
Nhiều khi tôi chán ghét việc nói nhiều. Càng nói ra, ta càng có ít thời gian để nghe hoặc làm. Không muốn đặt cái mệnh đề này lên bất kỳ ai ngoài kia, nhưng đặt lên tôi thì đúng. Cứ mỗi khi tôi lên một cơn nói năng vô tiền khoáng hậu, như một thứ bản năng sinh tồn, cái gì đó trong người tôi giật lại. Hoặc là tôi sắp nói ra cái gì đó dại dột, hoặc là tôi đã nói ra rồi, hoặc là sau những lời chém gió, chắc chắn tôi sẽ thấy hối hận, rằng ngần đó thời gian ta nên làm cái chi đó khác, thì hơn.
Nhưng gần đây, tôi không ngủ được. Sau khi cố gắng làm tất cả những gì cần thiết và đúng đắn, tôi vẫn không ngủ được. Thế rồi tự nhiên tôi biết đến một cái website tên là morning page. Tôi biết đến nó vào lúc nửa đêm, và bắt đầu viết như thế mỗi tối, nửa đêm cho đến tảng sáng. Cái trang đó yêu cầu mỗi ngày viết 500 chữ. Đơn giản. Lần đầu tiên ngồi vào, tôi viết liền 3000 chữ. Những ngày sau, số chữ giảm dần và loanh quanh đâu đó khoảng 1000 chữ mỗi ngày.
Thế rồi tôi ngủ được.
Và tự nhiên tôi nhận ra, dẫu nói hay viết có thể là những điều vô nghĩa, thì nó vẫn cần thiết theo một cách nào đó. Đôi khi chúng ta uống bia với nhau, bên bờ sông Sài Gòn, hoặc trước cửa một tiệm Circle K, hoặc ngoài ban công căn hộ sau khi người hàng xóm đã hát xong Duyên Phận…ta nói toàn những chuyện vớ vẩn. Hay ta viết xuống những dòng vô nghĩa, rõ ràng chẳng giúp gì cho ai, nhưng lại có thể giúp cho chính ta.
Nghe rất sến, nhưng những ngày đầu tiên viết cho chính mình, tôi khóc suốt. Lần nào cũng phải khóc một chút, xong quẹt mắt đi, rồi lại khóc một chút nữa, quẹt mắt đi….cho đến dấu chấm cuối cùng. Tôi nhận ra cái bi kịch lớn nhất của mình là tôi không cho phép mình được thấy bi kịch. Nếu có một cái thước đo hạnh phúc của xã hội, chắc chắn tôi không ở dưới đáy. Tôi có đầy đủ hạng mục tạo nên hạnh phúc mà một con người cần có. Vậy nên tôi không được phép cảm thấy tuyệt vọng. Bố mẹ tôi đều đã sáu mươi mà họ vẫn có thể ngủ được thì một đứa trẻ ranh như tôi lấy cớ gì để trằn trọc đêm khuya. Tôi kiêng toàn bộ trà, cafe, uống nước củ sen mỗi tối, hít thở ba mươi phút trước khi ngủ, nghe nhạc không lời. Tôi làm mọi thứ như thể một người già cả, và rơi nước mắt trong sự bất lực ngớ ngẩn của mình.
Nhưng ai cũng có quyền mệt mỏi và buồn bã.
Bạn tôi đã nói như vậy. Có thể nỗi buồn của ta là cái gì đó rất nhỏ, so với nỗi buồn của thế giới ngoài kia, nhưng với một sinh thể nhỏ bé như ta – thì không. Nếu coi thường kích cỡ và sức mạnh của nó, có thể một ngày nó sẽ nhấn chìm ta mất.
Nên, vẫn là một chuyện tốt – cái việc nói ra và viết xuống ấy. Nếu ta không thể hay không muốn bô lô ba la mọi điều với thế giới, thì ít nhất ta cũng có thể viết xuống, ở đâu đó, cho riêng mình. Rằng cái cơn buồn mệt này là có thật, đang ở đây. Ta cũng đang ở đây, sẵn sàng ôm lấy, chứ không buông tay – với chính ta.
Và, đó là một chuyện tốt.
Nhược Lạc
Cha mẹ em cũng đã ngoài 70, thế mà họ vẫn có thể an giấc mỗi đêm, từ tốn nấu những món ngon mỗi sáng, sống lưng lúc nào cũng được giữ thẳng dẫu mấy mươi năm qua lao động tay chân vất vả nhường nào. Thì em, tụi em, lấy cái cớ gì than thân trách phận rồi trằn trọc đêm khuya chị nhỉ. Cám ơn chị vì bài viết trần trụi, nhưng chạm đến được phần Người.
Ừ, nhưng ý chị thật ra lại là: cũng không nên tự trách mình như thế em ạ. Dù mình hai mươi hay ba mươi, hay bảy mươi, mình hoàn toàn có thể mệt mỏi và buồn bã tới độ không ngủ được đấy. ^^
Vậy nên cứ chấp nhận và dịu dàng với chính mình một chút, rồi mọi chuyện sẽ ổn cả thôi.