
Trong một buổi trò chuyện với mọi người về thi-ca, mình nhận được một câu hỏi thế này: Có phải những nhà thơ nói riêng, hay những nghệ sĩ nói chung đều phải sống một đời rất khác thường thì mới có nhiều chất liệu sáng tác hay không?
Câu trả lời của mình khi đó là: vừa đúng, vừa không.
Đúng, là vì khi đọc thơ, nghe nhạc, xem tranh… bạn dường như luôn bắt gặp những điều muốn nói ra mà không thể nói được. Các tác giả, khi đó, là người giúp bạn bộc bạch ra ngoài những điều ấy. Mà muốn truyền tải được, họ cần có sự trải nghiệm đủ rộng và sâu các trạng thái cảm xúc rất đỗi con người. Nhưng làm gì có ai sống hết được phần đời của tất cả mọi người. Các nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ… cũng chỉ là người bình thường. Tới bữa thấy đói thì ăn, thấy khát thì uống, thấy mệt thì ngủ… Trải nghiệm trong một kiếp người, một đời người bao giờ cũng có giới hạn.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa một người sáng tác và một người không sáng tác, có lẽ khả năng rung cảm trước những điều bình thường và khao khát được truyền đạt lại điều đó bằng thứ ngôn ngữ riêng của mình. Rất nhiều người bước chân ra phố và nhìn vạt nắng chiếu xiên qua tàng cây, nhưng không phải ai cũng chọn chụp hình hoặc vẽ lại khoảnh khắc kỳ diệu đó. Rất nhiều người từng ngồi dưới hiên nhà xem những hạt mưa lách tách rơi, nhưng không phải cũng chuyển chúng thành nhạc, thành thơ.
Rất nhiều người đi chợ buổi sáng, nấu cơm mỗi ngày, ăn cơm cùng nhau, nghe con kể chuyện buổi tối, đưa con đi chơi công viên chiều Chủ Nhật… Nhưng đến khi mình xuất bản tập thơ “Cơm nhà nói chung là êm”, mọi người mới nhận ra: à, thì ra, những điều bình dị, cũng có lúc trở nên thơ đến thế.
Mình tin rằng có rất nhiều cách để thêm “vị” thi-ca cho đời thường nhật. Mà cách đầu tiên, cơ bản nhất, chính là dành cho những thường nhật ấy sự chú tâm vẹn toàn. Khi ta rót một ly nước ấm và ấp trong lòng tay, khi ta xắt củ cải, cà rốt, ninh một nồi canh với rong biển, táo đỏ và củ sen. Khi ta ngồi xuống, và ăn cùng nhau từng bữa cơm chiều.
Vì có sự chú tâm ấy, mà ta biết được người bạn đời của mình thường uống nước ấm vào buổi sáng. Biết được nhau thích uống trà gì trong bữa tiệc trà. Là bạch trà Sương cho buổi sớm nay, hay Oolong đỏ khi ráng chiều đổ xuống. Là biết được ta nên sắp xếp đồ đạc trong nhà như thế nào, để thuận tiện cho mình đọc sách cùng nhau, cho con tập bò không cụng đầu, cho tụi nhỏ chạy chơi có nhiều không gian, cho vườn cây lá của chồng có không gian để thở, cho góc bàn viết lách của vợ có nhiều ánh sáng ngoài trời.
Cho gian phòng có sự hài hòa về màu sắc, từ chiếc nệm ngồi, rèm cửa, cho đến kệ sách và cả… chiếc tivi LG Posé. Một chiếc TV thoạt nhìn thật hiện đại, nhưng vẫn đầy nét duyên dáng Á Đông. Nhỏ gọn và dễ di chuyển, để chúng mình có thể xem phim cùng nhau – khi con cái đã ngủ. Để chúng mình mở nhạc thật êm, giữa buổi tiệc trà. Để mình được thư giãn trong một khoảng không riêng tư, giữa lúc ngồi lại với chính mình – hít thở. Để chúng mình, đôi khi, mở ra xem lại những bức hình, những thước phim ngày xưa – ngày ta quay tụi trẻ con từ khi chúng nó mới chào đời, lúc vài tháng tuổi, khi tròn một tuổi, lúc vừa lên ba…. Để mỗi lên xem lại, là một lần được cười ngặt nghẽo cùng nhau hay rơm rớm nước mắt, cùng nhau.
Thi-ca có thể tìm thấy trong đời sống, bằng những điều như thế. Nó có mặt ở khắp nơi, len lỏi trong từng phút giây, từng nơi chốn của mỗi người – để chờ người nhận ra, gọi tên thi-ca và dung dưỡng những diệu kỳ li ti lấp lánh đó.
Vậy nên, nếu hỏi người nghệ sĩ có cần sống một đời rất khác thường để có thể sáng tác hay không – thì không cần đâu. Điều duy nhất họ cần, là tiếp tục quan sát và khơi gợi cảm hứng trong mình – bằng những vẻ đẹp thi vị, tươi mới mà rất đỗi nhật thường.
Nhược Lạc
Xem clip của chúng mình tại đây