
Tôi muốn kể cho mọi người nghe hai câu chuyện thế này.
Một là, gần đây bạn bè có vẽ tặng tôi một (vài) bức tranh. Sau khi các bức tranh được đăng lên trên mạng, thì (những) người bạn của tôi cũng nhận được inbox nhờ “vẽ hộ cho tao với”. Tất nhiên là bạn tôi từ chối, nhưng là một lời từ chối cực kỳ khó khăn.
Hai là, hồi tôi mới ra tập thơ Cơm nhà nói chung là êm, và gần đây là bắt đầu hành trình với Cửa tiệm của Lạc, tôi đã ngỏ ý gửi tặng bạn bè những món đồ như: sách, sổ, trà… Song, bạn bè tôi chỉ nói rằng: “đừng tặng, cứ để tôi mua”.
Mượn hai câu chuyện đó, để muốn nói về một chuyện, là: khi nào thì nên/không nên nhờ bạn bè giúp đỡ?
Trước tiên, tôi tin rằng: bạn bè thì cũng là người. Họ đang sống và làm việc dựa trên kỹ năng nhất định mà họ có. Để có được khả năng, kỹ năng, sự thành thục ấy….hoàn toàn không có gì miễn phí. Ai cũng tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc…. để trở nên giỏi về một điều gì đó, và dùng nó để kiếm ra tiền.
Khi bạn đang nhờ bạn bè sử dụng kỹ năng công việc của họ, để làm gì đó cho bạn – đừng nghĩ rằng: “giúp nhau một tí thôi mà”. Hãy thử nghĩ như thế này: bạn đang đề nghị họ: lấy ra …. triệu đồng, tương đương với …. giờ làm việc của họ, để cho không bạn. Hãy điền vào đó các con số 10, 20, 30, 50… tôi tin là bạn sẽ nhận ra câu nói của mình mang một sắc thái ý nghĩa hoàn toàn khác.
Bên cạnh đó, vì là bạn bè, nên bạn cũng đang đồng thời đưa họ vào một thế khó từ chối. Không ai muốn làm bạn mình buồn lòng, nhưng cũng không ai muốn làm việc mà không lương.
Chính tôi cũng nhiều lần được nhờ cậy đặt hộ cái tên thương hiệu, viết giùm slogan, viết hộ bài báo…. Thậm chí hồi trước có bạn còn hồn nhiên inbox nhờ dịch giùm 100 trang tài liệu.
Thôi nào bạn ơi, trước khi nhờ ai đó, đặc biệt nhờ người mà mình có quen biết, xin hãy thử hỏi lại bản thân có sẵn sàng thiết kế không công một cái logo không, có sẵn sàng quăng 10, 20 triệu tiền công đáng ra mình có thể nhận, ra sọt rác, hay không?
Chuyện tiền bạc là thứ dễ làm bạn bè xa nhau nhất. Hãy cẩn trọng khi đụng đến những thứ đó, dù là khi vay mượn, hay nhờ vả nhau. (Đặc biệt là khi nhờ vả những chuyện liên quan mật thiết đến kỹ năng kiếm cơm của người khác.)
Vậy, chúng ta có thể nhờ cậy bạn bè chuyện gì?
Thật ra cũng vô cùng, tùy thuộc vào mức độ thân thiết giữa hai người bạn. Nếu bạn không chắc lắm về mức độ thân thiết, tức là nó không đủ. Nếu bạn không quá cần điều đó (ví dụ một bức tranh để khoe trên mạng), vậy cũng không nên nhờ. Nếu bạn thực sự rất cần, vậy đó là một “business”, hãy đề nghị một khoản chi trả phù hợp, được thỏa thuận giữa hai người.
Và luôn luôn, luôn luôn tâm niệm rằng “có qua có lại”. Không ai cho không ai cái gì cả. Những cái “qua-lại” không nhất thiết phải là tiền bạc, song luôn cần có.
Còn với người được nhờ, mong bạn đừng ngại nói không, nếu bạn không thể hoặc không muốn giúp. Thẳng thắn là đặc quyền của một tình bạn thật. Còn nếu không thể thẳng thắn với nhau, thì tôi tin rằng mối quan hệ này đã tới lúc nên dừng lại.
Nếu là người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, có lẽ bạn sẽ đồng cảm với tôi ở điểm này: hoàn thiện một tác phẩm nghệ thuật là điều chẳng dễ dàng gì, nếu không muốn nói là cực kỳ khó khăn.
Tôi rất rất hiểu điều đó, dù tôi chẳng phải nghệ sĩ gì cả. Nhưng khi nhìn thấy những người bạn của mình nói riêng, hay nghệ sĩ nói chung – cho ra mắt một tác phẩm – điều đầu tiên tôi muốn làm, là ủng hộ họ.
Đặt pre-order, mua bản đặc biệt, mua thêm bản bình thường, bình luận động viên, chia sẻ thông tin, viết bài review….. tất cả những điều ấy, lúc mình làm thì bình thường thôi, nhưng đối với một tác giả – đó là cả nguồn động viên cực kỳ quý giá. Họ có thể neo vào đó để quên đi những vất vả, chật vật, khổ sở và nhiều điều khác trong quá trình sáng tác.
Một cuốn truyện tranh, một bức tượng, một cuốn sổ, một cái ví nhỏ….. bạn cầm trên tay, coi vậy chứ là rất nhiều mồ hôi, công sức, năng lực sáng tạo đã đổ vào đó. Nếu là bạn của họ, chắc bạn phải càng hiểu rõ hơn những khán giả – những người mua thông thường – vậy, bạn càng nên là người ủng hộ bạn mình nhiều hơn.
Nếu không thể ủng hộ, thì im lặng cũng là một cách. Nếu không thể im lặng, thì vẫn phải im lặng, chứ đừng nên để họ phải cố gắng tìm một cách lịch sự, để từ chối bạn.
Vì công bằng, sòng phẳng là nền tảng trước tiên cho một tình bạn lâu bền.
Nhược Lạc
Thật cám ơn về những dòng viết này! Những cái tên, những bức ảnh, những bài thơ hay tranh vẽ đối với người không làm ra nó, nếu thấy đẹp đã thật lòng trân trọng; huống gì những người đã dùng cả tâm mình để sáng tạo ra chúng. Điều chị Nhược Lạc nhắc tới khiến cho mình cảm thấy biết ơn hơn về những điều mình đã được thấy, đã được nhận và những điều mình có thể ngay đây, với đôi bàn tay mình nữa!