
Ở thời của ông bà, bố mẹ tôi, nếu có ai đó nói với họ: “Hãy tự thương lấy mình!” – hẳn sẽ… buồn cười lắm. Đó là thời của sự hy sinh, của sự tiết giảm nhu cầu cá nhân và phấn đấu vì mục tiêu chung. Song, đến thời của tôi, của các em tôi, “hãy thương lấy mình” đã trở thành một tuyên ngôn có thể dễ dàng nghe thấy ở khắp nơi.
Nói cách khác, đến lượt tôi, chúng tôi, đã bắt đầu có ý thức nhắc nhớ bản thân: hãy thương lấy mình. Nhưng, bằng cách nào thì tôi, chúng tôi – không biết.
Trong một khoảng thời gian dài, tôi cố gắng yêu thương lấy mình bằng việc nuông chiều cảm xúc cá nhân. Tôi ăn khi muốn, uống cái gì tôi thèm, đọc truyện, xem phim, ôm lấy máy tính, chơi bất cứ cái gì tôi thích. Tôi bỏ bê việc học hành vì cho rằng đó là thứ căn bản nhất khiến mình không hạnh phúc. Tôi kiên quyết không đi bất cứ con-đường nào mà người-khác đã đi, vì tôi nghĩ rằng: nếu họ trông đau khổ như vậy, nghĩa là con đường đó sai quắc rồi.
Hóa ra, con đường của tôi cũng đâu đúng.
Phải mất một thời gian dài, tôi mới nhận ra thả nổi bản thân không đồng nghĩa với thương thân. Khắt khe với bản thân cũng không đồng nghĩa với thương thân. Chối bỏ hoàn toàn cộng đồng cũng không khác gì việc đâm đầu lao theo công thức chung trong xã hội. Vấn đề không phải là cắm cổ đi theo đường mòn có sẵn, hay tự nhiên rẽ cây bẻ lá đi một hướng đi riêng.
Vấn đề là, phải tìm cho được con đường của mình.
Vấn đề là, phải thương thân theo cách mà cái thân này cần được thương.
Vấn đề cũng là, đâu có ai biết.
Tôi không biết. Mẹ tôi cũng không biết. Bạn bè xung quanh tôi xem chừng cũng đâu biết.
Thế rồi một ngày, tôi ăn chay. Bây giờ nhớ lại, không biết vì sao tôi ăn chay. Chỉ nhớ một ngày, đột nhiên tôi nói với mẹ: Từ hôm nay, con ăn chay. Việc ăn chay, không lạm bàn tính đúng-sai, song nó vô tình đẩy tôi đến việc buộc phải quan tâm đến từng bữa ăn trong ngày. Từng chén cơm, từng miếng nhai.
Vì quan tâm đến từng miếng nhai, tôi cũng quan tâm đến từng trạng thái của cơ thể mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút. Tôi biết mình đã ăn gì bậy nên đau bụng. Tôi biết khi ốm mệt nên làm gì. Tôi biết hương vị của một trái cà rốt, củ cải trồng tự nhiên sẽ khác gì với rau củ công nghiệp, khi ăn vào người sẽ thế nào.
Nghe thì có phần ‘vi diệu’ quá, nhưng nó thực ra rất giản dị: Theo thời gian, tôi hiểu chính cơ thể của mình hơn. Tôi biết mình nên ăn gì, uống gì. Và từ cơ thể, tôi biết tinh thần cũng vậy, các lựa chọn trong cuộc sống cũng vậy. Để có được điều đó, tôi cần phải học – từ cái cơ bản nhất.
Việc thương thân, theo tôi là một bài học, cần được hệ thống lại từ đầu.
Đó không phải câu chuyện của việc thốt lên “hãy yêu tôi đi! hãy sống vì mình!” là biết làm gì ngay. Để biết cần làm gì, có thể làm gì, phải quay về với những điều cơ bản nhất. Như muốn biết đọc phải học ghép vần, muốn biết viết phải luyện từng nét cong, nét xổ thẳng. Thì, muốn biết thương thân, phải học cách: nhận biết và điều chỉnh, từ cái đơn giản nhất.
Như là cắt móng chân và móng tay.
Một thời gian, tôi bắt đầu dạy lại mình cách chăm sóc bản thân bằng việc lặp lại những thói quen đơn giản. Cắt móng tay, móng chân đều đặn; và khi cắt thì không nghĩ gì cả. Tôi có cái tật suy nghĩ quá nhiều, và luôn suy nghĩ mọi lúc, mọi chuyện. Có những chuyện người khác đã nói ra và quên đi từ lâu lắm rồi, tôi vẫn nghĩ về nó. Do không thể ngay lập tức bắt mình ngừng nghĩ suy được, nên tôi đã tự ra luật cho mình là: lúc cắt móng chân thì đừng nghĩ gì nữa.
Sau đấy là, lúc đánh răng thì chỉ đánh răng thôi. Lúc đi vệ sinh không cầm điện thoại. Lúc ăn cơm không nghĩ lan man. Lúc làm việc, thì mỗi lúc chỉ làm đúng một việc, làm xong thì đóng nó lại. Lúc gặp bạn bè, chỉ chú tâm vào người bạn đó. Không cần gặp nếu không muốn gặp. Học đàn từng chút một, nếu hôm nay chưa đánh được thì mai tập tiếp, nếu mai vẫn chưa được thì để ngày mốt. Tôn trọng nhịp độ và khả năng hiện tại của chính mình…
Những việc như vậy, thực ra không đơn giản chút nào.
Để gõ ra được mấy dòng này, cần rất nhiều năm, chỉ bắt đầu thực tập với cái móng chân của chính mình. Rất nhiều lúc đã cắt vào chân. Rất nhiều lúc quên mất lý do ban đầu. Rất nhiều lúc thấy mệt mỏi và thấy chính mình hà khắc. Rất nhiều lúc muốn quay về buông thả như ngày xưa, hoặc, muốn đơn thuần lao theo những quy tắc xã hội cơ bản.
Những lúc đó, quay về nhai kỹ một miếng cơm, uống chậm một ngụm nước, và cắt móng chân chỉ là cắt móng chân. Những điều đó, giống như chiếc neo thả xuống mặt nước sâu, nhỏ nhoi nhưng chắc chắn, cho chúng ta một điểm tựa để suy tư và thực hành tiếp.
Đó là cách mà tôi bắt đầu cho chính mình, trong một hành trình phức tạp của việc học cách thương thân, để rồi từ đó ta mới dám nghĩ xa hơn đến chuyện thương người, thương nhau.
Nhược Lạc