làm thế nào để bọn trẻ con chịu ăn rau, hay đọc sách?

Làm thế nào để bọn trẻ con ham đọc sách hay chịu ăn rau, theo mình là hai câu hỏi khác nhau nhưng có chung một câu trả lời.

Đó là trước khi muốn bọn trẻ con làm gì, hãy tự hỏi xem bố mẹ chúng có muốn làm chuyện đó không. Có những bố mẹ cả ngày không có lúc nào sờ đến một cuốn sách, rảnh ra lúc nào chỉ muốn ôm điện thoại lúc đó, nhưng lại la ó khi bọn trẻ con…cũng thế. Có những bố mẹ không có chút hứng thú nào với rau củ quả, bữa ăn nào cũng ăn rau như tra tấn, nhưng lại rền rĩ vì con mình…cũng vậy.

Không cần phải biết một lý thuyết nuôi dạy trẻ con phức tạp nào, vẫn có thể nhận ra một sự thật giản đơn: trẻ con học bằng cách quan sát và bắt chước. (mà hình như người lớn cũng vậy!)

Bọn trẻ con nhà mình, trộm vía, rất thích ăn rau củ quả. Bọn chúng ăn tự nhiên như một thức quà ngon. Hồi mới chập chững biết đi, hai đứa nó đã hè nhau bê ghế, leo lên bàn bếp, ăn vụng su su luộc của mẹ. Vào bữa ăn, chúng nó rú rít tranh nhau ăn củ cải và cà rốt luộc, vừa ăn vừa hát cái bài gì mà “bunny bunny bunnnyyy….”.

Và, vợ chồng mình tiếp nhận điều đó khá bình thường – cho đến khi có ai đó hỏi “Làm thế nào để bọn trẻ con ăn rau?”.

Hóa ra bọn mình đã không để ý đến việc này, mà chỉ…ăn thôi. Việc ăn nhiều rau củ, với chúng mình là một việc hiển nhiên, dù đang áp dụng chế độ ăn chay hay mặn.

Chuyện đọc sách, cũng tương tự như vậy.

Sách là cái gì đó cần thiết như cơm ăn, áo mặc trong nhà. Bọn trẻ con từ thủa bò loe ngoe trong nhà đã quen với việc đi đâu cũng đụng thấy sách. Cầm sách lên chơi, thậm chí gặm, nhai, nuốt mất nửa trang “Gieo mầm trên sa mạc” vào bụng.

Và khi lớn hơn, khi bắt đầu biết coi tranh, đọc chữ, thì thế giới của những trang sách càng gần gũi mà rộng lớn hơn với tụi nhỏ. Chúng nó bắt đầu biết xem sách một cách độc lập, mà không cần sự trợ giúp của cha mẹ nữa.

Tới đây thì mình bỗng nhận ra rằng, một đứa trẻ dường như luôn “đọc” được nhiều hơn một người lớn – đặc biệt là trong những cuốn sách được sáng tác riêng cho bọn chúng.

Bọn trẻ con luôn biết cách nhặt ra những điểm giấu bí mật, những “quả trứng phục sinh” ẩn giấu đầy trong những trang sách – mà người lớn rất thường bỏ qua.

Chẳng hạn, trong cuốn sách “Tít tắp mãi tận trên cao” của Susanne Straßer, khi mình còn đang tập trung kể về những người bạn đang ráng sức trèo lên người nhau để lấy chiếc bánh kem, thì bọn trẻ con đã rú lên “Con quạ! Con quạ lấy mất trái dâu tây rồi!!!”. Ngay từ đầu, mình thậm chí còn chẳng để tâm đến con quạ nào cả.

Hay bộ sách gần đây nhất mà chúng nó đang rất si mê – “Bộ Sách Tương Phản – Đọc Ngay Cho Bé Vừa Chào Đời” của Thùy Cốm (Crabit Book phát hành), gồm ba cuốn: Chấm đỏ đi chơi – 1,2,3 ra vườn nhé – và Nhà của bé.

Cậu trai nhỏ nhà mình thì rất yêu cuốn Chấm đỏ, suốt ngày hỏi vì sao có nhiều chấm thế, say mê ngồi đếm chấm đỏ, đếm thêm chấm đen, đếm cả chấm đỏ và chấm đen. Khi đọc đến cuối quyển, cậu chàng bảo: “chấm đỏ đi chơi mệt rồi, phải về với bố mẹ thôi”. Nhưng vẫn không quên choàng thêm một câu “ngày mai chấm đỏ đi chơi tiếp nhé!”.

Còn cô chị thì rất thích cuốn “Nhà của bé”. Và mình sẽ nhớ mãi lúc con bé đọc đến trang cả nhà đang ăn cơm, thì bỗng…lật lại vài trang trước và la lên “trang này nấu cơm để đến trang kia thì ăn kìaaaa”. Hóa ra những chi tiết trong cuốn sách có liên quan đến nhau tới vậy, trở thành một cuốn truyện liền mạch, ý tứ rõ ràng, dù độ tuổi của độc giả mà cuốn sách hướng đến là từ….0 tuổi – nghĩa là còn chưa biết gì.

Dù chưa biết gì, nhưng các con đã có thể cảm thấy được.

Đó cũng là lý do càng là sách truyện thiếu nhi, càng phải làm chăm chút, tỉ mỉ và kỹ càng hơn. Càng phải có nhiều chi tiết kiểu….trẻ con hơn. Trẻ con nhưng không phải ngô nghê, mà là “trẻ con tinh tế”, sự trẻ con đến từ một người lớn vẫn còn nhiều nét trẻ con, do đó rất hiểu trẻ con, biết được chúng sẽ chú ý đến cái gì, cần món quà nào, yêu thích điều chi…

Những thứ đó thật ra bố mẹ rất khó biết. Bố mẹ vẫn nên chọn sách cho con, bằng bộ lọc của một người lớn hiểu biết nhưng cởi mở, nhưng nên chừa lại quyền lựa chọn cuối cùng cho trẻ.

Nếu đặt 10 cuốn sách trước mặt trẻ, mà tụi hắn vẫn nhăm nhăm chọn và yêu mãi một cuốn thôi, thì rõ ràng có lý do của tụi nhỏ.

Và, được chứng kiến tất thảy những điều đó, là một món quà vô giá với bố mẹ. Những người sẽ chỉ được nhận một món quà vào đúng một thời điểm thôi. Tháng sau, năm sau, ba năm sau, mười năm sau….đã là những món quà khác, đầy bất ngờ, đang chờ đón bố và mẹ.

Nhược Lạc

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s