
Cuối tuần này, mình nhận được hai món quà tinh thần từ hai người em của mình.
Người thứ nhất là em Nhân, với buổi chia sẻ “làm thế nào để trở thành người không giỏi gì cả giỏi nhất?”. Người thứ hai là em Sương, với buổi nói chuyện “ai cũng có thể học ngoại ngữ, vậy tại sao bạn chưa chịu hát?”.
Hai cái đứa này, chúng nó đều đưa ra những cái tựa đề gây lúuu khủng khiếp. Và buổi chia sẻ của Sương thậm chí còn gây lúuu hơn cả tiêu đề mà hắn đặt ra.
Song, sau khi đã đi qua cả hai buổi, ngồi định thần lại, mình nhận ra mình đã nhận được hai món quà – hai lời động viên – lời gợi ý rất đẹp từ các em.
[1]
Nhân đưa đến một gợi ý cho những người bình thường, không quá giỏi, và rất khó để đi tới một mức siêu siêu giỏi trong lĩnh vực nào đó. Gợi ý của Nhân là: Hãy bổ sung thêm các nhóm kỹ năng khác cho mình.
Bằng cách xác định kỹ năng chính, kỹ năng bổ trợ và các kỹ năng tạo dựng lợi thế, vô hình trung bạn đã tạo nên một vùng giao giữa các kỹ năng – thứ giúp bạn trở nên duy nhất trong khoảng giao đó. Việc ấy giúp tăng năng lực và khả năng cạnh tranh của bạn.
Giả dụ, nếu bạn chỉ đơn thuần là một designer, sẽ có rất nhiều designer khác xịn hơn bạn ở ngoài kia. Nhưng nếu bạn là một designer biết viết nội dung, có kỹ năng kể chuyện tốt – tình hình lúc này đã khác nhiều rồi. Vậy nếu, bạn là một designer có khả năng viết, kỹ năng kể chuyện, biết tiếng Trung, biết diễn hài độc thoại, biết chơi nhạc guitar… bạn sẽ đưa mình đến một điểm-giỏi-nhất trong vùng giao của những kỹ năng ấy. Bạn trở thành người không giỏi gì cả giỏi nhất.
Nhìn lại thì, mình đã làm chính xác cách này. Mình là một người cực kỳ bình thường, không có gì quá giỏi cả. Song, khi mình cố gắng phát triển kỹ năng chính (viết lách), đồng thời bổ sung các kỹ năng phụ trợ (làm thơ, chơi nhạc cụ, sáng tác nhạc, pha trà, chạy bộ, tập Ki-Aikido, tổ chức sự kiện….) – các cơ hội nghề nghiệp của mình mở ra đáng kể, và năng lực bản thân của mình được cải thiện, phát triển tốt hơn rất nhiều.
Vậy, đây sẽ là một gợi ý tốt cho bạn – nếu bạn nghĩ rằng bản thân cũng là một người bình thường, không giỏi gì cả.
[2]
Sương mở đầu buổi nói chuyện bằng việc học ngoại ngữ, rồi lái sang nguồn gốc ngôn ngữ học, rồi nhảy về hát, và kết bằng “sự kết nối”.
Sau tất cả những cú cua khét lẹt của cô gái này, mình nhận ra một thông điệp rất đẹp mà em muốn mang đến.
Có rất nhiều cách để làm-một-việc-gì-đó. Không có cách đúng nhất, chỉ có cách phù hợp nhất với bạn.
Chính vì có nhiều cách, bạn hãy sẵn sàng để thử một cái mới. Sương đưa ra một ví dụ siêu thú vị về chuyện này, rằng bài “Happy Birthday To You” hiện tại không phải là cách-tốt-nhất để hát chúc mừng sinh nhật một ai đó. Một nhạc sĩ tên là Ivan Fischer đã chứng minh rằng bài HBTY này hoàn toàn có thể soạn lại cho hay hơn, và hát “giống như một bài chúc mừng sinh nhật người ta hơn”. Bạn có thể xem tại đây.
Tóm lại là, bạn hãy sẵn sàng bước vào vùng đất đầy thú vị của những cái mới – bằng lòng dám thử. Như học một ngôn ngữ mới, học hát, hát theo một cách mới. Tất cả những việc này, đều nhằm mục đích cuối cùng, là để kết-nối-tất-cả-chúng-ta.
.
Đúng vậy, kết nối tất cả chúng ta. Đó cũng là mục đích của chuỗi workshop Mở Vì Sài Gòn này vậy.
Nhược Lạc
“Vô hình trung” mới đúng chính tả cậu ạ (mình đã nghĩ cách comment làm sao để cậu không nghĩ là mình bắt bẻ đến thế..)
Ôi mình cám ơn cậu nhé. Mình sẽ sửa lại ạ.