Vừa qua, mình có dịp được đi nghe một buổi trò chuyện của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng.
Ngồi trước mặt mình là một người phụ nữ 86 tuổi, mặc áo dài đỏ đẹp, thần thái, cách nói chuyện, cách dùng từ…mọi thứ toát ra một vẻ vững chãi, bình thản, khiến người khác phải nể phục.
Cô Hoàng kể lại về những chặng đường đi qua, với viết lách, với xuất bản, với đời sống một cách bình thản. Như thể sau khi đã đi qua đủ nhiều sóng gió, ta nhìn lại và biết ơn chính những sóng gió đó.
Có một điều mình rất nhớ, đó là khi có câu hỏi về “sự ảnh hưởng văn phong”. Cô nói, người ta cũng hay đặt vấn đề như vậy, rằng có phải cô chịu ảnh hưởng của người này, người kia không. Cô trả lời rằng cô không chịu ảnh hưởng từ ai hết, vì cô rất bận.
Cô có năm con và một chồng cần chăm sóc, và có lúc cô sáng tác ba tiểu thuyết đồng thời chỉ trong hai tháng. Để nuôi con.
Nghe đến đó, mình hiểu ngay ra, rằng đúng vậy. Dù mình chỉ có hai con thôi, nhưng mình đã biết thế nào là thức đêm để làm việc. Thế nào là vừa bế con cho bú, vừa họp online. Thế nào là viết khi con ngủ, rồi con dậy thì dỗ, rồi lại viết tiếp. Nghĩ lại mình cũng tự thấy bản thân vất vả ghê. Nhưng khi nghe cô kể chuyện, với một giọng bình thản, tự nhiên mình thấy mọi điều trôi qua cũng tựa lông hồng.
Thời đó, ngay cả khi sách của cô bị cấm xuất bản, bị truyền thông vùi dập, bị đồn thổi nhiều tin đồn từ trên trời rơi xuống, thì câu trả lời của cô Hoàng vẫn là “tôi cứ viết tiếp thôi”. Mình nghĩ phần lớn sức mạnh tinh thần khủng khiếp này, đến từ việc cô là một người mẹ. Một người mẹ thì không bao giờ muốn để con mình phải đói.
Một người mẹ văn chương thì càng không bao giờ muốn những tác phẩm của mình bị dừng lại. Chỉ có viết tiếp mới là câu trả lời. Thậm chí giờ đây, khi đã gần 90 tuổi, cô vẫn nhắc lại nhiều lần rằng “tôi vẫn đang viết tiếp”.
Có độc giả hỏi rằng cô có cảm xúc như thế nào khi “Vòng tay học trò” được phát hành lại. Cô nói rằng, cô thấy độc giả, bạn bè, người thân dường như vui nhiều hơn cô. Còn với cô, các tác phẩm đã viết nghĩa là một chặng đường đã xong. Cô muốn được vui với niềm hiện tại, với những câu chữ đang chờ được viết ra.
Và đó mới là tinh thần mình luôn muốn thấy ở mọi người viết, mọi nghệ sĩ. Và cả chính mình.
Nhược Lạc