Vài suy ngẫm về sự viết

10660681_952226521461573_1542239775_n (1)
Viết lách là một cuộc khổ sai đầy khoái cảm.

Trong một bài phỏng vấn, Haruki Murakami nói rằng khi bắt đầu viết ông chẳng có kế hoạch gì cả. Ông đợi cho câu chuyện tự đến, những nhân vật tự đến. Có thể là một buổi sớm ông nghe thấy tiếng chim hót, ra tiệm giặt ủi, nhận bưu phẩm hoặc bất cứ sự kiện, con người nào ông gặp trong ngày. Thế và văn chương.

Những tâm sự này khiến tôi cảm động. Vì chuyện viết đúng là như thế. Chúng ta không tự thân nghĩ ra gì cả. Chúng ta chỉ có giấy, bút và một ý niệm muốn ghi chép lại cuộc sống. Tôi cảm thấy nhà văn giống như một mấu nối, bản lề, nơi giao nhau giữa thế giới hiện thực của chính họ và một thế giới ẩn dụ mơ hồ khác. Họ nối lại, chọn ra những điểm mấu chốt, và viết ra.

Điều này khá giống trò chơi xếp gạch ngày xưa. Anh không đoán biết được miếng tiếp theo, nhưng ngay khi nó xuất hiện, anh biết phải đặt nó vào đâu. Khéo léo sắp đặt thì cuộc chơi của anh gọn ghẽ. Bằng không thì game over.

Một đặc quyền của nhà văn là anh được ghi chép chủ động. Khi thả mình giữa nguồn sống vô tận, anh có thể chọn lọc mình chú tâm tới điều gì, kể nó theo cách nào, bằng giọng văn nào, nét bút nào. Điều ấy tuyệt diệu vì anh có thể nằm mơ trong lúc vẫn đương tỉnh. Nói cách khác, anh có thể tự ý điều chỉnh giấc mơ của chính mình. Trong khi, nếu đó là một giấc mơ diễn ra trong lúc anh say ngủ thì chẳng cách nào.

Nhưng làm sao để những giấc-mơ-hiện-thực cứ đến hoài? Đôi khi tôi mệt mỏi với sự bất thường của ý niệm. Có lúc những câu chuyện đến với tôi ồ ạt như cơn lũ không cách nào ngừng lại. Có lúc, tôi tha thiết đề nghị chúng hãy cho tôi một tín hiệu, mà vô vọng. Tôi nghĩ đây là chuyện thường ngày của hầu hết nhà văn, đặc biệt là những tay viết nghiệp dư.

Họ giải quyết chúng bằng kỷ luật. Những nhà văn lớn mà tôi kính trọng đều có sự khắc kỷ rất lớn. Đây là một ví dụ. Mỗi ngày, ông thức dậy lúc 4 giờ sáng và viết trong khoảng 5-6 giờ. Buổi chiều, ông chạy bộ khoảng 10 km hoặc bơi 1.500 m, hoặc cả hai, đọc, và nghe nhạc. Đi ngủ lúc 9 giờ tối. Lặp lại mỗi ngày, liên tiếp nhiều năm. Những con số này, khi vang lên cũng không lấy gì làm hoảng hồn lắm, cho tới khi chúng thực sự áp vào bản thân. Hãy bắt đầu từ một bài tập đơn giản nhất dành cho tất cả những người viết: viết trong một khoảng thời gian cố định. Tại sao? Vì khi bạn có hứng, không khó gì để đưa ra một tác phẩm tuyệt vời. Nhưng khi bạn vẫn có thể cho ra đời một tác phẩm tuyệt vời mà chẳng có hứng khởi gì, ấy là tài năng. Quan trọng hơn, làm sao bạn tìm ra động lực hoàn thành khi không có bất cứ thời hạn nào? Nên nhớ, A goal is a dream with a deadline.

Murakami liên tục lặp lại để thôi miên bản thân hòng chạm tới tầng sâu nhất của tâm trí. Tôi khởi sự những bài tập kỷ luật để tạo cho mình sự bền bỉ. Viết lách là một cuộc chạy đua mệt mỏi, nếu bạn không có sức bền, bạn sẽ gục ngã. Tôi không muốn gục ngã. Tôi muốn bản thân được tiếp tục là một cái mấu nối, một tay tốc ký, ghi chép cuộc sống lao nhanh như chó chạy ngoài đồng này.

Nhược Lạc

 

Advertisement

4 thoughts on “Vài suy ngẫm về sự viết

  1. Chị Lạc thân,

    Em rất thích những chia sẻ này của chị về việc viết, công việc vừa ngọt ngào vừa khổ cực như em vẫn nghĩ. Chị viết rất hay, chỉ với những suy ngẫm nghiêm túc thế này thôi em đã muốn đọc văn chị viết rồi. Có điều chị nhắc em nhớ đến một thắc mắc nhỏ của em từ lâu rồi, đó là với thời gian biểu khắc kỉ như thế duy trì liên tục để tạo được kỉ luật viết lách, thế còn đâu thời gian cho những trải nghiệm mới? Ý em là để ghi chép được cuộc sống muôn màu dưới đa dạng góc nhìn thì nhà văn nên đi nhiều, trải nhiều, mỗi ngày làm ít nhất một điều gì đấy mới, gặp những con người mới, quan sát một góc khác mới lạ so với cuộc sống lặp đi lặp lại hàng ngày ấy ạ. Nếu mỗi ngày đều tuân theo kỉ luật nghiêm ngặt, có hành trình thường nhật giống hêt nhau (hay có thể là đổi khác chút ví dụ hôm nay đi lấy đồ giặt mai đi bưu điện gửi thư), trong môi trường quen thuộc không gì đổi thay, thì những cảm hứng mới mẻ, xúc cảm mới và đa dạng thế giới quan sẽ đến từ đâu? Dĩ nhiên đọc sách sẽ giúp rất nhiều, có một câu em rất thích là “đọc vạn cuốn sách giống như sống qua vạn cuộc đời”, sách vở thần kì đưa ta đến mọi nơi và trải nghiệm mọi điều chỉ bằng việc lật sách, nhưng vẫn là không đủ để làm dạn dày vốn sống và sự từng trải của người viết, phải không ạ? Và như thế làm sao có thể cho ra đời những tác phẩm tuyệt vời?

    Em rất rất thích cách chị nhìn nhận việc viết lách nên mới mạo muội hỏi vấn đề này để được nghe chị chia sẻ thêm, em hi vọng không làm phiền chị ạ. Linh.

    1. Gửi Linh,

      Cảm ơn em đã chia sẻ những điều này. Với một người viết, không gì đáng quý hơn việc nhận được phản hồi từ độc giả. Giống như là sau bao năm em thì thầm một mình, bỗng có ai đó nói rằng họ quan tâm và thấu hiểu những điều đó vậy.

      Về quan niệm viết lách, chị muốn nói thế này. Việc tuân theo một kỷ luật nghiêm ngặt không làm giảm đi sự sáng tạo của em. Trái lại, chúng đưa trí não em vào một hệ thống sáng tạo tự động. Hãy hình dung, nếu em ngày nào cũng suy nghĩ, cảm nhận, viết lách thì khi cần dụng chữ, trí não em sẽ phản ứng rất nhanh. Em sẽ biết ngay mình cần dùng từ gì, chữ nào, phải diễn đạt ra sao, bộc lộ quan điểm cá nhân như thế nào. Giọng văn em sẽ sắc sảo, gọn ghẽ vì đã qua tôi luyện.

      Em nói nếu cuộc sống cứ lặp đi lặp lại thì nhàm chán, lấy đâu ra chỗ cho trải nghiệm mới. Chị nghĩ điều ấy đúng, nhưng chưa đủ. Những nhà văn hay nghệ sĩ nói chung, thường họ có cái nhìn sâu và đa chiều hơn người khác. Lấy ví dụ về bài “Giọt nắng bên thềm” của nhạc sĩ Thanh Tùng. Có lần ông đã vui miệng mà tiết lộ về nhân vật “em” trong ca khúc, rằng có phải “em” nào đâu, một hôm ông ngồi trước hiên thấy nắng rơi đẹp quá mà cảm tác thành bài hát đó thôi. Có lẽ ông nói vui, cũng có thể là thật. Người viết không khi nào chỉ đơn thuần kể lại sự việc hiện ra trước mắt. Bao giờ họ cũng truyền vào đó một tư tưởng, một giá trị rút ra từ trải nghiệm cá nhân. Chị nghĩ đó là điều tạo nên cái sâu sắc của văn chương.

      Khi những nhà văn lập ra kỷ luật, thậm chí thu gọn những hoạt động của mình lại, có lẽ họ muốn đi vào nó một cách sâu sắc hơn. Haruki Murakami bắt đầu viết văn từ khoảng 30 tuổi. Đó hẳn không phải một lứa tuổi tung bay như 18, 20 nữa. Đôi lúc chị hình dung cách ông ấy suy nghĩ trong lúc chạy, bơi, đọc, nghe hoặc liên tục viết hàng giờ đồng hồ. Cùng một con đường em chạy qua, nếu để ý mỗi ngày em sẽ thấy nó khác nhau. Những nhân vật của Murakami có nhiều điểm tương đồng, nhưng qua mỗi tác phẩm, người đọc lại tìm thấy một cái mới trong chính hình mẫu đó.

      Tuy nhiên, chị nghĩ rằng có thể mỗi lứa tuổi nên có một thứ kỷ luật khác nhau. Ở thời điểm hiện tại, chị hẳn nhiên không thể dành 4-5 tiếng viết văn, rồi chạy 10 km, bơi 1500 m, hay ẩn cư tại một vùng núi hoang sơ nào. Chúng ta có những lựa chọn khác nhau, dẫn tới kết quả khác nhau. Chỉ là, bất luận em dành ra bao nhiêu quan tâm cho mơ ước của mình, em vẫn cần siết nó vào kỷ luật. Vì chỉ một phút giây buông lơi thôi, em sẽ tuột mất ngay. Lấy ví dụ từ chị, hiện tại chị đi làm, cũng thích đi du lịch, gặp gỡ bạn bè, ngốn thời gian cho sách truyện. Nhưng chị tự đặt cho mình mỗi buổi sáng ít nhất một tiếng viết bất cứ cái gì đó, và một tiếng trước khi đi ngủ để đọc sách. Một thứ kỷ luật dễ dãi phải không? Nhưng có thì vẫn hơn. Mỗi người đều nên tự đặt ra và tuân thủ nghiêm ngặt.

      Chị nhớ GS. Ngô Bảo Châu từng nói nguyên tắc rất quan trọng, vì không có nó thì lấy gì để phá bỏ. Em cần những khuôn khổ để uốn mình ngay thẳng, khi đủ trưởng thành rồi, em tự khắc sẽ biết nên phá cái gì, giữ cái gì.

      Mong được trao đổi thêm với em.

  2. Gửi chị Lạc,

    Cám ơn Lạc đã trả lời lại cho em ạ. Lạc phân tích đúng lắm, em đã hiểu rồi, vấn đề chính ở đây là tự đặt cho mình kỉ luật và nguyên tắc để rèn luyện bản thân vào khuôn khổ. Và với tình huống khác nhau, vốn sống khác nhau, xuất phát điểm khác nhau thì các nguyên tắc và kỉ luật mà cá nhân cần đặt ra để theo đuổi dĩ nhiên cũng tùy theo mà thiên biến vạn hóa dưới các hình thức và mức độ khác nhau, quan trọng là phải kiên trì với mục tiêu kỉ luật của bản thân thôi. Em thật ngốc khi cứ nghĩ là nhà văn lớn người ta khắc kỉ như thế như thế thì những nhà văn khác, và cả mình muốn học theo cũng phải y chang như thế, em ngốc quá *che mặt*.

    Chuyện về nhạc sĩ Thanh Tùng quả rất thú vị, em thích lắm. Em cũng biết là nhà văn và nghệ sĩ nói chung luôn kèm theo trải nghiệm cá nhân và bản sắc tư tưởng riêng trong những sáng tác của mình, câu hỏi ban đầu của em với Lạc cũng có ý là làm thế nào tôi luyện được bề dày trải nghiệm và chiều sâu tâm thức để làm được như thế trong khi cuộc sống cứ lặp lại y chang mỗi ngày. Nhưng đó, giờ thì em đã hiểu rồi ạ, với cả, em thích cách Lạc nghĩ về Murakami, quả thật với người từng trải và tích lũy đủ vốn sống thì họ sẽ đủ tinh tế và sâu sắc để luôn nhìn nhận được góc mới mẻ trong những hình mẫu cũ.

    Được Lạc trả lời nghiêm túc và cặn kẽ như thế em vui lắm ạ. *Your reply has made my day*
    Em cám ơn Lạc nhiều nhiều ạ. Có dịp em sẽ lại ghé chơi trò chuyện với chị ạ 🙂

    P/S: em rất thích giọng văn của Lạc, cách Lạc dùng câu chữ, nó hay, gọn gàng và dịu dàng. Kỉ luật Lạc tự đặt ra cho mình rất tuyệt đấy ạ, Lạc cứ viết say sưa vào, em rất rất mong chờ được đọc những gì chị viết ạ.

    Linh.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s