
Hổm rày, ăn nhiều đồ lạ thấy ọc ạch trong người quá, bèn ngồi dưới bếp mà nhắn chồng: em thèm trà phổ nhĩ chín.
Cái, anh chồng nhắn lại: xong hết rồi, lên đây đi.
Vợ lên tới nơi thì đã thấy ấm chén bày sẵn, nước đã đun, trà đã sắp.
Thủng thẳng ngồi xuống là có người pha trà cho. Trà rót ra chén đã nghe mùi ấm áp. Phổ nhĩ chín uống vào mùa cuối năm, hay mỗi khi bụng khó tiêu, thiệt chẳng còn gì bằng.
Cứ thế, từng chén trà qua lại, im ắng có, chuyện đôi câu có. Và bao giờ cũng chốt lại bằng câu: may thế. Ừ, may thế chứ, vợ chồng giờ vẫn ngồi uống trà được với nhau, và lần nào cũng thấy rằng may mắn.
Đời sống thường nhật dễ đẩy ta vào những thói quen mơ hồ, những lặp lại dễ dãi, những đương-nhiên. Đương nhiên phải thế, cơm phải có, bát phải sạch, con phải chăm, tiền phải có, vân vân và mây mây. Khi người này không làm, người kia cũng để đó, hoặc ráng làm với thái độ ấm ức. Ta viện dẫn các lý thuyết đương thời để xem lỗi thuộc về ai.
Nhưng mà chẳng ai có thể chịu trách nhiệm hoàn toàn cho một đời sống chung.
Nó không phải câu chuyện hơn thua, hay một phép tính đều chằn chặn, mà là nghĩ tới người kia, và cả chính mình, mà làm cái này cái nọ. Khi mọi người sống chung đều biết nghĩ cho nhau, mình tin không có điều gì là quá sức.
Gỗ to ta vác mỗi vai một đầu.
Mỗi lần uống trà, là một lần thư thả, nhưng cũng là một lần điểm-lại, xem mọi sự có ổn không, có cái chi đang vênh váp mà ta không rõ. Có phải một đầu gỗ khiêng đang nặng hẳn cho một bên.
Cũng như cái bụng dạ của ta, đâu phải lúc nào cũng êm ái dễ chịu. Có khi cũng óc ách. Nhưng nếu có thêm một ấm trà phổ nhĩ, và chừng mươi mười lăm hai mươi phút cho một cuộc nghỉ, thì bụng sẽ lại trở về chiếc bụng êm.
Nhược Lạc
P.S: Vài loại trà ngon mới về ở Cửa tiệm của Lạc. Nếu bạn đang tìm chút ấm êm, nhắn tụi mình nhé.