cách một quyết định ra đời

Một quyết định ra đời khi bạn đứng giữa một ngã ba, hoặc ngã tư, hoặc ngã năm. Bạn cần phải chọn một ngã, và bỏ đi những ngã khác. Vậy, quyết định của bạn là gì? 

Dù là gì, thì cũng là chọn cái này, và bỏ đi những cái khác. Và luôn luôn, một quyết định được ra đời bằng sự tính toán – dù ta có biết là mình đang tính toán hay không. 

Những sự tính toán được diễn ra bằng cách dựa trên những kinh nghiệm mà ta từng có, cộng với suy luận, suy đoán và sự dứt khoát cần có. Câu hỏi càng khó, lựa chọn càng nhiều, thời gian càng gấp, thì càng khó chọn. Song, tôi nhận ra cái khó nhất trong việc đưa ra quyết định, chính là mình có bao nhiêu kinh nghiệm trong việc ra quyết định.

Nếu bạn càng có nhiều kinh nghiệm trong việc tự ra quyết định, và chịu trách nhiệm với việc đó; thì ở lần ra quyết định tiếp theo, bạn sẽ có nhiều mẫu cho não bộ nghiên cứu, rút kinh nghiệm, đưa ra giải pháp có phần sáng suốt hơn. 

Song, nếu bạn chưa từng, bạn là một lính-mới trong việc quyết định, mẫu số bằng 0, thì mọi lựa chọn đưa ra, dù đúng hay sai, đều chỉ dựa vào ăn may.

Tôi luôn nhớ về mình năm lớp 12, khi tôi buộc phải chọn nên thi vào trường đại học nào, tôi nhận ra là mình không biết. Mình cùng lắm chỉ có thể chọn dựa vào điểm số của mình, và lời khuyên của (rất nhiều) người xung quanh. Thậm chí, khi người ta nói rằng đại học không phải là con đường duy nhất, thì tôi và nhiều bạn học khác của mình, cũng không biết các con đường khác là đường nào. Chúng tôi, sau 18 năm rất ít khi được quyết định về đời mình, bỗng nhiên buộc phải đưa ra một quyết định cực kỳ to lớn. Ấy là chưa nói đến những bạn sau 18 năm vẫn chưa được đưa ra quyết định ấy, mà phải tiếp tục làm theo lời của người khác. 20 năm, rồi 24 năm sau cũng vậy…

Thật ra không phải tự dưng mà phụ huynh ít trao quyền quyết định vào tay con cái. Lý do là thường thì chúng nó hay làm sai. Hay ít nhất, là sai theo định nghĩa của phụ huynh. Khi bạn biết một thứ là Đúng, rồi bạn nhìn thấy người thân của mình đang đâm đầu vào một quyết định Sai – cảm giác đó khó chịu lắm. Vậy nên, người Đúng sẽ có xu hướng quyết định giùm người Sai.

Nhưng người ta có thể quyết định giùm nhau bao lâu trong đời?

Đến một lúc nào đó, khi đã mệt, người Đúng bỗng nhiên buông tay, và bảo: Giờ mày đã lớn, hãy tự quyết định về đời mình. Khi đó, lần đầu tiên, sau bao nhiêu năm chưa từng ra quyết định, người Sai bỗng phải đưa ra những quyết định. Bạn thử đoán xem chúng có sáng suốt hay không?

Vậy nên, giống như việc học từ thấp lên cao, việc đưa ra quyết định nên được học càng sớm càng tốt – khi cái đúng-sai của những quyết định còn khá vô hại. Như chọn ăn trứng hay ăn chả, ăn củ cải hay ăn cà rốt, ăn hay nhịn ăn, làm hay không làm. Tự chọn và tự chịu.

Con tôi đã tự chọn nhịn ăn khi cháu thấy mệt. Và chọn ở một mình vào ngày cháu không muốn nói chuyện với ai. Chọn mặc áo màu hồng kèm áo khoác màu tím, đeo nơ ở cổ, đi tất rồi đi xăng đan đến trường – tin tôi đi, trông kinh lắm. Chúng tôi dạy cháu đếm số, và cháu học hăng say đến số 30. Khi được hỏi có muốn học đếm ngoài 30 không, thì cháu bảo cháu chưa muốn. “Con thấy 30 là đủ rồi, còn lại để sau nhá.”

Thật ra tôi không biết gì về chuyện dạy con. Nhưng việc tiếp xúc gần với trẻ con cho tôi thấy nhiều bất ngờ mà trước đây tôi chưa biết. Một trong số đó là khả năng tư duy độc lập của trẻ con có được từ rất sớm. Tôi không biết chính xác nó sớm tới đâu, nhưng có vẻ nó không đến hoàn toàn từ quá trình dạy dỗ. Hai đứa trẻ sát tuổi, sống cùng trong một gia đình, hưởng thụ mọi thứ giống y hệt nhau, có thể hoàn-toàn-khác-nhau. 

Cách chúng suy nghĩ, hành động, cảm thấy, biểu thị… hoàn-toàn-khác-nhau. 

Vậy, cách chúng ra quyết định cũng sẽ hoàn-toàn-khác-nhau.

Thế thì, làm sao tôi biết cái nào là đúng cho đứa nào. Hay nói cách khác, làm gì có cái đúng nào. Chỉ có thể thử và sai và rút kinh nghiệp và thử lại và rồi lại sai, lại rút kinh nghiệm và thử lại. Và cứ như thế, cho tới hết đời.

Nói đến đây tự nhiên tôi lại nhớ ra rằng, có những người bố và mẹ thậm chí còn không được ra quyết định làm bố và mẹ theo ý mình. Họ cần phải ra những quyết định phù hợp với quan điểm của cả họ hàng nội ngoại, hàng xóm láng giềng, bạn bè gần xa, và cả xã hội. Nếu người bố và mẹ ở độ tuổi trưởng thành còn như vậy, một đứa trẻ phải làm thế nào?

Cách một quyết định ra đời, nên được hiểu là cách một người được chọn và được chịu trách nhiệm về điều mình đã chọn. 

Dù đúng hay sai, đó là cuộc đời của họ. Còn mình? Mình hãy sống cuộc đời của mình. 

Nhược Lạc

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s