6 tuổi nấu cơm, 26 tuổi vẫn nấu cơm…

hình 1.JPG

Lần đầu tiên tôi tập nấu cơm, là năm 6 tuổi. Gọi là nấu cơm, chứ cũng chỉ là múc gạo bỏ vào nồi cơm điện, thêm nước, cắm điện, nhấn nút. Và chờ.

Việc nấu cơm đã theo tôi từ năm 6 tuổi tới tận bây giờ. Mỗi ngày tôi đều nấu cơm, ít nhất một lần, trong hai mươi năm. Ngẫm ra thì, không có nhiều việc đã theo tôi lâu đến như thế. Trong suốt thời gian đó, tôi đã nấu rất nhiều loại gạo khác nhau, với nhiều loại nồi, loại nước, loại bếp khác nhau. Dễ nhất là nấu với nồi cơm điện, khó nhất là nấu với nồi nhôm trên bếp gạch, tiện nhất là nấu bằng nồi áp suất, ngon nhất là nấu bằng nồi đất hai nắp. Tôi đã từng ăn qua gạo trắng, gạo xát rối, gạo lứt trắng, gạo lứt đỏ, gạo lứt tím, gạo nếp cẩm, gạo trộn.. Tôi đã từng dùng thử nước máy, nước giếng, nước mưa, nước qua máy lọc, nước tinh khiết, nước khoáng. Tôi đã từng nấu ra những suất cơm ngon, những lần cơm cháy, cơm nhão, cơm trên sống dưới khê. Tôi đã từng độn khoai và sắn vào cơm, tôi đã từng hấp trứng trong nồi, từng trộn đậu đỏ đậu đen, phổ tai, mơ muối khi nấu. Tôi đã từng xử lý cả bọn cơm thiu nữa.

Nói thế, để biết là trong hai mươi năm, chuyện nấu cơm không chỉ có múc gạo, thêm nước, bấm nút. Đó là một quá trình dài với nhiều trải nghiệm khác nhau. Nhờ vậy, bây giờ khoan nói việc cơm ngon dở, nhưng chắc chắn tôi hiểu gạo, hiểu nước, hiểu lửa, và hiểu chuyện nấu cơm hơn ngày xưa, rất nhiều.

Đây chính là thứ cần phải xảy ra trong quá trình tích luỹ kinh nghiệm. Thủa mới bước chân vô làng quảng cáo, một đàn anh của tôi nói: không phải ai cũng có nhiều kinh nghiệm như họ ghi trong CV. Một số người chỉ có khoảng một năm kinh nghiệm, rồi lặp lại n lần. Chuyện đó, tiếc thay, rất thường xảy ra.

Đúng là thời gian tác động rất nhiều tới kinh nghiệm. Theo thống kê trung bình, một người cần tối thiểu 10.000 giờ luyện tập để trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó. Tuy nhiên, việc này rất dễ hiểu nhầm thành, chỉ-cần-dành ra 10.000 giờ, bạn sẽ nghiễm nhiên là một chuyên gia. Có những chuyện, chỉ cần cho thời gian là sẽ làm được. Có những chuyện thì không.

Quay lại ví dụ nấu cơm. Ở đây có hai điều khiến tôi chú ý: một là vì sao tôi lại liên tục nấu cơm trong 20 năm, hai là tôi đã nấu cơm như thế nào, trong 20 năm.

Lý do khiến tôi nấu cơm đều đặn như vậy, là vì tôi cần ăn cơm. Mỗi ngày. Nếu tôi không nấu thì chẳng còn ai cả, và tôi sẽ nhịn đói. Ngoài ra, nếu tôi nấu dở, thì người chịu đựng đầu tiên sẽ là tôi. Vậy nên tôi buộc phải nấu ngon hơn. Mỗi ngày.

Nhờ vậy, tôi đã thực sự nấu cơm ngon lên, bằng cách rút kinh nghiệm qua mỗi lần thất bại. Hôm qua nấu hơi nhão thì hôm nay bớt nước, hôm nay hơi khô thì ngày mai thêm nước… Tôi cũng nhận ra mình sẽ nấu ngon hơn mỗi lần nhận được sự khen ngợi từ mẹ. Như thế, bằng hai yếu tố, để ý rút kinh nghiệm và có động lực/niềm yêu thích, cùng với khoảng thời gian đủ dài, tôi đã học được cách nấu cơm.

Thế mà, tôi vẫn không nấu cơm ngon bằng chồng mình – người chỉ mới dành khoảng hơn 3 năm ở trong bếp.

Việc này đôi khi khiến tôi khá ấm ức. Tôi đổ lỗi cho một thứ năng-lượng-bí-ẩn nào đó tồn tại trong mỗi người. Rằng chồng tôi thực sự được ban cho một biệt tài nấu cơm ngon, bẩm sinh, hơn tôi. Nếu vậy thì tốt quá. Cuộc đời bất công là chân lý, chuyện ấy không cần phải chứng minh.

Nhưng, chồng tôi lại liên tục tìm cách chứng minh một sự thật khác. Rằng cuộc sống không diễn ra như vậy, và tôi nấu cơm không ngon (bằng) là vì tôi không đủ sự chú tâm. Vì sao em để lửa to vậy? Vì sao em không thăm cơm? Em nghĩ hạt cơm như vậy đã đủ chín chưa? Okay. Cứ như thể ông già tóc vàng của MasterChef đang đứng trong bếp nhà tôi vậy. Và ông ta lại nói đúng thật.

Tôi hay tự hỏi vì sao mình vẫn ở đây, trong những ngày lên cơn trầm uất và tự ti về bản thân. Ngày xưa tôi thường kỳ vọng rất nhiều ở mình, và nghĩ rằng đến tuổi này chắc tôi phải thành công lắm rồi. Nhưng sự thật là tôi vẫn chết dí ở một xó xỉnh vô dành nào đó của thành phố, và nấu cơm cũng chẳng xong.

Có lẽ tất cả những chuyện này (nấu cơm, viết lách, kinh doanh…) đều chung nhau cái quy luật kỳ cục: động lực – rèn luyện – thời gian. Cái thứ ba, tiếc thay, nhiều khi lại không phải yếu tố quyết định. Thầy Koichi Tohei cũng từng nói rằng: Thời gian không quyết định chất lượng của việc luyện tập, mà là sự tập trung.

Tôi tin rằng mỗi chúng ta rồi sẽ tìm được thứ động lực của riêng mình. Cái đó biến “sở thích” đơn thuần trở thành thứ mà bạn thực sự muốn gắn bó. Chúng ta đã từng thích rất rất nhiều thứ, trước khi bỏ rơi phần lớn trong số đó, và chỉ còn giữ lại rất ít. Chẳng hạn như bạn bắt buộc phải ăn cơm mỗi ngày, như tôi. Hoặc bạn vẫn viết lách liên tục trong nhiều năm dù chẳng ra được quyển sách nào, như tôi.

Nhưng chỉ vậy thôi chưa đủ. Chúng ta cần, rất nhiều sự chú-tâm-đúng-mức trong mỗi-lần làm việc đó. Mỗi lần nấu cơm, mỗi lần chạy bộ, mỗi lần giặt quần áo, mỗi lần viết một bài thơ hoặc một truyện ngắn. Toàn tâm, toàn ý. Mỗi lần như vậy. Như một con sư tử dụng hết toàn bộ sức tập trung của ý chí và cơ thể, để bắt một con thỏ con. (lại mượn trích dẫn của thầy Koichi Tohei)

Và cuối cùng, thời gian vẫn cần thiết. Chủ yếu là để tôi rèn, và kiên nhẫn với chính bản thân mình. Không có ai giỏi giang hoàn hảo ngay từ lúc sinh ra, kể cả thiên tài. Họ cũng cần rất nhiều năm tháng nỗ lực, cố gắng, phấn đấu, trải qua rất nhiều thất bại. Vậy nên đừng đặt nặng lên vai mình quá. Chúng ta có thể ở đây, giờ phút này, làm những việc chúng ta yêu thích, với tôi đã là một may mắn vô tận rồi. Chúng ta có động lực, và có sự chú tâm hết mức rồi. Giờ hãy để thời gian viết nên câu chuyện của riêng mình.

Như là câu chuyện nấu cơm của một cô bé con 6 tuổi, với một phụ nữ 26 tuổi, đã khác nhau biết bao. Biết là bao nhiêu..

Nhược Lạc

Advertisement

3 thoughts on “6 tuổi nấu cơm, 26 tuổi vẫn nấu cơm…

  1. Chờ đợi sách (self-help) đầu tay của bạn Lạc: Làm thế nào để nói về những thứ thoạt nghe qua chẳng có gì để nói. Mà lại còn dài.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s