giản dị, và cũng rất phù hợp với mùa hè.

Tôi hình dung cảnh pha trà Shinobi giống như một bộ phim Nhật Bản, kiểu, bạn sẽ nhìn thấy một ngôi nhà gỗ truyền thống. Bạn mặc áo hai dây, quần cộc, đi vào bếp, mở tủ lạnh lấy ra khay đá, bỏ từng viên vào chiếc ly thủy tinh đã đựng sẵn một ít trà xanh. Rồi quên nó đi. Bỏ đi xem một bộ phim, kiểu, Little Forest chẳng hạn. Sau ba tiếng, bạn quay vào, và đá đã tan hết, chừa lại một màu trà trong veo, trên ly còn lấm tấm nước và tỏa ra hơi mát lạnh. Bạn uống một hơi, nghe mùi tươi của cỏ non tràn vào khoang miệng, lan xuống vòm họng, ngực, bụng… Mùa hè.

Loại trà lần này tôi sử dụng là Snow Jasmine / Bích đàm phiêu tuyết.

Bích đàm phiêu tuyết, nghĩa là mặt ao xanh ngắt, có những cánh tuyết rơi mềm. Loại trà này sử dụng trà xanh lá nhỏ của vùng Tứ Xuyên, thường được thu hái vào mùa Xuân, ướp cùng hoa nhài tươi, thường được thu hái vào khoảng tháng Bảy. Thông thường, để pha nóng trà này, tôi sẽ dùng nhiệt khoảng 88 độ. Vị trà sẽ khá thanh, có chút chát nhẹ nhưng rất dịu dàng, mùi của hoa cỏ mùa xuân. Hương nhài xen vào rất khéo, mềm mại mà không át trà. Chỉ như, những bông tuyết bé giữa mùa hè, rơi trên mặt hồ xanh rêu.

Snow Jasmine vốn đã đẹp như một bức tranh, nhưng khi được pha bằng phương pháp ủ đá / Shinobi-cha, bức tranh này lại có sự chuyển mình khang khác. Cách dùng nhiệt thấp, giúp chiết xuất ít caffein và catechin hơn (thứ sẽ được đẩy ra rõ hơn bằng phương pháp pha nóng), mà tập trung hơn vào vị ngọt mềm của trà và hương hoa cũng thêm phần thanh nhã. Nói cách khác, phương pháp ủ đá Shinobi-cha sẽ đặc biệt phù hợp với các dòng trà lá nhỏ và thiên về hương.

Chúng tôi đã đợi khoảng 3 giờ đồng hồ, hoặc hơn, để được khoảng 60ml nước trà, đủ chia cho 3 người uống với nhau, mỗi người một chén. Rất êm dịu, vừa phải và duyên dáng.

Một trong những điều tôi học được qua cách pha này, là kiểu gì thì bạn cũng phải chờ đủ thời gian cần thiết. Bạn có thể sử dụng đá bào để đá tan nhanh hơn, nhưng thời gian đó vẫn chưa đủ để vị trà được lan ra một cách đầy đặn. Bạn có thể ủ lạnh trà (cho khoảng 3-4gr vào 400ml nước rồi cất tủ lạnh trong 8 tiếng), nhưng hương vị sẽ khác với cách pha ủ đá. Bạn cũng có thể pha nóng trà xanh, và thưởng thức vị ngon riêng theo cách này. Ý tôi là, vấn đề không phải phương thức nào – mỗi thức sẽ có cái hay riêng. Nhưng vấn đề cốt lõi ở đây là, ta cần phải hiểu rõ mình đang muốn gì, mình định làm gì – và, khi đã chọn rồi, thì chuyên tâm và dành đủ sự kiên nhẫn với nó. Thật khó để ta cứ muốn được thưởng thức vị trà ủ đá, nhưng chỉ có 30 phút để chờ. Thật khó để ta vừa muốn có mọi thứ, vừa không phải làm gì. Thật khó, để đợi kết quả đến với mình mà không nhấc tay lên.

Một điều nữa, là khi ta uống chén trà này, ta phải toàn tâm ý với nó, với khoảng 20ml trước mặt mà ta đang có. Nếu lúc đó ta nhỡ tâm nghĩ về công việc còn dang dở, nồi cá đang kho, chuyện buồn tối qua… nghĩa là ta đã bỏ lỡ một chén trà, bỏ lỡ một hiện tại, bỏ lỡ ba tiếng đồng hồ từng viên đá đã tan ra rất chậm – để ta uống một khắc thôi.

Đừng bỏ lỡ như thế. Vì công việc sẽ luôn dang dở, nồi cá đằng nào cũng không ngon (sao lại kho cá khi định uống trà nhỉ?), chuyện buồn mãi mãi là một chuyện buồn. Ta sẽ cùng một lúc bỏ lỡ tất cả những điều ta lỡ.

Chén trà Shinobi, nhắc ta một điều như thế.

Nhược Lạc

để tạo nên một điều dễ chịu

Để tận hưởng một sự dễ chịu, bạn chỉ cần dễ chịu. Nhưng để tạo ra một điều dễ chịu, bạn cần nhiều hiểu biết, kỹ năng, tính kỷ luật, trách nhiệm, khả năng tư duy, khả năng làm việc độc lập – làm việc nhóm, và khả năng… chấp nhận cả những điều không hề dễ chịu.

Trong bộ phim Kungfu Panda, chú gấu Po ục ịch hàng ngày chỉ tập trung phụ ba làm bếp, nấu nướng dọn dẹp và tiếp đón khách – bỗng một ngày trở thành siêu anh hùng, chuyên tâm tu luyện võ thuật. Có câu nói vui rằng, cậu được như vậy là nhờ những năm tháng khổ luyện trong…. ngành dịch vụ.

Chỉ là lời nói vui, nhưng tôi thấy cũng thật đúng. Có cơ hội làm việc sát sườn với các anh chị, các bạn trong ngành F&B, tôi càng hiểu và thêm khâm phục với khả năng làm việc với cường độ cao, áp lực cao, không hề ngơi nghỉ của họ.

Làm dịch vụ, nghĩa là ngày lễ tết, người khác nghỉ thì bạn đi làm. Khi người khác ngồi bàn máy, phòng điều hòa mát rượi, thì bạn bưng bê đủ thứ, hết lượt này tới lượt khác. Khi người khác ngồi thảnh thơi dùng một bữa ăn, hay uống ly nước, thì bạn phải bao quát toàn không gian, để tâm đến từng vị khách – họ đang cảm thấy như thế nào, mình cần rót thêm nước lọc cho họ, hay mở thêm chiếc quạt hướng về phía họ, hay nên chỉnh lại nhiệt độ phòng cho phù hợp. Làm dịch vụ, nghĩa là, dù bạn có mệt mỏi, dù bạn đang buồn, đang khổ trong lòng – thì nụ cười vẫn phải nở trên môi, sự ân cần của bạn không được biến mất.

“Em thấy không khí ở nơi này rất dễ chịu, nên em nghĩ mọi người làm việc trong đây hẳn sẽ rất chill và thoải mái” – là một ảo tưởng lớn. Càng những nơi cung cấp dịch vụ dễ chịu cho khách hàng, áp lực cho những người tạo nên và duy trì nơi đó, càng lớn.

Nói như thế, không phải để kể khổ, mà là để khâm phục, từng anh chị em mà tôi vẫn gặp ở nhà hàng, ở quán cafe, quán trà, mỗi ngày. Mỗi khi cảm thấy rằng công việc của mình đang vất vả quá (nhất là mấy lúc chạy dự án đây), tôi lại nghĩ đến họ, và như kiểu có thêm động lực.

Các anh chị em – những người xuất hiện trước khách hàng mỗi ngày, còn có thể cố gắng đến mức đó. Thì mình – một người đứng phía sau, phải cố gắng đến mức nào, để công sức của họ không đổ xuống sông xuống bể.

Và để, mỗi lần đi tới một hàng quán nào đó, cũng tự biết phải dịu dàng và lịch sự hơn, và thông cảm hơn – cho những người đang làm dịch vụ, và cố gắng mang đến sự dễ chịu cho mình, mỗi ngày. Mỗi ngày.

Nhược Lạc

một bài phỏng vấn về nghề tearista

Tearista Nhược Lạc: Bắt đầu bằng việc uống càng nhiều trà càng tốt

Năm 2015, trên một chiếc xe Dream Tàu cũ, Nhược Lạc cùng bạn trai chạy xe lên Tà Xùa. Chuyến đi khi đó mang mục đích rất đơn thuần, chỉ là muốn gặp cây trà Shan Tuyết, nhưng nó đã mở ra cho cô một cơ duyên với công việc sau này: trở thành một tearista (người pha trà).

Điều gì khiến chị chọn Tà Xùa là điểm đến với cây trà?  

Tà Xùa không phải nơi duy nhất có cây trà (chúng) tôi tìm đến, nhưng đó là nơi đầu tiên, và cũng là nơi mang lại cho tôi nhiều kỷ niệm.

Khi bắt đầu biết đến trà Shan Tuyết, tôi đã thử nhiều thức trà Shan từ nhiều vùng khác nhau, nhưng lục trà Shan ở Tà Xùa thì luôn rất đặc biệt, với những nốt vị ngậy béo (creamy) và hương thảo mộc rất lạ, khó tìm thấy ở những vùng trà khác. 

Lúc đó, tôi chỉ nghĩ trong đầu là phải đi thôi. Đi càng nhiều càng tốt. Đi để xem cây trà sinh trưởng hoang dã tự nhiên, cây trà cổ thụ là như thế nào. Đi để biết người dân tộc họ làm trà như thế nào. Đi để biết vì sao trà ở Tà Xùa lại khác trà ở Hà Giang, ở Lào Cai… Đơn giản là, tôi muốn được hiểu hơn về chén trà mà mình vẫn uống.

Vậy khi đã đến những vùng trà rồi, chị hiểu thêm về điều gì?

Tôi hiểu hơn về sự quý giá mà mình đang có. Việt Nam là một trong số năm nước trên thế giới có những cây trà hoang dã cổ thụ. Những nước còn lại là Trung Quốc, Myanmar, Lào và Thái Lan. Chúng ta đang sở hữu nguồn trà nguyên liệu quý giá, và được thưởng thức với một mức giá rất rẻ. 

Phải thực sự đứng trước một cây trà cao lớn, chạm vào cây trà, nhấm thử vị tươi xanh chát khẽ của lá non, phải hít cái lạnh tê của sương trên núi cao, phải ngồi yên dưới một gốc cây trà… mới thực sự thấy rằng thiên nhiên đã trao tặng cho mình nhiều điều quá.

Nhưng như thế cũng chưa đủ, để tạo ra một thức trà, cần nhiều công sức của con người quá. Phải leo lên những cây trà cổ thụ cao lớn, tỉ mẩn hái tay từng búp, lá nhỏ. Phải chẻ củi nhóm lò, phải sao trà trên chảo bằng tay từng đợt nhỏ, phải thức trắng đêm để cho ra đời những mẻ trà làm hoàn toàn thủ công. Đợt chúng tôi lên đó, trung bình mỗi ngày mọi người chỉ ngủ từ 3 đến 4 tiếng, thời gian còn lại đều dành cho việc làm trà. 

Công việc cực nhọc và thiếu ngủ đó đã hấp dẫn chị sao?

Ban đầu thì chưa đâu. Lúc đó tôi chỉ muốn được là một người uống trà có hiểu biết. Và mình cũng có bạn trà tâm đầu ý hợp nữa, nên mình không có nhu cầu đòi hỏi gì hơn cả. Nhưng có lẽ là nghề chọn người. Tôi bắt đầu viết một số bài về trà, và dần dà xuất hiện nhiều người hỏi han về trà, về địa điểm chất lượng để tìm trà, về các quán trà trong thành phố.

Thế là, tôi bàn với ông xã mở một góc quán nhỏ, để (chúng) tôi có thể ngày ngày pha trà, trò chuyện với khách quan tâm đến trà, để đưa một chút, dù chỉ một chút, không khí dễ chịu từ những nương trà về với phố thị.  

Tearista có vẻ như là một nghề mà phụ nữ chiếm nhiều lợi thế hơn hẳn nam giới?

Trước đây thì có lẽ đúng vậy. Trong văn hóa thưởng thức trà Á Đông, chúng ta hẳn đã quen với hình ảnh người phụ nữ duyên dáng trong bộ trang phục truyền thống, tỉ mẩn nhóm lò đun nước, sắp chén bày ấm, rót nước pha trà… Sự dịu dàng, thanh nhã của người phụ nữ rất phù hợp với việc pha trà. 

Dù vậy, ngày nay chúng ta có thể gặp rất nhiều người pha trà (Tearista) là nam giới, và họ cũng bộc lộ nhiều ưu điểm riêng so với nữ giới. Chẳng hạn, đa số nam giới sẽ có tinh thần vững vàng, ít xao động về mặt cảm xúc hơn, nên quá trình pha trà tại quán cũng vì thế được ổn định và chuyên nghiệp hơn.

Cá nhân tôi thì nghĩ rằng Tearista là nghề không cần sự phân biệt về giới tính. Mỗi quán trà (Tea house) lại có một ngôn ngữ, cá tính riêng; theo đó thì tính chất của Tearista trong mỗi quán cũng sẽ có sự sai khác. Có những quán trà thiên hẳn về sự nữ tính, nên các Tearista thường sẽ là người nữ. Có những quán trà trung tính hơn, thì họ sẽ chọn Tearista bao gồm cả nam và nữ. 

Cuối cùng thì, chất lượng của chén trà mà ta uống, vẫn quan trọng hơn người pha trà cho ta thuộc giới tính nào phải không?

Chị nghĩ điều gì là khó khăn nhất với Tearista?

Điều khó nhất đối với nghề này có lẽ chính là số lượng quán trà ở Việt Nam vẫn còn ít quá. Người Việt có thói quen uống trà đá vỉa hè, có thể nhận những ly trà miễn phí khi vào nhà hàng, quán ăn, có thể order trà sữa mỗi buổi chiều ở công sở… nhưng rất ít khi nghĩ đến việc tới một quán trà để gọi một ấm trà.

Một khó khăn nữa là ở Việt Nam chưa có trường đào tạo chuyên sâu về trà (cà phê thì đã có rồi). Vậy nên những người mong muốn tìm hiểu và làm nghề như tôi vẫn luôn phải cặm cụi một mình, tự thân vận động. Việc tìm nguồn tài liệu hay gặp gỡ những chuyên gia về trà cũng không phải việc dễ dàng gì. 

Chúng tôi bắt đầu bằng một việc cơ bản, đó là uống càng nhiều trà càng tốt. Hễ biết được thương hiệu nào trong nước và quốc tế có trà tốt, chúng tôi đều tìm đến, uống thử, trò chuyện và tìm hiểu thêm các thông tin về giống trà, thổ nhưỡng khí hậu, lối canh tác, phương cách chế biến…  Chúng tôi tự dịch hoặc nhờ bạn bè dịch giúp một số đầu sách bằng tiếng Anh và tiếng Trung để nắm bắt các kiến thức về trà trên thế giới. Sẽ rất khó để pha ngon tất cả các loại trà, nếu thiếu đi kiến thức nền tảng và nhiều năm tháng rèn luyện kỹ năng pha trà. 

Chứ không phải việc khó nhất là vừa đón khách, vừa pha trà, và chia sẻ với khách bao điều quanh lá trà – để họ hiểu và yêu hơn thức uống họ đang dùng? Công việc này trông có vẻ thanh tao nhàn nhã, nhưng tôi thấy khi đứng sau quầy bar, cùng một lúc bộ não phải xử lý rất nhiều thứ phải không? 

À, việc đó thì cũng khó đấy. Có những hôm, quán đông khách quá, tôi vui nhưng cũng cảm thấy rất mệt. Có những hôm, tôi gặp những vị khách không có thiện chí lắm, họ đến không phải vì trà mà có mục đích khác. Có những hôm, thể trạng của mình không đảm bảo được việc tiếp đón và pha trà nhiều lượt khách liên tục, tôi gần như kiệt sức. Những lúc đó, tôi đã nghĩ rằng: “Sao phải khổ như thế này nhỉ? Nếu thích uống trà, thì chỉ việc tự uống trà với nhau là được.”

Nhưng bạn biết không, có lúc tôi ngồi xuống chiếc ghế bên quầy bar, uống một tuần lục trà Shan Mường Khương, Lào Cai, tự nhiên tôi thấy cảm động quá. Những nốt hương nấm mỡ, măng tây này, mùi khói thơm lảng bảng này, chúng đáng quý và đáng mến quá. Tôi thật tâm muốn nhiều người khác cũng nếm được, thấy được các hương – vị diệu kỳ này.

Thế là tôi cứ làm tiếp. Không chỉ đón khách đến quán uống hàng ngày đâu. Tôi còn mở những buổi trải nghiệm trà chuyên sâu hơn, để được kể về từng loại trà đến từ những vùng đất khác nhau, kể về Tà Xùa, Y Tí, Mộc Châu… Kể về cách làm bạch trà thì khác gì lục trà, hồng trà. Kể về trà lên men, kể về bánh trà 20 năm tuổi, về trần bì 10 năm tuổi. Nói với nhau về những nốt hương – vị của hoa rừng, quả chín, mùi nấm, mùi gỗ mộc, đất ẩm, mùi rau má, lá trầu không, mùi đào tươi, mùi xoài, mùi hoa trắng li ti trắng cây mỗi độ xuân về…

Những điều ấy, nếu bạn chỉ mới uống trà thì hơi khó nhận ra một chút. Nhưng nếu có người đã uống nhiều hơn trao đổi cùng bạn, khơi gợi cùng bạn, thì sẽ là một trải nghiệm thực sự tuyệt vời. 

Còn những đêm thiếu ngủ thì sao?

Ít thôi, nhưng vẫn có. Thỉnh thoảng, khi tôi uống nhiều trà quá *cười*. Hoặc những đêm tôi ngồi với một ấm trà kề bên, để sáng tác thơ văn cho cá nhân mình. Hoặc, có những đêm tôi nghĩ xem, làm thế nào để trải nghiệm uống trà của mọi người trở nên thú vị và hấp dẫn hơn. Làm thế nào nhỉ, để mọi người thích đến quán trà hơn. Làm thế nào nhỉ, để Tearista cũng có thể trở thành một nghề rất phổ biến, như Barista hay Bartender.

Khi đó, nếu mọi người rủ nhau đi đâu đó, thay vì chỉ là “Cà phê không?”, chúng ta cũng có thể hỏi nhau “Uống trà không?”. Và câu trả lời sẽ là “Có”. 

Hôm nay ta đi uống Hồng trà Shan Tuyết nhé?

Đi!

Bài phỏng vấn được đăng trên tạp chí Đẹp số 273, tháng Tư năm 2023.

Một vài hình ảnh:

viết trong kỳ nghỉ dài,

Tôi bắt đầu kỳ nghỉ lễ của mình bằng việc xác định rằng mình sẽ không nghỉ. Vì đã xác định như thế, nên về cơ bản tôi thấy dễ chịu hơn nhiều. Chúng tôi vẫn mở quán trà, để đón những vị khách không muốn dời thành phố này đi đâu, thì đến đây uống trà, cùng chúng tôi.

Đợt này, chúng tôi về thêm mấy loại trà mới. Thích quá, mang ra thử luôn. Một trong những hoạt động thú vị nhất ở quán trà, là lôi ra một cái túi giấy chưa từng được bóc, rồi bắt đầu thử với nhau.

Hương khô đây, thấy gì. Thức trà nhé, bắt đầu với 94 độ xem sao, 10 giây. Được rồi, hương ướt nào. Nước một, nước hai, nước ba. Có người thấy, như một vốc quả khô trong tay, một loài hoa gì đó màu vàng – thứ hoa mà hay vương lên tóc. Một loại trà khác, mùi như tiêu xanh mới hái, như canh bí đao mùa hè. Một loại trà khác, như mùi thịt bò khô.

Đấy là những lần đầu tiên, trước khi những cảm giác này trở nên quen thuộc, vào những lần uống tiếp theo. Được đi qua những cái đầu tiên với nhau bao giờ cũng quý quý.

Tôi có những công việc bàn giấy khác, cần phải tranh thủ làm trong kỳ nghỉ, nếu không muốn sau mấy ngày nghỉ nó trở thành một tảng đá lớn đè sụn lưng mình. Nhưng tôi làm thong dong. Vừa làm vừa uống từng chén trà một.

Hoặc tôi đọc một cuốn sách, mà nếu không nhờ em Vy vô tình mang đến quán, chắc tôi chẳng bao giờ đọc. Cái cuốn không biết gọi là gì, hoặc như tác giả tự gọi, là tiện bút – một thứ khá gần với tuỳ bút, nhưng ẩn hơn. Cái cuốn, làm tôi khá là nhớ về Hà Nội và cái khu tập thể đã nuôi tôi lớn. Nỗi buồn len lỏi và ken chặt của thành phố đấy. Cảm giác của blog 360 hồi xưa.

Hoặc, tôi trở về nhà, ngồi trong bếp và đợi một nồi canh ninh chậm. Những thành viên trong gia đình chúng tôi, sống bằng cơm, muối vừng và những nồi canh ninh chậm. Bọn trẻ con nhà chúng tôi đã lớn lên như thế.

Tôi phát hiện ra là những thứ ta bắt gặp từ ấu thơ sẽ đóng đinh và xác quyết cuộc đời ta, dù ta có muốn hay không. Chúng đơn thuần là cứ ở đây, dù sau bao nhiêu năm nữa, cứ ở đấy. Như đám lục bình trôi trên mặt hồ phía sau nhà tôi, dù chúng có trôi như thế nào, bao giờ tôi cũng thấy chúng ở đấy.

Ở trước quán chúng tôi có một cây chùm ngây – cái cây chùm ngây to lớn nhất trong đời mà tôi từng nhìn thấy. Và do đó, nó đã ra hoa – lần đầu tiên có một cái cây chùm ngây cho tôi biết rằng hoa của nó trông như thế nào, thường thì tôi chỉ nhìn thấy lá, trước khi tuốt nó vào nồi canh.

Tôi viết những dòng này để ghi dấu một quãng quan trọng trong cuộc đời mình. Nó quan trọng, bởi vì nó hàm chứa một hiểu biết quan trọng của tôi về mong muốn với cuộc đời.

Tôi không mong muốn gì cả. Những mong muốn đến với tôi một cách tự nhiên. Như lúc tôi ăn một thìa canh củ cải, và tôi biết đây là cuộc đời mà tôi muốn. Tôi uống một ấm trà lục bảo trần bì, và tôi biết là tôi muốn uống nó mãi. Tôi đi dạo trong công viên vào buổi tối. Tôi làm việc hơn mười lăm tiếng một ngày. Tôi buộc tóc cho con gái vào buổi sáng và nghe nó kể chuyện do nó nghĩ ra vào mỗi buổi tối, tất cả các tối. Tôi có một đôi bốt rất đỉnh, nó cao đúng mức như tôi muốn và có khoá kéo.

Ý tôi là, những chi tiết này, vấn đề không phải nó dễ chịu hay khó chịu, mà là nó xảy ra và tôi biết đây đúng là cuộc đời tôi rồi. Bạn sẽ hoang mang phết khi sống trong một cuộc đời mà không biết đây là cuộc đời ai. Ta đang làm cái quỷ gì đây.

Tôi cũng không biết mình đang làm cái quỷ gì đâu *cười*. Nhưng mỗi cái tôi làm, mỗi cái xảy ra, ý tôi là nó luôn đúng, dù nó không theo ý tôi muốn. Ví dụ như chồng tôi không cho tôi ăn thêm bánh chocopie, nhưng đấy vẫn là một điều đúng. Thỉnh thoảng anh ấy sẽ nhượng bộ cho tôi mua kẹo chocolate, và đấy lại là một cái đúng khác.

Thế đấy, sống trong một cuộc đời đúng là của mình rồi, cũng là một dạng phần thưởng.

Nhược Lạc

viết cái này ra, để nhớ thôi chứ không gì…

Có lần nghe một người chị nói, rằng đến một thời điểm chị quyết định thôi nghèo, bởi vì chị gặp được người giỏi quá. Chị muốn mời người ta về quá, mà không có tiền để trả.

Tôi cũng đã được trải qua cảm giác này.

Hồi có con, tôi cũng đã quyết định thôi nghèo. Nghe thì buồn cười, nhưng đúng là như vậy. Từ đó đến nay, tôi đã bớt nghèo đi rất nhiều rồi, dù ở mức giàu thì còn lâu lắm. Nhưng từ một người không có mấy nhu cầu trong đời sống, nên làm mọi thứ rất làng nhàng, tôi đã biết thế nào là buộc phải cố gắng, đến tận hạn mức cuối cùng.

Cũng không biết như thế có phải là tốt không, nhưng nhờ vậy mà tôi giỏi lên rất nhiều. Vì giỏi lên rất nhiều, tôi có cơ hội được tiếp xúc và cộng tác với rất nhiều người giỏi.

Cảm giác đó rất là sung sướng. Ý tôi là, những người thật sự giỏi ấy. Không phải người tưởng mình giỏi.

Nhưng đồng thời, tôi cũng buộc phải trải qua nỗi buồn của việc gặp được những người rất giỏi, song không đủ tài chính để mời được họ. Hoặc, đã mời được họ, nhưng hiểu rằng thứ hiện tại ta đang gửi họ, chưa thật xứng đáng với tài năng này. Đó lại là, một nỗi buồn khác.

Cái ngày tôi gặp người như thế, tôi đã buồn xiết bao. Tôi đã ước mình, hoặc công ty mình, hoặc dự án mình đang theo, có đủ tầm vóc để trả cho những con người này, một mức thật sự xứng đáng.

Đôi khi, à hoặc là rất nhiều khi, tôi đành gom thêm những thứ mà tôi có, chủ yếu là tình cảm, để dành cho họ. Song, tôi cũng ý thức được rằng, tài chính vẫn là yếu tố cốt lõi, thực tế tác động đến đời sống cá nhân một người. Nếu ta thương quý ai đó mà chỉ thương bằng miệng, thì ai mà không làm được.

Nên tôi rất biết ơn những người sẵn lòng hỗ trợ tôi, đồng hành cùng tôi, dù lúc đó họ chưa thực sự nhận được sự ghi nhận xứng đáng bằng tài chính. Nhưng họ vẫn làm, vì thương quý, vì mong học, vì mong giúp, vì cảm mến con đường mà (chúng) tôi đang đi. Đó cũng là, một dạng phước báu.

Còn những tài năng quý đã vuột qua tay, tôi tiếc đấy nhưng mà rất hiểu. Nên chỉ tiếc một chút thôi, và vẫn thương yêu, cầu chúc nhau nhiều tốt đẹp trên hành trình đi tới.

Được nhìn thấy nhau, đã là một điều quý trên đời.

Nhược Lạc

những kết nối chất lượng

Nếu như được ở một mình là một nhu cầu cơ bản của con người, thì được kết nối – lại là một nhu cầu cơ bản khác. Tôi nghĩ rằng, ngay cả những người hướng nội nhất, cũng cần có những kết nối giữa người với người. Quan trọng là, những kết nối đó – cần phù hợp và chất lượng.

Hồi tôi còn nhỏ, dường như mọi kết nối đều xuất hiện theo cách người khác muốn, thay vì tôi muốn. Và một phần lớn nguyên nhân đến từ giao diện kém thân thiện của tôi, nên đa số các kết nối mà tôi có – đều đi đến kết cục thê thảm.

Nếu không phải là người khác chán nản và mệt mỏi, thì chính tôi cũng chán nản và mệt mỏi với những cuộc gặp gỡ theo công thức – mà cả hai bên, ngay từ ánh mắt đầu tiên, đã biết rằng ta không hợp nhau.

Sau này tôi biết được rằng, theo thời gian, và nhờ sự chuyển hóa từ những người thân quý, mà giao diện của tôi ngày càng dễ chịu và thân thiện hơn. Nhưng tôi nghĩ một nguyên nhân khác, còn đến từ việc tôi đã bắt đầu lớn, và được quyền chọn, hay chịu trách nhiệm cho những kết nối của đời mình.

Tôi may mắn có được những kết nối tốt ngay từ công việc của mình, và chị sếp cũ của tôi từng nói: thực ra, em đã “chọn” may mắn đó. Nghĩa là, chị giải thích, nếu em bước vào một nơi đầy toxic, và em “ngửi” thấy mùi đó, nhất định em sẽ quay ra ngay. Bởi vì em không chịu nổi đâu.

Quả là, tôi không chịu nổi. Mỗi lần “ngửi” thấy mùi drama ở đâu đó, tôi bèn nhấc mình đứng dậy. Tôi phải dời đi trước khi những sự rắc rối mờ mịt do con người tự tạo ra ấy, ám vào đời tôi. Bởi vì, nó là những thứ sẽ nuốt chửng toàn bộ năng lượng của mình, mà cần rất nhiều thời gian (ở một mình) mới có thể hồi phục được.

Tôi có thể làm việc ở cường độ cao, chứ không thể chạy theo giải thích và giải quyết các vấn đề thuộc về tin đồn hay phe phái cho nổi. Điều ấy không có nghĩa, những người thích điều ấy – là xấu! Tôi nghĩ mỗi người sẽ có cách sống và hành xử riêng, phù hợp với thế giới quan của mình.

Một chuyện tế nhị khác, đó là có những người rất rất tốt, họ không làm gì sai cả, nhưng mỗi lần ở bên họ, tôi đều rất mệt. Điều này thật ra rất khó giải thích. Giống như khi bạn nói bạn không thể ăn sầu riêng, thì một người thích ăn sầu riêng sẽ không thể hiểu được. Áp dụng với trứng vịt lộn cũng thế, chocolate cũng vậy, lòng gà, sa tế, mì cay 7 cấp độ…

Tôi chỉ là một người thích ăn gỏi đu đủ không cay. Rất nhiều người đã nói với tôi là cái này phải ăn cay mới ngon, hoặc ăn ít ít cay thôi cũng được. Nhưng vì tôi không thể ăn và cảm nhận được vị ngon của “cay” – nên điều ấy với tôi là vô nghĩa.

Cách giải quyết cho những chuyện này, theo tôi, đơn giản là chấp nhận sự khác biệt của mỗi người, sự phù hợp hoặc không phù hợp ở những mối quan hệ. Không ghét nhau, nhưng không cần phải ở bên nhau, hoặc không nên ở quá gần nhau. Không phù hợp với ai hoặc điều chi, thì chỉ rời đi mà không cần nói thêm gì về người ấy, nơi ấy. Vẫn giữ sự tôn trọng dành cho nhau, nhưng cũng tôn trọng chính mình, hiểu cho sự mệt mỏi của mình nếu phải gặp nhau. Khi mệt, cứ nói là mệt.

Không biết trên đời có kiểu người phù hợp với tất cả mọi người không? Thỉnh thoảng tôi cũng gặp những người thực sự rất rất dễ chịu, họ đối xử tốt với tất cả mọi người. Nhưng khi tôi hỏi họ có thấy mệt không, thì họ vẫn rất mệt. Và như thế, ta cũng cần phải đối xử tốt với chính ta nữa.

Vì có rất nhiều cách để yêu thương nhau trên đời này, một trong số đó, là hiểu rằng ta không phù hợp để ở cạnh nhau. Và nếu thế, thì rời đi cũng là một cách thương thật đẹp.

Nhược Lạc

lions sleep for 20 hours a day

“Did you know that lions sleep for 20 hours a day? They eat a fifth of their body weight in just one meal – so they can spend less time eating, and more time zzzzing.

Food is also important for animals closer to you. In winter, snow makes it hard for deer to find food. So they eat lots in autumn to save up energy. To help them, take some chestnuts to a wildlife park near you. Perfect deer snacks.”

Đó là những dòng được in trên bao bì của một loại bánh mà tôi rất thích ăn hàng ngày. Họ in chúng to, rõ ràng, ở một vị trí đáng ra sẽ dành cho những câu kiểu như “Bánh của chúng tôi được làm bằng tất cả tình yêu thương, với nguyên liệu tươi sạch…” Vậy mà, họ lại chỉ viết:

“Bạn có biết rằng sư tử ngủ 20 tiếng một ngày không? Chúng sẽ ăn một bữa thiệt bự, chiếm tới 1/5 trọng lượng cơ thể – rồi sau đó chúng sẽ có nhiều thời gian hơn để ngủ nướng…” Và cả “Hãy mang theo một số hạt dẻ đến công viên, số đó có thể trở thành bữa ăn vặt hoàn hảo cho những chú hươu…”

Thật là một kiểu nội dung khiến lòng người cảm động!

Hay như một tiệm bánh ở Hàn Quốc mà tôi có lần biết tới. Bên ngoài vỏ hộp bánh màu trắng tinh, người chủ sẽ viết lên đó một đoạn thơ hay đôi lời hát nhỏ mà chị yêu thích. Chỉ vậy thôi. Mỗi ngày, với mỗi người, tùy theo cảm hứng của chị, chị lại viết những lời khác nhau.

Tôi cố gắng làm một điều tương tự như thế, ở tiệm trà của mình. Với mỗi loại trà chúng tôi quyết định giới thiệu đến bạn, tôi sẽ đặt cho chúng một cái tên, và viết một bài thơ ngắn.

Như lục trà rang thơm – chúng tôi gọi là Củi, sẽ có bài thơ là “lộp cộp chân đi/ li ti đốm sáng/ củi nhà thắp rạng/ đón người thân xa/ nơi đây là, nhà”

Hay như búp trà rừng – chúng tôi gọi là Mây, sẽ có bài thơ là “chưa lên non cao/ ngắm hoa mận nở/ mây trôi xuống phố/ chở về miền thương”

Và như oolong Mộc Châu – chúng tôi gọi là Đỏ, sẽ có bài thơ là “ngọt mật trái chín cây/ hái trên gò má đỏ/ có câu thơ để ngỏ/ ba phần tư sáng tươi/ cất trong ngày đi tới/ sẽ mừng vui, sẽ vui”

Có đôi lần, tôi được hỏi vì sao lại làm khó khách hàng như thế, sao không để các nội dung thực tế hơn ở phía trước bao bì. Nhưng tôi xin thú nhận rằng, tôi muốn bạn tiếp cận với một hộp trà, trước nhất, bằng một bài thơ.

Kế đó, là một lời nhạc (thông qua đoạn mã Spotify trên nắp). Rồi sau đó nữa, khi đã mở vào, mới là một số thông tin thật ngắn gọn về nguồn gốc, loại trà hay gợi ý cách pha. Gọi là gợi ý, vì không dám đưa ra một công thức chuẩn chỉnh đóng khung. Chỉ muốn là những con số gợi mở, để rồi bạn được tùy chỉnh về lượng nước, lượng trà, hay thời gian ủ, theo đúng khẩu vị trà của mình.

Cũng như, túi bánh mà tôi vẫn thường ăn, có thể khiến một vị khách quen lâu lâu lại bỏ hạt dẻ vào trong túi, hay là, một phiên bản Việt Nam hơn, một chút gạo, hạt cho lũ chim sẻ bên hiên nhà.

Cho vui.

Nhược Lạc