không phải giấc mơ,

Trong những giai đoạn khó khăn nhất của công việc, sếp tôi nói: “có đêm chị đi ngủ và mong sáng hôm sau thức dậy, tất cả chỉ là một giấc mơ, và các vấn đề biến mất.”

Nhưng rồi sáng hôm sau thức dậy, không có thứ gì biến mất cả. Các vấn đề vẫn còn nguyên, và ta phải xắn tay áo lên, giải quyết từng việc một.

Tôi cũng có nhiều buổi sáng như thế, và dù chỉ trong giây lát thôi, tôi vẫn muốn được quay lại làm một em rất bé. Em bé sẽ khóc khi vấn đề xảy ra, và sẽ có người rất lớn nào đó thay em giải quyết. Nhưng vì tôi đã thành người lớn, nên tôi đành ngồi lại với vấn đề của mình.

Bỏ chạy bao giờ cũng là phương án đầu tiên và dễ nhất có thể nghĩ đến. Tôi bỏ chạy nhiều rồi tôi biết. Dù là chuyện tình cảm hay công việc, có biến thì cứ bỏ đi là xong. Chỉ có điều, sao mà bỏ đi mãi được.

Khi quyết định không bỏ chạy, mà đứng lại, thì việc đau đớn đầu tiên là phải chấp nhận rằng cái khối vấn đề này là do mình gây ra. Có những vấn đề hoàn toàn do mình, có cái do mình một phần to, có khi là phần nhỏ – nhưng bao giờ ta cũng góp phần biến nó trở thành một vấn đề. Chấp nhận được chuyện này là điều rất khó, dù có khi chỉ là cái chấp nhận âm thầm diễn ra trong tâm tưởng. Nhận sai, thực sự biết sai, không dễ dàng như câu “xin lỗi”. Thấy khó, biết khó, không bỏ, mà gỡ dần dần – đó là thái độ của kiểu người lớn mà tôi muốn trở thành, muốn ở bên cạnh.

Nhìn nhận đúng cốt lõi vấn đề rồi, thì phải lên kế hoạch để giải quyết nó. Từng bước một. Cái gì tự xử lý được, cái gì phải nhờ cậy người khác. Cái gì làm cho nó tốt lại được, cái gì không – chấp nhận là không, và điều chỉnh nó thành mức ít tệ nhất có thể.

Toàn bộ quá trình này không thoải mái, dễ dàng gì, nếu không muốn nói là cực kỳ khó chịu. Song, vẫn có một món quà mà nó mang đến.

Là cái cảm giác sau khi gỡ xong một chuyện rối tơ vò, tôi ngồi xuống, trước một hiên nhà đầy gió. Có cái gì rất nhẹ nhõm trong tôi, mà không thể nói ra hay chia sẻ với ai được. Cái giây phút nhẹ bẫng đó, chỉ một mình tôi cảm thấy được.

Nó rất là dễ chịu.

Sự dễ chịu không đến từ việc bỏ đi ngay từ đầu, không đến từ việc tránh khỏi cái khó chịu. Mà, nó đến từ việc ta đứng lại, ngồi xuống, đối đầu với cái khó chịu ấy. Và đi qua nó.

Một người lớn thì không lẩn mất khỏi vấn đề do mình gây ra. Họ ở lại, và đi qua.

Nhược Lạc

Advertisement

vấn đề của việc có con, là…

“Vấn đề lớn nhất của việc có con, theo em là gì?”

Một người chị hỏi tôi như thế trong một cuộc chuyện phiếm. Tôi nói, có lẽ là việc chị luôn phải quyết định sẽ chọn điều gì. Nếu chị chọn hiện tại – nghĩa là thời gian ở bên con, đồng nghĩa với việc chị có thể đang bớt một phần tương lai của nó. Nếu chị chọn tương lai – nghĩa là chị làm việc nhiều hơn, nỗ lực nhiều hơn, đồng nghĩa với việc chị đang tước bớt hiện tại của nó.

Vấn đề của chuyện này là, thực ra rồi chị cũng chẳng chọn được cái gì cả. Chị sẽ luôn phải cố gắng nhiều hơn trong công việc, tích lũy tài sản, để chăm lo cho cuộc sống cả hiện tại và tương lai của gia đình, của đứa nhỏ chị đã sinh ra. Chị cũng luôn đau đáu về thời gian và sự chú tâm dành cho nó, rồi rất nhanh thôi, chị sẽ nhận ra là bao nhiêu thời gian cũng không đủ.

Luôn luôn, sẽ có những tối chị trở về nhà, khi bọn trẻ con đã ngủ, chị chưa kịp nghe chúng nó kể chuyện gì của ngày hôm nay, chúng nó chưa kịp ôm chị trước khi đi ngủ. Luôn luôn, sẽ có những lúc, chị nghĩ rằng sẽ xin nghỉ việc vài ngày, rồi đưa chúng nó đi du lịch, đi đâu đó chơi, và cái ý nghĩ đó cứ bị trì hoãn mãi bởi những dự án mới lại đâm chồi nảy lộc…

Giải pháp của chuyện này là, thực ra cũng không có giải pháp gì cả. Chúng ta rồi sẽ luôn cố gắng làm tốt nhất trong khả năng của mình thôi. Hồi bé anh bị nhốt ở nhà suốt, chồng tôi nói, tất nhiên bố mẹ anh cũng đâu muốn vậy, nhưng đó là điều tốt nhất họ có thể làm rồi. Hồi mười tuổi, tôi cứ tan học là ra chợ để mua về từng cân gạo một (vì mua nhiều một lúc không vác được), và học cách nấu canh chua sấu sườn bằng việc hỏi cô bán rau và chú bán thịt, và khóc ướt gối trong lần đầu tiên phải ở nhà một mình trông nhà. Chúng ta sẽ luôn ước cha mẹ mình có nhiều thời gian hơn cho mình. Và nếu họ lại có cả nhiều tiền hơn để giúp mình thực hiện ước mơ thì tốt quá.

Nhưng họ cũng chỉ có thể làm tốt nhất trong khả năng của họ. Và riêng việc cố gắng làm tốt nhất trong khả năng đấy, đã là minh chứng rõ ràng nhất cho tình yêu thương rồi.

Tôi ngồi ăn trái cây với bọn trẻ con sau bữa tối, rồi tôi nói: thế này nhé, mẹ mệt lắm rồi. Nên chúng ta sẽ chơi thêm năm phút nữa thôi, rồi con sẽ tự lên học bài, còn mẹ sẽ đi ngủ. Lát nữa con tự ngủ, được chứ? Bọn trẻ con gật đầu, và chúng đã làm đúng thế.

Như con bé con đã nói với tôi trong một khúc hát giữa đêm, rằng “mẹ yêu mẹ nữa, rồi mẹ yêu con”. Tôi sẽ cố gắng thêm một chút, chồng tôi cũng vậy, bọn trẻ con cũng vậy. Vì chúng ta là một gia đình, nên thật khó để riêng ai đó cứ phải cố gắng hết mình. Chúng ta sẽ dành thời gian cho nhau khi có thể, và khi không thể, ta sẽ tự chăm sóc mình tốt nhất có thể.

Vấn đề lớn nhất của việc có con, là sinh con rồi mới sinh cha (mẹ), sinh cháu trong nhà rồi mới sinh ông (bà). Đều là những con người mới, lần đầu được sinh ra trong đời, việc học những bài đầu tiên với nhau, thật là khó. Song cũng thật là đáng.

Nhược Lạc

để tạo nên một điều dễ chịu

Để tận hưởng một sự dễ chịu, bạn chỉ cần dễ chịu. Nhưng để tạo ra một điều dễ chịu, bạn cần nhiều hiểu biết, kỹ năng, tính kỷ luật, trách nhiệm, khả năng tư duy, khả năng làm việc độc lập – làm việc nhóm, và khả năng… chấp nhận cả những điều không hề dễ chịu.

Trong bộ phim Kungfu Panda, chú gấu Po ục ịch hàng ngày chỉ tập trung phụ ba làm bếp, nấu nướng dọn dẹp và tiếp đón khách – bỗng một ngày trở thành siêu anh hùng, chuyên tâm tu luyện võ thuật. Có câu nói vui rằng, cậu được như vậy là nhờ những năm tháng khổ luyện trong…. ngành dịch vụ.

Chỉ là lời nói vui, nhưng tôi thấy cũng thật đúng. Có cơ hội làm việc sát sườn với các anh chị, các bạn trong ngành F&B, tôi càng hiểu và thêm khâm phục với khả năng làm việc với cường độ cao, áp lực cao, không hề ngơi nghỉ của họ.

Làm dịch vụ, nghĩa là ngày lễ tết, người khác nghỉ thì bạn đi làm. Khi người khác ngồi bàn máy, phòng điều hòa mát rượi, thì bạn bưng bê đủ thứ, hết lượt này tới lượt khác. Khi người khác ngồi thảnh thơi dùng một bữa ăn, hay uống ly nước, thì bạn phải bao quát toàn không gian, để tâm đến từng vị khách – họ đang cảm thấy như thế nào, mình cần rót thêm nước lọc cho họ, hay mở thêm chiếc quạt hướng về phía họ, hay nên chỉnh lại nhiệt độ phòng cho phù hợp. Làm dịch vụ, nghĩa là, dù bạn có mệt mỏi, dù bạn đang buồn, đang khổ trong lòng – thì nụ cười vẫn phải nở trên môi, sự ân cần của bạn không được biến mất.

“Em thấy không khí ở nơi này rất dễ chịu, nên em nghĩ mọi người làm việc trong đây hẳn sẽ rất chill và thoải mái” – là một ảo tưởng lớn. Càng những nơi cung cấp dịch vụ dễ chịu cho khách hàng, áp lực cho những người tạo nên và duy trì nơi đó, càng lớn.

Nói như thế, không phải để kể khổ, mà là để khâm phục, từng anh chị em mà tôi vẫn gặp ở nhà hàng, ở quán cafe, quán trà, mỗi ngày. Mỗi khi cảm thấy rằng công việc của mình đang vất vả quá (nhất là mấy lúc chạy dự án đây), tôi lại nghĩ đến họ, và như kiểu có thêm động lực.

Các anh chị em – những người xuất hiện trước khách hàng mỗi ngày, còn có thể cố gắng đến mức đó. Thì mình – một người đứng phía sau, phải cố gắng đến mức nào, để công sức của họ không đổ xuống sông xuống bể.

Và để, mỗi lần đi tới một hàng quán nào đó, cũng tự biết phải dịu dàng và lịch sự hơn, và thông cảm hơn – cho những người đang làm dịch vụ, và cố gắng mang đến sự dễ chịu cho mình, mỗi ngày. Mỗi ngày.

Nhược Lạc

viết trong kỳ nghỉ dài,

Tôi bắt đầu kỳ nghỉ lễ của mình bằng việc xác định rằng mình sẽ không nghỉ. Vì đã xác định như thế, nên về cơ bản tôi thấy dễ chịu hơn nhiều. Chúng tôi vẫn mở quán trà, để đón những vị khách không muốn dời thành phố này đi đâu, thì đến đây uống trà, cùng chúng tôi.

Đợt này, chúng tôi về thêm mấy loại trà mới. Thích quá, mang ra thử luôn. Một trong những hoạt động thú vị nhất ở quán trà, là lôi ra một cái túi giấy chưa từng được bóc, rồi bắt đầu thử với nhau.

Hương khô đây, thấy gì. Thức trà nhé, bắt đầu với 94 độ xem sao, 10 giây. Được rồi, hương ướt nào. Nước một, nước hai, nước ba. Có người thấy, như một vốc quả khô trong tay, một loài hoa gì đó màu vàng – thứ hoa mà hay vương lên tóc. Một loại trà khác, mùi như tiêu xanh mới hái, như canh bí đao mùa hè. Một loại trà khác, như mùi thịt bò khô.

Đấy là những lần đầu tiên, trước khi những cảm giác này trở nên quen thuộc, vào những lần uống tiếp theo. Được đi qua những cái đầu tiên với nhau bao giờ cũng quý quý.

Tôi có những công việc bàn giấy khác, cần phải tranh thủ làm trong kỳ nghỉ, nếu không muốn sau mấy ngày nghỉ nó trở thành một tảng đá lớn đè sụn lưng mình. Nhưng tôi làm thong dong. Vừa làm vừa uống từng chén trà một.

Hoặc tôi đọc một cuốn sách, mà nếu không nhờ em Vy vô tình mang đến quán, chắc tôi chẳng bao giờ đọc. Cái cuốn không biết gọi là gì, hoặc như tác giả tự gọi, là tiện bút – một thứ khá gần với tuỳ bút, nhưng ẩn hơn. Cái cuốn, làm tôi khá là nhớ về Hà Nội và cái khu tập thể đã nuôi tôi lớn. Nỗi buồn len lỏi và ken chặt của thành phố đấy. Cảm giác của blog 360 hồi xưa.

Hoặc, tôi trở về nhà, ngồi trong bếp và đợi một nồi canh ninh chậm. Những thành viên trong gia đình chúng tôi, sống bằng cơm, muối vừng và những nồi canh ninh chậm. Bọn trẻ con nhà chúng tôi đã lớn lên như thế.

Tôi phát hiện ra là những thứ ta bắt gặp từ ấu thơ sẽ đóng đinh và xác quyết cuộc đời ta, dù ta có muốn hay không. Chúng đơn thuần là cứ ở đây, dù sau bao nhiêu năm nữa, cứ ở đấy. Như đám lục bình trôi trên mặt hồ phía sau nhà tôi, dù chúng có trôi như thế nào, bao giờ tôi cũng thấy chúng ở đấy.

Ở trước quán chúng tôi có một cây chùm ngây – cái cây chùm ngây to lớn nhất trong đời mà tôi từng nhìn thấy. Và do đó, nó đã ra hoa – lần đầu tiên có một cái cây chùm ngây cho tôi biết rằng hoa của nó trông như thế nào, thường thì tôi chỉ nhìn thấy lá, trước khi tuốt nó vào nồi canh.

Tôi viết những dòng này để ghi dấu một quãng quan trọng trong cuộc đời mình. Nó quan trọng, bởi vì nó hàm chứa một hiểu biết quan trọng của tôi về mong muốn với cuộc đời.

Tôi không mong muốn gì cả. Những mong muốn đến với tôi một cách tự nhiên. Như lúc tôi ăn một thìa canh củ cải, và tôi biết đây là cuộc đời mà tôi muốn. Tôi uống một ấm trà lục bảo trần bì, và tôi biết là tôi muốn uống nó mãi. Tôi đi dạo trong công viên vào buổi tối. Tôi làm việc hơn mười lăm tiếng một ngày. Tôi buộc tóc cho con gái vào buổi sáng và nghe nó kể chuyện do nó nghĩ ra vào mỗi buổi tối, tất cả các tối. Tôi có một đôi bốt rất đỉnh, nó cao đúng mức như tôi muốn và có khoá kéo.

Ý tôi là, những chi tiết này, vấn đề không phải nó dễ chịu hay khó chịu, mà là nó xảy ra và tôi biết đây đúng là cuộc đời tôi rồi. Bạn sẽ hoang mang phết khi sống trong một cuộc đời mà không biết đây là cuộc đời ai. Ta đang làm cái quỷ gì đây.

Tôi cũng không biết mình đang làm cái quỷ gì đâu *cười*. Nhưng mỗi cái tôi làm, mỗi cái xảy ra, ý tôi là nó luôn đúng, dù nó không theo ý tôi muốn. Ví dụ như chồng tôi không cho tôi ăn thêm bánh chocopie, nhưng đấy vẫn là một điều đúng. Thỉnh thoảng anh ấy sẽ nhượng bộ cho tôi mua kẹo chocolate, và đấy lại là một cái đúng khác.

Thế đấy, sống trong một cuộc đời đúng là của mình rồi, cũng là một dạng phần thưởng.

Nhược Lạc

viết cái này ra, để nhớ thôi chứ không gì…

Có lần nghe một người chị nói, rằng đến một thời điểm chị quyết định thôi nghèo, bởi vì chị gặp được người giỏi quá. Chị muốn mời người ta về quá, mà không có tiền để trả.

Tôi cũng đã được trải qua cảm giác này.

Hồi có con, tôi cũng đã quyết định thôi nghèo. Nghe thì buồn cười, nhưng đúng là như vậy. Từ đó đến nay, tôi đã bớt nghèo đi rất nhiều rồi, dù ở mức giàu thì còn lâu lắm. Nhưng từ một người không có mấy nhu cầu trong đời sống, nên làm mọi thứ rất làng nhàng, tôi đã biết thế nào là buộc phải cố gắng, đến tận hạn mức cuối cùng.

Cũng không biết như thế có phải là tốt không, nhưng nhờ vậy mà tôi giỏi lên rất nhiều. Vì giỏi lên rất nhiều, tôi có cơ hội được tiếp xúc và cộng tác với rất nhiều người giỏi.

Cảm giác đó rất là sung sướng. Ý tôi là, những người thật sự giỏi ấy. Không phải người tưởng mình giỏi.

Nhưng đồng thời, tôi cũng buộc phải trải qua nỗi buồn của việc gặp được những người rất giỏi, song không đủ tài chính để mời được họ. Hoặc, đã mời được họ, nhưng hiểu rằng thứ hiện tại ta đang gửi họ, chưa thật xứng đáng với tài năng này. Đó lại là, một nỗi buồn khác.

Cái ngày tôi gặp người như thế, tôi đã buồn xiết bao. Tôi đã ước mình, hoặc công ty mình, hoặc dự án mình đang theo, có đủ tầm vóc để trả cho những con người này, một mức thật sự xứng đáng.

Đôi khi, à hoặc là rất nhiều khi, tôi đành gom thêm những thứ mà tôi có, chủ yếu là tình cảm, để dành cho họ. Song, tôi cũng ý thức được rằng, tài chính vẫn là yếu tố cốt lõi, thực tế tác động đến đời sống cá nhân một người. Nếu ta thương quý ai đó mà chỉ thương bằng miệng, thì ai mà không làm được.

Nên tôi rất biết ơn những người sẵn lòng hỗ trợ tôi, đồng hành cùng tôi, dù lúc đó họ chưa thực sự nhận được sự ghi nhận xứng đáng bằng tài chính. Nhưng họ vẫn làm, vì thương quý, vì mong học, vì mong giúp, vì cảm mến con đường mà (chúng) tôi đang đi. Đó cũng là, một dạng phước báu.

Còn những tài năng quý đã vuột qua tay, tôi tiếc đấy nhưng mà rất hiểu. Nên chỉ tiếc một chút thôi, và vẫn thương yêu, cầu chúc nhau nhiều tốt đẹp trên hành trình đi tới.

Được nhìn thấy nhau, đã là một điều quý trên đời.

Nhược Lạc

những kết nối chất lượng

Nếu như được ở một mình là một nhu cầu cơ bản của con người, thì được kết nối – lại là một nhu cầu cơ bản khác. Tôi nghĩ rằng, ngay cả những người hướng nội nhất, cũng cần có những kết nối giữa người với người. Quan trọng là, những kết nối đó – cần phù hợp và chất lượng.

Hồi tôi còn nhỏ, dường như mọi kết nối đều xuất hiện theo cách người khác muốn, thay vì tôi muốn. Và một phần lớn nguyên nhân đến từ giao diện kém thân thiện của tôi, nên đa số các kết nối mà tôi có – đều đi đến kết cục thê thảm.

Nếu không phải là người khác chán nản và mệt mỏi, thì chính tôi cũng chán nản và mệt mỏi với những cuộc gặp gỡ theo công thức – mà cả hai bên, ngay từ ánh mắt đầu tiên, đã biết rằng ta không hợp nhau.

Sau này tôi biết được rằng, theo thời gian, và nhờ sự chuyển hóa từ những người thân quý, mà giao diện của tôi ngày càng dễ chịu và thân thiện hơn. Nhưng tôi nghĩ một nguyên nhân khác, còn đến từ việc tôi đã bắt đầu lớn, và được quyền chọn, hay chịu trách nhiệm cho những kết nối của đời mình.

Tôi may mắn có được những kết nối tốt ngay từ công việc của mình, và chị sếp cũ của tôi từng nói: thực ra, em đã “chọn” may mắn đó. Nghĩa là, chị giải thích, nếu em bước vào một nơi đầy toxic, và em “ngửi” thấy mùi đó, nhất định em sẽ quay ra ngay. Bởi vì em không chịu nổi đâu.

Quả là, tôi không chịu nổi. Mỗi lần “ngửi” thấy mùi drama ở đâu đó, tôi bèn nhấc mình đứng dậy. Tôi phải dời đi trước khi những sự rắc rối mờ mịt do con người tự tạo ra ấy, ám vào đời tôi. Bởi vì, nó là những thứ sẽ nuốt chửng toàn bộ năng lượng của mình, mà cần rất nhiều thời gian (ở một mình) mới có thể hồi phục được.

Tôi có thể làm việc ở cường độ cao, chứ không thể chạy theo giải thích và giải quyết các vấn đề thuộc về tin đồn hay phe phái cho nổi. Điều ấy không có nghĩa, những người thích điều ấy – là xấu! Tôi nghĩ mỗi người sẽ có cách sống và hành xử riêng, phù hợp với thế giới quan của mình.

Một chuyện tế nhị khác, đó là có những người rất rất tốt, họ không làm gì sai cả, nhưng mỗi lần ở bên họ, tôi đều rất mệt. Điều này thật ra rất khó giải thích. Giống như khi bạn nói bạn không thể ăn sầu riêng, thì một người thích ăn sầu riêng sẽ không thể hiểu được. Áp dụng với trứng vịt lộn cũng thế, chocolate cũng vậy, lòng gà, sa tế, mì cay 7 cấp độ…

Tôi chỉ là một người thích ăn gỏi đu đủ không cay. Rất nhiều người đã nói với tôi là cái này phải ăn cay mới ngon, hoặc ăn ít ít cay thôi cũng được. Nhưng vì tôi không thể ăn và cảm nhận được vị ngon của “cay” – nên điều ấy với tôi là vô nghĩa.

Cách giải quyết cho những chuyện này, theo tôi, đơn giản là chấp nhận sự khác biệt của mỗi người, sự phù hợp hoặc không phù hợp ở những mối quan hệ. Không ghét nhau, nhưng không cần phải ở bên nhau, hoặc không nên ở quá gần nhau. Không phù hợp với ai hoặc điều chi, thì chỉ rời đi mà không cần nói thêm gì về người ấy, nơi ấy. Vẫn giữ sự tôn trọng dành cho nhau, nhưng cũng tôn trọng chính mình, hiểu cho sự mệt mỏi của mình nếu phải gặp nhau. Khi mệt, cứ nói là mệt.

Không biết trên đời có kiểu người phù hợp với tất cả mọi người không? Thỉnh thoảng tôi cũng gặp những người thực sự rất rất dễ chịu, họ đối xử tốt với tất cả mọi người. Nhưng khi tôi hỏi họ có thấy mệt không, thì họ vẫn rất mệt. Và như thế, ta cũng cần phải đối xử tốt với chính ta nữa.

Vì có rất nhiều cách để yêu thương nhau trên đời này, một trong số đó, là hiểu rằng ta không phù hợp để ở cạnh nhau. Và nếu thế, thì rời đi cũng là một cách thương thật đẹp.

Nhược Lạc

lions sleep for 20 hours a day

“Did you know that lions sleep for 20 hours a day? They eat a fifth of their body weight in just one meal – so they can spend less time eating, and more time zzzzing.

Food is also important for animals closer to you. In winter, snow makes it hard for deer to find food. So they eat lots in autumn to save up energy. To help them, take some chestnuts to a wildlife park near you. Perfect deer snacks.”

Đó là những dòng được in trên bao bì của một loại bánh mà tôi rất thích ăn hàng ngày. Họ in chúng to, rõ ràng, ở một vị trí đáng ra sẽ dành cho những câu kiểu như “Bánh của chúng tôi được làm bằng tất cả tình yêu thương, với nguyên liệu tươi sạch…” Vậy mà, họ lại chỉ viết:

“Bạn có biết rằng sư tử ngủ 20 tiếng một ngày không? Chúng sẽ ăn một bữa thiệt bự, chiếm tới 1/5 trọng lượng cơ thể – rồi sau đó chúng sẽ có nhiều thời gian hơn để ngủ nướng…” Và cả “Hãy mang theo một số hạt dẻ đến công viên, số đó có thể trở thành bữa ăn vặt hoàn hảo cho những chú hươu…”

Thật là một kiểu nội dung khiến lòng người cảm động!

Hay như một tiệm bánh ở Hàn Quốc mà tôi có lần biết tới. Bên ngoài vỏ hộp bánh màu trắng tinh, người chủ sẽ viết lên đó một đoạn thơ hay đôi lời hát nhỏ mà chị yêu thích. Chỉ vậy thôi. Mỗi ngày, với mỗi người, tùy theo cảm hứng của chị, chị lại viết những lời khác nhau.

Tôi cố gắng làm một điều tương tự như thế, ở tiệm trà của mình. Với mỗi loại trà chúng tôi quyết định giới thiệu đến bạn, tôi sẽ đặt cho chúng một cái tên, và viết một bài thơ ngắn.

Như lục trà rang thơm – chúng tôi gọi là Củi, sẽ có bài thơ là “lộp cộp chân đi/ li ti đốm sáng/ củi nhà thắp rạng/ đón người thân xa/ nơi đây là, nhà”

Hay như búp trà rừng – chúng tôi gọi là Mây, sẽ có bài thơ là “chưa lên non cao/ ngắm hoa mận nở/ mây trôi xuống phố/ chở về miền thương”

Và như oolong Mộc Châu – chúng tôi gọi là Đỏ, sẽ có bài thơ là “ngọt mật trái chín cây/ hái trên gò má đỏ/ có câu thơ để ngỏ/ ba phần tư sáng tươi/ cất trong ngày đi tới/ sẽ mừng vui, sẽ vui”

Có đôi lần, tôi được hỏi vì sao lại làm khó khách hàng như thế, sao không để các nội dung thực tế hơn ở phía trước bao bì. Nhưng tôi xin thú nhận rằng, tôi muốn bạn tiếp cận với một hộp trà, trước nhất, bằng một bài thơ.

Kế đó, là một lời nhạc (thông qua đoạn mã Spotify trên nắp). Rồi sau đó nữa, khi đã mở vào, mới là một số thông tin thật ngắn gọn về nguồn gốc, loại trà hay gợi ý cách pha. Gọi là gợi ý, vì không dám đưa ra một công thức chuẩn chỉnh đóng khung. Chỉ muốn là những con số gợi mở, để rồi bạn được tùy chỉnh về lượng nước, lượng trà, hay thời gian ủ, theo đúng khẩu vị trà của mình.

Cũng như, túi bánh mà tôi vẫn thường ăn, có thể khiến một vị khách quen lâu lâu lại bỏ hạt dẻ vào trong túi, hay là, một phiên bản Việt Nam hơn, một chút gạo, hạt cho lũ chim sẻ bên hiên nhà.

Cho vui.

Nhược Lạc

bát cơm muối vừng

Có một thứ cảm giác dễ chịu mà mình hay nhớ về, mỗi khi người mệt mệt. Đó là hình ảnh mình ngồi co chân trên ghế, trong căn nhà tập thể khu Thành Công, đợi bạn trai mình rang vừng.

Anh rang rất từ tốn, vừng đen và lạc sẻ. Rang xong thì dùng một bộ cối và chày nghiền kiểu Nhật, gọi là Suribachi (擂鉢) và Surikogi (擂粉木), để nghiền lạc vừng. Mặc dù dụng cụ sử dụng khác nhau, nhưng hình ảnh đó vẫn làm mình nhớ đến ông ngoại – người hay mặc áo may ô trắng, quần đùi kẻ caro, và chậm rãi nghiền vừng ở phía sân sau – trong một căn hộ của khu tập thể Nguyễn Công Trứ.

Muối vừng ông làm, trong mắt mình luôn là thức muối vừng ngon nhất. Ngon nhì là muối vừng đen trong căn nhà tập thể Thành Công.

Bữa ăn gồm có cơm gạo xát dối thổi nóng với nồi gang, ăn kèm muối vừng lạc giã tay, và thêm một bát canh rau nóng hổi. Vậy thôi, mà lòng người mềm nhũn.

Ăn xong thì uống trà. Bắc nồi đun nước, sắp ấm bày chén, ngồi nghe tiếng reo liu riu rồi pha trà uống với nhau. Có lúc vừa uống trà vừa ăn kèm chút bánh, có khi chẳng cần gì. Có lúc cùng nhau xem một bộ phim, có khi tiện tay đọc một đoạn trong cuốn sách gần đó. Có lúc, chẳng cần làm gì, cứ ngồi yên thế, uống trà và nói đôi câu.

Đã có thời muốn sống in như thế và đừng khác đi. Đã có thời sung sướng với sự rảnh rang, và chưa bao giờ thấy buồn chán với nó. Đã có thời cây đậu ra trái, giàn thiên lý ra bông là một món quà sung sướng.

Bây giờ cả hai vợ chồng đều bận nhiều thứ quá, nhưng được thấy anh lại nghiền vừng, ninh canh… thì lại thấy vui – dù cái vui đã khác ngày xưa, cái vui đã hơi có tuổi và cột sống thì hơi bất ổn.

Song vẫn là một cái vui ấm cúng, của người trở về nhà nghe thấy hơi cơm rộn rạo lòng. Con cái ùa ra khoe hôm nay đi học biết thêm một bài ca dao mới. Và ăn cái gì cũng được, nhưng mà được ăn cùng nhau.

Nhược Lạc

chiếc hang riêng tư

Hôm bữa, em Tờ có nói một ý, rằng em có một nhu cầu lớn về việc được ở một mình. Có những lúc, không phải vì chuyện gì cả, chỉ là em muốn được ở trong phòng riêng, để ‘sạc pin’ cho chính mình. Nhưng người yêu em thì thấy rất khó hiểu và không thích chuyện đó, cứ hỏi là có chuyện gì buồn, sao lại không chịu nói ra…

Nghe tới đó, tôi gật gù quá.

Tôi nghĩ đa số mọi người đều có nhu cầu đấy, nhưng ở một số người, nhu cầu được-một-mình còn nhiều hơn người khác gấp bội.

Nhu cầu ấy thường phát sinh khi ta mệt, buồn hoặc có chuyện cần suy nghĩ. Nhưng không chỉ là thế, nó còn phát sinh khi ta đã trải qua việc tiếp xúc với người khác vượt thời gian mà tâm trí ta chịu được. Ta cần được quay về với chiếc hang của bản thân, để chui vào trú ngụ, tắt đi các thanh âm, và hồi phục.

Khi ta ở một mình, không có nghĩa là ta ghét việc ở cùng người khác. Nó chỉ giống như, ly nước lọc cần được uống sau bữa ăn. Như giấc ngủ dài hơn sau một tuần làm việc. Như tiếng chim hót ở công viên Tao Đàn, khi ta gác điện thoại và các notification lại. Như lúc được nghe chính mình cất tiếng nói, chứ không phải nghe người khác nói. Cho ta được nghỉ ngơi.

Tôi gật gù vì nhu cầu này ở nơi tôi cũng lớn.

Đa số những lúc ngồi sau xe anh, chúng tôi trò chuyện; song cũng có khi tôi im lặng đa số trên con đường. Những lúc đó, tôi đang nghỉ, hoặc, tôi đang viết. Tôi có thói quen viết trong đầu những suy nghĩ của mình, đến lúc thích hợp thì gõ vào máy hay viết lại xuống giấy.

Đa số những lúc ở nhà, chúng tôi nấu ăn, dọn dẹp, chăm sóc bọn trẻ con, tưới cây, uống trà với nhau… Nhưng mỗi khi tôi bảo, em cần khoảng 30 phút riêng tư. Thế là, chồng tôi sẽ thầu hết những phần việc khác, để tôi được chui vào một góc, viết lách làm thơ, nghe nhạc đọc sách. Lâu lâu tôi sẽ nghe thấy tiếng anh dặn bọn trẻ, rằng mẹ đang bận, không được làm phiền mẹ.

Tôi gọi những lúc như thế là những lúc nối dài tình yêu.

Không nhất định phải nối dài tình yêu chỉ bằng việc tối đa hóa thời gian bên nhau, ôm ấp hay trò chuyện. Ta cũng có thể nối dài tình yêu bằng cách chừa cho nhau những khoảng một mình. Như chừa cho nhau chiếc hang riêng tư của nhau không đụng đến. Như chừa cho nhau khoảng nghỉ ngơi, hồi phục một mình. Như chừa cho nhau tiếng nói cá nhân.

Để sau đó, nhất định sau đó, là lúc ta rời chiếc hang nhỏ ấm cá nhân, và vẫn thấy (những) gương mặt thân yêu ở đó. Ôm nhau, ấm áp và an toàn. Chuyện trò với nhau, cởi mở và dễ chịu.

Nhược Lạc