
Năm nay, cũng như năm ngoái, và năm ngoái nữa, vợ chồng tôi quyết định đón một chiếc Tết tối giản. Tết thảnh thơi. Tết ngơi việc sớm. Tết dọn được cái gì thì dọn, không dọn được thì thôi. Tết ăn gì cũng được.
Và chúng tôi vẫn luôn thấy hạnh phúc bởi lựa chọn ấy.
Nhưng có một điều khác hơn, đó là những người mẹ của chúng tôi cũng vậy.
Các mẹ, bỗng nhiên quyết định rằng Tết của mình không nằm ở một cái nhà được cố công trang hoàng để đón tiếp người khác. Không nằm ở hai loại canh khác nhau trong một mâm. Không nằm ở hết mâm cúng này đến mâm cúng khác, vật vã từ 27 đến hết mùng 3 Tết. Không nằm ở những lời người ta nói về mình.
Chúng tôi ăn bánh chưng từ 28 Tết, vì thấy cũng thèm. Và ôm nhau xem hài Tết, ăn mứt, uống trà, thay vì đu đưa lên lau cửa, sơn sửa và trang trí các kiểu.
Rất có thể, nếu có ai đến nhà chúng tôi dịp Tết, sẽ thấy tuềnh toàng quá. Chắc là năm rồi không làm ăn được. Chắc là mẹ tôi không nhờ vả được con cái nên nó “chẳng làm gì”. Những lời ấy tôi đã nghe hai mươi mấy năm trời, nghe từ khi còn bò ra làm tất cả mọi việc, trước khi quyết định rằng Tết của mình là do mình quyết định.
Niềm vui của mình. Hạnh phúc của mình. Tài sản của mình. Cảm giác đủ đầy của mình. Tất cả phải do tự mình định nghĩa, cảm thấy và gìn giữ theo cách của mình.
Rồi mọi thứ sẽ thay đổi.
Không phải xã hội thay đổi đâu, mọi thứ vẫn luôn như thế thôi. Nhưng trong lòng mình thay đổi.
Cách mình nhìn Tết, hay mọi dịp lễ lạt, và mọi cột mốc thành tựu của mình – nó có thể không đúng theo định nghĩa xã hội, nhưng, nó sẽ phù hợp với mình nhất.
Như mẹ tôi, cuối cùng đã nhận ra rằng, cắm một lọ hoa đơn sắc cũng đủ đẹp, dâng một cặp bánh chưng đã đủ tươm. Như mẹ chồng tôi, đã sẵn sàng mua vé máy bay để đi chơi. Như chúng tôi, đã dám thảnh thơi đón Tết ngay cả khi Tết còn chưa về.
Còn bạn, Tết của bạn như thế nào?
Mong rằng, đó sẽ là những ngày Tết thực sự thuộc về bạn, chứ không phải là hình ảnh mong đợi phản chiếu trong mắt người khác.
Và mong, một năm dài sau đó cũng vậy.
Nhược Lạc