và mùa đông lại đến

Tôi sinh ra vào ngày lạnh nhất của mùa đông. Thật tội mẹ tôi, vượt qua cái lạnh cắt da cắt thịt, với bốn cái lò sưởi đặt quanh giường, và sinh ra một đứa con gái nhỏ, yếu, tim bẩm sinh và cực kỳ khó nuôi.

Bằng một điều kỳ diệu nào đó, tôi vẫn lớn lên từ từ, dù hơi còi. Sống được và lớn lên. Nhưng mỗi mùa đông đến, thay cho lời chúc mừng sinh nhật, lại là một lời cảnh báo với sức khỏe của tôi. Đủ thứ bệnh-của-mùa-đông như xoang, khớp, cảm lạnh… Sức đề kháng của tôi có thể chịu đựng ổn trong những mùa còn lại, nhưng mùa đông thì luôn đánh gục tất cả.

Vì điều ấy, cơ thể tôi đã luôn bật cảnh báo cho mình từ mỗi độ thu về. Giữ ấm cổ và lòng bàn chân. Thoa dầu trước khi đi ngủ. Luôn có máy sấy theo mình. Mỗi khi chớm lạnh, dùng máy sấy sấy dọc sống lưng, bụng, lòng bàn chân tới khi rịn mồ hôi. Ngâm chân và/hoặc ngâm mông đều đặn, lau khô người, nằm nghỉ. Uống trà, nước ấm trong ngày. Ăn canh ninh nhỏ lửa. Ăn cháo hoặc súp hầm trong những ngày mệt bụng. Khi đi xa, trong túi lúc nào cũng thủ sẵn vài món đồ-phòng-thân, như dầu tràm, bột sắn dây, củ sen, mơ muối…

Tôi làm tất cả những điều ấy, cặm cụi như một người già trước tuổi. Dù vậy, theo cách đó, tôi đã không còn sợ mỗi mùa đông đến.

Chỉ là, biết mình phải làm gì.

Đó có lẽ là món quà của tuổi trưởng thành,mà người ta vẫn gọi đó là: kinh nghiệm.

Rất khó để biết những điều ấy ngay từ đầu. Nếu chưa từng đau đớn mệt mỏi vì những căn bệnh dai dẳng, khó lắm để hiểu được một câu cũ mèm như: Có sức khỏe là có tất cả.

Những điều kể trên, có lẽ chỉ giống như lời càm ràm của người già, mà lũ trẻ luôn nhanh chóng nhận ra và bỏ chạy ngay từ tiếng thứ hai. Song, nếu người trẻ ấy từng có lần lâm bệnh nặng, hoặc đơn giản là yếu từ trong trứng, thì một cách hiển nhiên, nó sẽ biến thành lối sống.

Nếu không sống thế thì làm sao mà sống được.

Nhưng có những người không cần sống như thế. Tôi biết rất nhiều người khỏe mạnh. Họ mặc áo phông và quần đùi giữa mùa đông. Họ leo núi trong ngày bão. Họ chạy 10km, 15km ngay từ lần đầu xuống đường mà không cần tập qua. Họ ăn bất cứ cái gì trên đời cũng thấy hợp, thấy ổn, thấy không đau bụng, đau cổ, khó tiêu. Họ đặt lưng xuống giường là ngủ. Họ thức nhiều đêm không biết mệt.

Vấn đề là không ai biết trước mình là loại người nào, nằm ở điểm nào của sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Chỉ có cuộc đời, theo thời gian, là đưa đến câu trả lời.

Đó không phải kiểu câu trả lời rốt ráo và chắc nịch. Đó là kiểu từ tốn, rả rích, ngấm ngầm mang đến, ngấm ngầm đổi thay. Bạn không thể tìm thấy nó trong cuốn sách nào cả. Cuốn duy nhất tồn tại đáp án thì bạn đang viết. Viết đến đâu, biết đến đó.

Mỗi mùa đông đến, cái chuông báo trong người tôi vẫn réo lên từ khúc giao mùa. Nhưng đã không còn ầm ĩ, sợ hãi và căng thẳng. Nó chỉ kêu lên khe khẽ như một chiếc chuông đầu hè thấy gió, kêu để biết vậy thôi.

Và tôi từ tốn đặt lên bếp một ấm nước, pha một ấm trà. Thái củ cải, khoai tây hay cà rốt, củ sen, ninh cùng nấm, cùng rong biển, táo đỏ. Hòa nước ấm già ngâm chân.

Trong một giai điệu của sự thưởng thức, chứ không còn là điều cưỡng ép.

Nhược Lạc

Advertisement

One thought on “và mùa đông lại đến

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s