chưa hiểu, mà thương.

000062

Nay mình đọc được một đoạn viết như thế này của nhạc sĩ Phạm Duy:

“Bố tôi là một trong những người Việt Nam đầu tiên cắt búi tó và mặc âu phục.

Không biết lúc chuẩn bị cắt tóc bố tôi có sai vợ lập ban thờ để làm lễ xin tổ tiên tha cho cái tội tày trời như những người cùng cảnh ngộ hay không? Nhưng sau khi bố tôi cắt tóc, bà tôi buồn rầu và căm giận đến độ từ đó trở đi, mỗi một buổi sáng vừa mở mắt dậy là bà tôi ngồi chửi con. Bà cứ ngồi ở đầu giường, không thèm đi súc miệng vì muốn làm tăng ác độ của câu chửi. Kèm theo câu chửi là câu rủa. Đệm vào câu rủa là một cái bát đàn – loại bát bằng đất nung, rẻ tiền nhất – được bà tôi đập xuống đất vỡ tan. Rủa cho bố tôi chết.

Lời rủa có vẻ hiệu nghiệm. Bố tôi chết trước bà tôi hai năm.

Mẹ tôi là con dâu nên coi thái độ đó của mẹ chồng là nghiệt ngã nhưng tôi không nghĩ rằng bà tôi là người ác tâm. Bà là đại diện của một nền văn minh cũ, mang trong lòng tất cả những tín ngưỡng rất lâu đời và khó bỏ. Việc cắt tóc của bố tôi không chỉ là một hành động chống lại mẹ, nó còn là sự đả phá một kỷ luật đã có hằng mấy trăm năm, nếu không dám nói là cả nghìn năm. Có cái gap generation nào mà không làm đau lòng những người trong cả hai thế hệ?”

Năm nay là 2020. Bạn mình (là con trai) ngỏ ý muốn để tóc dài, và mẹ của bạn ấy nói bóng gió về chuyện có thằng trộm nào đó nhảy vô vườn bứt trộm cây. Thằng trộm đó để tóc dài. (??)

Một người bạn khác (là con gái) có mái tóc rất dài và đẹp. Nhưng một ngày bạn không thấy nó đẹp nữa, bạn muốn cắt đi và nhuộm. Mẹ bạn ấy nói rằng sẽ cạo đầu bản, nếu bạn dám làm thế. Rốt cuộc, bạn mình cạo luôn. (!!)

Về mình, năm năm trước: lần đầu tiên mình đi xăm. Mình đã nháy hàng về chuyện mình muốn xăm từ hai năm trước, nhưng lần nào mẹ cũng gạt đi. Thế rồi một ngày đẹp trời, mình quyết định là hôm nay ta sẽ đi xăm, kệ. Mẹ mình đã không nói gì với mình trong suốt một tuần sau đó. Hết một tuần, chỉ lẳng lặng bảo là: đi xoá đi.

Chưa bao giờ, mình nghĩ rằng mình sai. Nhưng có lẽ, mẹ mình cũng không sai. Bạn mình không sai. Mẹ của bạn mình cũng không sai. Chúng ta chỉ sống với điều mà chúng ta tin rằng đúng nhất, cho mình và những người mình yêu.

Đối với thế hệ trước như mẹ mình, chỉ đơn giản việc có hình xăm, không cần biết là hình gì, đã là một sự đả phá to lớn rồi. Nhưng đối với thế hệ sau, việc không được phép làm một điều vốn chẳng gây hại đến ai, cũng là một sự bất công khủng khiếp.

Vậy có giải pháp gì cho khoảng cách quá lớn giữa những thế hệ hay không?

Mình không biết.

Nhưng sau tất cả những đau lòng và thương tổn, mình chỉ nghĩ: cứ chậm lại một chút, để nghe nhau.

Trước khi mắng mỏ, lắng nghe nhau. Trước khi cự cãi, mở lòng với nhau. Dù là nghe bằng lòng-để-đó chứ thật không-hiểu-nổi. Chúng ta cách nhau không chỉ 20-30 năm, mà là cả một khoảng dài của sự đổi thay văn hoá, chính trị, học vấn, quan điểm, tầm nhìn….

Bây giờ quành lại, mình vẫn thấy bố mẹ đầy rẫy những sai lầm. Bây giờ nhìn lại, mình vẫn là đứa trẻ ranh làm gì cũng hỏng trong mắt bố mẹ. Nhưng chẳng phải chúng ta vẫn sống tốt theo một cách nào đó?

Thầy Thích Nhất Hạnh từng nói “Có hiểu mới có thương” thật đúng lý.

Có điều, chưa chắc ai trong chúng ta cũng có đủ trí huệ để hiểu được mình và hiểu được người. Nhưng mà tình thương thì vẫn thương thôi. Cái thương trầy trật và sai nhiều, nhưng mà vẫn thương. Cái thương xa cách và không thể hiểu nhau dù ở ngay bên cạnh, nhưng mà vẫn thương.

Khi đi đủ xa và đủ nhiều, mình chợt nhận ra như vậy đã là quý.

Ô hoá ra không cần người khác phải thực sự hiểu và chiều theo những mong muốn của mình. Họ không ghét bỏ hay hãm hại mình đã là mừng rồi. Nữa là đây, họ vẫn thương mình.

Hiểu được như vậy, là thấy thương nhau thêm một chút. Là cái khoảng chừa ra để muốn hiểu cho nhau, sẽ rộng thêm một chút. Cứ thêm một chút, là thêm một nhịp cầu nối-nhau.

Nhược Lạc 

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s