(dành tặng chồng, và con gái)
***
Hồi cấp 3, được học bài “Một người Hà Nội” của Nguyễn Khải, mình cũng manh nha cái ý định lấy một anh giáo viên tiểu học. Anh này tốt nhất nên dạy toán, vì mình dốt toán, thế thôi. Không phải có ý định khôn ngoan lấn át cả chồng, hay mong muốn an phận thủ thường gì, mà chỉ nghĩ đơn thuần rằng một anh giáo tiểu học thì hẳn dạy con nít hay lắm. Như thế mình sẽ nhàn.
Nhưng rồi mình không lấy được anh giáo viên tiểu học nào, mà lấy phải một anh dạy võ. Được cái anh này cũng dạy võ cho bọn trẻ con. Có điều, dù đã lấy một anh dạy võ cho trẻ con rồi, mà tới lúc có con, cả hai vẫn nhìn nhau ngán nhẩm, rằng, trẻ con phiền thật.
Không chỉ phiền vì những cái linh tinh quấy khóc, ăn ngủ ị tè của chúng nó, mà còn vì không biết phải làm gì với tính cách của chúng nó, không biết phải dạy gì cho chúng nó.
Ừ thì mình có thể dạy chúng nó cách ăn uống ngủ chơi, mình có thể đọc sách, chơi đàn cho chúng nó nghe, có thể ấp ôm vỗ về mỗi khi quấy khóc…. Nhưng mình có thể “dạy” gì tụi nó đây? Để tụi nó có thể lớn khôn và trưởng thành một cách “đúng đắn”, để tụi nó sau này nhìn lại không trách giận bố mẹ vì đã dạy con sai lắc rồi. Mình băn khoăn lắm, bởi vì chính mình, và nhiều người bạn của mình cũng đã trách giận bố mẹ suốt bao lâu qua như thế. Có những tổn thương nặng nề trong gia đình mà không cách nào hàn gắn, bù đắp được. Mình không muốn lặp lại sai lầm đó.
Để rồi, một hôm, khi đang ngồi ngâm cứu “một phương pháp giáo dục tiên tiến”, mình thấy con cứ khóc hoài và với tay sang người mình. Mình thì cứ cố nhấc tay con ra và liên tục bảo “đợi mẹ xíu mẹ đọc cái này xíu”. Con bé cứ khóc lóc và vươn tay ra xa hơn để chạm vào người mẹ. Thế rồi mình dừng lại. Mình nhìn qua con bé mở mắt tròn thao láo, thứ duy nhất hiện ra trong đó, là cần mẹ. Cần mẹ quan tâm, cần mẹ chơi với con, cần mẹ yêu thương con. Còn mẹ đang làm gì nhỉ? Mẹ đang tìm kiếm một phương pháp xa xôi tận đâu, mà thứ dễ nhất mẹ có thể làm là ôm con, thì mẹ từ chối.

Cũng như thế, những hôm có dịp ngồi “dự giờ” lớp võ của chồng, xem ông xã dạy Ki-Aikido cho tụi nhỏ, mình lại được vỡ ra nhiều điều trong giáo dục trẻ con. Lớp của chồng thì nhỏ thôi, loanh quanh mười mấy bạn, nhưng đủ các thành phần. Từ ngoan ngoãn tới hiếu động, từ ít nói tới la hét, có bạn tăng động giảm chú ý, lại có bạn rất thèm được trở thành “tâm điểm của đám đông”. Nói chung vô cùng đa dạng.
Chính vì thế nên có đủ các tình huống xảy ra. Có bạn thì không chịu vào tập, chỉ bám áo bố ở bên ngoài. Có bạn thì khóc lóc đòi mẹ vào tập cùng. Có bạn vào tập nửa buổi rất ngoan, nửa buổi sau ra ngồi khóc thảm thiết, vì….nhớ mẹ. Có bạn cứ 5’ xin ra uống nước một lần. Có bạn thì chỉ muốn tập với “các bạn giỏi”, chứ nhất quyết không tập với “tụi kém hơn”. Có bạn lại rất sợ “thử thách”, mỗi lần yêu cầu “kiểm tra” là bỏ ra ngoài lớp, không làm nữa.

Trong đó có một bạn làm mình rất nhớ. Là vì bạn này rất nghịch, tới lớp không tập trung học mà hay bày trò phá phách, bị thầy mắng thì sẽ khóc, hay bắt nạt các em bé hơn trong lớp. Nói không phải chứ lần nào đến lớp mình cũng nghĩ, sao thằng bé này vẫn chưa nghỉ học nhỉ. :(( Vấn đề chính là, dù tỏ vẻ không hợp tác trong lớp học như vậy, nhưng bạn không bỏ học, dù bố bạn đã năm lần bảy lượt muốn bạn nghỉ quách cho rồi.
Sau này, nhờ mấy lần gọi điện cho phụ huynh, rồi gặp trực tiếp và hỏi chuyện bố mẹ cháu, mình mới biết là bạn này vốn cực kỳ tình cảm, hơi quá nhiều tình cảm là đằng khác – theo lời mẹ bạn. Bạn có anh trai và rất hay bị so sánh với anh trai, thành ra trong tâm lý lúc nào cũng muốn phá phách, thể hiện, gây sự chú ý. Ở nhà bạn cũng hay bị bố đánh, mẹ thì gần gũi hơn nhưng hay đi công tác, thành ra lúc nào bạn cũng cảm thấy thiếu thốn tình cảm. Khi bạn đến lớp võ, thì bạn nhận được điều này – sự quan tâm. Dù thầy có yêu cầu làm này nọ, dù thầy có mắng, thầy phạt ra ngồi góc lớp, nhưng sau tất cả bạn vẫn được hỏi chuyện, được dạy về đòn thế, về cách xếp dép, hay đơn giản là cách cúi người chào nhau bằng tất cả sự tôn trọng.

Một lần rất rất lâu sau, mình tới thăm lớp thì đã thấy bạn trở nên rất khác. Bạn ấy mặc đồng phục chỉnh tề (điều trước đây chưa bao giờ có), tập nghiêm túc, thậm chí còn nhắc nhở các em bé hơn ngồi ngay ngắn. Mình ngơ ngác hỏi chồng, sao lại thế? Thì anh chồng bảo, vì bạn ấy được làm “lớp trưởng” đấy. Thầy phong cho như thế, nhiệm vụ là lên tập khởi động cùng thầy, hướng dẫn cho các em bé hơn. Bạn ấy được làm mẫu cho cả lớp, được hô “ich ni sam shi…”, được chỉ dạy cho các bạn cùng tập. Bạn ấy thấy mình có giá trị, thứ giá trị được cộng đồng công nhận.
Mình có hỏi vì sao thầy giáo nghĩ ra cách này, thì chỉ được bảo là anh cũng không biết, anh thử thôi. Điều đó khiến mình nhớ lại, là hồi xưa khi con San khóc, mình cũng đâu biết vì sao, và phải làm như thế nào. Mình chỉ thử thôi. Mình thử cho con ti, thử ôm ấp vỗ về con, thử hát ru, thử bế đi vòng quanh…. Có khi cách này thành công, có khi cần đến cách khác. Có khi mãi mà chẳng có cách nào thành công, thì mình cũng vẫn kiên nhẫn đi hết cơn khóc cùng con. Chẳng sao. Vì mình yêu con mà.

Cũng vậy, mình lại nghĩ về câu “Chúng ta có thể dạy gì cho trẻ?”. Mình quên hỏi rằng “Vì sao ta muốn dạy điều gì đó cho trẻ?” hay “Trẻ có muốn học điều đó không?”. Ta muốn dạy một điều gì đó cho trẻ, nhiều khi là để thoả mãn những mong cầu trong lòng ta. Ta muốn một đứa trẻ hiểu biết, để mình được tự hào. Ta muốn một đứa trẻ ngoan ngoan vâng lời, để ta được thảnh thơi nhàn rỗi. Ta muốn một đứa trẻ năng động, hoặc nhu mì, hoặc ưa đọc sách, hoặc ưa đá banh….tất thảy là để tạc nên cái hình dung tốt đẹp, hoàn hảo mà ta vẽ ra. Nhưng còn đứa trẻ, đứa trẻ đó muốn gì?
Sau cùng, mình nghĩ, mỗi đứa trẻ chỉ muốn được dành thời gian và sự quan tâm. Thời gian để lắng nghe mong muốn, nguyện vọng của tụi nhỏ; và sự quan tâm để thực lòng thấu hiểu điều chúng đang nghĩ, đang trải qua. Ta không muốn bắt một con khỉ bơi lội hay một con cá leo cây, nhưng ta biết phải ra bài tập gì nếu thậm chí còn không phân biệt được đâu là con khỉ, đâu là con cá.
Nên, khoan hãy nghĩ đến những điều dạy dỗ, trước tiên hãy cứ mở ra cho lũ nhỏ một môi trường – thứ môi trường bé nhỏ, quan trọng đầu tiên đến từ lòng cha, lòng mẹ, cho đến những môi trường xung quanh như ông bà, cậu dì, như thầy cô, trường lớp, bè bạn, cây cỏ, thú nuôi… Hãy cho chúng thấy mình sống như thế nào, để chúng được ngắm nhìn, và sao chép, và rút kinh nghiệm từ đó. Cho chúng thời gian, tất cả thời gian mà mình thu xếp được. Cho chúng sự lắng nghe toàn tâm toàn ý. Cho chúng lòng không kỳ vọng và tâm biết nghe nguyện vọng. Cho chúng cơ hội gặp những điều chúng muốn và cả những điều không. Cho chúng biết đến thành công, và cả thất bại, sự ghi nhận và cả những lãng quên. Cho phép chúng bước đi từng bước bằng chính đôi chân của mình, đôi khi cả bằng tay, cũng được. Cùng với chúng.
Vẫn ở bên cạnh thôi. Chứ sao giờ. Dùng cả cuộc đời để hoàn thành việc đó mà. Điều ấy chắc là bài học lớn nhất, mà ta có thể dạy cho con trẻ, và cả chính mình, trong đời này.
Nhược Lạc
Bài hay quá ạ, cảm ơn chị 🙂