
“Bạn là ai sau 5 năm nữa?”
Đã bao giờ bạn được hỏi câu này chưa? Tôi đã được hỏi khá nhiều. Và lần nào nghe thấy câu này, đầu óc tôi cũng trống rỗng.
Hồi 15, 18, 20 không biết câu trả lời đã đành. Đến giờ, đã không còn gọi là trẻ nữa rồi, vẫn không thể trả lời được, và có lẽ không bao giờ trả lời được.
Cuộc sống của tôi thay đổi theo từng tháng, chứ đừng nói là năm. Những người gặp tôi cách đây 2 năm, thấy tôi bây giờ có khi còn chẳng nhận ra, chứ đừng nói là 5 năm trước, 10 năm trước.
Vì vẫn luôn viết thư cho chính mình của tương lai, tôi nhận ra tôi đã sống khác, đã gặp nhiều điều khác-hoàn-toàn so với hình dung của chính mình trong quá khứ. Và tôi thấy ổn.
Tôi thấy hài lòng với hiện tại của mình. Ngay cả khi những gì tôi đang có, đang làm ở hiện tại, không liên quan gì đến mộng ước xưa cũ, nhưng chúng tốt hơn. Chúng tốt hơn điều tôi có thể tưởng tượng.
Vậy, có nhất định phải trả lời cho câu hỏi: “Bạn là ai sau 5 năm nữa?” không?
Theo tôi là không. Hay nói đúng hơn đấy là một câu hỏi vô vọng. Không thể có câu trả lời. Không cần phải có câu trả lời.
Việc tha thiết muốn biết chúng ta của tương lai như thế nào, thường dẫn ta đến một số liệu pháp tâm linh nhất định. Đã rất nhiều lần, tôi nhận được thư từ các bạn trẻ, nói rằng nhà em đi coi bói, em nhờ người xem lá số tử vi, em nhờ bạn bốc bài…. và kết quả ra rất tệ. Bạn bị cái kết quả rất tệ đó ám ảnh tới mức sợ hãi. Bạn không biết làm thế nào để thoát khỏi ám ảnh đó.
Tôi đọc thư mà vừa thương vừa thấy giận. Sao lại đặt viễn cảnh của đời mình vào tay người khác như vậy. Nhưng tôi cũng hiểu rằng, đó là một kiểu tâm lý rất chung của con người, đặc biệt là người trẻ. Khi bạn bất an, hoang mang với hiện tại của chính mình, bạn cần một lời xác quyết, một động viên từ tương lai. Việc mong muốn “nhìn trước điều sẽ đến” cũng phổ biến thôi, nhưng xin hãy chọn mặt gửi vàng hơn. Ít nhất, hãy chọn một người mà sau những dự đoán đưa ra, họ có thể cho bạn một lời khuyên, lời động viên đúng. Còn không thì thôi.
Bạn tôi làm việc trong lĩnh vực tâm lý học, bạn nói rằng: “Khi ta lắng nghe một ai đó, chỉ được lắng nghe họ ở hiện tại, tuyệt đối không được đụng đến nỗi đau quá khứ – đó là việc của bác sĩ tâm lý. Bạn không có chuyên môn, mà bạn khơi nỗi đau của họ ra, rồi bạn rời đi, bỏ họ lại với một mớ hỗn độn, đau khổ, ngơ ngác không biết phải xử lý như thế nào. Điều đó thật kinh khủng.”
Ở đây, bạn có thấy việc ‘khơi ra nỗi đau quá khứ’ có những tương đồng với việc ‘dự đoán những thương tổn tương lai’ không? Và ý nghĩa của việc đó là gì? Vô nghĩa.
Đừng làm vậy với người khác nếu bạn không có đủ chuyên môn để giúp họ xử lý.
Còn nếu, bạn là một người trẻ, đang hoang mang với hiện tại của mình, không biết mình của 5 năm sau sẽ ra sao, mong bạn đừng chọn cách đi coi bói. Có thể bạn không để ý, chính việc coi bói cũng có thể là một tác nhân dẫn bạn đến tương lai mà bạn không mong muốn.
Hãy bắt đầu với hiện tại của bạn – thứ bạn đang nắm trong tay.
Nếu e ngại về một tương lai không khỏe, hãy bắt đầu với bữa ăn ngày hôm nay. Hãy bắt đầu tập thể dục: 2 phút/ngày. Hít thở tập trung: 2 phút/ngày.
Nếu e ngại về một tương lai nghèo khó, hãy bắt đầu học thêm một số kỹ năng, bắt tay tìm hiểu một số công việc có thể đem lại thu nhập.
Nếu e ngại về một tương lai cô đơn, không có người yêu thương ở bên, hãy bắt đầu yêu thương mình từ bây giờ. Hãy chuẩn bị một phiên bản bình an, vững vàng của mình – trước khi gặp được người yêu thương bạn.
Nếu bạn vẫn không thể vơi bớt hoang mang, lo lắng, bất an, hãy kể cho ai đó nghe (như những người đã kể tôi nghe). Ai đó cũng có thể là chính bạn. Hãy viết cho mình.
Điều đó quan trọng hơn việc cố tìm một câu trả lời ở thời điểm mà lúc đó bạn không còn là bạn nữa – bạn đã là một người khác rồi.
Nhân lúc vẫn đang là mình của lúc này, hãy bắt đầu với việc tận-hưởng-mình trọn vẹn.
Nhược Lạc