lâu đài trên mây

“Bám rễ trên đất mẹ,

hoà điệu cùng cơn gió,

ủ hạt giống trong giá đông

và vui ca cùng lũ chim khi xuân sớm trở về.”

Đó là một bài dân ca của xứ sở Laputa trong bộ phim Castle in the skye của Ghibli.

Sheeta nói: Giờ đây tôi mới hiểu được ý nghĩa của bài hát này. Dù anh có bao nhiêu vũ khí tối tân, dù bao nhiêu sức mạnh thượng thừa, cũng chẳng nghĩa lý gì nếu cuộc sống này thiếu tình yêu.

“Tình yêu” ở đây, còn ám chỉ tới cội rễ, tới đất Mẹ.

Laputa là một vương quốc cổ trên mây, nắm giữ trong đó bao nhiêu kho báu, năng lượng quý, robot tinh nhuệ… nhưng đó là một vương quốc chết – vì cội rễ của chúng không bám trên mặt đất.

Con người, khi vươn tới những hành tinh xa, những thành tựu lạ, có lẽ nào cũng đang dần nhấc chân mình lên khỏi mặt đất?

Bộ phim kết thúc bằng một tinh cầu trơ trọi trôi nổi giữa không gian, mà toàn bộ gốc rễ cũng lửng lơ bay, không có mảnh đất nào để bám vào. Trên hành tinh ấy, những chú robot cuối cùng còn sót lại nâng niu từng cái trứng chim, từng nhành hoa bé. Nhưng những con người muốn tìm lên ấy, lại chỉ tham đắm thứ sức mạnh đầy huỷ diệt.

Tự nhiên tôi hiểu vì sao người bà của Sheeta lại dạy cho cô nhiều câu thần chú đến thế. Có câu chú để thức dậy ánh sáng, để xoa dịu nỗi cô đơn, để chữa lành thương tổn; cũng có những câu thần chú mạnh mẽ tới độ huỷ diệt cả một tinh cầu.

Bởi vì ở một hoàn cảnh nào đó, sự huỷ diệt có khi là cứu cánh cuối cùng. Có khi, nó lại chính là một sự bảo vệ.

Hôm nay tôi còn ở đây, đứng dưới trời cao thở trong không khí mát của mùa thu. Tay còn có thể vun đất trồng đôi ba cái cây nhỏ. Đến bữa có củ cải để ăn, rau mồng tơi để nấu canh.

Nhưng cái gì hiển nhiên quá, ta cũng thấy nó thường. Giả như ta biết một câu thần chú, hay sở hữu một viên đá phi hành gia, ta mới nghĩ rằng mình đang có sức mạnh.

Thế nên ta vô tình quên mất những sức mạnh giản dị trong lòng bàn tay. Đôi bàn tay ủ hạt, đôi bàn chân chạm đất, đôi mắt còn được nhìn trời, đôi tai còn biết nghe.

Những người bạn của tôi, lần lượt, lần lượt từng người một – đều bỏ phố về vườn. Có người lên non, có người xuống biển, nhưng ai ai cũng tìm cách quay về với cội rễ thô sơ – màu nhiệm nhất của mình.

Tôi hẵng còn trong thành phố với ngút ngàn bê tông, nhưng tôi vẫn nguyện cắm một phần rễ sâu xuống lòng đất mẹ. Dù là chút đất cây trồng nơi ban công, dù là chút đất trên vỉa hè thành phố. Dù là giọt mưa bên mái hiên. Dù là khoảng trời xanh đằm thắm trước nhà.

Chúng vẫn ở đó, chứ chẳng đi đâu. Như ta vẫn là con của Mẹ, dẫu cách xa vạn dặm. Và nếu ta còn chừa ở đó khoảng nhớ cho những câu hát ru, những bài dân ca giản dị; chắc rồi một mai đời sẽ mở lối về.

Nhược Lạc

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s