
Gần đây mình có gặp một chuyện thế này: một bên báo chí liên hệ với mình để viết bài. Mình đồng ý, và trả lời theo các câu hỏi của phóng viên đưa ra.
Chuyện cũng chẳng có gì, nhưng để cẩn thận, mình vẫn dặn bạn ấy gửi lại bài hoàn chỉnh để mình xem trước khi đăng. Và ngày nhận được bài ấy, mình đã thực sự hoảng hốt. Nội dung bài không hề giống những câu trả lời của mình, mà đã được…sáng tác thành một câu chuyện mới kịch tính hơn.
Mình xem xong, bảo, em ơi hủy bài giúp chị. Chị không thể xuất hiện trên báo với một câu chuyện không đúng sự thật như vậy được. Bên đó đồng ý, và mình không cần truy cứu thêm nữa.
Nhưng chuyện này vẫn làm mình hơi hoảng hốt, và hơi buồn một chút.
Chẳng nhẽ, đây là thời đại mà không còn ai muốn một câu chuyện bình thường không thêm thắt? Chẳng nhẽ, ta luôn cần phải thêm mắm dặm muối, giật title thật kêu thì mới có người sẵn sàng đọc một thứ gì đó?
Mang thắc mắc ấy đi hỏi một người chị cũng làm trong ngành báo, chị bảo chuyện ấy cũng thường.
Hồi trước, có lần chị đã bị cảm động vì một bài phóng sự, để rồi khi về tận nơi tìm hiểu, chị mới nhận ra tất cả chỉ là bịa đặt. Nhân vật và câu chuyện hoàn toàn không đúng sự thật, mà được tô vẽ nên để mang đến màu sắc thương cảm và lãng mạn.
Chị mình thảng thốt quay về hỏi người phóng viên kia: vì sao bạn làm vậy? Người ấy chỉ lạnh lùng nói: phóng sự mà, nghĩa là phải phóng đại sự việc lên chứ.
Nghe đến đây, lại càng buồn hơn.
Tất nhiên hiểu rằng con sâu làm rầu nồi canh, nhưng nhìn vào nồi canh mà thấy nhiều sâu quá thì ai mà ăn cho nổi.
Lại đành quay về đọc tục ngữ xưa:
“Khôn ngoan chẳng lọ thật thà
Lường thưng tráo đấu chẳng qua đong đầy”
Mười năm qua làm trong ngành truyền thông, mình viết cũng nhiều. Viết cho thương hiệu, viết cho cộng đồng, viết cho chính mình cũng lắm, nhưng chưa bao giờ phải làm những chuyện như vậy cả.
Có lẽ mình hơi ngây thơ, và cũng chẳng bao giờ trở nên nổi tiếng, nhưng mà mỗi lần đặt bút xuống giấy, đặt tay lên bàn phím, đều thấy nhẹ nhõm, dễ chịu.
Với mình, đó mới là một phần thưởng của người viết.
Của người đọc.
Của tất cả những người có tương tác với con chữ trên đời này.
Em từng làm báo và em có thấy những việc như vậy. Giờ em nghỉ báo rồi nhưng có một chuyện từ hồi em học cấp 3 (cách đây hơn chục năm) :)) mà e nhớ lại sau khi đọc post này của c :)) em gửi dự thi viết cho tờ HHT xong tới khi được chọn đăng em thấy tên mình nhưng nội dung bài tới 70% là của biên tập sửa lại. Hồi đó cũng thụ động chứ không chắc em gửi thư lại cho tòa soạn phản hồi. Thà không đăng còn hơn. Hồi đó là báo giấy nên sự cũng đã rồi. Bài thường em nghĩ biên tập sửa chắc 30, 50% quá lắm rồi. Đằng này bài em gửi dự thi viết, biên tập báo cố sửa lại gần hết để đăng :)) tại sao vậy?!
Ừ, chắc cái gì cũng cần phải biên tập cho đúng ý của tòa soạn, nhưng điều quan trọng là phải “đúng sự thật” và “được xác nhận đồng ý của tác giả” nhỉ? Có những cái đơn giản, dường như hiển nhiên, chả hiểu sao lại khó đến thế.