
Viết bài này thấy ngại, vì thật ra tôi chưa bao giờ thấy giọng mình hay. Tôi là kiểu giọng vừa mỏng, vừa mang âm hưởng “pede Thái” (lũ bạn tôi gọi vậy). Hồi xưa, mỗi lần chúng tôi Skype với nhau, hễ tôi cất giọng là chúng nó lại cười phá lên, bảo: “giọng mày nghe pede thế ha ha ha”.
Phải nói là tôi đau khổ nhiều đấy.
Nên bài viết này, xin được dành tặng cho những người có chất giọng bẩm sinh không hay, nhưng muốn luyện tập để hay lên.
Làm thế nào để có một giọng nói hay hơn?
Tôi mượn của mẹ một chiếc máy ghi âm. Ngày nào cũng vậy, tôi ngồi một mình trong phòng, cắm tai nghe vào máy thu âm và nghe-tiếng-của-mình trong lúc-đang-thu. Rồi lại nghe-tiếng-của-mình sau-khi-thu.
Tôi thử đọc sách, đọc những thứ mình viết ra, thử hát, thử vừa đàn vừa hát, thử nói chuyện như một diễn giả…
Việc này có tác dụng gì?
Có tác dụng nghe được các tông giọng khác nhau của chính mình. Trong quá trình liên tục tự thu âm và nghe lại, tôi nhận ra mình có các tông giọng khác nhau, có các từ mình phát âm hay và các từ chưa, có thứ nhịp điệu phù hợp với chất giọng của mình. Hay cụ thể là tôi thấy khi mình đọc sách thì nghe hay hơn là khi nói chuyện.
Sau khi đã nhận ra cái nào là tông-giọng-hay-nhất của mình rồi, tôi luyện tập để duy trì cái đó. Tôi đã làm việc đó hầu như mỗi ngày, chủ yếu là gửi voice mail cho bạn trai và đăng tải các bài hát linh tinh của mình lên soundcloud. Giờ nghe lại thấy gớm lắm, và đã ẩn bài đi nhiều rồi, nhưng hồi đó, việc ấy giúp tôi dám đưa giọng mình ra ánh sáng. Theo thời gian, khi bắt đầu có những người khen giọng mình hay, ấm, sáng, nhẹ nhàng, dễ chịu, mình có thêm động lực để cải thiện giọng nói của mình.
Với tôi, một giọng nói hay trước tiên phải là một giọng nói rõ ràng. Tôi phải nghe, hiểu được bạn đang nói cái gì trước tiên. Một số người, như tôi, thường bị nói nhanh, nói dính chữ – hệ quả là không ai có thể nghe thấy mình nói gì được.
Cách điều chỉnh là: tập nói chậm lại. Thu âm và nghe lại điều mình đã nói. Sau này thành một thói quen là hễ tôi cảm giác mình đang nói hơi chậm, thì người đối diện sẽ nghe thành vừa.
Ngoài tốc độ nói thì âm lượng và ngữ điệu cũng là thứ cần điều chỉnh. Một số người có xu hướng nói hơi to, hoặc hơi nhỏ. Một số người có xu hướng lên giọng ở cuối câu, nhấn nhá quá nhiều trong câu hoặc không nhấn gì cả tạo giọng nói đều đều.
Tất cả những điều ấy đều có thể cải thiện bằng cách: tự thu âm và nghe lại.
Thời gian đầu, do khá xấu hổ, tôi không muốn ai phải nghe lại cùng mình. Tôi chỉ tự nghe thôi. Nên cách đánh giá của tôi sẽ là: tạo ra một âm giọng mà chính mình muốn nghe.
Tôi muốn nghe một giọng nói nhỏ nhẹ, ấm áp, dễ chịu. Đủ chậm rãi để nghe và hiểu, nhưng cũng đủ thú vị khi kể một câu chuyện. Chắc hẳn mỗi người đều sẽ có một tiêu chí riêng dành cho giọng nói. Có chất giọng khó nghe với người này, nhưng lại thú vị, đáng yêu với người kia. Vậy, lời khuyên của tôi là cứ bắt đầu từ chính gu của bạn. Bạn thích một giọng nói như thế nào? Hãy điều chỉnh dần để giọng nói của mình mang đến cảm giác như thế.
Tất nhiên, sẽ có người hỏi là tại sao phải chỉnh-giọng? Tôi muốn để tự-nhiên.
Vậy cũng được. Nhưng có rất nhiều kiểu tự nhiên trên đời. Giọng nói của mình thật ra vẫn luôn tự nhiên thôi, chúng ta đâu có đi phẫu thuật giọng của mình được? (Ủa mà được không nhỉ?)
Dù vậy, nếu bạn đang làm các công việc đòi hỏi giao tiếp nhiều với người khác, tôi nghĩ rằng việc luyện tập để có giọng nói hay hơn, là điều cần thiết.
Hay – ở đây tôi định nghĩa là giọng rõ ràng, tốc độ vừa phải, âm lượng vừa đủ và ngữ điệu phù hợp.
Một bài hát ru cần giọng êm ái. Một bài thơ cần một giọng thơ. Một người yêu cần lời trìu mến. Một diễn giả, một người đang tranh biện, cần giọng rõ ràng, mạch lạc.
Tùy theo nhu cầu của bạn là gì, bạn hoàn toàn có thể điều chỉnh giọng mình cho phù hợp. Như đã nói ở trên, tôi cho rằng khoảng biến đổi của giọng nói mỗi người là rất lớn. Vậy nên, nếu hôm nay bạn cảm thấy giọng của mình chưa hay – hoặc nói đúng hơn, là chưa phù hợp với mong muốn của mình – thì hãy tin là những thứ ấy đều có thể thay đổi bằng cách tập luyện được.
Podcast giờ đây đang trở thành một xu hướng, một lựa chọn đầy tiềm năng tại Việt Nam. Tôi tin là bằng cách đó, giọng nói của mọi người cũng sẽ ngày càng hay lên, dù là ta chủ động luyện tập hay vô tình được luyện tập.
Nhược Lạc
Bonus: Chị bạn tôi nói, việc chụp hình cũng thế đó. Nhiều người không tự tin về ngoại hình thường có xu hướng sợ máy ảnh. Nếu muốn thay đổi điều đó thì hãy….tự chụp mình (selfie) nhiều lên. Dần dà bạn sẽ hiểu gương mặt mình hơn, biết được khi lên hình trông mình sẽ như thế nào (không tệ lắm đâu!) sẽ khiến bạn tự tin lên dần, và theo đó bớt sợ máy ảnh hơn, sẽ có những bức hình đẹp hơn.