
Hồi mới sinh con ra, tôi cảm thấy như mình đang đối thoại với một người nước ngoài. Hai bên đều không hiểu tiếng của người kia, nhưng vì lý do bắt buộc, phải sống với nhau, phải học cách hiểu nhau.
Ngôn ngữ của trẻ con về cơ bản khá đơn giản, do đó cũng rất phức tạp. Đói cũng khóc, buồn tè cũng khóc, ị cũng khóc mà muốn đi chơi cũng khóc. Nếu không khóc thì cũng là e. No cũng e mà vui cũng e, nói chuyện với bố cũng e mà không muốn nói chuyện với mẹ cũng e.
Khi bọn chúng lớn lên, người lớn sẽ dạy cho chúng nó những nguyên tắc ngôn ngữ, để giao tiếp với nhau được dễ hơn. Ngôn ngữ là một sự thoả thuận. Từ nay hãy gọi tôi là “mẹ” nhé, còn đây là “bố”, nhiều nếp nhăn hơn là “ông”, còn người tóc hơi bạc kia là “bà”.
Càng lớn thì các nguyên tắc ngôn ngữ này càng nhiều lên. Rõ ràng ngày xưa chỉ cần pạ pạ pạ pá chạy khắp nhà thế là ai cũng vui. Nhưng khi lớn phải biết thêm dạ, thưa. Xong phải biết thêm từ nào từ-bậy. Sao cùng một từ nói với đứa nhỏ tuổi thì được, mà nói với người lớn hơn lại ăn tát. Các nguyên tắc ngôn ngữ, theo đó, dựng nên một hình dung về xã hội.
Nhưng cốt lõi cơ bản, vẫn là để giao tiếp với nhau.
Con người đẻ ra các câu chuyện để sự giao tiếp với nhau được lan rộng hơn. Để hai người vốn chẳng quen biết gì nhau, cũng có thể cảm thấy gần gũi khi cùng biết truyện “Sọ Dừa”, “Cây tre trăm đốt”, “Tấm Cám”… Ta có thể chưa bao giờ thấy mặt nhau, nhưng nếu ta cùng quý một ông Phật, hoặc ông Chúa, cùng biết một bài kinh, ta sẽ có cảm giác như thể tri âm tri kỷ từ nhiều đời.
Cốt lõi của ngôn từ, hay là chuyện kể, đều là để giao tiếp với nhau.
Nhưng ta dễ nhầm đó là cách duy nhất để giao tiếp cùng nhau. Khi ta nói “cái thìa”, ta và người khác hiểu ngay đang nói đến cái gì, song một người khác nữa lại gọi đó là “cái muỗng”. Khi một người nói “chùi cái mặt đi”, đặt trong một bối cảnh là chuyện bình thường, một bối cảnh khác bỗng thành như câu chửi. Khi đó, phải dùng nhiều hơn ngôn từ, để hiểu được nhau. Như là ánh nhìn, như là tông giọng, như là cá tính của người nói, như là bối cảnh, như là điều cốt yếu họ muốn nói ra là gì. Như là đằng sau câu đù má có thể là họ thực sự không muốn đù ai?
Mấy cái đó nhiều khi chỉ thấy được trong giao tiếp trực diện (hoặc cũng không thấy luôn). Còn khi lên trên mạng, khó hơn nhiều. Tại ta không nhìn thấy nhau, tất cả chỉ còn là mặt chữ. Khi chỉ còn mặt chữ, các nguyên tắc chữ nghĩa được dựng lên phức tạp hơn, chia nhánh hơn, và chia cắt nhau hơn.
Có thể đừng viết dấu ba chấm nhiều như vậy không. Có thể viết dấu chấm than ngay sát chữ đằng trước không. Có thể viết hoa đầu câu không. Có thể đừng gọi nhau con này thằng kia không. Có thể đừng lan toả thái độ sống xấu xa tệ hại như vậy được, cả xã hội này ai mà cũng nghĩ và nói như cậu thì loạn hết. Hồi đi học, cô giáo tôi hay nói vậy. Cô nói lớp năm chục đứa mà đứa nào cũng như con anh chị thì tôi chết chứ sao sống nổi.
Nhưng mà lớp đâu có đứa nào giống đứa nào.
Nhưng mà một lời gõ ra vậy nhiều khi không phải vậy. Nhiều khi ta bứt câu nói ra khỏi tiếng nói, gõ lên màn hình tức là tắt cái tiếng đi – ngữ nghĩa truyền tải đã khác đi nhiều.
Vì nghĩ như vậy, nên tôi hay thấy những cuộc cãi vã qua lại trên mạng, với một người dưng, nó cứ vô nghĩa làm sao. Càng nói càng dễ xa nhau, xa cái ngữ nghĩa ban đầu muốn truyền tải. Xa cái nhu cầu cấp thiết ban đầu: là để giao tiếp, và kết nối với nhau. Càng nói, ta càng thấy mình to ra, người kia xấu đi, vấn đề của xã hội trở nên nổi cộm hơn. Và ta được trao vào tay cái sứ mệnh phải diệt trừ hậu họa cho nhân loại.
Đôi khi, đọc được vài bình luận gay gắt, tôi hơi giật mình vì không nghĩ chỉ là câu chuyện trượt qua màn hình thôi, người ta lại có thể sừng sộ lên như vậy. Xã hội giờ kỳ quá – tôi nói với chồng mình. Rồi anh nói với tôi là em đếm thử có mấy cái comment. Ví dụ ta đọc được 10 cái comment, ta dễ tưởng rằng xã hội bây giờ đang “toàn những người như vậy”. Đọc được 5 vụ án trên mạng, ta dễ tưởng rằng xã hội bây giờ “toàn những chuyện như vậy”.
Mà nhiều khi không phải, nhiều khi nó khác hoàn toàn.
Vầy nên, tôi học cách nghĩ nhiều hơn một chút, trước khi nói, trước khi đối thoại với một ai đó, đặc biệt là trên mạng. Tại nó hao thời gian, và phần lớn không mang lại ích lợi chi cả. Có những cuộc trao đổi trên mạng cũng văn minh và mang lại nhiều ích lợi lắm, nhưng tôi tin là chúng ta cũng cần chậm lại và đứng lùi ra xa chút, thì mới nhìn nhận và phân biệt được rõ ràng hơn. Còn khi ta còn hơi vội, hoặc hơi kém, thì cứ tránh đi cũng là một cách tốt.
Hồi xưa, có lần tôi đi đảo Nam Du. Ngồi bên bờ biển, tôi lôi đàn ra chơi và hát hò một chút. Có một cô bé bán vé số cứ ngồi bên cạnh tôi hoài. Con bé không nói gì cả. Tôi hát hết mấy bài thì đứng dậy đi về nhà nghỉ. Con bé đi theo. Ban đầu tôi hơi rợn, nghĩ sao con bé đi theo mình hoài. Nó đi theo tới chỗ nhà nghỉ của tôi thì dừng lại. Tôi đi vào trong, con bé đứng trước cửa. Nó thả ba cái vỏ ốc ở trước cửa nhà, rồi quay lưng đi mất. Ba cái vỏ ốc còn tanh rình mùi biển.
Đó là một đoạn hội thoại mà tôi nhớ suốt đời.
Nhược Lạc