mẹ đã làm gì?

13177317_1794077780815908_8917064214732151166_n

Chào con,

Nếu sau này con tra cứu lại lịch sử tìm kiếm trên google Vietnam vào khoảng tháng 5/2016, hẳn con sẽ ngạc nhiên rằng từ khóa nổi bật nhất, đáng chú ý nhất, chính là “cá”. Con có muốn biết thêm rằng, vào những ngày này, mọi người dân đang đổ xuống đường ồ ạt, còn new feeds của mẹ ngập tràn các thông tin về “cá”, “biển”, “Formosa”..v..v.. và những điều trông thấy, như Nguyễn Du đã bảo, thì bao giờ cũng đau đớn lòng.

Trong những bức hình trên mạng, mẹ chú ý nhất tới hình ảnh một người cha cầm tờ giấy ghi “Biển chết 2016 Bố đã làm gì?”. Điều ấy khiến mẹ nghĩ tới nhiều năm sau đó, khi bắt gặp câu hỏi này của con, mẹ sẽ phải trả lời như thế nào.

Trên thực tế, mẹ đã không xuống đường tham dự bất cứ cuộc biểu tình nào để có “câu trả lời xác đáng về vấn đề biển chết”. Câu trả lời mẹ đã có rồi, từ rất lâu trước đó. Tất nhiên, mẹ vô cùng trân trọng và biết ơn những người đã làm việc đó. Những người cha và mẹ khác đã xuống đường để lên tiếng, đòi quyền lợi chính đáng của người dân. Nếu sau này con hỏi vì sao mẹ không tham dự, có lẽ mẹ sẽ viết một bài nghìn chữ khác để giải thích cùng con. Ở phạm vi bài viết này, mẹ sẽ chỉ nói về những thứ mẹ đã làm. Ví dụ như:

Ăn chay.

Mẹ bắt đầu ăn chay từ mùng một tết năm 2012. Vì lý do sở thích thôi, không có phát nguyện gì đặc biệt, cũng không phải để sám hối tội lỗi chi cả. Cơ thể mẹ muốn vậy, và nó đã luôn muốn vậy trong những năm qua. Kể từ ngày ăn chay, mẹ thấy khỏe mạnh hơn nhiều. Và rồi một ngày mẹ nhận ra rằng, việc đó cũng góp phần, dù là nho nhỏ, trong việc làm Trái Đất này mạnh khỏe hơn.

Hơn 3 năm qua, quan sát việc ăn uống của chính mình và những người xung quanh, mẹ mới biết rằng con người nói chung không ăn vì nhu cầu của họ, mà phần nhiều vì sở thích, khẩu vị và niềm tin. Vậy nên, mặc dù không cần nhiều protein đến thế, họ vẫn ngày càng tăng lượng thịt cá trong khẩu phần ăn của mình. Đó là chưa kể đến việc con gì cũng có thể ăn, thời điểm nào cũng có thể ăn.

Thế nên, chẳng cần theo bất cứ tôn giáo nào, con cũng có thể nghe được tiếng kêu thương của vạn ngàn con vật bị giết thịt. Chẳng cần kiến thức khoa học nào, cũng có thể nhẩm tính được lượng thức ăn, lượng nước thải và carbonic sản sinh trong quá trình chăn nuôi và giết mổ trên toàn thế giới.

Nhu cầu của cơ thể mẹ không nhiều đến thế. Mỗi bữa mẹ chỉ cần một bát cơm gạo lứt, ăn với muối mè, dăm miếng rau củ và chút canh là đủ rồi. Bằng cách đó, mẹ hy vọng có thể bớt đi một phần độc hại đối với tinh cầu đáng thương này. Sống trên đời, vô hại thôi là tốt lắm rồi, phải không con?

Hạn chế sử dụng túi nilon.

Xin khẳng định với con rằng túi nilon là cơn nghiện khó chữa nhất của loài người. Chính bố mẹ cũng từng bàn luận rất nhiều lần để tìm ra giải pháp thay thế túi nilon, nhưng vô hiệu. Chúng ta chỉ có thể giảm thiểu nó tới mức tối đa thôi.

Bằng cách nào?

Trước hết, mẹ luôn để trong túi xách, balo của mình một vài cái túi, khăn vuông to để đựng đồ/bọc đồ khi đi chợ hoặc mua sắm. Trong cốp xe của bố cũng có túi. Chúng ta từ chối nhận khi người bán hàng đưa túi nilon. Chúng ta đựng nước trong chai có sẵn và mang cơm hộp khi đi làm. Chúng ta cố gắng mang về thật ít túi nilon và tái sử dụng chúng nhiều nhất có thể. Xin lỗi con vì đến giờ mẹ vẫn chưa nghĩ ra cách nào khác để đựng rác, ngoài dùng túi nilon sẵn có. Sắp tới có lẽ mẹ sẽ tiến hành ủ phân hữu cơ bằng cuộng rau, vỏ hành… các thứ thải ra trong nhà bếp; và dùng túi giấy để đựng rác vô cơ xem sao.

Nói không với hóa chất.

Ở nhà mình, bố mẹ đã không dùng các loại đường tinh luyện, mì chính, bột nêm, nước tương, nước mắm có chứa hóa chất độc hại từ-lâu-lắm-rồi. Chúng ta chỉ dùng muối biển, nước tương tamari và miso được ủ 3 năm trở lên, đường nâu hoặc mạch nha (với lượng rất ít) thôi.

Một tuần một lần, bố đi lấy rau ở vườn rau hữu cơ thơm-ngon nhất quả đất. Mẹ đã từng hỏi bố rằng làm sao để biết đó đúng là rau hữu cơ. Bố bảo, ăn thì hiểu. Để làm được điều đó, con cần tin vào vị giác của chính mình. Và để dám tin vào vị giác của mình, con cần ngưng đầu độc nó bằng những hóa chất độc hại khác.

Mẹ đã học được cách luôn đọc thành phần của tất cả các sản phẩm đóng hộp; và có một khẩu hiệu thế này: Nếu không thể đánh-vần nó là cái gì, đừng ăn nó. Con đừng tin vào mấy cái từ loằng ngoằng có vẻ rất khoa học ở mục “thành phần”. Cà rốt là cà rốt, và không ai cần mất công gọi nó là capriferionion… (hay cái của nợ gì đó) để làm gì cả.

Ở nhà mình, bố mẹ gội đầu bằng bồ kết, đánh răng bằng dentie (than cà tím & muối biển) rửa mặt bằng đậu xanh-mật ong, tắm bằng đậu đỏ, giặt quần áo bằng bồ hòn… Cũng ở nhà mình, từ nhiều năm nay, bố mẹ không cần động tới viên thuốc nào cả, chứ đừng nói là thuốc kháng sinh.

Trồng cây.

Nhà mình có một vườn cây nho nhỏ. Và nếu con không phiền, chúng ta có trồng cây trà xanh, những cây hoa và rau gia vị. Sau này có thể sẽ xuất hiện thêm nhiều thức cây khác nữa, nhất là cây ăn quả.

Tuổi thơ của mẹ đã lớn lên quanh một gốc hồng xiêm thơm nức mỗi mùa quả chín. Những năm tháng đó, mẹ có thể hồn nhiên trèo cây, nắn nhẹ để tìm quả hồng chín thơm, bẻ đôi và ăn ngay trên cây. Không ai phải lo lắng về thuốc trừ sâu, thuốc kích trái… làm gì cả. Những con chim chích rủ nhau về vườn cũng an tâm, mẹ-bé-con ở trên cây cũng yên lòng. Và mẹ mong, con của mẹ sau này cũng vậy.

Có câu nói, trước khi chặt một cái cây, hãy trồng một rừng cây. Cả đời mẹ cũng không dám chắc có thể trồng nổi một rừng cây, và nhiều người khác cũng thế. Nên mẹ không hiểu vì sao có những người nhẫn tâm triệt hạ hàng héc ta rừng, nỡ để những đất trắng đồi trọc lan truyền như dịch hạch của đất nước mình, đến thế.

Và thương biển.

Như con biết đấy, mẹ ăn chay. Việc không có cá ăn chẳng ảnh hưởng gì đến mẹ cả. Nhưng mẹ không cho rằng cá sinh ra trên đời là để cho con người ăn. Nên mẹ vẫn thương chúng, như mẹ thương con vậy. Và biển mang đến nhiều-hơn-rất-nhiều những thứ mẹ có thể kể cùng con. Như là muối. Như là sinh vật phù du. Như là không khí trong lành. Như là bình minh và như là hoàng hôn.

Thế nên mặc dù không thể dẹp quách cái Formosa đi, không thể loại bỏ lượng dầu, chất thải, rác rưởi…. vẫn được trút ra biển hàng ngàn tấn mỗi ngày; thì mẹ vẫn có thể không ăn hải sản, không vứt rác xuống biển, nhặt khi thấy rác ngoài biển và viết những dòng này để tìm kiếm đồng minh trên mạng.

Con biết không, cách đây nhiều năm, có người hỏi mẹ vì sao “cứ làm loạn lên như thế” trước những vụ việc như giữ trại gấu ở Tam Đảo, cứu tê giác, #savesondoong, #6700cay…. và bây giờ là Cá, là Biển. Thì mẹ chỉ biết trả lời rằng mẹ muốn nhiều năm sau, con vẫn được biết về con gấu, con hổ…, rừng xanh thế nào và biển đẹp ra sao.

Tất nhiên, mẹ không thể chắc những hành động của mẹ có kịp tạo nên thay đổi gì không, hay cũng chỉ như muối bỏ bể. Để rồi khi con chào đời, rừng vẫn trọc và biển vẫn chết. Đất nước mình từ lâu lắm rồi đã không còn giàu-đẹp. Và con sẽ vẫn mở đôi mắt to tròn, nhìn mẹ và hỏi “Biển chết 2016, mẹ đã làm gì?”

Khi ấy mẹ biết nói gì nữa cùng con.

Nhược Lạc

Advertisement

3 thoughts on “mẹ đã làm gì?

Leave a Reply to Tg Cancel reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s