bát cơm muối vừng

Có một thứ cảm giác dễ chịu mà mình hay nhớ về, mỗi khi người mệt mệt. Đó là hình ảnh mình ngồi co chân trên ghế, trong căn nhà tập thể khu Thành Công, đợi bạn trai mình rang vừng.

Anh rang rất từ tốn, vừng đen và lạc sẻ. Rang xong thì dùng một bộ cối và chày nghiền kiểu Nhật, gọi là Suribachi (擂鉢) và Surikogi (擂粉木), để nghiền lạc vừng. Mặc dù dụng cụ sử dụng khác nhau, nhưng hình ảnh đó vẫn làm mình nhớ đến ông ngoại – người hay mặc áo may ô trắng, quần đùi kẻ caro, và chậm rãi nghiền vừng ở phía sân sau – trong một căn hộ của khu tập thể Nguyễn Công Trứ.

Muối vừng ông làm, trong mắt mình luôn là thức muối vừng ngon nhất. Ngon nhì là muối vừng đen trong căn nhà tập thể Thành Công.

Bữa ăn gồm có cơm gạo xát dối thổi nóng với nồi gang, ăn kèm muối vừng lạc giã tay, và thêm một bát canh rau nóng hổi. Vậy thôi, mà lòng người mềm nhũn.

Ăn xong thì uống trà. Bắc nồi đun nước, sắp ấm bày chén, ngồi nghe tiếng reo liu riu rồi pha trà uống với nhau. Có lúc vừa uống trà vừa ăn kèm chút bánh, có khi chẳng cần gì. Có lúc cùng nhau xem một bộ phim, có khi tiện tay đọc một đoạn trong cuốn sách gần đó. Có lúc, chẳng cần làm gì, cứ ngồi yên thế, uống trà và nói đôi câu.

Đã có thời muốn sống in như thế và đừng khác đi. Đã có thời sung sướng với sự rảnh rang, và chưa bao giờ thấy buồn chán với nó. Đã có thời cây đậu ra trái, giàn thiên lý ra bông là một món quà sung sướng.

Bây giờ cả hai vợ chồng đều bận nhiều thứ quá, nhưng được thấy anh lại nghiền vừng, ninh canh… thì lại thấy vui – dù cái vui đã khác ngày xưa, cái vui đã hơi có tuổi và cột sống thì hơi bất ổn.

Song vẫn là một cái vui ấm cúng, của người trở về nhà nghe thấy hơi cơm rộn rạo lòng. Con cái ùa ra khoe hôm nay đi học biết thêm một bài ca dao mới. Và ăn cái gì cũng được, nhưng mà được ăn cùng nhau.

Nhược Lạc

Advertisement

chiếc hang riêng tư

Hôm bữa, em Tờ có nói một ý, rằng em có một nhu cầu lớn về việc được ở một mình. Có những lúc, không phải vì chuyện gì cả, chỉ là em muốn được ở trong phòng riêng, để ‘sạc pin’ cho chính mình. Nhưng người yêu em thì thấy rất khó hiểu và không thích chuyện đó, cứ hỏi là có chuyện gì buồn, sao lại không chịu nói ra…

Nghe tới đó, tôi gật gù quá.

Tôi nghĩ đa số mọi người đều có nhu cầu đấy, nhưng ở một số người, nhu cầu được-một-mình còn nhiều hơn người khác gấp bội.

Nhu cầu ấy thường phát sinh khi ta mệt, buồn hoặc có chuyện cần suy nghĩ. Nhưng không chỉ là thế, nó còn phát sinh khi ta đã trải qua việc tiếp xúc với người khác vượt thời gian mà tâm trí ta chịu được. Ta cần được quay về với chiếc hang của bản thân, để chui vào trú ngụ, tắt đi các thanh âm, và hồi phục.

Khi ta ở một mình, không có nghĩa là ta ghét việc ở cùng người khác. Nó chỉ giống như, ly nước lọc cần được uống sau bữa ăn. Như giấc ngủ dài hơn sau một tuần làm việc. Như tiếng chim hót ở công viên Tao Đàn, khi ta gác điện thoại và các notification lại. Như lúc được nghe chính mình cất tiếng nói, chứ không phải nghe người khác nói. Cho ta được nghỉ ngơi.

Tôi gật gù vì nhu cầu này ở nơi tôi cũng lớn.

Đa số những lúc ngồi sau xe anh, chúng tôi trò chuyện; song cũng có khi tôi im lặng đa số trên con đường. Những lúc đó, tôi đang nghỉ, hoặc, tôi đang viết. Tôi có thói quen viết trong đầu những suy nghĩ của mình, đến lúc thích hợp thì gõ vào máy hay viết lại xuống giấy.

Đa số những lúc ở nhà, chúng tôi nấu ăn, dọn dẹp, chăm sóc bọn trẻ con, tưới cây, uống trà với nhau… Nhưng mỗi khi tôi bảo, em cần khoảng 30 phút riêng tư. Thế là, chồng tôi sẽ thầu hết những phần việc khác, để tôi được chui vào một góc, viết lách làm thơ, nghe nhạc đọc sách. Lâu lâu tôi sẽ nghe thấy tiếng anh dặn bọn trẻ, rằng mẹ đang bận, không được làm phiền mẹ.

Tôi gọi những lúc như thế là những lúc nối dài tình yêu.

Không nhất định phải nối dài tình yêu chỉ bằng việc tối đa hóa thời gian bên nhau, ôm ấp hay trò chuyện. Ta cũng có thể nối dài tình yêu bằng cách chừa cho nhau những khoảng một mình. Như chừa cho nhau chiếc hang riêng tư của nhau không đụng đến. Như chừa cho nhau khoảng nghỉ ngơi, hồi phục một mình. Như chừa cho nhau tiếng nói cá nhân.

Để sau đó, nhất định sau đó, là lúc ta rời chiếc hang nhỏ ấm cá nhân, và vẫn thấy (những) gương mặt thân yêu ở đó. Ôm nhau, ấm áp và an toàn. Chuyện trò với nhau, cởi mở và dễ chịu.

Nhược Lạc

vui với đoạn đời bận rộn,

Buổi sáng đưa con đi học xong, hai vợ chồng đi làm. Lúc ngồi sau xe máy, nghe chồng bảo thử hình dung nếu cuộc sống chỉ có hai đứa, thì giờ này đang ở đâu và làm gì.

Có khi vẫn đang ăn chay, có khi đã lên núi sống, có khi đang đi du lịch liên miên ở chỗ này chỗ nọ và hài lòng với một vài công việc freelance. Có khi rất hay đăng hình đi nước này nước kia và nhận lại thật nhiều “tim” ngưỡng mộ. Có khi không mở quán trà, vì chỉ ngồi uống trà với nhau từ sáng đến khuya cũng đã thấy mãn nguyện. Có khi bạn bè mỗi lần muốn gặp, lại phải hỏi “Có đang ở SG/HN không?”.

Nghe là thấy ham rồi, song cũng chỉ là lời nói vui. Chúng tôi tự hiểu với nhau là thực ra đã từng có đoạn đời ta được sống đúng như thế. Quả là rất vui!

Bây giờ đang sống khác đi nhiều. Và cũng rất vui!

Hàng ngày được đi làm, đến công ty có đồng nghiệp dễ mến, sẵn sàng chinh chiến cùng ta hết dự án này đến dự án khác. Buổi sáng ngồi dưới Vườn làm việc, cô lao công đi qua, bảo: “Này, cô cho con!”. Nói đoạn, cô lôi ra từ trong túi áo một quả ổi còn thơm nức. “Ăn đi!” – y như hồi xưa mẹ đi chợ về hay dúi cho cái này cái nọ.

Buổi chiều được đón con đi học về, nghe tụi nó líu la líu lô. Được lôi nhau ra công viên chạy nhảy vài vòng rồi về ăn tối. Được trải nghiệm cảm giác ngồi kèm con làm bài tập về nhà như thế nào, bao giờ tức quá không chịu được thì vợ chồng thay ca cho nhau. Được trải nghiệm cái khó của việc làm cha mẹ, và vì thế, thông cảm cho cha mẹ mình nhiều hơn. Lắm khi cũng thấy không chịu nổi người già, nhưng nghĩ đến chuyện hồi nhỏ mình còn nhiễu sự hơn, bèn tặc lưỡi và đi nấu một nồi chè hạt sen.

Được hưởng thụ cái căng thẳng của một người làm việc cường độ cao, để thương mọi người xung quanh hơn. Nếu không, ta dễ thành một người ngồi đó và lên giọng nói mọi người không biết cách sống. Và trân trọng nhiều thứ mà ta đang có. Xong rồi, cầm lên đặt xuống, qua trái qua phải, có khi tự lực có khi nương nhờ, sau rốt, để hiểu ra điểm cân bằng của chính mình nằm ở đâu, gìn giữ mình ở đó.

Ai cũng có những đoạn đời cần phải sống như thế này, hoặc thế khác. Mỗi đoạn có những cái khó riêng, và những vẻ đẹp riêng. Chúng tôi hay bảo nhau là quý hết cả những đoạn đời đó.

Mà cái quý nhất là đã được gặp nhau và cùng đi qua những đoạn khác nhau. Có những đoạn thật chẳng dễ dàng gì, với chính đôi bàn tay đang nắm. Mà rồi vẫn nắm tay nhau.

Như thế, thật là quý quá.

Nhược Lạc

một ghi chép về tiếp đất,

Hôm trước làm buổi trải nghiệm tea and sound healing, có bạn hỏi Lam về “grounding”. Mình nghe và nhớ từ này, nên sau buổi đó đã tự về tìm hiểu xem sao.

Thì, grounding tạm dịch là chạm đất, nối đất hay tiếp đất. Điều này có thể hiểu theo nghĩa đen, là chân chạm đất, có sự tiếp xúc của cơ thể với mặt đất. Và cũng có thể hiểu theo nghĩa sâu hơn, đó là sự thấy rõ ta đang ở đâu vào lúc này, đang làm điều gì, đang cảm thấy như thế nào.

Những sự nhận biết này, quan trọng như một cái cây không thể tách rời khỏi gốc rễ của chính mình. Như luôn biết rễ đang cắm tới đâu, đất ẩm hay khô, lực hút của nước dẫn từ rễ lên đến ngọn, trổ ra lá hay hoa – như thế nào. Cây càng vươn cao, thì rễ càng cần chắc chắn.

Điều này làm mình nhớ lại quãng thời gian mình tập chạy. Vốn sức khỏe mình không phù hợp với việc chạy bộ. Nhưng người bạn của mình lúc đó thì không nghĩ vậy – anh tin rằng chủ yếu là mình chưa tìm ra được cách chạy phù hợp. Và phương pháp của anh như sau:

👟 Bắt đầu với việc đi bộ. Vừa đi vừa cảm nhận rõ ràng cảm giác của bàn chân chạm trên mặt đất, cảm giác của đôi tay, của làn da trong không khí (lúc mới chạy, mình hay bị tấy ngứa trên da đùi). Cảm nhận hơi thở, cố gắng đưa hơi thở đều, ổn định, và xuống sâu dưới bụng

👟 Tiếp tục với việc đi nhanh hơn. Vẫn chưa chạy, chỉ là đi nhanh, và duy trì các việc cảm nhận như trên. Khi ta tăng tốc độ thì mọi cảm giác ban nãy cũng có nhiều phần biến chuyển. Thích nghi với sự gia tăng tốc độ.

👟 Dần dần chuyển sang việc chạy bước nhỏ. Duy trì việc cảm nhận, bàn chân chỉ vừa đủ lướt trên mặt đất, không nhấc chân quá cao, đầu không nhấp nhô quá nhiều, cảm giác chỉ như một mũi tên, lướt đi song song với mặt đất.

👟 Tập với các bước sải dài, tăng tốc độ nhưng không quên chuyện cảm nhận mặt đất, không khí, bàn chân, bàn tay, làn da, mái tóc… Suy nghĩ chỉ tập trung vào chuyện cảm nhận (là đã đủ mệt rồi) không nghĩ gì linh tinh khác. Nếu cảm thấy việc tăng tốc làm thay đổi trạng thái ổn định của cơ thể, thì điều chỉnh lại, chạy chậm lại (nhưng không dừng) và căn chỉnh từng thứ trong “checklist”.

Những ngày tập chạy như thế, hóa ra lại là những ngày đưa mình về với trạng thái grounding tốt nhất. Một cách tự nhiên, mình cảm thấy sự kết nối rất rõ ràng với từng cú chạm chân, từng nhịp tay đưa, từng hơi thở một.

Sau này, trong những ngày không còn trên đường chạy bộ, mà chuyển thành đường chạy deadlines, mình vẫn thường nhờ về cảm giác đó – để chỉnh mình lại trạng thái cân bằng.

Lam bảo, hơi thở là cách dễ nhất để đưa mình quay về grounding. Vì khi mình để ý đến hơi thở, tự khắc mình sẽ để ý đến người mình trong từng tế bào nhỏ nhất. Giống như, một đám nhỏ ham vui, nghe thấy mẹ nhắc gọi giờ cơm, sẽ cắm đầu quay về ngôi nhà, chái bếp thân thương. Để biết đến giờ bụng đói, để biết thân cần dưỡng nuôi.

Để biết mặt đất – dẫu gần như thế, mà có khi ta quên mất cách nhận diện, tiếp chạm và kết nối sâu.

Nhược Lạc

về sự công nhận,

Mỗi việc mình làm, sẽ mang đến cho mình những kết quả khác nhau. Có việc mang cho mình thu nhập, có việc mang cho mình những lời khen, sự tán dương, có việc mang đến niềm vui đơn sơ, có việc mang đến rất nhiều vất vả mà ta không biết bao giờ mới đến ngày hái quả…

Mỗi người sẽ có những mong cầu riêng về kết quả của công việc. Nhưng tôi thường nghĩ rằng, mong cầu về sự công nhận và tán dương – là gian khó và vô vọng nhất.

Nói thế là vì, ta đang đặt hoàn toàn kết quả vào tay người khác – người tán dương. Như thế cũng có nghĩa là ta đang đặt toàn bộ hành trình, kế hoạch của mình vào một điều mơ hồ, bất định và vô nghĩa nhất.

Tất nhiên, một lời khen có thể giúp ta có thêm động lực đi tiếp, vượt qua tất thảy những gian khó, vất vả trên đường. Nhưng, nếu ta phụ thuộc vào nó quá, thì một lời chê, hay một lời-không-khen cũng có thể làm gãy đổ toàn bộ sự nỗ lực của bản thân.

Càng trẻ thì càng dễ bị tác động bởi lời khen – chê hơn. Trẻ – không phải ám chỉ độ tuổi sinh lý, mà ám chỉ độ tuổi trải nghiệm của chính ta trong một lĩnh vực nào đó. Khi ta mới bước chân vào một thế giới mới, một câu khen hay một lời chê, thậm chí một sự im lặng cũng có thể hất tung mong muốn đi tiếp.

Đừng đặt cả thế giới rộng lớn, cả con đường dài rộng của mình, vào tay những mơ hồ như thế. Hãy ít trông đợi nhất có thể, vào bất cứ lời nào của người khác.

Tôi đang làm việc trong lĩnh vực truyền thông, F&B, và tôi luôn nhớ lời sếp tôi nhắc nhở từ những ngày đầu tiên đi làm. Sếp nói: “Làm trong ngành này, được khách khen cũng đừng vui quá, bị khách chê cũng đừng buồn quá. Vì không có gì vô thường hơn những điều đó.”

Tập trung vào cốt lõi của vấn đề. Cải thiện chất lượng công việc. Cặm cụi làm tốt từng việc nhỏ một, từng dự án một. Và cứ tiếp tục như thế.

Đừng đợi lời sếp khen. Đừng đợi lời khách khen. Đừng trông đợi và mong cầu bất cứ lời khen tặng nào, của bất kỳ ai. Nếu có, hãy mỉm cười cảm ơn, như thể ăn miếng bánh gặp một miếng dâu tây, như thể đang buồn được cho viên kẹo. Hãy vui như rắc thêm phô mai trên đĩa mì của mình. Nhưng nếu không có phô mai, hãy cứ ăn đĩa mì tiếp tục, một cách ngon lành.

Đừng khao khát sự công nhận như một món ăn chính trên bàn tiệc. Đừng trông đợi sự xuất hiện của nó trên sân khấu của chính bạn.

Rồi thì, nó sẽ đến bên bạn, khi bạn không còn tha thiết tìm đến nó nữa.

Nhược Lạc

làm hòa với Tết, về nhà với nhau

Tết thì đã qua rồi, nhưng giờ mới khoe rằng mình cũng có bài Tết, trên tạp chí Elle. Mình nói về chuyện Làm hòa với Tết. Mình không phải người thích Tết lắm đâu, nhưng theo năm tháng, cuối cùng mình cũng đã tìm ra cách đón Tết phù hợp, cho chúng mình có cơ hội thương nhau.

Mời bạn cùng đọc bài:

Làm hòa với Tết, về nhà với nhau

Như bao người Việt khác, từ nhỏ tôi đã được nghe ca khúc “Happy New Year” của ABBA vang lên trong những giờ khắc chuyển giao năm mới. No more champagne, and the fireworks are through. Here we are, me and you, feeling lost and feeling blue… Sau này, khi đã lớn hơn và biết một chút tiếng Anh, tôi lại thường nghe người ta bỉ bai rằng người Việt không biết tiếng Anh, nên mới phát mãi một bài hát buồn đến thế để chúc mừng năm mới. Nhưng lạ thay, ca khúc đó, lời hát đó, lại đúng với tôi vô cùng. 

Tôi hay cảm thấy buồn và trống rỗng vào mỗi thời khắc thấy những vệt màu sáng rực rỡ nở bung trên nền trời đen thẫm. Happy new year, happy new year… song chẳng bao giờ tôi thực sự được ngắm pháo hoa và nghe hết một bài nhạc năm mới. Dường như tôi vẫn đang luôn làm gì đó. Cặm cụi bê sắp mâm lễ ngày Tết, đôi khi hẵng còn lau dở ô cửa sổ nhà mình. Giao thừa trong tôi là một tổ hợp các nghi lễ cần được làm trọn vẹn trong giờ khắc pháo hoa bùng nổ. Còn các ngày Tết trong tôi là tổ hợp của các mâm cỗ Tết kéo dài từ nhà này sang nhà khác. Dù là khi năm tuổi, hay mười tuổi, hay mười lăm tuổi, tôi vẫn luôn thấy mình ngồi lơ đễnh trước một chậu nước rửa bát bọt tung trắng xóa – tự hỏi mình đang ở đây làm gì, và ý nghĩa của những bữa tiệc như thế này là gì.

Tôi biết lễ Tết là dịp đoàn viên, chỉ tiếc rằng tôi không cảm nhận được niềm vui ấm áp đó. Tôi chỉ thấy Tết là dịp phải làm lụng nhiều hơn bình thường, người ta uống say và nói năng linh tinh hơn bình thường, những bao lì xì nhịp nhàng nhảy từ nhà này qua nhà khác, những mâm cơm Tết có đến hai tô canh khác nhau – không hiểu vì sao, những đĩa gà luộc không bao giờ ăn hết, những thùng bia cứ hết lại đầy… Tôi gật gù với chính mình, có lẽ tôi không thích Tết, hay Tết không dành cho tôi. 

Nhưng Tết bắt đầu dành cho tôi từ mùa Xuân năm hai mươi tuổi, khi tôi lần đầu phải ăn Tết xa nhà, và thấm thía cảm giác của người mong trở về. Tôi đi chợ Châu Á để tìm đủ nguyên liệu nấu một tô canh của người Việt. Tôi bày mâm ngũ quả, thắp nhang vào đêm giao thừa, dù không ai bắt ép. Tôi leo lên tầng thượng của tòa nhà, đứng đó, trong gió trời cuối năm, đợi những tiếng nổ lớn của pháo bông bung nở trên đầu. 

Oh yes, man is a fool, and he thinks he’ll be okay. Dragging on, feet of clay, never knowing he’s astray, keeps on going anyway…

Từ thủa ấy, tôi bắt đầu hiểu hơn cảm giác của một người đang ở nơi xa, mong về nhà ngày Tết. Và cũng từ thủa ấy, tôi bắt đầu học cách bóc tách những cảm xúc của mình với Tết – để một lần được làm hòa với nhau.

Hóa ra, Tết vẫn là một điều gì đó ấm cúng và mầu nhiệm trong tôi. Như một buổi sớm đông đi chợ, và nhìn thấy xe hoa ngang qua, chở theo những cành đào tươi thắm. Như chiếc bánh chưng mới gói trong nhà, báo hiệu những ngày sắp tới với đủ kiểu ăn bánh chưng sáng tạo, từ hấp lại đến chiên giòn, từ ăn với tương đến dầm với đường. Như bát canh măng, như đĩa thịt đông, như khay mứt trên bàn ngọt ngào mời gọi…

Nhắc đến là lại nhớ – những vị ngon trìu mến ấy, đã luôn là thứ mà tôi mến thương từ thủa bé thơ, chứ chẳng phải ghét bỏ gì. Những điều mà tôi không thích, hóa ra là cái khổ sở của những nề nếp quá đà, của những lễ nghi rườm rà khắc khổ, của thói quen ăn nhậu và nói xấu nhau, của những nhìn ngó đong đếm và tính toan với nhau, giữa chính những người nhà, người thân, người quen biết.

Những thứ ấy không phải điều mà một đứa nhỏ có thể đổi thay, nhưng là điều mà một người lớn có thể quan sát, phân tích và lựa chọn thay đổi được. 

Khi đã đủ lớn để được tách mình ra khỏi những hà khắc xa xưa, lần đầu tiên trong đời, tôi được cùng gia đình riêng của mình đón một cái Tết mà tôi gọi là: như-ý. 

Chúng tôi dọn dẹp cửa nhà như-thường-lệ, trong một ngôi nhà vốn đã ít đồ đạc và chẳng có mấy vật dụng trang hoàng. Chúng tôi tắm cho mèo như-thường-lệ và bón thêm một ít đất mới cho chậu hoa nhài. Chồng tôi đi chợ sáng xuân, mua về mấy cành đào nhỏ, cắm trong lọ thủy tinh trên bàn. 

Bếp nhà có sẵn một ít bánh chưng, giò thủ, củ kiệu… Ban thờ dọn dẹp và bày biện trái cây giản đơn, trong không khí thơm mùi nhang thảo mộc. Chúng tôi đã thống nhất ngay từ đầu là không cần nấu cỗ bàn cầu kỳ. Chỉ cần nấu cơm, ninh canh, luộc ít rau củ, cắt thêm ít giò… vẫn là một mâm cơm như bao mâm cơm nhà mình vẫn ăn quanh năm suốt tháng, họa chăng là có thêm đôi món là lạ, để ta nhớ ra rằng: đến Tết.

Mùa Tết năm đó, chúng tôi không “về” đâu, chỉ ở yên trong ngôi nhà vẫn ở. Ấy vậy mà tôi bỗng có cảm giác mình đã đi rất xa. Đi rất xa, từ một đứa trẻ buồn ngác ngơ vào mỗi mùa Tết đến – cho đến một người lớn bắt đầu tìm thấy niềm vui trong những ngày đầu xuân. Là những ngày xuân được thảnh thơi ngắm nhìn sự đâm chồi của cành lá, được từ tốn khơi một ấm lục trà Shan Tuyết nhâm nhi với bánh đậu xanh, là được tận hưởng sự nhẹ nhõm trong một không gian đủ giản dị cho ta trải lòng.

Để hiểu rằng sự “trở về” có khi xa tận chân trời, có khi gần ngay trước mắt. Sự “trở về” – với người này là may mắn hiển nhiên, với người kia là cả niềm mơ ước. Song tất thảy có lẽ đều bắt đầu tự việc nhìn lại và tự hỏi chính mình, hỏi nhau, về điều ta mong đợi: trong ngày Tết hay trong những ngày-bình-thường đang sống: Ta cần gì ở nhau? 

Nếu ta cần ở nhau sự gắn kết, tình cảm gần gụi ấm áp, thì ta có thể chỉ tập trung vào điều cốt yếu ấy, mà dần tháo xuống những rào chắn mang danh chân lý, những lề thói tưởng đúng mà sai, những e ngại về sự thay đổi. Vì nếu ta đã có những người thân biết vui, một ngôi nhà êm tiếng nói cười, một mùa Tết thảnh thơi và nhẹ nhõm, thì còn điều chi quan trọng hơn tất thảy những điều đó. Còn điều chi quan trọng hơn đâu. 

Nhược Lạc

điều ban sơ cốt yếu

Tôi ôm cậu con trai bé bỏng trong tay. Chúng tôi chơi trò yêu nhau. Tôi nói: Mẹ yêu con! Thằng bé nói: Con yêu mẹ!

Rồi đột nhiên tôi hỏi: Đố con biết, vì sao mẹ lại yêu con?

Lúc này, chàng trai bốn tuổi, vẫn đang nằm trong vòng tay tôi, thủng thẳng nói: Vì mẹ yêu chính bản thân mình.

Câu trả lời đột ngột mà tôi không chuẩn bị để nghe, đã làm tôi hơi nổi da gà một chút. Tôi không biết nói gì tiếp, nên hai mẹ con cứ ôm nhau vậy thôi.

Thật kỳ lạ khi một em bé lại có thể nhìn thấu điều mà không phải khi nào một người lớn cũng nhìn ra. Tôi yêu em, vì tôi yêu chính tôi. Em là một phần của tôi. Tôi là một phần của em. Tôi yêu chính mình khi tôi ở bên em. Tôi yêu chính mình khi thấy mình trong mắt em. Khi em xoa cùi chỏ và đầu gối của mẹ. Khi em ôm cổ mẹ từ phía sau. Khi em ăn bim bim và để phần mẹ hai miếng. Khi em bảo muốn kể chuyện cho mẹ nghe – mẹ nghe em và mẹ cũng nghe thấy chính mình.

Mẹ yêu em và mẹ yêu chị của em, mẹ yêu bố của em, mẹ yêu ông bà nội ngoại, mẹ yêu hàng xóm láng giềng, mẹ yêu đồng nghiệp, yêu bè bạn…. Mẹ yêu được chừng đó người, vì mẹ yêu chính mẹ. Mẹ yêu mẹ khi ở bên mọi người, khi ở trong trái tim mọi người.

Mẹ yêu chính mẹ là một điều quan trọng, mà em đã nhắc mẹ từ hồi em chỉ vừa biết nói. Em luôn nhắc mẹ phải mời chính mẹ ăn cơm, mẹ phải hát yêu chính mẹ trước khi hát rằng mẹ yêu bố, yêu bà, yêu con…

Yêu chính bản thân mình, là một điều ban sơ cốt yếu, như thế.

Nhược Lạc

cởi bỏ chính mình,

Tôi hay tự hỏi vì sao người ta lại thường mua quần áo mới vào dịp năm hết Tết đến. Thoạt đầu, tôi nghĩ rằng vì quần áo đang mặc đã cũ nên họ cần mua mới. Nhưng không phải lúc nào cũng thế, thường thì quần áo đang mặc hẵng còn tốt, song việc được có quần áo mới vào mùa xuân có vẻ mang đến nhiều hơn một niềm vui. Nó gợi nên một cảm hứng sống mới. Một tôi mới.

Điều ấy có lẽ đến từ hồi ức thủa nhỏ, từ niềm sướng vui được có quần áo mới mỗi bận Tết về. Quần áo mới, tượng trưng cho tuổi mới, cho cơ thể phổng phao cao lớn thêm một chút. Cho tinh thần người lớn thêm một chút. Cho tiền lì xì nhích thêm một chút (hồi xưa, mẹ tôi hay lì xì với số tờ tiền bằng số tuổi, tôi đã từng rất mơ đến ngày mình tròn trăm tuổi).

Nhưng quần áo cũ là cái dễ bỏ nhất. Quần áo mới là cái dễ vui nhất. Còn có những cái cũ mà tôi cho rằng khó bỏ hơn nhiều, như là: kỷ vật cũ, tình cảm cũ, ký ức xưa cũ, cái tôi đã cũ.

Đã bao giờ, một ngày nào đó, bạn chợt nhận ra bạn đã không còn phù hợp với chính mình? Hay chính xác hơn, với chính mình của ngày xưa đã nghĩ?

Ta đã từng nghĩ mình sẽ hồn nhiên mãi mãi, rồi một ngày ta buồn ngác ngơ. Ta đã ngoắc tay thề hẹn ở bên nhau mãi mãi, rồi một ngày trái tim ta cũ như tờ lịch năm đó. Ta đã từng mơ đặt chân đến nơi này, làm công việc nọ, gặt hái được điều gì, rồi một hôm nhìn lại, thấy bước chân đã đi rất xa và rất khác quãng đường khi ấy.

Đôi khi ta lấy đó làm vui. Đôi khi, ta nhận đó làm niềm day dứt suốt đời.

Rất khó để chấp nhận sự thay đổi của người khác. Nhưng còn khó hơn nữa, để chấp nhận là mình đã đổi thay.

Để biết là ta thức dậy sau giấc trưa này, và một ta đã chết lại của bình minh trước đó. Trước tiên là biết, và ngay sau ấy là chấp nhận rũ mình của ngày trước, bước tiếp của ngày sau.

Tôi đã cởi mình ít nhất năm lần xơ xác, để đi tiếp trên những đoạn rẽ lớn của cuộc đời. Tôi biết rất nhiều người không vui vì thấy sự đổi khác của tôi, nhưng người không vui nhất ở các đoạn ấy, cũng đâu ai khác ngoài tôi.

Chỉ là đi đến bước đường ấy, tấm áo đã cũ không còn mang vừa, đôi giày đã sờn không đủ đỡ chân đi. Chi bằng mạnh dạn cởi thay áo mới, đổi giày bước qua.

Năm mới có lẽ là một dịp thích hợp để làm việc này, dù năm mới chẳng là gì ngoài một hơi thở tiếp nối của trời đất. Nhưng dường như vào lúc Tết đến, Xuân về, người ta ưa lắng lại nghe mình, nhìn nhận lại những gì mình đã làm được trong năm qua, và nghĩ đến những mong ước của năm mới.

Tôi mong bạn biết lúc nào nên thay áo, khi nao nên đổi giày. Đừng lưu luyến một bộ đồ đã không còn vừa vặn, đừng sợ ngày mai không tìm thấy điều gì đủ tốt như thế. Đừng sợ sự đổi thay, vì đất trời bốn mùa luân chuyển. Tâm trí con người xuân, hạ, thu, đông, rồi lại xuân.

Một ấm trà đã pha trọn mười lượt nước, cũng nên để cho bã trà được nghỉ ngơi. Cho ấm trà nghỉ ngơi, trước khi đợi một tuần trà đến tiếp.

Như hết mùa đông thôi mang áo rét. Như thấy đường mở rồi sẽ đi…

Nhược Lạc

một bài phỏng vấn trên báo Tết

1.Một tập thơ về đề tài “cơm nhà” với toàn những câu chuyện đời thường giản dị gắn liền với gạo muối tương dầu nhưng lại được tái bản trong thời gian rất ngắn, Lạc lý giải như thế nào về sự “đắt khách” này của “Cơm nhà nói chung là êm”?

Lạc nghĩ “cơm nhà” là một đề tài quen thuộc với người Á Đông nói chung, người Việt Nam nói riêng. Trong ngôn ngữ bình thường, ta dễ thấy người Việt rất coi trọng chuyện “ăn”, chuyện “nhà”. Nên làm gì cũng gắn với việc “ăn”, từ ăn cơm đến ăn mặc, ăn cưới, ăn hỏi… Còn “nhà” thì thân gần, yêu dấu đến độ người bạn đời của mình – họ sẽ gọi là “nhà tôi”.

Gần gụi, quan trọng và thân thuộc là vậy, nhưng không vì thế mà “cơm nhà” là một điều dễ có. Lạc có cái cơ hội của một người trải qua nhiều trạng thái cơm nhà: từ nhà mình đến nhà người. Không phải bữa cơm nào cũng cơm lành, canh ngọt, gia đình êm ấm quây quần. Có những bữa cơm đẫm nước mắt của bố, của mẹ hoặc con cái. Có những bữa cơm chỉ có một người. Có những bữa cơm giản dị mà vui, có những bữa cơm đủ đầy món nhưng không ai muốn về ăn.

Vậy thì, “cơm nhà” giống như một báu vật đời thường – không quá xa hoa, nhưng không phải ai cũng có được. Có lẽ vì thế, cuốn thơ “Cơm nhà nói chung là êm” gọi ra một mong muốn sâu kín trong lòng mỗi người về cơm-nhà. 

2. Là một người trẻ từng du học, lại sống và làm việc ở một thành phố “cái gì cũng hối hả” như Sài Gòn, làm thế nào Lạc vẫn duy trì được những bữa cơm nhà, còn rất đều đặn?

Lạc bắt đầu quan tâm đến “cơm nhà” từ một điều tưởng chừng như không liên quan: mình ăn chay. Việc ăn chay không quá thuận lợi để ăn uống bên ngoài. Vì thế, dù là đi du học, ở một mình hay ở cùng người thân, Lạc vẫn dành thời gian để nấu và ăn cơm-nhà mỗi ngày. Cũng từ thói quen đó, mình gặp được người có cùng mối quan tâm – là chồng của mình bây giờ. Chúng mình cùng nhau xây dựng một gia đình nhỏ và tiếp tục nối dài những bữa cơm hàng ngày.

Việc sinh sống ở các thành phố lớn với Lạc không phải là một bất lợi đối với cơm nhà. Điều quan trọng là chúng ta chọn dành bao nhiêu thời gian cho việc đó mà thôi. 

3. Ích lợi của cơm nhà với cá nhân Lạc và các thành viên khác trong gia đình (cả về thể chất và tinh thần nhé)?

Lợi ích đầu tiên là….no bụng thôi *cười*. Mình và các thành viên đều thích ăn cơm-nhà, đơn giản vì “cơm nhà nói chung là êm”. Mình biết khẩu vị của mình như thế nào rồi, biết mình ăn được gì và không ăn được gì. Từ đó, sẽ biết cách để nấu ra những bữa cơm phù hợp với chính mình và các thành viên trong gia đình.

Còn về tinh thần, bữa cơm là một khoảng thời gian tuyệt vời để gia đình quây quần với nhau. Trong lúc ăn thì hỏi chuyện nhau về ngày hôm đó. Cha mẹ sẽ biết hôm nay con ở trường học được điều gì mới, có chuyện gì vui hay không vui. Và ngược lại, con cái cũng sẽ biết thêm về những điều cha mẹ đã làm trong ngày hôm nay. 

Muốn biết một bữa cơm nhà quan trọng đến đâu, hãy thử… đi xa. Khi đi xa và mong ngày trở về, điều ta nhớ trước tiên sẽ là cơm-nhà. Mùi thơm của nồi cơm mới nấu, hương vị của tô canh cải chua… những điều ấy giống như thứ ngôn ngữ riêng của mỗi gia đình – không nơi nào giống nơi nào. Là điều mà mỗi thành viên trong nhà khi đi xa đều sẽ nhớ về. 

4. Rất nhiều sáng tác trong cuốn sách đều liên đới đến bữa cơm, giống như nó là một nguồn cảm hứng không cạn của Nhược Lạc? Từ khi nào thì bạn nhận ra, một bữa cơm cũng có thể “thơ” đến như thế?

Lạc luôn coi thơ nói riêng, hay việc viết nói chung, là công cụ để thể hiện các quan điểm, lối nghĩ, cuộc sống của mình. Vậy nên các chủ đề Lạc viết thường xoay quanh những việc hàng ngày: từ chén trà mình uống, bát cơm mình ăn, cái cây mới tưới, bông hoa mới mọc trong vườn…

Thực ra mọi điều dù nhỏ nhất trong đời sống – đều có thể trở nên rất “thơ”, nếu như ta dành đủ thời gian để thưởng thức, để cảm nhận. 

5. Một định nghĩa rất ấm áp của Lạc về nhà: cảm ơn nhau đến trong đời/ để khi giông gió có nơi trở về. Tôi chỉ muốn hỏi thêm một chút, khi chưa “có nhau”, hoặc giả chưa tìm được nhau, vậy khái niệm “nhà” của bạn là…?

Trước khi lập gia đình riêng của mình, thì mình đã có ngôi nhà lớn hơn – với bố, mẹ và anh trai rồi. Nhưng còn một ngôi nhà khác mà không phải ai cũng chú ý đến – là ngôi nhà riêng tư trong trái tim mình. 

Lạc nhận ra chúng ta chỉ có thể tìm thấy hạnh phúc khi trong sâu thẳm trong trái tim, ta học được cách để tự hạnh phúc trước. Ta bình an rồi mới có thể trao nhau sự bình an. Ta biết chữa lành chính mình, rồi khi gặp nhau, ta mới có thể chữa lành cho nhau mỗi khi cần đến.

Có người nghĩ rằng phải gặp nhau rồi mới vui, nhưng Lạc thì cho rằng ta phải ổn trước, ta phải vui trước. Rồi khi gặp nhau, những niềm vui ấy mới giao thoa và có thể nhận ra nhau.

6. Một độc giả bình luận về cuốn Cơm nhà như sau: Đừng học theo Cơm nhà của Nhược Lạc, bởi những ấm áp và các bữa cơm đều đặn như thế sẽ níu kéo, trì hoãn ta đi xa, khám phá những vùng đất mới, hoặc giả có quyết đi được chăng nữa thì cũng vẫn là giang hồ vặt, nghe tiếng cơm sôi đã nhớ nhà. Lạc nghĩ sao về ý kiến này?

Mỗi gia đình sẽ có cách định nghĩa riêng về “nhà”, về “cơm nhà”. Với Lạc, nhà – là khi ta giữ nhau ở trong tim, nhưng không có nghĩa là cần ở mãi bên nhau về mặt địa lý.

Cơm-nhà theo đó cũng nên hiểu rộng ra, là những khi ta tận hưởng bữa cơm cùng với nhau. Đó có thể là bữa cơm quây quần quanh chiếc bàn ăn. Đó cũng có thể là bữa cơm ta ăn với nhau ngoài hàng quán. Đó, cũng có thể là bữa cơm ta ăn với nhau ở….hai, ba nơi xa cách nhau, nhưng vẫn nghĩ về nhau. 

Ở nhà Lạc, mọi người đều phải học cách tự lập – biết tự chăm lo cho mình, biết tự vui. Khi ở cạnh nhau vẫn sẽ rất vui – cái vui của sự chia sẻ, tiếp chạm, quây quần, ấm áp. Nhưng cái vui của sự tự thân mới là một niềm vui bền vững và khỏe khoắn. 

Cha mẹ biết tự vui thì con cái bớt khổ. Con cái biết tự vui thì cha mẹ bớt lo. Chồng tự vui được thì vợ có thể yên tâm làm các công việc khác. Vợ biết tự chăm sóc mình thì chồng mới an tâm trong các trách nhiệm riêng. 

Đó là định nghĩa về cái vui thực sự mà gia đình mình muốn xây dựng, nó có thể không đúng với mọi nhà. Nhưng nó giúp chúng mình đi xa được với nhau mà không chán nhau, không níu kéo hay trì hoãn nhau, không làm khổ nhau. Và những bữa cơm không phải là những bữa nợ, hay nghĩa vụ cần phải làm. Cơm-nhà nên là bữa cơm-vui thôi, điều nuôi ta no ấm, điều khiến ta nhớ về, thay vì làm ta sợ hãi hay áp lực. 

7. Để theo kịp nhịp sống hiện đại, nhiều người trẻ không có cả thời gian nghỉ ngơi, đừng nói là duy trì những bữa cơm nhà. Sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình do đó ngày càng lỏng lẻo. Thực tế này khiến nhiều người lo ngại về sự tồn tại của các giá trị gia đình truyền thống. Là một người trong cuộc, Lạc nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Đầu tiên ta hãy thử nhìn lại việc gìn giữ các giá trị gia đình truyền thống để làm gì? Việc gìn giữ có làm ta vui không? Nếu vui thì hãy giữ, nếu không vui xin hãy dừng. Nhiều người chỉ biết trách móc người trẻ trốn trong thế giới của riêng mình, mà không biết rằng họ trốn trong đó vì thế giới ngoài kia không vui.

Một bữa cơm gia đình mà chỉ luôn là những lời trách móc, ca thán, hỏi về điểm số, thành tích… thì đó là bữa cơm áp lực. Là bữa cơm không ai mong ăn. 

Một ngôi nhà nên là ngôi nhà mở cửa. Là ngôi nhà đón người ta trở về sau một ngày dài đi học, đi làm mỏi mệt. Nếu một ngôi nhà chỉ đón người ta về để dọn dẹp, để quét nhà lau nhà, để nấu ăn rửa bát, để truy hỏi hôm nay làm gì, được bao nhiêu điểm, kiếm được bao nhiêu tiền… thì đó không phải một ngôi nhà, mà là một nơi làm việc thứ hai. Làm sao có ai sống được với hai công việc toàn thời gian như thế trong một ngày?

Kinh nghiệm của Lạc là hãy tạo ra một nơi mà mình muốn thuộc về. Có những việc về lý thì đúng, hoặc ít nhất không sai, nhưng nếu nó làm ta đau khổ, hay người thân của ta đau khổ – thì ta nên xét lại. 

Một bữa cơm nhà, trông vậy thôi, không cần cầu kỳ đâu. Người nhà mình có thể ăn bất kỳ thứ gì mà vẫn thấy vui, miễn là bữa cơm đó không làm ai mỏi mệt. Ta nấu ăn đơn giản, rửa chén bát mau lẹ, dành thời gian đó để hỏi chuyện nhau, kể cho nhau nghe mấy điều vui, hoặc tâm sự một chuyện không như ý… Mấy thứ đó, với Lạc, quan trọng hơn hẳn là hôm nay ăn gì. 

Chúng ta đã hỏi nhau “bữa nay ăn gì?” nhiều quá rồi. Hay ta thử đặt lại câu hỏi, rằng “bữa nay thế nào?” – để nhận được những câu trả lời khác, những suy xét khác về cơm-nhà, về nhà. 

Nhược Lạc