thêm “vị” thi-ca cho đời nhật thường

Trong một buổi trò chuyện với mọi người về thi-ca, mình nhận được một câu hỏi thế này: Có phải những nhà thơ nói riêng, hay những nghệ sĩ nói chung đều phải sống một đời rất khác thường thì mới có nhiều chất liệu sáng tác hay không?

Câu trả lời của mình khi đó là: vừa đúng, vừa không.

Đúng, là vì khi đọc thơ, nghe nhạc, xem tranh… bạn dường như luôn bắt gặp những điều muốn nói ra mà không thể nói được. Các tác giả, khi đó, là người giúp bạn bộc bạch ra ngoài những điều ấy. Mà muốn truyền tải được, họ cần có sự trải nghiệm đủ rộng và sâu các trạng thái cảm xúc rất đỗi con người. Nhưng làm gì có ai sống hết được phần đời của tất cả mọi người. Các nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ… cũng chỉ là người bình thường. Tới bữa thấy đói thì ăn, thấy khát thì uống, thấy mệt thì ngủ… Trải nghiệm trong một kiếp người, một đời người bao giờ cũng có giới hạn.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa một người sáng tác và một người không sáng tác, có lẽ khả năng rung cảm trước những điều bình thường và khao khát được truyền đạt lại điều đó bằng thứ ngôn ngữ riêng của mình. Rất nhiều người bước chân ra phố và nhìn vạt nắng chiếu xiên qua tàng cây, nhưng không phải ai cũng chọn chụp hình hoặc vẽ lại khoảnh khắc kỳ diệu đó. Rất nhiều người từng ngồi dưới hiên nhà xem những hạt mưa lách tách rơi, nhưng không phải cũng chuyển chúng thành nhạc, thành thơ.

Rất nhiều người đi chợ buổi sáng, nấu cơm mỗi ngày, ăn cơm cùng nhau, nghe con kể chuyện buổi tối, đưa con đi chơi công viên chiều Chủ Nhật… Nhưng đến khi mình xuất bản tập thơ “Cơm nhà nói chung là êm”, mọi người mới nhận ra: à, thì ra, những điều bình dị, cũng có lúc trở nên thơ đến thế.

Mình tin rằng có rất nhiều cách để thêm “vị” thi-ca cho đời thường nhật. Mà cách đầu tiên, cơ bản nhất, chính là dành cho những thường nhật ấy sự chú tâm vẹn toàn. Khi ta rót một ly nước ấm và ấp trong lòng tay, khi ta xắt củ cải, cà rốt, ninh một nồi canh với rong biển, táo đỏ và củ sen. Khi ta ngồi xuống, và ăn cùng nhau từng bữa cơm chiều.

Vì có sự chú tâm ấy, mà ta biết được người bạn đời của mình thường uống nước ấm vào buổi sáng. Biết được nhau thích uống trà gì trong bữa tiệc trà. Là bạch trà Sương cho buổi sớm nay, hay Oolong đỏ khi ráng chiều đổ xuống. Là biết được ta nên sắp xếp đồ đạc trong nhà như thế nào, để thuận tiện cho mình đọc sách cùng nhau, cho con tập bò không cụng đầu, cho tụi nhỏ chạy chơi có nhiều không gian, cho vườn cây lá của chồng có không gian để thở, cho góc bàn viết lách của vợ có nhiều ánh sáng ngoài trời.

Cho gian phòng có sự hài hòa về màu sắc, từ chiếc nệm ngồi, rèm cửa, cho đến kệ sách và cả… chiếc tivi LG Posé. Một chiếc TV thoạt nhìn thật hiện đại, nhưng vẫn đầy nét duyên dáng Á Đông. Nhỏ gọn và dễ di chuyển, để chúng mình có thể xem phim cùng nhau – khi con cái đã ngủ. Để chúng mình mở nhạc thật êm, giữa buổi tiệc trà. Để mình được thư giãn trong một khoảng không riêng tư, giữa lúc ngồi lại với chính mình – hít thở. Để chúng mình, đôi khi, mở ra xem lại những bức hình, những thước phim ngày xưa – ngày ta quay tụi trẻ con từ khi chúng nó mới chào đời, lúc vài tháng tuổi, khi tròn một tuổi, lúc vừa lên ba…. Để mỗi lên xem lại, là một lần được cười ngặt nghẽo cùng nhau hay rơm rớm nước mắt, cùng nhau.

Thi-ca có thể tìm thấy trong đời sống, bằng những điều như thế. Nó có mặt ở khắp nơi, len lỏi trong từng phút giây, từng nơi chốn của mỗi người – để chờ người nhận ra, gọi tên thi-ca và dung dưỡng những diệu kỳ li ti lấp lánh đó.

Vậy nên, nếu hỏi người nghệ sĩ có cần sống một đời rất khác thường để có thể sáng tác hay không – thì không cần đâu. Điều duy nhất họ cần, là tiếp tục quan sát và khơi gợi cảm hứng trong mình – bằng những vẻ đẹp thi vị, tươi mới mà rất đỗi nhật thường.

Nhược Lạc

Xem clip của chúng mình tại đây

Advertisement

một lần chấm thi

Cuối tuần rồi mình có cơ hội được ngồi ghế giám khảo trong đêm chung kết Cuộc thi thơ NGUỒN SÁNG CỦA TÔI.

Ban đầu, mình rất ngại với lời mời của Ban Tổ Chức, nhưng rồi, khi ghé thăm fanpage của cuộc thi và đọc qua một số tác phẩm của các bạn nhỏ, tự nhiên mình lại thấy dễ chịu, thấy thích và dành nhiều cảm tình.

Cuộc thi chia làm hai bảng Mầm Xanh (11-15 tuổi) và Cây xanh (16 -24 tuổi), với đề bài là sáng tác thơ về chủ đề Tiết kiệm năng lượng. Thoạt nghe, mọi người có thể hình dung ra ngay sự…khô khan của chủ đề. Và quả là, trong khi chấm, mình cũng nhìn ra việc các em đôi khi cũng phải hơi gồng xíu, hơi nhồi nhét chút các thông điệp “call to action” với việc bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng…

Nhưng điều khiến mình thấy vui và cảm động, là tính thơ, tính nhạc, tính nhịp điệu trong các tác phẩm không vì thế mà mất đi. Chẳng hạn như:

“chú chim trên dây điện
con ếch chết đuối
bù nhìn trong câu nói
bài ca hát mãi
trời như nhỏ lại
mọi thứ sẵn có
mặt trăng lãng quên
ngoài đường thật sáng và con người”
(Lương Ngọc Chung)

“Bỗng
Thấy mình nhỏ bé
Giữa biển nước bao la.
Bỗng muốn thật nghiêm khắc
Dùng tiết kiệm nước và
Lan tỏa hành động ấy
Đến nhiều bạn, nhiều nhà.

Đã viết xong bài thơ
Xuống bếp vặn vòi nước
A, nước chảy rồi này
Dòng nước trong
Như mơ.”
(Lê Nguyễn Gia Hân)

“Và khi sao đêm mờ đi giữa phố
Khi con đường được rọi sáng thâu đêm
Khi tóc mẹ tôi ít hơn tóc đèn
Khi cây nến trở thành món đồ cổ.”
(Phan Bảo Đức Phát)

Có những lúc, khi nghe từng bạn bước lên sân khấu đọc thơ, mình đã hơi thoát khỏi cương vị người-chấm-điểm để chỉ đơn giản là thưởng thức những hình ảnh đẹp, những câu từ thú vị.

Thơ, cũng giống như nhạc, là một sự tổng hòa của câu chữ và nhịp điệu. Nhịp điệu khi ta đọc bằng mắt khác với nhịp điệu khi ta nghe bằng tai. Có những bài thơ thoạt đầu đọc trên giấy thấy cũng… bình thường, nhưng khi lắng nghe, ta lại thấy khác hẳn.

Như bài thơ của em Thiều Nguyễn Vĩ Dạ, nói về việc “ba ơi con biết vì sao hóa đơn tiền điện nhà mình tháng nào cũng nhiều rồi nè…”. Haha, quá dễ thương. Song điều dễ thương nhất lại là khi thấy em mặc áo dài, thả tóc đen dài, ôm guitar và…hát bài thơ của mình.

“Lâu nay con thấy chuyện này
Mỗi khi cứ đến tầm ngày hai lăm
Bác thu tiền điện đến thăm
Ba cầm cái phiếu chăm chăm cau mày
Miệng ba lẩm bẩm điều này
Tại sao tiền điện tháng rày vẫn cao…”

Vĩ Dạ 11 tuổi, tức là chỉ hơn hai em bé nhà mình vài tuổi. Mình cố nhớ lại hồi 11 tuổi mình đang làm gì, nhưng không nhớ ra. Chỉ có thể chắc chắn là hồi đó chưa biết viết thơ, cũng chưa có sáng tác nào cả, chứ đừng nói đến tham gia một cuộc thi.

Mình thấy hạnh phúc khi được nhìn ngắm một “lứa-cây” mới đang lớn lên, giỏi giang hơn chúng mình ngày xưa, bạo dạn tự tin hơn. Dám nghĩ, dám nói, dám làm hơn. Thơ cũng chỉ là một công cụ để giúp các em truyền tải được thông điệp của mình ra bên ngoài. Ngoài thơ, các em có thể tìm đến âm nhạc, hội họa, toán học, vật lý, sinh học…

Bất cứ hình thức nào cũng có thể trở thành một công cụ tốt, để em tiếp tục tìm hiểu thế giới, và qua đó – quan trọng nhất – là tìm hiểu được chính mình.

Nhược Lạc

cây chùm ngây trước cửa quán trà

Khi chúng tôi đứng trước khoảng sân của chung cư 6A Đinh Bộ Lĩnh, tôi hỏi anh chủ nhà rằng nếu chúng tôi thuê ở đây, anh có yêu cầu gì đặc biệt không. Anh bảo, các em cứ thoải mái, nhưng nhớ giữ lại cây chùm ngây trước nhà giúp anh.

Chùm ngây, trong trí nhớ của tôi là một thứ…rau, gần giống rau ngót. Có đợt chùm ngây trở nên viral toàn cõi mạng với các thông tin về giá trị dinh dưỡng như: hàm lượng vitamin C cao gấp 7 lần trái cam, vitamin A cao gấp 4 lần cà rốt, lượng canxi cao gấp 4 lần so với sữa bò. Lủng xủng lẻng xẻng như vậy, sau đó chồng tôi kết luận rằng anh ấy thích ăn rau ngót hơn.

Thế nhưng cây chùm ngây trước cửa nhà này, nhìn không giống một cây rau lắm. Nó là một cái cây thân gỗ đã to và cao lắm rồi. Chúng tôi không những không định bỏ nó đi, mà còn xây lại ô trồng cây vốn đã xuống cấp theo năm tháng. Chồng tôi sau đó, mua về thêm những cụm hoa nhài, trồng trước hiên nhà.

Cái quán bây giờ trông đã giống một cái quán lắm rồi.

Quán tên là Lạc Teahouse, nhưng nếu phải kể tên ra hết những con người đã góp tay góp chân, vun đắp nên góc quán này, thì không biết kể đến chừng nào mới hết.

Nói không xuể lời hàm ơn, chi bằng khơi lên một ấm trà mới.

Chúng tôi sẽ bắt đầu pha trà mời bạn, ở Lạc Teahouse, từ 9h sáng, thứ Ba, 11.10.2022. Trong đợt soft opening (11.10 – 23.10) chắc chắn còn nhiều vụng về này, chúng tôi xin tặng bạn ưu đãi 20% áp dụng cho mọi thức dùng ở quán.

Xin hẹn gặp bạn!

Nhược Lạc

Mở Vì Sài Gòn – nhìn lại 2 tháng làm chuỗi workshop 

Mở Vì Sài Gòn – nhìn lại 2 tháng làm chuỗi workshop 

Một ngày đẹp trời, mình còn nhớ rất rõ, đó là ngày 31 tháng 7 năm 2021. Tự nhiên mình nảy ra một ý tưởng phải làm một-cái-gì-đó để ủng hộ Sài Gòn, nhưng chưa rõ sẽ làm cái gì. 

Sau khi suy đi tính lại, mình nghĩ sẽ làm MỘT BUỔI workshop về trà và những ai tham dự sẽ ủng hộ tùy tâm cho một quỹ nào đó. 

Nhưng mà chỉ một buổi thì ít quá, chẳng đáng là bao. Thế là mình nghĩ đến việc rủ thêm một số người khác tham dự cùng, song không ai dám nhận lời cả.

Người đầu tiên nhận lời chỉ sau mấy phút nói chuyện, chính là anh Đỗ Hữu Chí (Bút Chì). Anh bảo, hay quá, chơi thôi. Anh sẽ làm một buổi về Vẽ-Chơi. Bao giờ chơi hả anh, mình hỏi. Tuần sau luôn em, anh nói.

Tuần sau, tức là thứ 7 tuần sau. Thế có nghĩa là mình phải đăng thông tin từ đầu tuần mới kịp. Thế có nghĩa là chỉ có 2 ngày để chuẩn bị tất cả mọi thứ. Đùa nhau à?

Thế mà mình vẫn gọi anh Hoàng – người anh art director của mình, đồng nghiệp của mình. Mình nhờ anh 2 việc: một là, thiết kế giúp cho chuỗi workshop Mở Vì Sài Gòn; hai là, trở thành diễn giả. May mắn, anh nhận lời cả hai.

Anh Hoàng thiết kế thần tốc trong một ngày. Ối không được anh ơi, mình rú lên. Anh thiết kế thần tốc lần hai. Đẹp rồi anh ơi, mình ríu rít. 

Và workshop Mở Vì Sài Gòn lên sóng, trong sự hoảng hồn của chồng mình – người nghĩ rằng mình nói chơi vậy thôi chứ chắc phải tính toán thêm xem sao đã chứ.

Được đà lấn tới, mình bốc luôn chồng mình lên làm diễn giả cùng mình, trong buổi chia sẻ đầu tiên – Làm quen với Trà. Báo hại ảnh có một tuần mất ăn mất ngủ lo soạn thông tin. 

Được đà tiếp tục lấn tới, chúng mình vừa đăng thông tin, vừa nhận đăng ký, hồi đáp, vừa đi mượn tài khoản Zoom, vừa gửi lời mời đến các diễn giả. Mà vẫn phải làm công việc chính bình thường. Bây giờ nghĩ lại, không hiểu chúng mình đã sống sót kiểu gì qua khoảng thời gian đó.

Cứ một khách mời từ chối, mình lại tìm một khách mời khác. Mình mời từ bạn bè thân quen, cho đến những người mình chưa quen bao giờ – mình cứ đánh liều gửi email mời họ. Có người thì cũng không quen mình – nhưng lại chủ động gửi lời nhắn muốn trở thành diễn giả.

Cứ thế, qua hàng tuần, số lượng diễn giả tăng lên. Cho đến khi chương trình đã đi được quá nửa, mình mới thực sự chốt được số buổi workshop – 16 buổi, diễn ra liên tục trong 8 tuần, nghĩa là 2 tháng.

Trong 2 tháng đó, mình đã kịp tạo dựng một thói quen mới. Chốt chủ đề với diễn giả, hẹn lịch gửi lại slide bài giảng, hẹn lịch test Zoom với nhau. Có những diễn giả đã test với chúng mình 3-4 lần chính thức, 8-9 lần sửa slide, thay đổi toàn bộ cấu trúc ban đầu, hoặc cắt bớt đi 40-50% thời lượng bài giảng. 

Cái quá trình đó cũng kinh khủng lắm, cho cả diễn giả và chủ xị – là mình. Nhưng nó giúp làm được một chuyện, đó là tạo ra một chuỗi workshop tương đối đồng đều. Trước hết là đảm bảo về mặt thời gian không quá lố. Tiếp đó là đảm bảo một chuẩn mực nội dung nhất định – thứ mà không có đúng sai, tốt xấu, chỉ có duy nhất tiêu chí là phù-hợp-với-chương-trình.

Cứ qua mỗi tuần, mình lại học được một bài học mới, từ các diễn giả và các bạn tham dự. Lần đầu tiên tổ chức một chuỗi workshop lên tới 16 buổi như thế này, với mình là áp lực lớn lắm. Chắc mọi người đều hiểu, thế nên ai cũng nhẹ nhàng, dễ chịu và bao dung với mình. Nhờ vậy, mình mới đi được đến điểm này.

Hôm nay là buổi cuối cùng của chuỗi workshop. Mình lại đóng vai diễn giả, làm với Tùng một buổi về “Kể chuyện bằng Nhạc và Thơ”. Cuối buổi, mình nhờ mọi người bật hết webcam lên để chụp với nhau tấm hình. Cái giây phút đó, thật khó tả, chúng mình – từ những người xa lạ, giờ ngồi nói chuyện với nhau như thể một gia đình lớn.

Chuỗi workshop Mở vì Sài Gòn đã:

🍀 quyên góp được 110 triệu đồng

🍀 qua 16 buổi workshop

🍀 8 tuần liên tiếp

🍀 trong suốt 2 tháng

🍀 với 18 diễn giả

🍀 322 người tham dự.

Mình xin thật lòng cảm ơn tất cả mọi người. 

Đặc biệt cảm ơn các diễn giả – những người bạn của mình: anh Bút Chì, Lưu Trọng Nhân, Mạc Mai Sương, Giang, anh Mai Hoàng, chị An Bùi, Trí Dũng, Thùy Cốm, 432Hz. Family, anh Phạm Anh, anh Lê Tuấn Anh, Cỏ Cát, anh Nguyễn Chung Tuệ, Du Bút team, Tùng. Và, người bạn đời của mình – người luôn ủng hộ tất cả những trò điên khùng của mình.

Nếu không có mọi người, Mở Vì Sài Gòn không thể có ngày hôm nay.

Xin tạm chào, và hẹn gặp lại!

Nhược Lạc

Mở mang tâm trí, mở ví vì Sài Gòn

UPDATE: Chuỗi workshop Mở Vì Sài Gòn đã kết thúc sau 2 tháng diễn ra liên tục, vui lòng đọc bài tổng kết tại đây.

///

Trong chuỗi workshop kéo dài khoảng 8 tuần này, mình và các khách mời sẽ chia sẻ đến mọi người các chủ đề như: trà, vẽ, thiết kế, âm nhac, cờ vây, vlog, sách tranh, ảo thuật…. cùng nhiều điều thú vị nữa được bật mí dần qua từng tuần trên fanpage Nhược Lạc.

⏰ Thời gian tham dự: 09:00 sáng thứ Bảy và Chủ Nhật hằng tuần (2 chủ đề, 2 diễn giả khác nhau/tuần)

🏵️ Cách thức tham dự:
Bạn chuyển khoản vào một trong các quỹ ủng hộ Sài Gòn dưới đây:

🌱 Nhóm HẠT VỪNG + SOHA.VN + Quỹ THIỆN NHÂN
CÙNG CHUNG TAY ĐỂ CÓ THÊM MÁY THỞ
Số tài khoản: 12410008685555
Ngân hàng BIDV, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội
Chủ tài khoản: CONG TY CO PHAN VCCORP

🌱 MỖI NGÀY MỘT QUẢ TRỨNG
0021000392211
Vietcombank Hà Nội
Chủ tài khoản: Khuất Thị Hải Oanh
Ví Momo/Zalo Pay: 0913570246
Paypal: ricarddominique@hotmail.com

🌱 SOSMAP.NET – BẢN ĐỒ CỨU TRỢ MÙA DỊCH
Số tài khoản: 7979797979456
Chủ tài khoản: Phạm Thanh Vi
Ngân hàng: MB Bank – Quân Đội

💰 Số tiền tùy thuộc vào mức độ quan tâm và khả năng tài chính của bạn.

📥 Sau đó, bạn chụp màn hình chuyển khoản và gửi email về cuatiemcualac@gmail.com. Mình sẽ gửi lại bạn link Zoom và pass để tham dự buổi workshop.

//

TUẦN 1

🔴 LÀM QUEN VỚI TRÀ
Diễn giả: Nhược Lạc & Đ. Dũng
Giới thiệu ngắn: Là một đôi vợ chồng thích uống trà và tìm hiểu về trà. Buổi chia sẻ hy vọng giúp bạn bước đầu làm quen với trà, và nếu vui, biết đâu bạn sẽ muốn đi sâu hơn vào thế giới thú vị của trà.
Tìm hiểu thêm về Nhược Lạc hoặc ghé thăm Cửa tiệm của Lạc.

Thời gian: 09:00 sáng Thứ Bảy, 07/08/2021
Link sự kiện: https://fb.me/e/3W1r6dHUH

🔴 VẼ-CHƠI (Playful Drawing)
Diễn giả: Đỗ Hữu Chí (Bút Chì)
Giới thiệu ngắn: Đỗ Hữu Chí sử dụng vẽ, viết và thiết kế để sáng tạo. Anh hứng thú với việc hướng dẫn thực hành sáng tạo thông qua các trò chơi. Anh cũng là tác giả của cuốn sách “Ôm phản lao ra biển” và là admin của các fanpage như “Tiếu Sĩ Ngu Ngu”, “Lila”…
Bạn có thể đọc thêm các chia sẻ của anh tại: Do Huu Chi

Thời gian: 09:00 sáng Chủ Nhật, 08/08/2021
Link sự kiện: https://fb.me/e/EdlVqYhP

TUẦN 2

🔴 LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRỞ THÀNH MỘT NGƯỜI KHÔNG GIỎI GÌ CẢ GIỎI NHẤT?
Diễn giả: Lưu Trọng Nhân
Giới thiệu ngắn: Lưu Trọng Nhân hiện là Founder/Creative Leader tại TELOS Agency, chuyên về branding và website. Giảng viên của khóa học Figma Design.
Tìm hiểu thêm về Nhân tại: https://nhanluu.com

Thời gian: 09:00 sáng Thứ Bảy, 14/8
Link sự kiện: https://fb.me/e/Bt0KOGU8

🔴 AI CŨNG CÓ THỂ HỌC NGOẠI NGỮ VẬY TẠI SAO BẠN CHƯA CHỊU HÁT?
Diễn giả: Mạc Mai Sương
Giới thiệu ngắn: Mạc Mai Sương là giọng ca được nhiều bạn trẻ yêu nhạc Indie biết đến qua các ca khúc như “Hoa”, “Mưa”, “Mơ”, “Mộng Mơ Và Lãng Quên”,…
Tìm hiểu thêm về Sương tại fanpage Mạc Mai Sương hoặc ban nhạc của cô.

Thời gian: 09:00 sáng Chủ Nhật, 15/8
Link sự kiện: https://fb.me/e/3Kj8zEMa6

TUẦN 3

🔴 LẮNG LẠI MÀ NGHE
Diễn giả: Giang
Giới thiệu ngắn: Giang hiện đang theo học cử nhân tâm lý đại học Macquarie, Sydney. Ngoài ra, Giang còn là tình nguyện viên của tổng đài tin nhắn hỗ trợ khủng hoảng tâm lý Lifeline Australia.
Kết nối với Giang qua email: giang.hdtran@gmail.com

Thời gian: 09:00 sáng Thứ Bảy, 21/8
Link sự kiện: https://fb.me/e/7uvJ1Zl1h

🔴 THIẾT KẾ VỚI CÁI ĐẦU THỰC TẾ
Diễn giả: Mai Hoàng
Giới thiệu ngắn: Mai Hoàng hiện là Art Director của công ty Hum Vietnam. Bên cạnh đó anh cũng là họa sĩ tự do, bạn có thể chiêm ngưỡng các tác phẩm của anh tại: @maihoangart

Thời gian: 09:00 sáng Chủ Nhật, 22/8
Link sự kiện: https://fb.me/e/1WhYW2LYm

TUẦN 4

🔴 BẢNG CHỮ CÁI CỦA KHUNG HÌNH
Diễn giả: An Bùi
Giới thiệu ngắn: An Bùi hiện là Đạo diễn & Biên kịch ở Yolo Pictures, và là Giảng viên thỉnh giảng khoa Quản Trị Công Nghệ Truyền thông của Đại học Hoa Sen.
Tìm hiểu thêm về An Bùi tại blog của chị hoặc Yolo Picture.

Thời gian: 09:00 sáng Thứ Bảy, 28/8
Link sự kiện: https://fb.me/e/24LtutYRD

🔴 CHƠI CHỮ – CHƠI VÀ THƯỞNG THỨC
Diễn giả: Trí Dũng
Giới thiệu ngắn: Trí Dũng là người viết, người sáng lập Đồ Chơi Chữ, group Thả Câu Thính Chữ 2.0. Hiện đang “vừa làm vừa chơi” chữ tự do tại Hà Nội.

Thời gian: 09:00 sáng Chủ Nhật, 29/8
Link sự kiện: https://fb.me/e/1bPRo5B3R

TUẦN 5

🔴 HIỂU VỀ SÁCH TRANH
Diễn giả: Thùy Cốm
Giới thiệu ngắn: Thuỳ Cốm hiện là một tác giả – hoạ sĩ minh hoạ tự do. Cô đã từng có  nhiều năm kinh nghiệm trong mảng sách tranh, vừa sáng tác và minh hoạ nhiều đầu sách trong nước lẫn nước ngoài. Bên cạnh đó, cô cũng làm biên tập sách và là host của kênh podcast Nghe nói là
Tìm hiểu thêm về Thùy Cốm tại: https://thuycom.studio/

Thời gian: 09:00 sáng Thứ Bảy, 4/9
Link sự kiện: https://fb.me/e/4flXxPwoI

🔴 VLOG – TRÒ CHUYỆN BẰNG HÌNH ẢNH
Diễn giả: 432Hz Family
Giới thiệu ngắn: 432Hz Family được biết đến như một Youtube channel chia sẻ về những khoảnh khắc yên bình trong cuộc sống của gia đình bé Cam.
Follow gia đình đáng yêu này tại 432Hz Family hoặc email về 432hz.channel.official@gmail.com

Thời gian: 09:00 sáng Chủ Nhật, 5/9
Link sự kiện: https://fb.me/e/1h7aMvzD2

TUẦN 6

🔴 CỜ VÂY, LẦN ĐẦU GẶP GỠ
Diễn giả: Phạm Anh
Giới thiệu ngắn: Phạm Anh là một kỳ thủ cờ vây tại Hà Nội. Vô địch cờ vây Việt Nam năm 2013, 2020. Hạng 9 giải cờ vây nghiệp dư thế giới 2020. Bắt đầu dạy cờ vây cho trẻ em từ 2013, thường xuyên tham gia thi đấu và dẫn các em nhỏ tham gia thi đấu các giải lớn nhỏ.
Liên hệ với Phạm Anh xin gửi về phamanhc66@gmail.com

Thời gian: 09:00 sáng Thứ Bảy, 11/9
Link sự kiện: https://fb.me/e/1dyan1ZBd

🔴 THIỀN TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY
Diễn giả: Lê Tuấn Anh
Giới thiệu ngắn: Tuấn Anh là người hướng dẫn thiền ứng dụng phi lợi nhuận hiện đang sinh sống tại Singapore. Anh hiện đang làm nghiên cứu sau tiến sĩ trong lĩnh vực ngữ nghĩa học tính toán tại Lifespan Research Centre, Đại Học Công Nghệ Nanyang, Singapore (Nanyang Technological University).
Tìm hiểu thêm về Lê Tuấn Anh tại FB cá nhân hoặc đây.

Thời gian: 09:00 sáng Chủ Nhật, 12/9
Link sự kiện: https://fb.me/e/5M0iw8Ndt

TUẦN 7

🔴 MỞ QUÁN ĐI, THÌ SẼ BIẾT
Diễn giả: Cỏ Cát
Giới thiệu ngắn: Chủ quán inđì cafe, hiện đang sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng.
Ghé thăm inđì cafe để hiểu thêm về phong cách và cá tính của cô chủ quán thú vị này.
Tìm hiểu thêm về Cỏ tại Blog, Instagram hoặc đón nghe Podcast của cô nhé!

Thời gian: 09:00 sáng Thứ Bảy, 18/9
Link sự kiện: https://fb.me/e/MFONtcnC

🔴 CÓ QUA CÓ LẠI: ẢO THUẬT TOÁN HỌC THỜI GIÃN CÁCH
Diễn giả: Nguyễn Chung Tuệ
Giới thiệu ngắn: Nguyễn Chung Tuệ hiện đang là giáo viên dạy Toán và trưởng bộ môn Công Nghệ Thông Tin tại Carey Baptist Grammar School. Anh đã ứng dụng ba bộ môn Toán, Tin học và Ảo thuật để tạo ra môn Toán Ảo Thuật tại trường, giúp học sinh phát triển khả năng tư duy sáng tạo. 
Liên hệ với anh Tuệ theo email tuecnguyen@gmail.com

Thời gian: 09:00 sáng Chủ Nhật, 19/9
Link sự kiện: https://fb.me/e/1MN22QNYU

TUẦN 8

🔴 XUẤT BẢN TRUYỆN TRANH: TỪ A TỚI…Ă
Diễn giả: Duy Nguyễn & Quỳnh (Du Bút team)
Giới thiệu ngắn: Du Bút là một công ty sách độc lập với trọng tâm là các tác phẩm sáng tạo của tác giả và hoạ sĩ Việt Nam. Được thành lập bởi những người rất trẻ, Du Bút đã chọn lựa và xuất bản những ấn phẩm mà các tụi mình ước ao mình được đọc như “Ê có khi nào…?” (Sói Ăn Chay, 2020), “Về nơi có nhiều cánh đồng” (Phan, 2019), “Mùa hè bất tận” (Lâm Hoàng Trúc, 2021),…

Tìm hiểu thêm về Du Bút tại Facebook page hoặc Instagram.

Thời gian: 09:00 sáng Thứ Bảy, 25/9
Link sự kiện: https://fb.me/e/3Vbl2N48P

🔴 KỂ CHUYỆN BẰNG NHẠC VÀ THƠ
Diễn giả: Tùng & Lạc
Giới thiệu ngắn:
Tùng là một người viết nhạc độc lập.
Tháng 10/2020, Tùng chính thức ra mắt album đầu tay với tên gọi “26: Individualism”.
Tìm hiểu thêm về Tùng tại Facebook pageInstagram.

Lạc là một người viết tự do, một người đang đi.
Tháng 1/2021, Lạc chính thức ra mắt tập thơ đầu tay với tên gọi “Cơm nhà nói chung là êm”.
Tìm hiểu thêm về Lạc tại Facebook pageInstagram hoặc email cho Lạc về nhuoclac@gmail.com

Thời gian: 09:00 sáng Chủ Nhật, 26/9
Link sự kiện: https://fb.me/e/2yn9gWbk1

Cảm ơn mọi người đã ủng hộ và yêu thương Mở vì Sài Gòn trong suốt 2 tháng qua.

Hẹn gặp lại!

Nhược Lạc

về workshop thơ xoa dịu

Hôm qua, lần đầu tiên mình được đóng vai trò diễn giả trong một workshop online. Buổi chia sẻ về thơ, thơ xoa dịu.

Trong lớp có nhiều anh chị lớn tuổi hơn, nên ban đầu mình thấy cũng hơi ngại. Sợ một người trẻ mà ăn nói không khéo thì dễ thành “múa rìu qua mắt thợ”. Song may quá, buổi chia sẻ đúng nghĩa chỉ là một buổi chia sẻ.

Mình kể những câu chuyện, đọc những bài thơ, nói những điều mà mình biết. Còn các anh chị, các bạn đều lắng nghe rất chăm chú. Họ thả reaction: một trái tim, ra dấu vỗ tay, hay nụ cười…để mình biết họ đang ủng hộ mình. Họ gửi tin nhắn, muốn mình đọc lại một lần nữa, phiên bản đầy đủ của bài thơ – dù mình, chỉ sợ đọc thơ nhiều quá mọi người sẽ ngán.

Lớp hôm qua còn có một chị là giáo viên dạy Ngữ Văn. Chị nói với mình rằng: hôm nào có dịp, nhờ em tới chia sẻ cùng học trò của chị. Các bạn trẻ bây giờ không thích đọc thơ nữa, nhưng nếu em nói, hẳn các bạn sẽ thích.

Mình cũng khá xúc động khi tới giờ mọi người vẫn còn tỏ ra niềm yêu mến với thơ nói chung, hay văn chương nghệ thuật nói riêng. Lần đầu tiên làm đêm thi-ca, lần thứ hai làm đêm thi-ca, lần này làm workshop về thơ….thú thật, lần nào mình cũng sợ. Sợ mọi người….buồn ngủ, sợ mọi người thấy sến.

Song lần nào mọi người cũng mang lại cho mình một đáp án khác, một phản ứng khác. Vậy nên, có nhiều nỗi sợ chỉ là nỗi sợ thôi. Khi bạn bước qua, và thực sự làm nó, bạn mới có thể biết câu trả lời thật.

Với mình, thơ – hay nghệ thuật nói chung – bản chất của nó là xoa dịu rồi. Điều mình làm chỉ là tạo ra một cái cớ, một không gian thích hợp, mời mọi người vào chơi.

Nếu hàng ngày bỗng dưng ta đọc một bài thơ, hay hát một đoạn nhạc trước ai đó, có thể, lắm khi, ta sẽ thấy rằng….sến quá. Nhưng nếu ta ở trong một không gian chung, nơi mọi người đều hướng mình về thơ, cảm xúc sẽ khác hoàn toàn.

Đọc một bài thơ, nghe câu chuyện phía sau nó, cảm nhận nhịp điệu phát ra trên môi, cảm nhận thanh âm vang bên tai…. Những cảm xúc dễ chịu đó, một cách tự nhiên, giúp mình được xoa dịu.

Sáng qua, mình có nói với mọi người một ý, rằng: chúng ta đang ngồi ở đây đều là những người may mắn. Cái may mắn của việc còn một mái nhà để ở, có wifi để dùng, có đồ ăn thức uống đầy đủ chưa thiếu thốn, và còn được ngồi đây để nói chuyện với nhau.

Mình trân trọng sự may mắn đó. Và mình cố gắng để ổn, để không tạo thêm sự tiêu cực, thêm lắng lo vào bầu không khí chung. Mình tin rằng khi một cá nhân ổn, họ có thể vơi bớt gánh nặng cho xã hội. Từ đó, họ có thể đóng góp cách này hay cách kia, cho cộng đồng.

Theo mình được biết thì đến giờ, chuỗi workshop này của MAI:tri đã thu về được hơn 55 triệu đồng, dành trọn vẹn để ủng hộ cho các quỹ vì Sài Gòn.

Một niềm vui có thể nhỏ, nhưng giá trị, và khiến mình ấm lòng trong những ngày này.

Xin chúc các bạn luôn ổn, nhiều sức khỏe và bình an, và từ lòng ổn thỏa đó, ta sẽ biết cách làm điều gì để giúp đỡ xung quanh.

Nhược Lạc

đêm thi-ca: chúng ta lớn lên

Đêm thi-ca là một ý tưởng được khởi tạo với mong muốn kết hợp giữa thơ và nhạc, tạo ra một không gian đậm màu sắc thi-ca. Đêm thi-ca được tổ chức lần đầu tiên tại Hà Nội (12/2020) với sự kết hợp của Nhược Lạc, Minh Cầm, Giang (Một miếng bọt biển) và anh Lâm (guitar)

Tháng 4/2021, chúng tôi thực hiện đêm thi-ca thứ 02, với chủ đề là “chúng ta lớn lên” tại Vườn Thảo Điền – Số 34, D11, Thảo Điền, Quận 2, TP.HCM. Lần này, đêm thi-ca: chúng ta lớn lên có sự góp mặt của Nhược Lạc, Tùng, Tâm Phúc và Dương (guitar). 

“Đêm thi-ca: chúng ta lớn lên” là hành trình trưởng thành của (những) thành viên trong gia đình: từ khi còn bé thơ, tới tuổi niên thiếu, dậy thì, lập gia đình, có con….. Đi qua từng chặng đường, ta nhìn lại cách mình đã lớn, đã buồn đã vui, đã ghét đã yêu…Nhưng trên hết vẫn luôn nhận ra rằng ta may mắn biết bao: khi có một gia đình.

Trong đêm thi-ca, chúng tôi gửi đến những bài thơ, những khúc nhạc, những đoạn kết hợp nhạc và thơ, nhưng tựu chung lại đó đều là những câu chuyện – của người trẻ hôm nay – đang cất lên tiếng lòng mình.

đêm thi-ca: chúng ta lớn lên

trong một thế giới không ngừng biến đổi, chúng ta lớn lên. trong một thế giới ngập tràn vẻ đẹp, chúng ta có thi-ca. hẹn gặp bạn trong một không gian ngập tràn tiếng nhạc, lời thơ và cả những câu chuyện về chúng ta.


thời gian: 20:00, ngày 10 và 11.04.2021
địa điểm: Vườn Thảo Điền – 34 đường 10, p. Thảo Điền, quận 2, TP.HCM


hẹn gặp bạn tại đêm thi-ca!

Lạc, Phúc và Tùng

Sự kiện ra mắt tập thơ “Cơm nhà nói chung là êm” – Nhược Lạc

Mình sẽ có một buổi gặp gỡ, chia sẻ về câu chuyện phía sau tập thơ “Cơm nhà nói chung là êm”, rộng hơn – đó là câu chuyện về thơ và đời sống của mình

Nếu bạn có thể tới, vui lòng đăng ký trước tại đây: https://bit.ly/38tK57H
Thông tin chi tiết về sự kiện: https://fb.me/e/hhSAzAlqK

Hẹn gặp mọi người vào lúc 15:30 – 17:00, thứ Bảy 23/01/2021 tại Mono Coffee Lab – 19/55 Vân Hồ 2, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Nhược Lạc