
Gần đây, trong hòm thư cuatiemcualac, tôi nhận được nhiều thư từ các bạn trẻ, tầm 18, 20 chia sẻ về những nỗi băn khoăn khác nhau. Mỗi người đều có nỗi lo riêng, hoàn cảnh riêng, song điểm chung của hầu hết chúng ta ở ngưỡng tuổi đó là hoang mang giữa quá nhiều lối đi.
Tôi cho rằng đó là một biểu hiện của sự trưởng thành.
Trước đây, khi còn bé hơn, ta có một khoảng không nhỏ hơn để hoạt động: ở nhà – đến trường. Các mối quan hệ cũng xoay quanh cơ bản giữa người thân – bạn bè – thầy cô. Song, khi ta lớn lên, các không gian trở nên rộng lớn hơn, các mối quan hệ trở nên phức tạp hơn.
Đó là lúc những câu hỏi bắt đầu không chỉ để hỏi, mà nó thực sự đòi hỏi ở ta một câu trả lời.
Những năm tháng đó, tôi đã dành rất nhiều thời gian để ở một mình, và suy nghĩ về chính mình. Đây cũng sẽ là một gợi ý của tôi dành cho các bạn ở ngưỡng hai mươi tuổi, nếu bạn muốn nghe: Hãy ở một mình.
Ý tôi là, hãy tách mình ra khỏi môi trường cũ. Hãy thử ở riêng với chính mình trong một hoàn cảnh hoàn toàn mới.
Đó có thể là hành trình từ quê nhà lên thành phố học đại học. Đó có thể là ra nước ngoài du học. Đó có thể là dọn ra ngoài sống tự lập, ở cùng người yêu.. Bất kể là gì, tôi cũng thấy việc dọn đi đó thật sự quan trọng với hành trình trở thành người trưởng thành.
Việc ở riêng buộc mình phải xây dựng và hoàn thiện các kỹ năng sống. Đó không phải là chuyện ta không muốn rửa bát, hay bị mẹ bắt quét nhà. Đó là câu chuyện nếu không rửa thì không có bát ăn, không giặt thì không có quần áo mặc, không dọn nhà thì một tuần thôi, nhà sẽ như đống rác và chính bạn cũng không thể chịu nổi, còn nếu không biết nấu ăn thì những ngày như đợt giãn cách này có thể làm bạn kiệt quệ.
Bạn vẫn có thể học được những điều này khi sống cùng gia đình. Tuy nhiên, dựa trên kinh nghiệm cá nhân và quan sát được từ người xung quanh, tôi nhận thấy rằng việc được tách khỏi gia đình là cách thực sự hiệu quả cho một cá nhân hoàn thiện mình. Không còn đường lui, không thể trì hoãn.
Và đó không chỉ là bài kiểm tra đối với các bạn thanh niên, đó còn là bài kiểm tra đối với mỗi vị phụ huynh, nhất là những phụ huynh Á Đông cơ bản luôn nhất mực yêu thương và mong muốn bao bọc con mình. Đây là bài học đòi hỏi kỹ năng khác hẳn những kỹ năng về chăm sóc và dạy dỗ mà phụ huynh đã có trước đó. Đây là bài học về sự buông tay.
Tôi đã nghe nhiều hơn hai mươi bạn trẻ không dám đưa ra quyết định gì đó với cuộc đời mình, chỉ vì “sợ bố mẹ em buồn”. Nhưng tôi đã nói với các bạn, nay cũng muốn nói cả với các vị phụ huynh nữa, rằng: mỗi người làm cha mẹ, được lập trình để chịu đựng được mất mát và đau thương.
Họ phải chịu được cái ngày con cái lớn vượt khỏi vòng tay họ. Phải chịu được cái ngày con cái suy nghĩ và hành xử khác hẳn với niềm tin đúng đắn trong lòng họ. Phải chịu được cái ngày con cái chọn không tiếp tục ở bên mình, nghe lời mình.
Con cái, khi đã lớn cần phải biết cách tự dàn xếp cho cuộc đời mình, tự đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm. Khi đó, dù quyết định ấy là đúng hay sai, người trẻ có thể tự chấp nhận, và không đưa ra bất kỳ lời oán trách nào với người nuôi dưỡng họ.
Để có được điều đó, ta cần phải trải qua điều đầu tiên, đó là buông tay nhau ra, cho một hành trình lớn thật dài đang đến.
Nhược Lạc