chén trà của tháng năm

 
YK6W2823.jpg
 
 

(bài viết đăng trên T • P O T journal vol 08: time travel)

Bài viết: Nhược Lạc | Ảnh: Phạm Đ. Dũng

***

Lần đầu tiên tôi được uống trà là lúc chừng 5 tuổi. Hình như trong một buổi giỗ lễ mùng 1 đầu năm. Gia đình chúng tôi có thói quen tụ tập nhau lại trong ngày này, vừa làm giỗ cụ, vừa gặp mặt ăn uống mừng năm mới. Trong khi những người lớn bận bịu cỗ bàn, thắp hương, hỏi han nhau về sức khỏe, công việc, còn lũ trẻ con đương chạy nhảy nô đùa, đòi ăn bánh mứt, nắm xôi; thì tôi chỉ thèm được sáp lại nơi cái bàn gỗ nâu thưa vắng.

Trên đó bày một khay ấm chén bằng sứ, kề bên có đĩa bánh đậu xanh, nho khô, hạt dưa. Dưới bàn có sắp sẵn phích nước sôi, mỗi lần mở ra là bốc hơi nghi ngút. Chỉ có ông tôi ngồi đó, lẳng lặng tráng ấm chén tinh tươm, rồi mở một hộp thiếc nhỏ, lắc nhẹ tay cho mấy cánh trà rơi vào ấm. Ông chế nước sôi từ phích vào ấm trà, đậy nắp lại, yên tĩnh chờ đợi, rồi rót dần ra chén nhỏ, nhấp môi từng ngụm thảnh thơi. Tôi không biết ông làm như vậy để làm gì, nhưng trong ký ức một đứa nhỏ năm tuổi, đó là hành động rất “người lớn”, rất “trưởng thành”.

Có lẽ cái tính tò mò và háo thắng của trẻ con đã khiến tôi ao ước được làm cái việc như vậy: uống một ngụm trà. Thế nên, thay vì đòi nước ngọt có ga, kẹo bánh ô mai như lũ trẻ trong nhà, tôi chỉ tha thiết xin mẹ cho nhấp môi chén trà xanh nước. Mẹ tôi miễn cưỡng đồng ý, sau khi đe kỹ rằng nó đắng chát vô cùng. Tôi chẳng tin. Uống xong rồi mới tin. Chao ôi là đắng, và chát. Thức vị đặc trưng của trà mạn phương Bắc pha bởi người đàn ông tuổi lục tuần. Phải nói như thế, bởi vì thủa đó ai cũng cho rằng pha trà như vậy mới là ngon. Nhưng tôi không thấy ngon, chỉ thấy tiếc. Hóa ra làm người lớn lại khổ như vậy, lại phải chịu nhiều đắng cay như vậy. Thế mà, sau cái đắng chát tưởng chừng vô cùng tận đó, lại xuất hiện một cảm vị ngọt ngào, thơ thoảng, luyến lưu. Tôi lỏn lẻn cắn hạt nho khô, rồi nhấp thêm ngụm trà mới. Bấy giờ, hàng loạt những hương vị dịu ngọt, chua thanh, nhân nhẩn, chao chát đua nhau lan toả trong khoang miệng tôi, chiếm lĩnh khắp vòm họng, rồi êm đềm trôi tuột xuống lồng ngực.

 

YK6W2814.jpg
 

Sau này, âm hưởng của chén trà tuổi thơ vẫn lơ đãng theo tôi trong suốt những năm tháng thiếu niên cho đến tuổi trưởng thành. Đôi khi tôi bắt gặp mình ngồi bên khung cửa gỗ, trước hiên nhà trống, trong buồng học, hay trên sạp gụ đã nhiều năm tuổi: thảnh thơi nhấp một ngụm trà. Tôi không giữ thói quen pha ấm trà đặc đắng như ông, mà gia giảm lượng trà, căn đong lượng nước cho vừa khẩu vị.

Cho đến thế hệ tôi, người uống trà đã không còn cố chấp níu giữ hương vị trà mạn sánh đặc. Tôi dần dà hiểu rằng thế giới của trà rộng lớn hơn như vậy rất nhiều. Chúng có bạch trà, hồng trà, lục trà, phổ nhĩ… Chúng có trà móc câu, shan tuyết, oolong… Chúng cũng có những trà cụ đi kèm như ấm, chén, tống, que khơi… với đủ mọi hình dáng và công năng phục vụ người thưởng thức. Câu chuyện về trà theo tôi lớn dần qua năm tháng, qua những vùng trà tôi ghé thăm, những người nông dân trồng trà và làm trà từ đời này qua đời khác.

 
YK6W2820.jpg
 

Có câu nói vui (mà thật) rằng: Nếu nhắm mắt và chỉ tay trên bản đồ Việt Nam, thì ngón tay chạm vào đâu, ắt có cây trà ở đó. Vậy mới biết thiên nhiên nói chung và hay cây trà nói riêng đã ưu ái mảnh đất hình chữ S này biết bao. Và mới thấy chén trà gần gụi và thân thiết với con người Việt Nam ta biết bao. Đó có thể là chén nước chè tươi xanh mướt mùa hè, bà hãm trong ấm tích đặt sâu vào giỏ ủ. Đó có thể là ấm trà mạn, ông tỉ mẩn pha trong những sớm đầu xuân. Đó có thể là cốc trà đá vỉa hè, cùng ta hàn huyên bao lần với chúng bạn. Hay là tuần trà shan tuyết cổ thụ, để nhâm nhi những lúc một mình.

Chuyện uống trà ở xứ mình thân thương ở chỗ, nó dành cho tất cả mọi người, mọi lúc, mọi nơi. Từ bác nông dân tới người viên chức, từ em gái nhỏ tới anh thanh niên, từ người giàu tới kẻ nghèo, từ lúc bận rộn đến giờ thư giãn, dù tâm hỗn loạn hay phút an nhiên. Tôi đã thấy ấm trà lựng thơm trong những ngày hội tiệc, đám cưới, đám hỏi. Tôi cũng thấy chén trà tĩnh lặng đưa những người đã khuất về nơi an lành. Tôi đã uống cạn bát chè tươi của bà, nhấp môi chén trà đặc của ông, đã pha hàng tuần trà với gia đình, bè bạn, hay nhâm nhi độc ẩm làm vui. Nhưng chưa lúc nào trà khiến tôi cảm thấy nó khập khiễng với không gian và con người ở đó. Trái lại, những xúc cảm và nghĩ suy của con người như được quyện hòa trong nước trà. Để rồi từ đó những niềm vui lan ra, những nỗi buồn san bớt.

 
YK6W2842.jpg
 

Bây giờ, khi đã có gia đình nhỏ cho riêng mình, tôi vẫn giữ thói quen pha trà và thưởng trà cùng người thương. May mắn thay, tôi gặp được người bạn đời cũng yêu trà như mình. Để những buổi sớm mưa xuân, những chiều hè nắng dịu, chúng tôi được rủ nhau bắc ghế ra trước sân ngồi, đun một ấm nước sôi, thảnh thơi thưởng một tuần trà. Nghe xem cái dư vị thanh đắng, ngọt dịu này sẽ lan hòa cùng chúng tôi được bao lâu, và bao năm.

Nhược Lạc

Advertisement

viết

In the mood for love
In the mood for love

Tách cà phê đã cạn
mặt bàn sần lạnh khô
anh khát chi mơ hồ
sau những vô ngôn ấy

Con đường đâu dễ thấy
ẩn sau lớp mù sương
chỉ dẫn là mùi hương
từ ổ bánh mì nướng

Continue reading

tôi biết mình muốn gì

tumblr_ma44o40z3A1qmiv1wo1_500

Hôm qua tôi được nghe chuyện về một anh CD trong ngành. Thích vẽ từ năm 2 tuổi, công việc đầu tiên là sửa chữa máy ATM, gia nhập ngành quảng cáo, leo lên vị trí cao chót vót, nhưng lại nổi tiếng hơn cả là lòng đam mê với thú rừng. Cứ nghe ở đâu có động vật hoang dã bị bắt là anh bỏ công bỏ việc chạy tới, chuộc ra rồi thả về rừng. Mua một căn nhà ở rừng Nam Cát Tiên chỉ để chăm sóc những con thú bị thương, bị bỏ rơi trước khi trả chúng lại cho mẹ thiên nhiên. Anh yêu nghệ thuật, nhưng nghệ thuật của anh dường như chỉ dành cho thú rừng. Khi ngắm nhìn những bức tranh anh vẽ con báo, khỉ, tê giác,….tôi cảm thấy được tình yêu mãnh liệt của người vẽ trong đó. Cuộc triển lãm gần đây nhất của anh, toàn bộ số tranh đã bán hết ngay trong ngày triển lãm. Một thành công đáng ao ước của bất cứ họa sĩ nào.

Người kể cho tôi nghe câu chuyện này, sau cùng đã nói với tôi rằng: Trong cuộc đời của mỗi người, làm điều gì không quan trọng, quan trọng là làm tới đâu. Tôi đã vì câu chuyện và lời nói này, mà có thêm cơ hội suy nghĩ kỹ càng về một điều, ấy là sự nhất quán.

Continue reading

Vài suy ngẫm về sự viết

10660681_952226521461573_1542239775_n (1)
Viết lách là một cuộc khổ sai đầy khoái cảm.

Trong một bài phỏng vấn, Haruki Murakami nói rằng khi bắt đầu viết ông chẳng có kế hoạch gì cả. Ông đợi cho câu chuyện tự đến, những nhân vật tự đến. Có thể là một buổi sớm ông nghe thấy tiếng chim hót, ra tiệm giặt ủi, nhận bưu phẩm hoặc bất cứ sự kiện, con người nào ông gặp trong ngày. Thế và văn chương.

Những tâm sự này khiến tôi cảm động. Vì chuyện viết đúng là như thế. Chúng ta không tự thân nghĩ ra gì cả. Chúng ta chỉ có giấy, bút và một ý niệm muốn ghi chép lại cuộc sống. Tôi cảm thấy nhà văn giống như một mấu nối, bản lề, nơi giao nhau giữa thế giới hiện thực của chính họ và một thế giới ẩn dụ mơ hồ khác. Họ nối lại, chọn ra những điểm mấu chốt, và viết ra.

Continue reading

just do it

tumblr_myqx2tprfZ1qbuiljo6_1280

Em nói với tôi rằng em cảm thấy mệt mỏi với cuộc sống này. Vì em không biết điều gì là đúng hay sai. Em là tốt hay xấu. Gặp gỡ người này là may hay rủi. Điều gì sẽ diễn ra tiếp theo. Em thấy sợ.

Ừ, tôi cũng sợ. Tôi ghét phải nói với em giống như bao người khác, rằng chính sự không lường trước được của cuộc sống làm cho nó trở nên hấp dẫn. Nhưng mk, nó đúng là như vậy. 

Em hãy tin rằng mình không phải là người duy nhất hoang mang, lo sợ trong thế gian này. Tất cả chúng ta đều như vậy. Không ai biết chính xác điều gì mới thật là đúng. Họ chỉ làm thôi. Em hãy chỉ làm thôi. Continue reading