về sự công nhận,

Mỗi việc mình làm, sẽ mang đến cho mình những kết quả khác nhau. Có việc mang cho mình thu nhập, có việc mang cho mình những lời khen, sự tán dương, có việc mang đến niềm vui đơn sơ, có việc mang đến rất nhiều vất vả mà ta không biết bao giờ mới đến ngày hái quả…

Mỗi người sẽ có những mong cầu riêng về kết quả của công việc. Nhưng tôi thường nghĩ rằng, mong cầu về sự công nhận và tán dương – là gian khó và vô vọng nhất.

Nói thế là vì, ta đang đặt hoàn toàn kết quả vào tay người khác – người tán dương. Như thế cũng có nghĩa là ta đang đặt toàn bộ hành trình, kế hoạch của mình vào một điều mơ hồ, bất định và vô nghĩa nhất.

Tất nhiên, một lời khen có thể giúp ta có thêm động lực đi tiếp, vượt qua tất thảy những gian khó, vất vả trên đường. Nhưng, nếu ta phụ thuộc vào nó quá, thì một lời chê, hay một lời-không-khen cũng có thể làm gãy đổ toàn bộ sự nỗ lực của bản thân.

Càng trẻ thì càng dễ bị tác động bởi lời khen – chê hơn. Trẻ – không phải ám chỉ độ tuổi sinh lý, mà ám chỉ độ tuổi trải nghiệm của chính ta trong một lĩnh vực nào đó. Khi ta mới bước chân vào một thế giới mới, một câu khen hay một lời chê, thậm chí một sự im lặng cũng có thể hất tung mong muốn đi tiếp.

Đừng đặt cả thế giới rộng lớn, cả con đường dài rộng của mình, vào tay những mơ hồ như thế. Hãy ít trông đợi nhất có thể, vào bất cứ lời nào của người khác.

Tôi đang làm việc trong lĩnh vực truyền thông, F&B, và tôi luôn nhớ lời sếp tôi nhắc nhở từ những ngày đầu tiên đi làm. Sếp nói: “Làm trong ngành này, được khách khen cũng đừng vui quá, bị khách chê cũng đừng buồn quá. Vì không có gì vô thường hơn những điều đó.”

Tập trung vào cốt lõi của vấn đề. Cải thiện chất lượng công việc. Cặm cụi làm tốt từng việc nhỏ một, từng dự án một. Và cứ tiếp tục như thế.

Đừng đợi lời sếp khen. Đừng đợi lời khách khen. Đừng trông đợi và mong cầu bất cứ lời khen tặng nào, của bất kỳ ai. Nếu có, hãy mỉm cười cảm ơn, như thể ăn miếng bánh gặp một miếng dâu tây, như thể đang buồn được cho viên kẹo. Hãy vui như rắc thêm phô mai trên đĩa mì của mình. Nhưng nếu không có phô mai, hãy cứ ăn đĩa mì tiếp tục, một cách ngon lành.

Đừng khao khát sự công nhận như một món ăn chính trên bàn tiệc. Đừng trông đợi sự xuất hiện của nó trên sân khấu của chính bạn.

Rồi thì, nó sẽ đến bên bạn, khi bạn không còn tha thiết tìm đến nó nữa.

Nhược Lạc

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s