về sự nhận biết

YK6W6164.jpg

Kể từ ngày biết đến Ki-Aikido, điều đầu tiên mình được dạy và cũng là điều được nhắc đi nhắc lại trong suốt quá trình tập luyện. Đó là, khi có bất cứ chuyện gì xảy ra, việc đầu tiên cần làm là “nhận biết lại chính mình”.

Việc “nhận biết” này có thể hiểu là xem lại tư thế của bản thân đã vững vàng chưa, tinh thần của mình có ổn định không, nhìn nhận lại xem mình đang ở đâu, trong vị trí nào, trường hợp nào. Sau đó, mới để ý tới “đối phương”, tới “môi trường xung quanh” và “sự việc hiện tượng đang diễn cả”.

Mình tạm chia kỹ năng này thành 2 phần, là “nhận” và “biết”.

“Nhận” là cảm nhận. Điều này nghe thì dễ, chứ phải qua giáo dục, và rèn luyện mới hình thành kỹ năng và thói quen này được. Lúc đến nghe workshop của Tò He, mình mới biết cái thuật ngữ “nhận diện cảm xúc” – điều đang được toàn thế giới quan tâm trong lĩnh vực giáo dục cho trẻ em. Hóa ra điều khiến bọn trẻ con hay phá phách, nghịch ngợm, làm đủ trò để gây sự chú ý, nhiều khi chỉ xuất phát từ việc tụi nhỏ không ý thức được mình đang bị làm sao, đang cảm thấy như thế nào.

Thì, việc “nhận diện cảm xúc” này, bắt đầu từ việc giúp các con nhận ra được: à đây mình đang vui, khi vui mình hay cười. lúc này mình thấy buồn, lúc buồn mình oà khóc. có khi mình tức giận, nếu giận mình xù tóc dựng tai tim đập nhanh. lại có lúc mình cô đơn, mình chỉ muốn ở một mình, nhưng vẫn thèm ai đó đến ôm mình một lát… Vậy ra, đâu có dễ để biết chính mình đang cảm thấy như thế nào, nếu không có ai đó chỉ cho mình, giúp mình gọi tên cảm xúc đó.

Dĩ nhiên, sau bước gọi tên thứ cảm xúc đang diễn ra trong lòng, các em còn được học cách để xử lý cảm xúc đó. Như nói ra với người lớn mà mình tin tưởng, hay chỉ đơn giản là nhắm mắt và hít thở để cơ thể thấy dễ chịu hơn.

Với mình, khi đó chúng ta bắt đầu “Biết” về thứ ta đang cảm thấy, đang diễn ra, đang hoạt động. “Biết” có thể coi là một nấc thứ hai, nấc có phần khó hơn chuyện “nhận”. Vì đôi khi “nhận” ra rồi, nhưng ta vẫn không “biết” phải làm như thế nào cả.

Ki-Aikido có nhiều cách để đưa mình đến cái “biết” đó. Như “tập trung vào nhất điểm”, “giữ sức nặng bên dưới”, “khuếch trương khí”, hay “thả lỏng toàn thân”. Dùng cách nào, và vào lúc nào, còn tuỳ vào cá tính, sự lựa chọn của mỗi người. Nhưng chung quy lại, mình thấy, đó đều là những cách cần “quay lại vào bên trong”. Khi đó, ta khoan hãy nghĩ đến chuyện hoà hợp với môi trường xung quanh, khoan hãy muốn mình xử lý mọi chuyện ổn thoả. Lúc đó mình chỉ cần biết đến mình đã, và xử lý cái thế giới bên trong mình đã.

Một ví dụ như thế này. Con gái của mình, 7 tháng tuổi, cháu từ lúc sinh ra vốn rất ngoan. Cháu tự biết ăn ngủ đúng cữ, đêm ngủ thẳng, không khóc quấy, ban ngày thì tự chơi, háu ăn và ăn tập trung, tốc độ phát triển về cân nặng và chiều cao đều rất tốt. Tóm lại, mình vẫn dùng một câu để nói về con gái, chính là: không thể mong đợi gì hơn. Nhưng, từ mấy hôm nay, cháu bỗng nhiên rất cần mẹ. Hễ không thấy mẹ là cháu khóc. Không phải kiểu khóc thông thường, mà là khóc nức nở, khóc đầm đìa hết mồ hôi. Mình thì không nỡ để con khóc, nhưng như thế thì cả ngày cứ phải ở trong tầm nhìn của nó, không làm được việc gì hết. Đó là chưa kể đến việc cháu đã biết bò, nên cứ thế lê la khắp nhà, cho tất cả những gì có thể vào mồm. Gặm sách, gặm chân bàn, gặm dây điện, liếm bàn phím máy tính, cào vôi tường…. Nói chung đây thực sự là thời kỳ khủng hoảng đầu đời của một bà mẹ.

Vì chẳng biết phải làm như thế nào với con, mình đành nằm im một chỗ nhìn con nghịch, và chán chường kinh khủng. Rồi mình nhớ lại bài học về sự “Nhận Biết” kia. Mình quyết định cứ nằm im thế, hít thở nhẹ nhàng. Được một lúc, thì não mình giãn hẳn ra, sự căng thẳng biết mất. Lúc đó, mình nghĩ, ừ nhỉ, nếu con cứ mãi là một đứa trẻ tự lập tới mức chẳng bao giờ phiền đến mẹ, mình có thấy chán không. Có khi sau này mình sẽ lại thèm những lúc được nó nhõng nhẽo như bây giờ. Hay nếu nó không biết bò, nó cứ chỉ nằm một chỗ, không thèm sờ mó này kia tìm hiểu đời sống, thì mình có lo lắng con mình đang bị làm sao không. Bây giờ mình đang có một em bé khoẻ mạnh, hiếu động, một em bé biết khám phá thế giới theo cách của nó, mình còn mong chờ điều gì nữa?

Mình chẳng mong chờ điều gì nữa. Mình cứ nằm đó hít thở và nghe lòng biết ơn lan dần ra trên từng làn da, thớ thịt của mình. Rồi con gái chơi chán tự lăn ra ngủ, mình lúc đó mới ra dọn nhà rửa bát nấu cơm. Đến lúc con dậy mình lại vào chơi với con, ngồi bên cạnh đọc sách, con bé thấy mẹ lại yên tâm chơi đùa hớn hở gặm ghế gặm bàn tiếp.

Và mình, khi đó, nhận ra rằng chút “giở chứng” của con gái chẳng là gì, chút bụi bặm bẩn thỉu nó nuốt vào chẳng là gì, mấy quyển sách nó gặm tanh bành cũng chẳng là gì, nếu như trong lòng mình bình ổn. Điều này nói ra thì dễ, nhưng nếu không có sự thực tập mỗi ngày, thì ta rất nhanh quên, và lại trở thành một thử thách gian truân biết bao.

Vậy nên, từ giờ, hễ khi có chuyện xảy đến, hễ khi lòng thấy bực, thấy nản, thấy cơn sầu khổ ập đến, mình lại nhắc mình toan gác hết lại đã. Mình cứ ở yên đó xem lại trạng thái của mình đã. Cơ thể mình có đang gồng cứng không? Tinh thần mình có đang mệt mỏi cực đoan không? Hơi thở của mình có đang ngắn gấp? Tim có đang đập nhanh? Mồ hôi có đang tứa ra không? Học lại bài học như người ta bây giờ đang dạy cho những đứa nhỏ, hỏi những câu cơ bản: Con đang cảm thấy như thế nào? Con thử gọi tên chúng xem: con buồn hay con vui.

Đi lại từ đầu, học lại từ đầu, để biết ta sống bao nhiêu vẫn còn là dại, tập luyện bao nhiêu cũng chưa đủ. Hay như sensei vẫn nói, rằng kyu 5 quan trọng nhất là cơ bản, đến shodan quan trọng nhất vẫn là cơ bản. Mỗi buổi tập bước chân lên dojo, nhắc mình quay về với cơ bản.

Và trên cái dojo lớn lao mang tên cuộc đời cũng thế: Đi tới đâu cũng chẳng ngoài “cơ bản”.

Nhược Lạc | Ki Aikido Hà Nội

Advertisement

One thought on “về sự nhận biết

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s