
Để tận hưởng một sự dễ chịu, bạn chỉ cần dễ chịu. Nhưng để tạo ra một điều dễ chịu, bạn cần nhiều hiểu biết, kỹ năng, tính kỷ luật, trách nhiệm, khả năng tư duy, khả năng làm việc độc lập – làm việc nhóm, và khả năng… chấp nhận cả những điều không hề dễ chịu.
Trong bộ phim Kungfu Panda, chú gấu Po ục ịch hàng ngày chỉ tập trung phụ ba làm bếp, nấu nướng dọn dẹp và tiếp đón khách – bỗng một ngày trở thành siêu anh hùng, chuyên tâm tu luyện võ thuật. Có câu nói vui rằng, cậu được như vậy là nhờ những năm tháng khổ luyện trong…. ngành dịch vụ.
Chỉ là lời nói vui, nhưng tôi thấy cũng thật đúng. Có cơ hội làm việc sát sườn với các anh chị, các bạn trong ngành F&B, tôi càng hiểu và thêm khâm phục với khả năng làm việc với cường độ cao, áp lực cao, không hề ngơi nghỉ của họ.
Làm dịch vụ, nghĩa là ngày lễ tết, người khác nghỉ thì bạn đi làm. Khi người khác ngồi bàn máy, phòng điều hòa mát rượi, thì bạn bưng bê đủ thứ, hết lượt này tới lượt khác. Khi người khác ngồi thảnh thơi dùng một bữa ăn, hay uống ly nước, thì bạn phải bao quát toàn không gian, để tâm đến từng vị khách – họ đang cảm thấy như thế nào, mình cần rót thêm nước lọc cho họ, hay mở thêm chiếc quạt hướng về phía họ, hay nên chỉnh lại nhiệt độ phòng cho phù hợp. Làm dịch vụ, nghĩa là, dù bạn có mệt mỏi, dù bạn đang buồn, đang khổ trong lòng – thì nụ cười vẫn phải nở trên môi, sự ân cần của bạn không được biến mất.
“Em thấy không khí ở nơi này rất dễ chịu, nên em nghĩ mọi người làm việc trong đây hẳn sẽ rất chill và thoải mái” – là một ảo tưởng lớn. Càng những nơi cung cấp dịch vụ dễ chịu cho khách hàng, áp lực cho những người tạo nên và duy trì nơi đó, càng lớn.
Nói như thế, không phải để kể khổ, mà là để khâm phục, từng anh chị em mà tôi vẫn gặp ở nhà hàng, ở quán cafe, quán trà, mỗi ngày. Mỗi khi cảm thấy rằng công việc của mình đang vất vả quá (nhất là mấy lúc chạy dự án đây), tôi lại nghĩ đến họ, và như kiểu có thêm động lực.
Các anh chị em – những người xuất hiện trước khách hàng mỗi ngày, còn có thể cố gắng đến mức đó. Thì mình – một người đứng phía sau, phải cố gắng đến mức nào, để công sức của họ không đổ xuống sông xuống bể.
Và để, mỗi lần đi tới một hàng quán nào đó, cũng tự biết phải dịu dàng và lịch sự hơn, và thông cảm hơn – cho những người đang làm dịch vụ, và cố gắng mang đến sự dễ chịu cho mình, mỗi ngày. Mỗi ngày.