ProudMama: Cần một “ngôi làng” để bao dung và chăm sóc cho người mẹ

Tháng 6 là tháng của trẻ nhỏ và gia đình. Và sẽ thật thiếu sót nếu như trong bức tranh ấy, chúng ta không đề cập đến vai trò của những người mẹ. Tiếp nối series #ProudMama – Chuỗi bài phỏng vấn những người mẹ trong giới nghệ sĩ & influencer Việt về hành trình làm mẹ đầy cảm xúc và những bài học của mẹ khi lớn lên cùng con, chúng ta cùng trò chuyện với nhà thơ Nhược Lạc – tác giả tập thơ “Cơm nhà nói chung là êm”.

Là mẹ của hai em bé sát tuổi nhau, cùng lúc thực hiện nhiều công việc và dự án cá nhân khác, Nhược Lạc đã có một hành trình làm mẹ như thế nào? Đâu là những quan sát, chiêm nghiệm và bài học của cô trên hành trình đầy ý nghĩa này? Mời các bạn cùng The Influencer lắng nghe những chia sẻ của Nhược Lạc. 

1, “Mỗi đứa trẻ… là một miền đất khác” 

Quay trở về quá khứ, khi biết có một em bé đang lớn lên bên trong mình, chị cảm thấy như thế nào? 

Tôi cảm thấy khá lạ! Một cách bản năng, tôi biết rằng có một sự thay đổi đang diễn ra bên trong cơ thể. Tôi biết rằng có nhiều điều đang khác đi. Qua từng ngày, em bé lớn dần lên, tôi cũng từng bước thích nghi với những sự thay đổi đó. 

Với tôi, hành trình này tương tự với chuyện leo núi. Lúc bắt đầu, tôi biết được rằng hành trình này sẽ khó, sẽ mệt, nhưng chỉ là trên lý thuyết. Mệt đến mức độ nào thì phải đến lúc thực sự bắt đầu, leo từng bước chân, bám tay vào từng mỏm núi,… thì mới trải nghiệm rõ ràng được. Khi bắt đầu có em bé, tôi nghĩ trong đầu rằng “Sắp tới chắc sẽ mệt đây!”, sau đó khi mọi thứ diễn ra thì đúng là mệt thật! (cười). 

Rõ rệt nhất là những biến đổi trên cơ thể, tăng cân, ốm nghén,… Mặc dù tôi có một giai đoạn ốm nghén khá ngắn (chỉ khoảng 3 ngày) nhưng việc ngửi mùi cơm không muốn ăn hay các món ăn vốn rất yêu thích nay cũng thấy sợ – là kiểu trải nghiệm không dễ chịu chút nào. Cùng với những biến độ về cơ thể, người mẹ cũng thường trải qua những biến đổi về tinh thần, nhạy cảm hơn, suy nghĩ nhiều hơn, dễ khóc dễ cười…

Có điều gì khác song hành cùng sự “mệt” đó không? 

Đó là sự vui! Như tôi chia sẻ ở trên, việc mang thai cũng tương tự như leo núi. Dù mỏi mệt, cơ thể cùng lúc cũng tạo ra những hormone tích cực, khiến chúng ta cảm thấy vui vẻ và thả lỏng. Việc mang thai cũng tương tự như vậy, bên cạnh những thay đổi về cơ thể, có những niềm vui nhỏ bé mới mẻ trong cuộc sống hàng ngày khiến tôi cảm thấy hạnh phúc.

Khi đi siêu âm, tôi được nhìn thấy một sinh linh bé nhỏ trong bụng, mỗi ngày em bé lớn thêm một chút. Tháng đầu tiên, em bé chỉ nhỏ như quả cà chua bi, tháng sau bé đã lớn bằng quả quýt, quả cam và rồi bằng quả dưa lưới, tôi hạnh phúc khi theo dõi quá trình bé lớn lên từng ngày. Và khi em bé đạp vào bụng mẹ, đó là một chuyển động rõ ràng, gây xúc động mạnh cho bất kỳ người mẹ hay người cha nào. Trước đó, những sự thay đổi gần như chỉ diễn ra trong cơ thể mẹ, vậy nên chỉ có người mẹ biết. Nhưng khi em bé bắt đầu đạp, khi cha đặt tay lên bụng mẹ và cảm nhận được những tương tác đầu tiên của bé, đó là một trải nghiệm thiêng liêng đáng trân trọng. 

Vậy khi em bé được sinh ra đời, chị cảm thấy như thế nào khi lần đầu bế em bé trên tay?

Lúc đó, cơ thể tôi khá đau đớn. Người ta thường so sánh việc sinh con như gãy 200 cái xương cùng một lúc. Đó là một trạng thái vượt quá ngưỡng chịu đựng thông thường của một con người. Tuy nhiên, cũng trong khoảnh khắc đó, cảm giác hạnh phúc tràn đầy khi tôi nhìn thấy em bé, người mà trước đó chúng tôi chỉ gặp nhau qua màn hình siêu âm. Giờ đây, em bé đang được đặt nằm trên bụng mẹ. 

Nhìn con nằm trên bụng mình, tôi có một cảm giác rất đặc biệt, em bé này, dù chỉ vừa mới chào đời, đã là một sinh linh có sự tách biệt rõ ràng với bản thân tôi. Tôi không nghĩ: đây là em bé của mình, mà là một con người hoàn toàn độc lập. Như thể, em bé mượn cánh cửa là cơ thể tôi để bước vào thế giới này. Em bé có những đặc điểm giống với cha mẹ, nhưng cũng có những điểm hoàn toàn khác biệt.

Sau này, tôi có viết một đoạn thơ về những đứa trẻ:

mỗi đứa trẻ cất trong mình tiếng khóc
và kề sau là tiếng vỗ à ơi
lau nước mắt, và ôm mẹ ngủ vùi
dầu đã lớn,
đã là miền đất khác

Đoạn thơ này tường thuật chính xác cảm xúc về việc làm mẹ của tôi.

Chị có từng viết “Mỗi gia đình là ngọn hải đăng bé”. Hình ảnh “ngọn hải đăng” có ý nghĩa như thế nào?

Ngọn hải đăng là một hình ảnh cho việc bảo vệ sự sống. Mỗi đứa trẻ đều khác nhau, nhưng khi mới được sinh ra, các em đều nhỏ xíu mong manh. Bố mẹ chính là những người đầu tiên bảo vệ các em trong giai đoạn đầu tiên – khi em làm quen với thế giới mới mẻ này. Từ việc cho con bú, thay bỉm, để ý đến từng giấc ngủ, tất cả đều là bố mẹ dưỡng nuôi chăm sóc. Đã là bố mẹ, đã có con rồi thì xác định là rất khó để có những đêm ngủ ngon, từ khi em bé còn nhỏ hay quấy khóc, cả khi con đã lớn hơn thì trong vô thức cha mẹ vẫn luôn để ý xem con mình đang như thế nào. 

Như vậy, khi các em còn nhỏ, gia đình là cái nuôi ấp ôm vỗ về, chăm sóc và có những định hướng cơ bản nhất. Bố mẹ là những người dạy con những bài học đầu tiên. Mẹ và con cùng học cách điều chỉnh như thế nào để có giấc ngủ ngon, cùng học cách cho em bé ăn những bữa ăn dặm đầu tiên, rồi sau đó là những bước đi chập chững đầu đời. “Ngọn hải đăng” là nguồn sáng lớn, giúp đứa trẻ tự tin bước đi và yên tâm để lớn lên trong ngôi nhà của mình. 

Khi các bé bắt đầu đi học, “ngọn hải đăng” cha mẹ sẽ bớt ảnh hưởng với các em nhỏ đi một chút. Lúc này, em bé không chỉ học từ bố mẹ, mà còn học từ thầy cô, bạn bè, hàng xóm xung quanh… Bên cạnh đó, khi “ngọn hải đăng” không còn là nguồn sáng duy nhất để con học hỏi, thì nhiều cha mẹ có thể dễ rơi vào cảm giác hụt hẫng. “Ngày trước chúng chỉ cần mình thôi, tại sao giờ chúng càng ngày càng ít cần mình hơn”…

Chị có từng rơi vào cảm giác hụt hẫng đó? 

Nếu tôi nói mình không có cảm giác hụt hẫng đó, thì bạn có tin không? *cười*

Nghe hơi lạ, nhưng từ lúc sinh em bé, tôi luôn cảm thấy được sự phân tách rõ rệt nào đó giữa mình và con – như là hai con người hoàn toàn độc lập. Cảm giác ấy bắt đầu từ giây phút tôi sinh con, và ngày càng rõ ràng hơn trong quá trình nuôi nấng các bạn ấy. Tôi nhìn thấy rằng mỗi đứa trẻ đều có cái gì đó rất riêng, rất bản năng. Cái riêng đó không đến từ tác động của giáo dục, vì những đứa trẻ được nuôi dạy như nhau vẫn có thể phát triển theo những hướng hoàn toàn khác biệt. 

Khi các con lớn lên – khi chúng có thể bắt đầu học hỏi nhiều hơn từ môi trường xung quanh (ông bà, thầy cô, bạn bè…) tôi lại có phần vui vì có thêm thời gian làm những thứ mình muốn, và bọn trẻ cũng vui luôn vì chúng được đi học. Tầm tuổi này đi học vẫn còn vui lắm, vì được chơi nhiều với chúng bạn.

Dù vậy, chúng tôi luôn ngầm thỏa thuận với nhau rằng sau mỗi ngày đi học đi làm, chúng tôi sẽ luôn dành thời gian cho nhau để cùng ăn cơm, vẽ vời, làm bài tập về nhà, ôm nhau và kể chuyện trước khi đi ngủ. 

Từ khi các bạn ấy còn rất nhỏ, tôi thường hỏi xem các con muốn nghe chuyện gì tối nay. Các bạn sẽ đưa ra một vài từ khóa. Ví dụ, “con muốn nghe về con ngựa hồng, con cá sấu, đám mây…” Và ngay lập tức, trong đầu tôi phải sáng tạo một câu chuyện có đầy đủ các yếu tố đó. Các con đã nghe những câu chuyện như vậy trong nhiều năm cho đến khi chúng có thể tự mình kể chuyện. Từ đó trở đi, các bé sẽ là người kể chuyện mỗi tối cho bố mẹ nghe. Dù tối đó có ngủ chung với bố mẹ hay không, chúng cũng nhất quyết phải kể xong câu chuyện trước khi về phòng đi ngủ. Điều đó cũng là một món quà thú vị và đáng yêu phết!

2, “Bài học lớn nhất có lẽ là làm sao để làm đúng vai trò của một người cha, người mẹ”

Không phải người mẹ nào cũng dễ dàng có được sự cân bằng giữa yêu thương và tách rời với những đứa con của mình. Họ thường chăm chút cho các con, nhưng đôi khi quên chăm sóc chính bản thân mình. Chị nghĩ việc người mẹ dành tình yêu thương và dành thời gian cho chính mình quan trọng như thế nào?

Trước khi đề cập đến người mẹ, chúng ta cần nhìn vào hệ sinh thái xung quanh người mẹ đó. Tôi tin rằng tất cả người mẹ đều mong muốn và có thể yêu thương chính mình, nhưng điều đó cần được hỗ trợ và cho phép. 

Khi nhìn sâu vào vấn đề, chúng ta sẽ thấy có những người mẹ được hưởng những điều kiện thuận lợi hơn so với người mẹ khác. Họ có tài chính ổn định, có người hỗ trợ trong việc chăm sóc gia đình, quản lý công việc, quán xuyến nhà cửa… Trong những điều kiện tốt như vậy, không có lý do gì để người mẹ không yêu chính mình. 

Tuy nhiên, nếu một người mẹ phải đối mặt với nhiều trách nhiệm, họ luôn phải cân nhắc giữa việc chăm sóc con cái hay lo liệu việc nhà, làm việc kiếm tiền…, thì liệu họ có đủ thời gian và tình yêu để dành cho bản thân? Vì vậy, khi nói về việc “người mẹ cần yêu chính mình”, chúng ta cần xem xét từ nhiều phía. 

Khi trở thành mẹ, tôi nhận ra rằng đó là công việc khó nhất trên thế giới. Có những giai đoạn rất khó để dành thời gian và yêu thương chính mình. Tôi dành thời gian cho bản thân rồi ai sẽ chăm sóc cho con, ai dọn dẹp nhà cửa… Chắc chắn người mẹ cần yêu chính mình, nhưng cũng sẽ có những giai đoạn mà họ cần ưu tiên các con và những nhiệm vụ khác trong cuộc sống. 

Người ta thường nói rằng, “cần một ngôi làng để nuôi lớn một đứa trẻ”, tương tự như vậy, tôi nghĩ rằng cũng cần một ngôi làng để bao dung và chăm sóc cho một người mẹ. “Ngôi làng” đó chính là sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, xã hội, môi trường sống,…

Trong văn hoá Á Đông, chúng ta thường được giáo dục rằng phải quên chính mình, phải tuân thủ những nguyên tắc cộng đồng, người mẹ phải hy sinh vì gia đình con cái. Điều đó chưa đúng lắm, thay vào đó, chúng ta cần đặt bản thân vào thế dung hoà với cuộc sống xung quanh. 

Bọn trẻ nhà tôi có thói quen này khá buồn cười, đó là khi ăn cơm, sau khi mời tất cả mọi người, các bạn ấy sẽ mời… chính mình ăn cơm. Khi tôi hát những câu vu cơ như là “mẹ yêu ông, mẹ yêu bố, mẹ yêu bà, mẹ yêu con,…” chúng sẽ nhắc tôi phải tính cả chính mình vào danh sách yêu thương đó “mẹ yêu mẹ nữa, rồi mẹ yêu con”. 

Thật ra tư duy của bọn trẻ rất đơn giản, chúng chỉ đếm đủ số người, như phép toán trong lòng bàn tay. Nhưng câu nói đó lại là một lời nhắc rất cảm động dành cho tôi, về việc không bao giờ quên yêu thương chính mình.

Giờ đã làm mẹ của hai em bé. Chị thấy Nhược Lạc của phiên bản đã có con và chưa có con khác nhau như thế nào?

Tôi nghĩ là có rất nhiều sự khác biệt. Khi có con, một phiên bản khác của mình được ra đời, và người mẹ sẽ không bao giờ có thể quay trở lại phiên bản cũ của chính mình được nữa. Mỗi người đều có thể lựa chọn nhìn điều này theo hướng tiêu cực hoặc tích cực.

Về mặt tiêu cực, chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng về sức khoẻ. Không chỉ là chuyện sinh nở, giai đoạn sau sinh cũng rất vất vả. Với cá nhân tôi, sau khi sinh con, tôi vẫn vừa chăm con vừa nhận các công việc từ xa. Vì vậy, mặc dù có ông xã đỡ đần, san sẻ rất nhiều – tôi vẫn phải thừa nhận rằng mình đã vất vả, mệt mỏi rất nhiều. Luôn phải có sự hy sinh khi trở thành cha mẹ, dù bạn có gọi đó là hy sinh hay không.

Tuy nhiên đổi lại, cũng là rất nhiều niềm vui. Làm cha mẹ giống như hành trình leo một ngọn núi rất cao, có những lúc tưởng chừng như không thể tiếp tục, nhưng khi đã đi qua được rồi, ta có thể tự hào rằng mình đã vượt qua những bài thi khó. Bài thi đó không bao giờ dừng lại hoàn toàn, nhưng mỗi bước tiến đều thật đáng ghi nhận. 

Với tôi, hành trình này rèn luyện về tinh thần khá tốt. Tôi vững vàng hơn, suy nghĩ thấu đáo hơn, có sự thông cảm với người khác nhiều hơn. Khi làm cha mẹ, sẽ có những giai đoạn bản thân trở nên đặc biệt yếu đuối cả về thể chất lẫn tinh thần. Song cũng nhờ vậy, mà ta có thể hiểu, thông cảm và bao dung hơn cho những làm cha mẹ khác, bao gồm cả cha mẹ của chính mình.

Từ khi làm mẹ, tôi phát hiện ra mình để ý nhiều hơn về cách ăn nói của mình, đặc biệt là với những người mẹ đang mang thai, hay những bậc cha mẹ đang chăm sóc con cái khác. Nếu nói, hãy chỉ nói những lời an, vui, tích cực thôi; nếu không thực sự cần nói – tốt nhất là nên im lặng. Đôi khi, dù ta chẳng có ý gì xấu đâu, thậm chí nó chỉ xuất phát từ sự quan tâm thôi – song nếu không khéo, cũng có thể trở thành nguồn năng liệu tiêu cực – ảnh hưởng xấu đến tinh thần và cảm xúc của người mẹ.

Trên hành trình làm mẹ này, bài học lớn nhất mà chị rút ra là gì? 

Bài học lớn nhất có lẽ là làm sao để làm đúng vai trò của một người cha, người mẹ. 

Nếu làm một phụ huynh ngọt ngào và chiều chuộng con quá, rất có thể con sẽ hư. Nếu quá nghiêm khắc, ta lại có thể trở thành những ông bố bà mẹ khắc nghiệt. Nếu đơn thuần trở thành bạn của con, có thể ta đang không làm đúng nhiệm vụ dạy dỗ và nuôi nấng trẻ. Nếu nghĩ rằng bản thân là người hướng dẫn duy nhất của con, ta có thể sẽ áp đặt trẻ rất nhiều. 

Vậy nên, bài học lớn nhất là làm sao để làm đúng vai trò cha mẹ. Không can thiệp quá nhiều, mà cũng không quá ít. Điều đó rất khó, đến bây giờ tôi vẫn liên tục phải quan sát và điều chỉnh. Bố mẹ của năm nay sẽ khác bố mẹ của năm trước, những đứa con cũng vậy. Làm sao để hai đối tượng cùng đang khác đi đó, nhưng vẫn có thể gìn giữ quan hệ yêu thương nhau, chấp nhận nhau và lớn lên cùng nhau? Đó chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. 

Khi trở thành mẹ rồi, tôi thấy thương và nể bố mẹ mình hơn. Thương vì nhìn ra được những khó khăn của họ, và nể vì tôi cũng có những giai đoạn khó chịu nhưng họ vẫn không ngừng yêu thương. Họ cũng có những sai sót của một con người bình thường, đến giờ tôi mới có thể cảm thông nhiều hơn. Họ không chỉ là bố mẹ mình, họ cũng là một con người nữa. Và đã là con người, chắc chắn sẽ có lúc đúng, lúc sai. Cùng lúc làm bố mẹ, họ cũng là người chồng, người vợ của ai đó; họ cũng là con cái của ai đó; họ cũng là nhân viên, là sếp của ai đó,… Cùng lúc, họ phải đóng rất nhiều vai trò, cũng giống như chúng ta của hiện tại. Hiểu được điều đó, tôi bao dung với chính mình, và cũng bao dung với bố mẹ nhiều hơn. 

Nếu có cơ hội để chia sẻ với những người đang và sắp làm mẹ, chị sẽ muốn chia sẻ với họ điều gì? 

Các cụ ngày xưa có câu là “Có đầu có đuôi, nuôi lâu cũng lớn”. Khi có một đứa trẻ, tôi có cảm giác rằng việc nuôi dạy con sẽ kéo dài mãi mãi. Bao giờ con mới lớn, bao giờ mẹ mới lấy lại cơ thể và tinh thần như ngày xưa, bao giờ con có thể tự chăm sóc cho chính mình, bao giờ mẹ mới quay trở về guồng cuộc sống cũ,… 

Ban đầu tôi cũng rất áp lực. Thế nhưng, động lực để tôi vượt qua những điều này là: hiểu rằng, tất cả rồi sẽ qua đi. 

Những vất vả này chỉ là tạm thời, những đứa trẻ chắc chắn sẽ lớn lên, sẽ biết chạy nhảy và biết học hành. Vì vậy, tôi luôn tự nhủ với chính mình, và cũng muốn động viên những người mẹ khác rằng: bọn trẻ sẽ lớn lên và mọi chuyện rồi sẽ ổn. Việc của chúng ta chỉ là kiên trì, bình tâm và chăm sóc bản thân tốt giữa những cơn bão này.

Cảm ơn chị Nhược Lạc. Chúc chị và gia đình một hành trình thật nhiều niềm vui.

Nguồn: theinfluencer.vn

về workshop thơ xoa dịu

Hôm qua, lần đầu tiên mình được đóng vai trò diễn giả trong một workshop online. Buổi chia sẻ về thơ, thơ xoa dịu.

Trong lớp có nhiều anh chị lớn tuổi hơn, nên ban đầu mình thấy cũng hơi ngại. Sợ một người trẻ mà ăn nói không khéo thì dễ thành “múa rìu qua mắt thợ”. Song may quá, buổi chia sẻ đúng nghĩa chỉ là một buổi chia sẻ.

Mình kể những câu chuyện, đọc những bài thơ, nói những điều mà mình biết. Còn các anh chị, các bạn đều lắng nghe rất chăm chú. Họ thả reaction: một trái tim, ra dấu vỗ tay, hay nụ cười…để mình biết họ đang ủng hộ mình. Họ gửi tin nhắn, muốn mình đọc lại một lần nữa, phiên bản đầy đủ của bài thơ – dù mình, chỉ sợ đọc thơ nhiều quá mọi người sẽ ngán.

Lớp hôm qua còn có một chị là giáo viên dạy Ngữ Văn. Chị nói với mình rằng: hôm nào có dịp, nhờ em tới chia sẻ cùng học trò của chị. Các bạn trẻ bây giờ không thích đọc thơ nữa, nhưng nếu em nói, hẳn các bạn sẽ thích.

Mình cũng khá xúc động khi tới giờ mọi người vẫn còn tỏ ra niềm yêu mến với thơ nói chung, hay văn chương nghệ thuật nói riêng. Lần đầu tiên làm đêm thi-ca, lần thứ hai làm đêm thi-ca, lần này làm workshop về thơ….thú thật, lần nào mình cũng sợ. Sợ mọi người….buồn ngủ, sợ mọi người thấy sến.

Song lần nào mọi người cũng mang lại cho mình một đáp án khác, một phản ứng khác. Vậy nên, có nhiều nỗi sợ chỉ là nỗi sợ thôi. Khi bạn bước qua, và thực sự làm nó, bạn mới có thể biết câu trả lời thật.

Với mình, thơ – hay nghệ thuật nói chung – bản chất của nó là xoa dịu rồi. Điều mình làm chỉ là tạo ra một cái cớ, một không gian thích hợp, mời mọi người vào chơi.

Nếu hàng ngày bỗng dưng ta đọc một bài thơ, hay hát một đoạn nhạc trước ai đó, có thể, lắm khi, ta sẽ thấy rằng….sến quá. Nhưng nếu ta ở trong một không gian chung, nơi mọi người đều hướng mình về thơ, cảm xúc sẽ khác hoàn toàn.

Đọc một bài thơ, nghe câu chuyện phía sau nó, cảm nhận nhịp điệu phát ra trên môi, cảm nhận thanh âm vang bên tai…. Những cảm xúc dễ chịu đó, một cách tự nhiên, giúp mình được xoa dịu.

Sáng qua, mình có nói với mọi người một ý, rằng: chúng ta đang ngồi ở đây đều là những người may mắn. Cái may mắn của việc còn một mái nhà để ở, có wifi để dùng, có đồ ăn thức uống đầy đủ chưa thiếu thốn, và còn được ngồi đây để nói chuyện với nhau.

Mình trân trọng sự may mắn đó. Và mình cố gắng để ổn, để không tạo thêm sự tiêu cực, thêm lắng lo vào bầu không khí chung. Mình tin rằng khi một cá nhân ổn, họ có thể vơi bớt gánh nặng cho xã hội. Từ đó, họ có thể đóng góp cách này hay cách kia, cho cộng đồng.

Theo mình được biết thì đến giờ, chuỗi workshop này của MAI:tri đã thu về được hơn 55 triệu đồng, dành trọn vẹn để ủng hộ cho các quỹ vì Sài Gòn.

Một niềm vui có thể nhỏ, nhưng giá trị, và khiến mình ấm lòng trong những ngày này.

Xin chúc các bạn luôn ổn, nhiều sức khỏe và bình an, và từ lòng ổn thỏa đó, ta sẽ biết cách làm điều gì để giúp đỡ xung quanh.

Nhược Lạc

Vài gợi ý về thực hành viết sáng tạo

Tôi tạm dùng từ “viết sáng tạo” để phân biệt với các mục đích viết lách khác, chẳng hạn như viết nhật ký, viết thư giãn, viết xoa dịu…

Viết sáng tạo có thể hiểu đơn giản là bạn viết để tạo ra tác phẩm. Nó khác cách viết dành riêng cho bản thân ở chỗ, ngay từ khi đặt bút viết bạn đã muốn tạo ra một tác phẩm độc lập – thứ có thể chia sẻ tới người đọc một cách hoàn toàn tách biệt với bạn.

Đó có thể là một bài thơ, một bài tản văn, truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết. Đó là thứ mà sau khi viết xong, chúng tách rời khỏi bạn, tự chúng sống một đời sống khác. Mọi đánh giá, từ đó về sau, đều thuộc quyền của độc giả. Tôi gọi đó là viết sáng tạo.

Trong quá trình hoạt động trong ngành quảng cáo, dịch vụ nhà hàng, viết bài cộng tác với tạp chí, viết blog, ra sách….. tôi nhận ra bản thân có một số kinh nghiệm nhất định, đúc rút trong quá trình viết lách. Nhân dịp có vài người em, người bạn inbox hỏi về vấn đề này, tôi muốn viết một bài chia sẻ công khai, vì có thể sẽ có nhiều hơn một người viết mới đang quan tâm, trăn trở về việc: làm sao để sáng tác tốt hơn.

Các gợi ý của tôi gồm có:

[1] Viết tự do mỗi ngày (Free-writing)

Việc viết tự do có hai mục đích cơ bản. Một, là giải tỏa căng thẳng, tháo gỡ các khúc mắc về tâm lý. Tôi nghĩ đây là điều ai cũng thường gặp trong đời sống, và để cho câu chữ viết ra được sáng, đẹp – tôi nghĩ rằng chúng ta nên tự giải quyết vấn đề của mình trước. Hãy viết thoải mái một lát, trong khoảng 500 chữ, để có một tâm tư rỗng rang.

Hai, là khơi nguồn. Khơi nguồn xúc cảm, tâm tư và cả nguồn sáng tạo. Có những thứ vốn luôn nằm bên trong mình, nhưng mình không thể hoặc rất khó để nhận ra. Việc viết liên tục không nghỉ có thể vô tình khơi ra. Sau khi viết, nếu bạn tìm ra gì đó, hãy nhặt thật cẩn thận những bụi vàng đó – ghi chép ngắn gọn lại trong sổ tay/mục note của bạn.

[2] Học cách nhìn và nghe ở mức độ sâu hơn.

Tôi biết, chúng ta vẫn luôn nhìn và nghe đều đặn mỗi ngày. Nhưng điểm khác biệt giữa một người làm sáng tạo và những người khác đó là: họ luôn tìm thấy những điểm mà người khác bỏ qua.

Cái cây cách nhà hai ngã tư. Bầu trời lúc một rưỡi chiều. Hướng gió đổi lúc ba giờ. Vòi nước bị rò rỉ. Đôi tất của người giao hàng. Hay người đó không đi tất. Tiếng khóc của đứa trẻ hàng xóm mỗi bảy giờ tối, thứ sáu hàng tuần không khóc. Chén trà mới pha. Cũng chén trà đó, pha vào hôm qua. Và hôm nay.

Ý tôi là, nhìn mọi thứ. Kỹ lưỡng hơn. Không cần phân tích gì cả mà chỉ nhìn thôi. Có thể ghi lại những điều mà bạn thấy đặc biệt ấn tượng. Còn không, hãy chỉ nhìn thôi. Nhìn mỗi ngày.

Và nghe. Lắng nghe nhịp điệu. Nghe nhạc. Nhạc không lời. Nhạc có lời. Nhạc giao hưởng. Nhạc trẻ. Vọng cổ teen. Tài Smile. Sơn Tùng MTP. Mọi thứ.

Đọc văn của người khác thành tiếng. Đọc văn của chính bạn. Chú ý nhịp điệu khi đọc thành tiếng. Vì sao, cùng là một câu văn mang ý như vậy, của người này bạn đọc thấy êm miệng, của người khác nghe lục cục. Nhớ cảm giác êm ái đó, cảm giác lục cục đó. Nhớ những nhịp điệu đó.

[3] Luôn ghi chép lại thật nhanh

Tôi thường dùng Note trong điện thoại cho các ghi chép nhanh, và Notion trên laptop. Tôi cũng dùng sổ tay cho các trường hợp ghi chép cần nhiều hơn chữ nghĩa đơn thuần.

Ghi trên máy giúp tốc độ viết ra nhanh hơn, lưu trữ dễ dàng hơn. Ghi trên giấy giúp đầu óc mở mang hơn, dễ liên kết nhiều dữ kiện hơn.

Cả hai cách ghi chép trên đều cần thiết.

[4] Tự ra đề bài cho mình và hoàn thành nó MỖI NGÀY

Dù là thơ, văn, truyện ngắn, truyện dài… tất cả với tôi đều là một dạng câu trả lời cho một câu hỏi, một bài tập có từ trước đó. Hãy bắt đầu với việc giao đề tài cho mình, và làm nó mỗi ngày.

Mỗi ngày một bài thơ. Mỗi ngày một đoạn viết 500 chữ. Mỗi ngày một chương trong cuốn truyện dài mà bạn ấp ủ. Mỗi ngày.

[5] Rao lên cho làng nước biết (Show your work!)

Việc làm đủ bài tập mỗi ngày thực sự chẳng dễ dàng gì, nhất là khi bạn tự ra đề, tự làm và không có ai kiểm soát. Đừng làm vậy. Hãy khoe nó ra!

Tạo một blog cá nhân, một website, một fanpage trên Facebook….bất kỳ nền tảng nào giúp bạn chia sẻ những gì bạn biết. Từng lượt xem, lượt thích sẽ là một thứ áp lực nhất định cho bạn, nhưng cần có. Và cũng là cả nguồn động viên cho bạn.

Nếu bạn thích tác phẩm, bài viết của ai đó, cũng tương tự vậy, đừng im lặng. Hãy rao lên cho làng nước biết!

[6] Đặt mục tiêu lớn hơn

Có thể, mỗi người sẽ có những cách học khác nhau, cách hoàn thiện bản thân khác nhau. Nhưng với tôi, việc đặt ra các mục tiêu nhất định, giúp mình tiến xa hơn.

Có thể, không phải lúc nào ta cũng đạt được các cột mốc mà mình mong đợi. Song, ta sẽ luôn tiến xa hơn thời điểm mà mình đã đứng trước đó 6 tháng, 1 năm, 2 năm…

Thử hình dung về những mục tiêu lớn hơn. Một dự án cá nhân, một triển lãm, một sự kiện làm độc lập hoặc kết hợp với bạn bè nghệ sĩ, xuất bản một cuốn sách, xuất bản cuốn thứ hai…

Đặt mục tiêu, tức là tự cho mình một mốc thời gian. Ví dụ, một năm tới. Có thể viết cho chính mình một lá thư gửi vào futureme.org để xem một năm sau đó, mình đã làm được chưa. Nếu làm được rồi, quá tuyệt. Nếu chưa làm được, thật tuyệt, giờ là lúc ta bắt đầu làm.

.

Cuối cùng, hãy thật sự hoàn thành từng tác phẩm một. Từng bài thơ. Từng truyện ngắn. Từng truyện dài. Từng cuốn trường thiên tiểu thuyết mà ta mơ. Hãy hoàn thành nó trước khi đánh giá nó.

Tin tôi đi, người viết nào cũng từng thấy những gì mình viết ra dở tệ và không có giá trị gì. Nhưng nếu ai cũng vì thế mà dừng lại, chúng ta sẽ chẳng có tác phẩm nào để đọc, như bây giờ.

Hoàn thiện hơn hoàn hảo. Hãy hoàn thiện đã, rồi để cho tác phẩm được sống đời độc lập của nó. Và người xem sẽ đánh giá giùm bạn. Việc của bạn với tác phẩm đó đã hoàn thành kể từ lúc bạn đặt dấu chấm cuối cùng.

Giờ, là lúc bạn đi tiếp, cùng một tác phẩm khác.

Đi nào.

Nhược Lạc

Sự kiện ra mắt tập thơ “Cơm nhà nói chung là êm” – Nhược Lạc

Mình sẽ có một buổi gặp gỡ, chia sẻ về câu chuyện phía sau tập thơ “Cơm nhà nói chung là êm”, rộng hơn – đó là câu chuyện về thơ và đời sống của mình

Nếu bạn có thể tới, vui lòng đăng ký trước tại đây: https://bit.ly/38tK57H
Thông tin chi tiết về sự kiện: https://fb.me/e/hhSAzAlqK

Hẹn gặp mọi người vào lúc 15:30 – 17:00, thứ Bảy 23/01/2021 tại Mono Coffee Lab – 19/55 Vân Hồ 2, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Nhược Lạc

Đặt trước bộ quà-thơ “Cơm nhà nói chung là êm”

Bộ quà-thơ đặc biệt phiên bản giới hạn “Cơm nhà nói chung là êm” gồm có:

  • 02 tập thơ “Cơm nhà nói chung là êm” kèm chữ ký và lời nhắn từ tác giả Nhược Lạc
  • 01 bưu thiếp “Cơm nhà nói chung là êm”
  • 01 thiệp cảm ơn
  • 02 đôi đũa gỗ sao thủ công từ Trại Cá
  • 02 gác đũa gỗ sao thủ công từ Trại Cá
  • 01 chiếc khăn êm từ Trại Cá
  • 01 hộp quà gói giấy đỏ phong vị Tết, ruy-băng đỏ và hoa khô

Trong không khí của những ngày Tết Ta đang gần kề, mong rằng bộ quà-thơ sẽ như một hơi cơm nhà, một cơn gió êm giúp mỗi người quay về với những điều êm ái nhất.

Bộ quà có hai tập thơ xinh, bạn có thể đọc một cuốn, gửi tặng người thương một cuốn. Bộ quà có hai đôi đũa sao thủ công, để mỗi bữa dùng của bạn luôn có đôi. Bộ quà có hai gác đũa, bởi vì ai cũng cần phút ngơi nghỉ. Bộ quà có chiếc khăn êm, bởi vì ai cũng mong được dịu xoa. Và bộ quà có chút phong vị Tết từ giấy gói và ruy băng rực rỡ – để chúng ta gửi tặng nhau những điều lành, êm, đẹp cho một năm mới đang sát kề.

Hiện tại, do đã hết bộ quà-thơ nên form đăng ký đã được đóng lại.

Cảm ơn các bạn đã nhiệt tình ủng hộ!

Nhược Lạc

khởi niệm

Mọi chuyện thật lạ kỳ, cái ngày mà mình bỗng nhiên có ý nghĩ rằng: tôi muốn làm một tập thơ.

Mình không biết phải bắt đầu từ đâu. Mình không muốn tập thơ của mình đơn thuần là một sự góp nhặt theo năm tháng, mà thực sự có ý tưởng chủ đạo và xuyên suốt. Một hành trình mà khi bắt đầu bước lên, ta sẽ muốn đi tiếp, đi tiếp, để xem điều gì sẽ xuất hiện.

Và một người bạn đã xuất hiện. Bạn cho mình một cái nhìn xuyên suốt và rõ ràng về chuyện nên làm một tập thơ có ý, tứ như thế nào. Rồi từ đó, một người bạn khác lại xuất hiện, bạn bắt tay vào vẽ những hình ảnh nhỏ nhắn và cảm động cho tập thơ của mình. Rồi nhà xuất bản, rồi biên tập viên, rồi người bạn lâu năm, rồi quán nhỏ giữa lòng thành phố, rồi người chị thân quý, rồi mùi hương và tiếng hát tỏa ra trong lòng.

Những căn duyên nối nhau. Người bận rộn giúp mình hoàn thành tập thơ, người góp ý từ điều nhỏ nhặt, người giúp in cả bản thảo ra, người giúp đọc soát từng lỗi chính tả, từng lối dùng từ. Người hỏi quanh tìm địa điểm, người kết nối mình đến những nghệ sĩ khác. Người nhắn tin nói rằng mong tập thơ của em từng ngày, từng ngày.

Cái lúc bắt đầu ý niệm ban sơ ấy, mình không bao giờ hình dung được chặng đường tiếp theo sẽ như thế nào. Mình thậm chí hơi sợ. Đến bây giờ, vẫn còn hơi sợ. Sợ làm không đủ tốt, sợ phụ lại quá nhiều sự giúp đỡ của những người mà họ không có bất kỳ lý do gì để phải giúp mình – nhưng vẫn giúp. Nhưng điều khiến mình hài lòng nhất ở bản thân, là mình đã không dừng lại. Mình đã luôn sẵn lòng cất lên tiếng nói để tự tìm cơ hội cho bản thân. Mình đã hỏi khi không biết, đã lắng nghe sự góp ý, đã sẵn sàng thay đổi hoặc giữ nguyên. Đã đi đủ nhiều để đến một đâu đó, gặp một điều gì đó.

Cứ mỗi ngày qua, như hôm nay, và ngày mai, mình lại thêm những phần xúc động nhỏ, vì những góp sức từ “vũ trụ” mà mình đang được nhận.

Vậy nên nếu bạn đang có một khởi niệm, mình mong bạn giữ gìn. Cứ gói vải gọn gàng lại rồi ôm trong tay, và tiếp tục đi. Có lẽ không phải ý niệm nào ban đầu rồi cũng có thể trở thành hiện thực, nhưng chặng đường bạn đi cùng ý niệm đó luôn mang lại cho bạn nhiều điều hơn bạn tưởng. Rất nhiều. Ngay cả những vấp váp khi đi qua rồi cũng là một món quà quý.

Mình vẫn là “một người đang đi”, cũng mong bạn cùng đi.

Nhược Lạc

một bài thơ cùng J.O.Y

mình có duyên được góp chữ trên tạp chí J.O.Y issue 4 : Chuyến du hành thời gian. thật là vui vì được trở thành một phần trên chuyến tàu về với những kỷ niệm xưa cũ.

cuốn tạp chí này ẩn giấu rất nhiều thú vị nho nhỏ, như một tấm vé lên tàu bay mang tên mình, một vài hình ảnh quen mà lạ, vài câu chuyện về (những) người mà ta mến yêu, chẳng hạn: nhạc sĩ Đỗ Bảo. tất thảy diễn ra trong gam màu đồng vàng ấm cúng, một giai điệu (nếu có) rất chậm, trầm và êm.

và mình có một phần trong đó.

nếu bạn quan tâm, mời bạn tìm đọc J.O.Y issue 4 và tìm Nhược Lạc trong đó nhé!

thân mến,
Nhược Lạc

một vài chia sẻ về Viết

Gần đây mình nhận được một số tin nhắn hỏi về cách để viết hay hơn, làm sao để bắt đầu, nên đọc sách gì và nên học từ ai. Mình thì không dám nhận là một người viết tốt, nhưng mình đã bắt đầu viết lách nghiêm túc được một thời gian và đang sống bằng nghề viết, nên mình nghĩ có thể chia sẻ một vài điều, như sau:

[1] Viết cái gì?
Viết là một từ bao hàm quá rộng. Có quá nhiều lĩnh vực cần đến viết lách. Bạn không thể hỏi một nhà thơ cách viết tiểu thuyết, cũng như không thể hỏi một copywriter cách làm luận án tiến sĩ.

Biết được chính xác điều bạn muốn viết, sẽ giúp bạn biết mình nên học hỏi các kỹ năng nào cho việc viết lách của mình.

[2] Họ đã viết như thế nào?
Khi đã biết bạn muốn viết cái gì rồi, thì hãy tìm những người viết cái đó và đọc. Quá trình đọc trước tiên là một quá trình xác nhận lại xem bạn có thực sự thích hay cần kỹ năng viết này không.

Ví dụ như mình, ngày bước chân vào ngành quảng cáo, vì chưa biết gì cả, mình bắt đầu học bằng cách google ra các web, page nói về quảng cáo (hồi đó còn hơi ít chứ giờ nhiều vô cùng), đọc sách, đọc blog của các anh chị làm copywriter, inbox hoặc viết email hỏi họ, đi học các lớp ngắn hạn về copywriting, content thinking.

Bằng cách đó, dù mình chưa giỏi lên ngay, nhưng mình có một cái nhìn toàn cảnh, sáng rõ hơn với nghề viết quảng cáo. Nói cách khác, mình lờ mờ hiểu ra mình cần-làm-gì.

[3] Viết, viết nữa, viết mãi.
Câu này nhàm quá, cliché quá, nhưng chưa bao giờ sai. Chỉ có cách tiếp tục viết mới giúp bạn giỏi lên. Bạn tự học rất nhiều trong quá trình tự viết.

Mình đã thử nhiều cách. Đặt đồng hồ 30’ và viết liên tục không ngừng nghỉ (mình xài một cái app mà nếu ngừng thì tất cả những gì vừa viết sẽ bị auto xoá). Viết một ít vào buổi sáng, một ít vào buổi tối, viết khi đi toilet, dừng xe bên đường viết khi chợt nghĩ ra một cái gì đó. Và nhiều nhất là viết vì công việc.

Khoảng năm tháng trước, mình tự đặt ra đề bài là mỗi ngày sẽ có một bài được post trên page Nhược Lạc. Và may mắn thay, mình vẫn duy trì được đến bây giờ. Thỉnh thoảng, có ngày mình post hai bài.

Cả công việc thường ngày và việc viết blog đều đặn giúp cho mình duy trì được cảm-hứng sáng tác có thời-hạn, giúp mình tiến bộ hơn và chuyên nghiệp hơn.

[4] Đọc to những gì mình viết.
Mình có một thói quen là luôn đọc lên thành tiếng những gì mình viết xuống. Điều đó giúp cho mình hiểu được nhịp điệu của bài viết. Nếu bạn đọc lên và thấy lộm cộm trong miệng, hãy thử viết lại cho đến khi lời đọc trong đầu được mượt mà hơn.

Dù là câu ngắn, câu dài, nhịp gấp gáp hay nhàn tản, thì chúng cũng cần sự hợp lý và nhất quán. Điều này mình thấy các bạn rapper làm rất tốt, bạn có thể thử nghe rap (nếu thích) và nhớ thường xuyên đọc thành tiếng những điều mình viết ra nhé.

[5] Tiếp nhận phản hồi và sẵn sàng thay đổi.
Người xưa có câu “văn mình, vợ người” – nghĩa là văn mình thì luôn hay, vợ người thì luôn đẹp 😛 Để mà viết ra một điều gì xong nghe người khác chê thì khó chịu lắm. Nhưng công việc đã dạy cho mình một thái độ khác với việc viết lách. Thứ ta viết có thể chưa phải điều tốt nhất, và người bên ngoài có thể giúp ta có góc nhìn khách quan và sáng tạo hơn.

Hãy lắng nghe và sẵn sàng thay đổi. Vì, [một] như thế bạn mới được trả tiền :)) và [hai] bạn mới có thể tốt lên được.

Viết là một cuộc đối thoại. Bạn sẽ khởi đầu bằng lời độc thoại, nhưng rồi người nghe của bạn sẽ xuất hiện. Bạn có thể lờ tảng họ, hoặc lắng nghe họ. Khi bạn lắng nghe họ, bạn có thể hài lòng, hoặc thất vọng. Nhưng nếu bạn tiếp nhận và xử lý nó, bạn sẽ có nhiều nguyên liệu hơn để hoàn thiện món ăn của mình.

Điều quan trọng nhất, hãy bắt đầu nấu ăn từ hôm nay. Hãy viết từ bây giờ. Và không ngừng, ngay cả trước những lời chê bai, ngay cả khi xung quanh có biết bao người viết đỉnh hơn bạn. Không ngừng, ngay cả khi mình chưa biết con đường này sẽ dẫn mình tới đâu. Và hãy tận hưởng từng bài viết một – cho chính bạn.

Phần thưởng lớn nhất mình nhận được từ viết lách, không hẳn là những chiếc like hay khen ngợi từ độc giả, mà là cảm xúc khi viết ra giúp xoa dịu chính mình.

Biết đâu, đó cũng là món quà lớn nhất bạn sẽ nhận được, cùng với Viết.

Nhược Lạc