Sài Gòn chắc đang trải qua những ngày đẹp nhất trong năm. Phải nói thật là như vậy. Có những ngày trời đẹp tới nỗi muốn cúp làm chỉ để đi lang thang trên những con phố, ngồi lại bên vệ đường, uống một ngụm nước ấm từ chai mang theo, và cứ thở bình tĩnh như thế.
Mùa này Sài Gòn se lạnh vào ban sớm và đêm khuya, ban ngày trời vẫn có nắng ấm nhưng không gay gắt lắm. Buổi sáng trời trong, ban chiều có gió mát dịu. Buổi tối lộng trời, thích được ôm nhau khi ở trong nhà, rúc chân vào chăn, hay đi dạo ở góc công viên gần nhà.
Mình nhận ra bản thân hiếm khi quá thương nhớ một điều gì đó thuộc về quá khứ hay một nơi chốn đã xa xôi. Mình thích tận hưởng điều-đang-có hơn. Mình thích sự hiện hữu rõ ràng. Mình yêu cái đang nằm trong lòng bàn tay.
Như sáng nay ấp tay mình trong ly trà ấm – là thức trà thảo mộc mà người bạn đời đã ninh nhỏ lửa kỹ càng từ tối qua. Có táo đỏ, kỉ tử, sâm núi, cúc hoa… và nhiều thứ khác.
“Để em uống cho ấm người”
Có lúc, cả người đã run lên vì hạnh phúc, vì cái đủ-đầy đang có trong tay. Hiện thực lúc nào cũng là đẹp nhất.
Dù hiện thực không còn ăn cơm nấu nồi gang, dù hiện thực không còn ăn chay trường. Hiện thực không ngồi dưới giàn cây gấc và cho cá ăn như hồi ở Vĩnh Tuy. Hiện thực không chạy con xe cà tàng lên những vùng núi, những khúc khuỷu và quanh co.
Hiện thực hơi ồn ào, hiện thực nhiều trách nhiệm, hiện thực có vui có buồn, nhưng bao giờ cũng…thực. Như ly nước ấm sáng nay ta uống. Như Sài Gòn mười tám độ. Như cái chung cư cũ kỹ có hàng cơm tấm ngon, bánh mỳ ngon, cả một tiệm trà hơi nép mình – nhưng có nhiều trà ngon. Như ông bác mặc áo may ô trắng quần đùi caro đi qua đi lại tập thể dục mỗi sáng.
Mình thấy thật may mắn, khi đang được đi qua những ngày này. Tận hưởng nó, trước khi thành xa xôi.
Hồi tôi còn nhỏ, một trong những tiếp chạm đầu tiên của tôi với trà, là hình ảnh ông ngoại ngồi bên bàn trà. Ông nhấc cái phích nước Rạng Đông, rót nước nóng già vào ấm trà bằng sứ trắng vẽ hoa, tráng ấm, tráng chén. Ông xúc trà từ hộp thiếc, bỏ vào ấm sứ, rót thêm nước nóng, lại tráng một lần nước. Rồi lại rót nước nóng vào ấm, rồi đợi chừng vài phút, rồi rót ra chén nhỏ. Rồi ông uống trà.
Nguyên cái đoạn vừa kể trên, diễn ra chẳng lâu lắm đâu, nhưng hồi đó, với tôi, chúng lướt qua như một bộ phim chậm rãi nhiều phân cảnh.
Xung quanh vẫn tiếng các bác ồn ã quát bọn trẻ con ngồi gọn vào, lũ trẻ con thì vẫn í ới chạy nhảy hò hét đòi uống nước ngọt các kiểu. Nhưng với riêng tôi, thì trong một khoảng khắc nào đó, mọi thứ đã im bặt. Tôi bị thu hút bởi một thứ hoàn toàn khác với không gian, cảnh quan, mọi sự chung quanh. Tôi bị thu hút bởi một niềm rung cảm, mà thủa đó tôi chưa gọi được tên, song vô thức của tôi đã biết rằng: tôi muốn một điều khác.
Gần đây tôi cũng gặp một (vài) bạn trẻ gợi tôi nhớ đến cảm giác của chính mình năm xưa đó. Từng bạn, theo câu chuyện bên chén trà, mà tôi có dịp tiếp xúc, lần lượt kể tôi nghe về ngành học, công việc hiện tại của các bạn. “Nó không giống gì hết với những điều mà gia đình hình dung về em” – bạn kể.
Còn tôi thì hỏi “Sao em biết đó là điều em thực sự yêu thích?”. Bạn uống thêm một ngụm trà, rồi trả lời: “Thật ra em cũng không biết chính xác đâu chị ơi. Nhưng em biết chính xác điều mà em không thích.”
Tới đây thì, tôi phải gật gù thôi. Vì khi xưa tôi cũng vậy. Cái mình thích có khi còn là cái mơ hồ, cái cảm giác xa xôi mông lung mà ta chưa gọi rõ hay phác họa được ra. Nhưng cái chắc-chắn-không-phải-ta, cái hoàn-toàn-không-yêu-thích, thì ta có thể nhận biết, và loại trừ được.
Có thể không hay khi nói điều này, nhưng trong suốt quãng thời gian còn nhỏ, tôi đã không gặp ai mà mình muốn trở thành cả. Tôi biết mình sẽ không thành người này, tôi sẽ không sống như người kia, tôi sẽ không làm điều nọ, tôi sẽ không chọn như đây.
Nhưng cái tôi chọn là cái gì? Là một-cái-khác-đi.
Một cái khác, mà, đến tận hai mươi tuổi, tôi mới bắt đầu chạm vào được. Từ lúc bắt đầu chạm, đến lúc dấn thân, sung sướng mỉm cười, khổ đau khóc lóc, trầy da tróc vảy, bàn chân tươm máu…. Đó là câu chuyện của hành trình dài chứ nào phải một câu giãy lên đòi đồ chơi của con nít là có ngay được. Dù vậy, trước khi có được, đã mơ hồ thấy được, cái con đường mình mong muốn đi.
Tôi có một cái duyên may của người được tiếp xúc với trà, để rồi từ trà, tôi lại có thêm duyên được gặp gỡ với những người làm trà, người làm ấm chén, người làm khay trà, người làm hộp, người thêu khăn… Mỗi người mỗi nghề, song đều chung nhau ở cái đẹp của một ngách nghề nối giữa xa xưa và hiện tại.
Trà là một thức uống lâu đời của người Á Đông, hay người Việt, nhưng con đường mà trà đã đi qua, hương vị của trà, cách thưởng thức trà qua năm tháng đã mang nhiều biến đổi. Nếu bảo tôi uống lại vị trà ngày xưa mà ông tôi thường uống, thì tôi chịu thua, tôi không uống nổi cái phong vị đắng chát đó. Nhưng tôi đã neo vào cái hình ảnh đó mà đi cho đến tận ngày gặp được vị trà thuộc về mình.
Cũng như chiếc khay trà và hộp trà của Phùng Ân Artisan mà mới gần đây thôi, tôi mới có dịp được sở hữu, ngay trong quán trà của mình Lạc Teahouse. Chiếc khay có cái tên thật đẹp: Khay trà Lilac – kể câu chuyện về loài hoa Lilac (Tử Đinh Hương) bằng những nét khảm sơn mài thanh tao và uyển chuyển, tỏa ánh sáng ngời khi dải nắng chiếu qua.
Tử Đinh Hương là đóa hoa tượng trưng cho thanh xuân rực rỡ, phóng khoáng, và tự do. Là đóa hoa trong mùa xuân của mỗi người, bằng tiếng gọi từ vô thức gợi lên, rằng ta muốn sống một-đời-sống-khác. Khác điều-đã-quen, khác điều-được-dạy, khác điều người-khác-bảo-là.
Tôi nhìn thấy được tinh thần nghệ nhân nghiêm cẩn và kỹ lưỡng trong từng sản phẩm của Phùng Ân Artisan, từ một chiếc hộp tre đựng quà, đến hộp trà nhỏ, chiếc khay sơn mài, đến từng chiếc lót ly… Tôi nhìn thấy hàng giờ hàng giờ làm việc của những người thợ Việt Nam yêu nghề, tẩn mẩn đánh bóng từng chiếc khay, từng nắp hộp.
Như nhìn một con đường “biết rõ vẫn khó đi”.
Như nhìn lại mình: nỗi mơ hồ tuổi lên năm, nỗi băn khoăn tuổi mười sáu, nỗi đau đáu của những ngày hai mươi, và niềm thảnh thơi của người được chọn và được đi đến tận giờ-phút-này (thôi không nhắc thêm về tuổi nữa, già rồi!).
Xin cảm ơn một khay trà đẹp. Và xin cảm ơn tôi, của ngày hôm đó, đã chọn một-điều-khác-đi.
Tan làm chỉ muốn đi ăn uống gì đó bên ngoài, chứ không muốn về. Nghĩ đến nhà chỉ thấy mệt mỏi, thấy ngập lên các loại việc nhà, sau một ngày đã đầy rẫy việc làm.
Sau này ra ở riêng thì lại chỉ mong được về nhà. Dù việc nhà thì ở đâu cũng vậy, nhưng mình được quyền quyết định làm cái gì, như thế nào và vào lúc nào.
Nhà thành nơi đón người ta trở về, để xoa dịu những vất vả sau một ngày dài.
Nếu nhà chỉ là nơi chờ người ta về để lau dọn, nấu cơm, rửa bát, tưới cây…. thì tức là nhà = một chỗ làm khác. Một ngày mà đi làm hai chỗ toàn thời gian thì sao ai chịu nổi.
Cái nhà trước tiên phải là một cái nhà mở cửa. Người ta về được đón bằng nụ cười, bằng lời hỏi chuyện. Còn những cái khác để dành sau đó.
Việc nhà, muôn đời không phải việc ai làm cái gì. Mà là tất cả chúng ta muốn gì ở ngôi nhà này?
Bạn muốn có người ăn cơm cùng mình, bất luận ăn gì. Ôm mình khi thấy mệt. Cùng mình ngắm một cành hoa giấy. Hay bạn muốn một chiếc máy rửa bát, máy giặt, nồi cơm điện…luôn bền bỉ chạy theo yêu cầu?
Tôi hồi xưa đã luôn tưởng mình cần một căn nhà rộng, đẹp và ngăn nắp. Nhưng khi đã sống đủ lâu và chuyển nhà đủ nhiều, tôi nhận ra cái nhà vật lý không phải cái quan trọng nhất.
Cái cách chúng ta đón nhau khi trở về và sống với nhau trong đó, mới là điều tạo nên cái nhà – chứ nào phải gạch vôi.
Làm thế nào để bọn trẻ con ham đọc sách hay chịu ăn rau, theo mình là hai câu hỏi khác nhau nhưng có chung một câu trả lời.
Đó là trước khi muốn bọn trẻ con làm gì, hãy tự hỏi xem bố mẹ chúng có muốn làm chuyện đó không. Có những bố mẹ cả ngày không có lúc nào sờ đến một cuốn sách, rảnh ra lúc nào chỉ muốn ôm điện thoại lúc đó, nhưng lại la ó khi bọn trẻ con…cũng thế. Có những bố mẹ không có chút hứng thú nào với rau củ quả, bữa ăn nào cũng ăn rau như tra tấn, nhưng lại rền rĩ vì con mình…cũng vậy.
Không cần phải biết một lý thuyết nuôi dạy trẻ con phức tạp nào, vẫn có thể nhận ra một sự thật giản đơn: trẻ con học bằng cách quan sát và bắt chước. (mà hình như người lớn cũng vậy!)
Bọn trẻ con nhà mình, trộm vía, rất thích ăn rau củ quả. Bọn chúng ăn tự nhiên như một thức quà ngon. Hồi mới chập chững biết đi, hai đứa nó đã hè nhau bê ghế, leo lên bàn bếp, ăn vụng su su luộc của mẹ. Vào bữa ăn, chúng nó rú rít tranh nhau ăn củ cải và cà rốt luộc, vừa ăn vừa hát cái bài gì mà “bunny bunny bunnnyyy….”.
Và, vợ chồng mình tiếp nhận điều đó khá bình thường – cho đến khi có ai đó hỏi “Làm thế nào để bọn trẻ con ăn rau?”.
Hóa ra bọn mình đã không để ý đến việc này, mà chỉ…ăn thôi. Việc ăn nhiều rau củ, với chúng mình là một việc hiển nhiên, dù đang áp dụng chế độ ăn chay hay mặn.
Chuyện đọc sách, cũng tương tự như vậy.
Sách là cái gì đó cần thiết như cơm ăn, áo mặc trong nhà. Bọn trẻ con từ thủa bò loe ngoe trong nhà đã quen với việc đi đâu cũng đụng thấy sách. Cầm sách lên chơi, thậm chí gặm, nhai, nuốt mất nửa trang “Gieo mầm trên sa mạc” vào bụng.
Và khi lớn hơn, khi bắt đầu biết coi tranh, đọc chữ, thì thế giới của những trang sách càng gần gũi mà rộng lớn hơn với tụi nhỏ. Chúng nó bắt đầu biết xem sách một cách độc lập, mà không cần sự trợ giúp của cha mẹ nữa.
Tới đây thì mình bỗng nhận ra rằng, một đứa trẻ dường như luôn “đọc” được nhiều hơn một người lớn – đặc biệt là trong những cuốn sách được sáng tác riêng cho bọn chúng.
Bọn trẻ con luôn biết cách nhặt ra những điểm giấu bí mật, những “quả trứng phục sinh” ẩn giấu đầy trong những trang sách – mà người lớn rất thường bỏ qua.
Chẳng hạn, trong cuốn sách “Tít tắp mãi tận trên cao” của Susanne Straßer, khi mình còn đang tập trung kể về những người bạn đang ráng sức trèo lên người nhau để lấy chiếc bánh kem, thì bọn trẻ con đã rú lên “Con quạ! Con quạ lấy mất trái dâu tây rồi!!!”. Ngay từ đầu, mình thậm chí còn chẳng để tâm đến con quạ nào cả.
Hay bộ sách gần đây nhất mà chúng nó đang rất si mê – “Bộ Sách Tương Phản – Đọc Ngay Cho Bé Vừa Chào Đời” của Thùy Cốm (Crabit Book phát hành), gồm ba cuốn: Chấm đỏ đi chơi – 1,2,3 ra vườn nhé – và Nhà của bé.
Cậu trai nhỏ nhà mình thì rất yêu cuốn Chấm đỏ, suốt ngày hỏi vì sao có nhiều chấm thế, say mê ngồi đếm chấm đỏ, đếm thêm chấm đen, đếm cả chấm đỏ và chấm đen. Khi đọc đến cuối quyển, cậu chàng bảo: “chấm đỏ đi chơi mệt rồi, phải về với bố mẹ thôi”. Nhưng vẫn không quên choàng thêm một câu “ngày mai chấm đỏ đi chơi tiếp nhé!”.
Còn cô chị thì rất thích cuốn “Nhà của bé”. Và mình sẽ nhớ mãi lúc con bé đọc đến trang cả nhà đang ăn cơm, thì bỗng…lật lại vài trang trước và la lên “trang này nấu cơm để đến trang kia thì ăn kìaaaa”. Hóa ra những chi tiết trong cuốn sách có liên quan đến nhau tới vậy, trở thành một cuốn truyện liền mạch, ý tứ rõ ràng, dù độ tuổi của độc giả mà cuốn sách hướng đến là từ….0 tuổi – nghĩa là còn chưa biết gì.
Dù chưa biết gì, nhưng các con đã có thể cảm thấy được.
Đó cũng là lý do càng là sách truyện thiếu nhi, càng phải làm chăm chút, tỉ mỉ và kỹ càng hơn. Càng phải có nhiều chi tiết kiểu….trẻ con hơn. Trẻ con nhưng không phải ngô nghê, mà là “trẻ con tinh tế”, sự trẻ con đến từ một người lớn vẫn còn nhiều nét trẻ con, do đó rất hiểu trẻ con, biết được chúng sẽ chú ý đến cái gì, cần món quà nào, yêu thích điều chi…
Những thứ đó thật ra bố mẹ rất khó biết. Bố mẹ vẫn nên chọn sách cho con, bằng bộ lọc của một người lớn hiểu biết nhưng cởi mở, nhưng nên chừa lại quyền lựa chọn cuối cùng cho trẻ.
Nếu đặt 10 cuốn sách trước mặt trẻ, mà tụi hắn vẫn nhăm nhăm chọn và yêu mãi một cuốn thôi, thì rõ ràng có lý do của tụi nhỏ.
Và, được chứng kiến tất thảy những điều đó, là một món quà vô giá với bố mẹ. Những người sẽ chỉ được nhận một món quà vào đúng một thời điểm thôi. Tháng sau, năm sau, ba năm sau, mười năm sau….đã là những món quà khác, đầy bất ngờ, đang chờ đón bố và mẹ.
Gần đây mình có gặp một chuyện thế này: một bên báo chí liên hệ với mình để viết bài. Mình đồng ý, và trả lời theo các câu hỏi của phóng viên đưa ra.
Chuyện cũng chẳng có gì, nhưng để cẩn thận, mình vẫn dặn bạn ấy gửi lại bài hoàn chỉnh để mình xem trước khi đăng. Và ngày nhận được bài ấy, mình đã thực sự hoảng hốt. Nội dung bài không hề giống những câu trả lời của mình, mà đã được…sáng tác thành một câu chuyện mới kịch tính hơn.
Mình xem xong, bảo, em ơi hủy bài giúp chị. Chị không thể xuất hiện trên báo với một câu chuyện không đúng sự thật như vậy được. Bên đó đồng ý, và mình không cần truy cứu thêm nữa.
Nhưng chuyện này vẫn làm mình hơi hoảng hốt, và hơi buồn một chút.
Chẳng nhẽ, đây là thời đại mà không còn ai muốn một câu chuyện bình thường không thêm thắt? Chẳng nhẽ, ta luôn cần phải thêm mắm dặm muối, giật title thật kêu thì mới có người sẵn sàng đọc một thứ gì đó?
Mang thắc mắc ấy đi hỏi một người chị cũng làm trong ngành báo, chị bảo chuyện ấy cũng thường.
Hồi trước, có lần chị đã bị cảm động vì một bài phóng sự, để rồi khi về tận nơi tìm hiểu, chị mới nhận ra tất cả chỉ là bịa đặt. Nhân vật và câu chuyện hoàn toàn không đúng sự thật, mà được tô vẽ nên để mang đến màu sắc thương cảm và lãng mạn.
Chị mình thảng thốt quay về hỏi người phóng viên kia: vì sao bạn làm vậy? Người ấy chỉ lạnh lùng nói: phóng sự mà, nghĩa là phải phóng đại sự việc lên chứ.
Nghe đến đây, lại càng buồn hơn.
Tất nhiên hiểu rằng con sâu làm rầu nồi canh, nhưng nhìn vào nồi canh mà thấy nhiều sâu quá thì ai mà ăn cho nổi.
Lại đành quay về đọc tục ngữ xưa:
“Khôn ngoan chẳng lọ thật thà
Lường thưng tráo đấu chẳng qua đong đầy”
Mười năm qua làm trong ngành truyền thông, mình viết cũng nhiều. Viết cho thương hiệu, viết cho cộng đồng, viết cho chính mình cũng lắm, nhưng chưa bao giờ phải làm những chuyện như vậy cả.
Có lẽ mình hơi ngây thơ, và cũng chẳng bao giờ trở nên nổi tiếng, nhưng mà mỗi lần đặt bút xuống giấy, đặt tay lên bàn phím, đều thấy nhẹ nhõm, dễ chịu.
Với mình, đó mới là một phần thưởng của người viết.
Của người đọc.
Của tất cả những người có tương tác với con chữ trên đời này.
Cách đây 10 năm, nếu có ai đó hỏi tôi: “vì sao uống trà?” hay hàm ý đúng hơn mà họ muốn hỏi đó là: “vì sao một người trẻ lại uống trà?” – thì câu trả lời thành thật sẽ là: tôi thích cảm giác được ngồi một mình mà không làm ai thắc mắc.
Nhưng phải đến vài ba năm sau đó, khi thực sự được đặt chân lên những vùng trà rộng lớn, chạm tay vào những cây trà Shan cổ thụ giữa núi rừng Tây Bắc, tôi mới phần nào hiểu thêm về chén trà mình vẫn uống mỗi ngày. Từ một thức uống ngon, một duyên cớ lành, trà khơi dậy trong tôi điều sâu kín hơn nữa: Cảm thức tự nhiên qua mỗi chén trà.
Lần đầu tiên đặt chân lên mảnh đất Tà Xùa, sau chừng 6 tiếng chạy xe máy với những con đường dài tưởng như không bao giờ kết thúc, với những khúc cua ôm bọc sườn núi, những gập ghềnh và xóc nảy… tôi ngồi bệt xuống, bên một nương trà, im lặng với cơn mệt mỏi và may mắn xuất hiện cùng lúc trong lòng mình.
Ở đây, những cây trà hoang dã sinh trưởng tự nhiên và bình thản, tươi mới và đầy sức sống. Ở đây, người dân tộc coi trà như một loại cây-thảo-mộc bình thường, họ sẽ thu hái trà vào lúc nông nhàn, khi không phải mùa gặt. Ở đây, trẻ con coi cây trà Shan cổ thụ là những sân chơi trên cao – nơi lũ trẻ chân đất chạy (vâng, chạy!) một mạch lên tít ngọn cao và ngồi vắt vẻo trên ấy.
Với tôi, một thị dân uống trà, toàn bộ sự quan tâm của tôi từng chỉ là thức trà thành phẩm – thứ được đặt trong hộp sáng đẹp, pha bằng ấm và chén nhỏ thanh tao. Còn khi đó, trước mắt tôi hiện ra cả một đời sống cụ thể, trọn vẹn và rực rỡ của cây trà, đồi trà và núi rừng phương Bắc rạng rỡ ánh mặt trời.
Chúng tôi đứng đó, trước một cây trà cổ thụ mà vòng tay người không ôm xuể. Mùi thơm của lá trà non tơ, vị chan chát mát dịu của búp tươi lan trong miệng. Vị già dặn, sâu dày của những lá trà già, làm tôi nhớ đến những tích nước chè tươi ông bà tôi vẫn hãm uống sớm mùa đông giá.
Mỗi ngày, từ lúc trời còn mờ sương, những cô gái, chàng trai tộc Mông trên lưng đeo gùi, cặm cụi lên rừng hái trà. Sáng sớm là thời điểm thích hợp nhất để thu hái trà, vì sau một đêm ngậm sương, lá trà ở trạng thái tươi mới, hài hòa nhất. Tùy theo từng loại trà cần làm, nguyên liệu thu hái có thể là búp trà, một búp một lá, hay một búp hai lá… Trà sau khi thu hái được chuyển về nhà làm trà thủ công. Tại đây lại bắt đầu một chuỗi hành trình bất tận khác, từ việc lọc lựa phân loại trà, cho đến các công đoạn chặt củi, nhóm lò, sao chảo, vò trà… Mỗi người mỗi việc, luôn tay luôn chân. Mùi gỗ pơmu thơm nức, hòa với mùi lá trà tươi đang khô dần.
Tiết trời đông-xuân trên núi cao vừa khắc nghiệt, vừa dễ chịu. Cái lạnh phả ra tê tái đến độ, dù chúng tôi đã nhóm lửa ấm nhưng chỉ đủ để giữ ấm thân người phía trước, còn sau lưng cái lạnh run rẩy vẫn bủa quanh. Nhưng không có thời gian để tìm kiếm niềm ấm áp dễ chịu, cũng không có sự thảnh thơi như khi quây quần bên bàn trà nơi thành phố. Ở đây chỉ có sự nhịp nhàng và liên tục, lửa và trà, luôn tay luôn chân. Mùi trà bọc lấy toàn bộ không khí trong nhà, như thể cả một rừng cây đang ôm lấy chúng tôi. Như thể thiên nhiên.
Cứ sau mỗi chuyến đi như thế, việc uống trà của tôi lại có thêm một chút thay đổi. Trở về thành phố, ngồi xuống một gian phòng sạch, yên tĩnh, thảnh thơi pha một ấm trà. Từ tốn đun nước, từ tốn lấy trà ra chiếc trưng tre, từ tốn sắp bày ấm chén, từ tốn lau từng giọt nước vương trên bàn. Cẩn trọng trong từng động tác pha. Chậm rãi khi uống, giữ ngụm trà trong miệng đôi ba giây, rồi nuốt xuống thật chậm. Tất cả các thao tác này, cảm giác này, không còn là câu chuyện của nghi lễ vẽ vời, của việc làm dáng… mà đã trở thành một tâm thức tự nhiên. Tự lòng ta, thấy rằng, cần phải vậy.
Cứ sau mỗi chuyến đi như thế, khẩu vị trà của tôi, chúng tôi, lại mở rộng thêm một chút nữa. Cứ sau mỗi lần được thưởng thức trà ngon, từ các vùng miền đất Việt hay từ nhiều quốc gia khác, tấm bản-đồ-hương-vị trà trong tôi lại loang dần thêm những “điểm đến” mới. Mùi cỏ ngái, mùi nấm rừng, mùi đất sau mưa, mùi hoa hồng, hoa mơ, mùi quả nhiệt đới, mùi đào, mùi táo dại…
Hiểu về trà nhiều hơn, thì lòng cảm mến của tôi với mỗi cây trà, mỗi vùng trà cũng nhiều lên, từng chút từng chút một. Theo đó, cái gọi là cảm thức thiên nhiên trong lòng tôi, cũng đầy lên sống động và xanh tươi, như một rừng cây lớn.
Ai đã từng một lần đứng giữa rừng cây lớn, sẽ nghĩ về rừng cây hoàn toàn khác. Ai đã từng một lần ôm cây trà, nếm vị lá trà, sao trà, vò trà… sẽ nghĩ về trà – từng ấm trà một – hoàn toàn khác. Ai đã từng uống một ấm trà hoàn toàn khác đó, sẽ nghĩ về rừng, về sông, về suối, về mây, về thiên nhiên nói chung… theo một cách khác nữa. Như thể máu thịt, như thể ruột già, tự nhiên và gần gụi, mật thiết và thân thương.
Tôi, chúng tôi đã trải qua những sự khác ấy, từng năm từng tháng, để biết rằng thiên nhiên vẫn luôn biến đổi. Cái cây trà năm đó ta từng ôm ở đây, bây giờ đã biến mất. Cái nương trà năm đó tưởng chết khô, năm nay lại hồi sinh. Cả vùng trà năm đó tưởng rằng sương giá, tưởng rằng hạn hán, năm sau đất trời lại trả về những món quà.
Bốn mùa xoay vần, uống chén trà năm nay để thấy khí trời đã thay. Mãi mãi hương vị trà Tà Xùa năm đó không quay về nữa. Mãi mãi, lục trà lá tím thơm hương khác đi nhiều. Đó là cái thay đổi không thể biện giải đúng – sai, tốt hơn hay tệ đi, chỉ là: khác đi. Khác đi, để ta biết quý những gì nhất kỳ nhất hội. Điều ngày xưa ta có mãi mãi là hoài niệm, cái đang đổi thay là con đường kéo dài bất tận, ngọn gió thổi trên da hôm nay là thực tại, và việc bước tiếp như thế nào vẫn còn là bí ẩn nằm trong chén trà trên tay.
Việc uống trà, nói giản đơn là việc uống một thức uống. Thức uống ngon thì tôi mong uống mãi. Nhưng hơn cả điều đó, việc uống trà mở ra một lăng kính khác trong tôi với thế giới, đặc biệt là thế giới của thiên nhiên.
Thật khó để nói rõ với nhau, vì sao có khi ta uống lại một ấm trà, mà xúc động muốn khóc. Thoạt nhìn từ ngoài vào, có khi thấy rằng hơi sến sẩm, nhưng nếu ta đã cùng trải qua với nhau: một mùa xuân trên núi, một chiếc chảo sao, một quầng lửa ấm, một khoảng lặng đứng nhìn cây trà Shan im trong gió…. Ta có cần nói gì đâu.
Bốn mùa trời đất, có nói gì đâu.
Nhược Lạc
(Toàn bài đăng trên tạp chí Elle Decoration Vietnam số báo mùa Thu, 2022)
Có lần, tôi trở về nhà sau giờ tan làm, tôi nhìn con mình đang ngồi chơi xếp hình, và tôi nói: Mẹ muốn yêu con một chút.
Con tôi trả lời rằng: Nhưng con đang bận xếp ngôi nhà của mình. Mẹ chờ con một chút, rồi con sẽ yêu mẹ.
Lúc đó, tôi chỉ cười thôi, ngồi bên cạnh nhìn con bé xếp tiếp những viên gạch lego lên tòa nhà đang thành hình.
Xong xuôi, con bé nói: Con đã xếp xong ngôi nhà cho bố mẹ rồi đây. Và rồi con bé quay sang ôm tôi. Cái ôm thật là chặt.
Một lần khác, khi vợ chồng tôi (giả vờ) tranh giành nhau quyền được ôm lũ trẻ. Con tôi đã la lên rằng: Không được tranh nhau! Phải xếp hàng chứ! Bây giờ con ôm bố trước, em ôm mẹ, xong rồi đổi lại!
Thế là chúng tôi làm đúng như vậy.
Làm từng việc một. Và khi xong, làm một việc khác. Tất cả mọi việc, bao gồm cả tình yêu.
Nói thế để hiểu rằng không thể có tất cả trong cùng một lúc được. Đôi khi, chúng tôi phải chọn bỏ xuống các mong muốn của người khác, để làm cho xong mong muốn của chúng tôi trước.
Chúng tôi phải tự ổn định mình trước khi giúp người khác. Chúng tôi phải sống cuộc đời của mình trước.
Trong một gia đình cũng vậy, khi ta đang thấy mình khổ quá, có thể ta nên thay đổi cách tiếp cận của bản thân một chút.
Có thể, gia đình không thực sự chết đói khi ta không thể nấu ăn. Có thể, gia đình không thực sự mất đi hạnh phúc, khi ta không thể dọn nhà. Có thể, con cái ta không hề thấy khổ sở thiếu thốn gì, khi ta không lo đủ cho chúng ba bữa chính, hai bữa phụ, ba bốn cữ sữa trong ngày.
Có thể, tết không hề kém vui đi, khi ta không bỏ ra hàng giờ, hàng ngày để thu sắp, trang hoàng. Có thể, ta chỉ đơn giản là sống tiếp trong ngôi nhà 365 ngày vẫn thế, và pha một ấm trà ngồi uống với nhau – là ra Tết.
Có thể, vấn đề là ta đang cố gắng đảm đương nhiều đầu việc quá để làm hài lòng tất cả. Có thể, cách giải quyết ở đây là ta nên học cách yêu cầu người khác xếp hàng.
Và, nguyện vọng, mong cầu của ta cũng cần xếp hàng. Tình yêu cũng cần xếp hàng.
Những thứ không thể xếp hàng, có thể, là những thứ nên ra khỏi hàng.
Bởi vì, nếu một quán trà sữa, quán cà phê, nhà hàng còn có thể yêu cầu khách thăm xếp hàng. Thì, không cớ gì, người ta lại không thể xếp hàng, khi ghé thăm cả một cuộc đời, một con người với khả năng sống hữu hạn, quỹ thời gian và sức lực hữu hạn.
Nếu bạn thấy đời mình quá tải, biết đâu, đã đến lúc treo bảng “hết chỗ, vui lòng xếp hàng”.
Ở thời của ông bà, bố mẹ tôi, nếu có ai đó nói với họ: “Hãy tự thương lấy mình!” – hẳn sẽ… buồn cười lắm. Đó là thời của sự hy sinh, của sự tiết giảm nhu cầu cá nhân và phấn đấu vì mục tiêu chung. Song, đến thời của tôi, của các em tôi, “hãy thương lấy mình” đã trở thành một tuyên ngôn có thể dễ dàng nghe thấy ở khắp nơi.
Nói cách khác, đến lượt tôi, chúng tôi, đã bắt đầu có ý thức nhắc nhớ bản thân: hãy thương lấy mình. Nhưng, bằng cách nào thì tôi, chúng tôi – không biết.
Trong một khoảng thời gian dài, tôi cố gắng yêu thương lấy mình bằng việc nuông chiều cảm xúc cá nhân. Tôi ăn khi muốn, uống cái gì tôi thèm, đọc truyện, xem phim, ôm lấy máy tính, chơi bất cứ cái gì tôi thích. Tôi bỏ bê việc học hành vì cho rằng đó là thứ căn bản nhất khiến mình không hạnh phúc. Tôi kiên quyết không đi bất cứ con-đường nào mà người-khác đã đi, vì tôi nghĩ rằng: nếu họ trông đau khổ như vậy, nghĩa là con đường đó sai quắc rồi.
Hóa ra, con đường của tôi cũng đâu đúng.
Phải mất một thời gian dài, tôi mới nhận ra thả nổi bản thân không đồng nghĩa với thương thân. Khắt khe với bản thân cũng không đồng nghĩa với thương thân. Chối bỏ hoàn toàn cộng đồng cũng không khác gì việc đâm đầu lao theo công thức chung trong xã hội. Vấn đề không phải là cắm cổ đi theo đường mòn có sẵn, hay tự nhiên rẽ cây bẻ lá đi một hướng đi riêng.
Vấn đề là, phải tìm cho được con đường của mình.
Vấn đề là, phải thương thân theo cách mà cái thân này cần được thương.
Vấn đề cũng là, đâu có ai biết.
Tôi không biết. Mẹ tôi cũng không biết. Bạn bè xung quanh tôi xem chừng cũng đâu biết.
Thế rồi một ngày, tôi ăn chay. Bây giờ nhớ lại, không biết vì sao tôi ăn chay. Chỉ nhớ một ngày, đột nhiên tôi nói với mẹ: Từ hôm nay, con ăn chay. Việc ăn chay, không lạm bàn tính đúng-sai, song nó vô tình đẩy tôi đến việc buộc phải quan tâm đến từng bữa ăn trong ngày. Từng chén cơm, từng miếng nhai.
Vì quan tâm đến từng miếng nhai, tôi cũng quan tâm đến từng trạng thái của cơ thể mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút. Tôi biết mình đã ăn gì bậy nên đau bụng. Tôi biết khi ốm mệt nên làm gì. Tôi biết hương vị của một trái cà rốt, củ cải trồng tự nhiên sẽ khác gì với rau củ công nghiệp, khi ăn vào người sẽ thế nào.
Nghe thì có phần ‘vi diệu’ quá, nhưng nó thực ra rất giản dị: Theo thời gian, tôi hiểu chính cơ thể của mình hơn. Tôi biết mình nên ăn gì, uống gì. Và từ cơ thể, tôi biết tinh thần cũng vậy, các lựa chọn trong cuộc sống cũng vậy. Để có được điều đó, tôi cần phải học – từ cái cơ bản nhất.
Việc thương thân, theo tôi là một bài học, cần được hệ thống lại từ đầu.
Đó không phải câu chuyện của việc thốt lên “hãy yêu tôi đi! hãy sống vì mình!” là biết làm gì ngay. Để biết cần làm gì, có thể làm gì, phải quay về với những điều cơ bản nhất. Như muốn biết đọc phải học ghép vần, muốn biết viết phải luyện từng nét cong, nét xổ thẳng. Thì, muốn biết thương thân, phải học cách: nhận biết và điều chỉnh, từ cái đơn giản nhất.
Như là cắt móng chân và móng tay.
Một thời gian, tôi bắt đầu dạy lại mình cách chăm sóc bản thân bằng việc lặp lại những thói quen đơn giản. Cắt móng tay, móng chân đều đặn; và khi cắt thì không nghĩ gì cả. Tôi có cái tật suy nghĩ quá nhiều, và luôn suy nghĩ mọi lúc, mọi chuyện. Có những chuyện người khác đã nói ra và quên đi từ lâu lắm rồi, tôi vẫn nghĩ về nó. Do không thể ngay lập tức bắt mình ngừng nghĩ suy được, nên tôi đã tự ra luật cho mình là: lúc cắt móng chân thì đừng nghĩ gì nữa.
Sau đấy là, lúc đánh răng thì chỉ đánh răng thôi. Lúc đi vệ sinh không cầm điện thoại. Lúc ăn cơm không nghĩ lan man. Lúc làm việc, thì mỗi lúc chỉ làm đúng một việc, làm xong thì đóng nó lại. Lúc gặp bạn bè, chỉ chú tâm vào người bạn đó. Không cần gặp nếu không muốn gặp. Học đàn từng chút một, nếu hôm nay chưa đánh được thì mai tập tiếp, nếu mai vẫn chưa được thì để ngày mốt. Tôn trọng nhịp độ và khả năng hiện tại của chính mình…
Những việc như vậy, thực ra không đơn giản chút nào.
Để gõ ra được mấy dòng này, cần rất nhiều năm, chỉ bắt đầu thực tập với cái móng chân của chính mình. Rất nhiều lúc đã cắt vào chân. Rất nhiều lúc quên mất lý do ban đầu. Rất nhiều lúc thấy mệt mỏi và thấy chính mình hà khắc. Rất nhiều lúc muốn quay về buông thả như ngày xưa, hoặc, muốn đơn thuần lao theo những quy tắc xã hội cơ bản.
Những lúc đó, quay về nhai kỹ một miếng cơm, uống chậm một ngụm nước, và cắt móng chân chỉ là cắt móng chân. Những điều đó, giống như chiếc neo thả xuống mặt nước sâu, nhỏ nhoi nhưng chắc chắn, cho chúng ta một điểm tựa để suy tư và thực hành tiếp. Đó là cách mà tôi bắt đầu cho chính mình, trong một hành trình phức tạp của việc học cách thương thân, để rồi từ đó ta mới dám nghĩ xa hơn đến chuyện thương người, thương nhau.
Năm nay, cũng như năm ngoái, và năm ngoái nữa, vợ chồng tôi quyết định đón một chiếc Tết tối giản. Tết thảnh thơi. Tết ngơi việc sớm. Tết dọn được cái gì thì dọn, không dọn được thì thôi. Tết ăn gì cũng được. Và chúng tôi vẫn luôn thấy hạnh phúc bởi lựa chọn ấy.
Nhưng có một điều khác hơn, đó là những người mẹ của chúng tôi cũng vậy.
Các mẹ, bỗng nhiên quyết định rằng Tết của mình không nằm ở một cái nhà được cố công trang hoàng để đón tiếp người khác. Không nằm ở hai loại canh khác nhau trong một mâm. Không nằm ở hết mâm cúng này đến mâm cúng khác, vật vã từ 27 đến hết mùng 3 Tết. Không nằm ở những lời người ta nói về mình.
Chúng tôi ăn bánh chưng từ 28 Tết, vì thấy cũng thèm. Và ôm nhau xem hài Tết, ăn mứt, uống trà, thay vì đu đưa lên lau cửa, sơn sửa và trang trí các kiểu.
Rất có thể, nếu có ai đến nhà chúng tôi dịp Tết, sẽ thấy tuềnh toàng quá. Chắc là năm rồi không làm ăn được. Chắc là mẹ tôi không nhờ vả được con cái nên nó “chẳng làm gì”. Những lời ấy tôi đã nghe hai mươi mấy năm trời, nghe từ khi còn bò ra làm tất cả mọi việc, trước khi quyết định rằng Tết của mình là do mình quyết định.
Niềm vui của mình. Hạnh phúc của mình. Tài sản của mình. Cảm giác đủ đầy của mình. Tất cả phải do tự mình định nghĩa, cảm thấy và gìn giữ theo cách của mình.
Rồi mọi thứ sẽ thay đổi.
Không phải xã hội thay đổi đâu, mọi thứ vẫn luôn như thế thôi. Nhưng trong lòng mình thay đổi.
Cách mình nhìn Tết, hay mọi dịp lễ lạt, và mọi cột mốc thành tựu của mình – nó có thể không đúng theo định nghĩa xã hội, nhưng, nó sẽ phù hợp với mình nhất.
Như mẹ tôi, cuối cùng đã nhận ra rằng, cắm một lọ hoa đơn sắc cũng đủ đẹp, dâng một cặp bánh chưng đã đủ tươm. Như mẹ chồng tôi, đã sẵn sàng mua vé máy bay để đi chơi. Như chúng tôi, đã dám thảnh thơi đón Tết ngay cả khi Tết còn chưa về.
Còn bạn, Tết của bạn như thế nào?
Mong rằng, đó sẽ là những ngày Tết thực sự thuộc về bạn, chứ không phải là hình ảnh mong đợi phản chiếu trong mắt người khác. Và mong, một năm dài sau đó cũng vậy.