Suy nghĩ về Thơ

Trần đời tôi chưa từng gặp ai nhận mình hay đọc thơ, kể cả các nhà thơ.

Mỗi khi tôi đọc một bài phỏng vấn một người viết, đặc biệt tác giả (có viết) thơ. Phóng viên sẽ hỏi: “Bạn có hay đọc thơ không? Bạn yêu thích tác giả thơ nào? Bài thơ bạn thích nhất là gì?”

Người được hỏi, sẽ bắt đầu bằng câu trả lời thế này: “À, thật ra tôi không hay đọc thơ.”

Sau đó, để chiều lòng độc giả, họ cũng sẽ cố gắng kể ra một vài cái tên, và đọc hai câu thơ mà họ cho là cũng ổn. 

Tất nhiên, những trường hợp kể trên không thể đại diện cho cả Việt Nam được, chứ đừng nói rằng nhân loại. Nhưng nếu như tôi gặp trường hợp ấy rất thường, thì hẳn nó cũng mang một ý nghĩa gì đó?

Nếu không ai hay đọc thơ, kể cả những nhà thơ, vậy thì ai sẽ đọc thơ? 

Tôi có đọc thơ. Không biết nếu đặt lên bàn cân, cùng các thể loại khác, thì tôi sẽ đọc thơ nhiều hơn, ít hơn hay ngang bằng. Song, quả thực, tôi không nghĩ đến chuyện đọc thơ hàng ngày. 

Hàng ngày tôi đọc báo. Kế đó, tôi đọc email. Tôi đọc một số sách chuyên sâu về truyền thông, dịch vụ, dinh dưỡng, ẩm thực – thứ phục vụ cho công việc hiện tại của tôi. Tiểu thuyết, truyện dài – thứ mang đến cho tôi những câu chuyện, những nhân vật mới, đời sống của họ – thứ kể tôi nghe.

Nhưng thơ không kể tôi nghe. 

Khi đọc một bài thơ, có thể tôi sẽ chẳng hiểu gì. Não tôi không hoạt động theo lối phân tích, như khi đọc “Sapiens: Lược Sử Loài Người” của Yuval Noah Harari. Tôi cũng không bị hút vào, đau đáu và suy tư, như khi đọc “Alexis Zorba, con người hoan lạc” của Nikoz Kazantzakis.

Thơ, giống như một hạt mưa, rơi xuống vào lúc ta không để ý. 

Ví dụ:

“dưới cánh bướm mùa thu
về đậu vách tường đêm
những cánh rừng yên ngủ”

(Phía khác – Nguyễn Đức Tùng)

Hoặc ân cần cất giọng lúc thưa người:

“những lời cũ kỹ
một trời thu để nhớ nhung
chuyện đời giản dị
chiêm bao tay nắm vô cùng ngón tay”

(Chiều hôm phố thị – Bùi Giáng)

Tôi nhận ra mình thường đọc thơ lúc lòng tha thiết quá mà không muốn nói, hoặc không biết phải nói gì. Cần có điều gì đó, ngắn gọn mà rộng lớn, bao la mà gom góp lại vừa lòng tay, để ta đặt mình vào đó ngồi nghe.

Thơ không cố kể một điều gì, dù trong đó, đôi khi ta nghe ra một câu chuyện. Song, mỗi người lại có thể nghe ra một chuyện khác nhau.

Khi Trần Dần hỏi:
“em ơi!
ai xui nhà ươm chín mái?
tơ ngâm chín vại
dâu xanh chín bãi
tằm ngã – chín nong..”


thì ta cũng không biết trả lời (mà cũng không cần trả lời), nhưng ta vẫn ở đó, để trải lòng mình, cùng tất thảy những nét cảnh mà nhà thơ vẽ ra. Từ hồ chín lá sen, từ còi tầm chín ngả, từ chín ngã tư mưa.

Tôi cho rằng, cũng vì sự không cố kể, mà thơ ca vốn có khoảng cách nhất định với đời sống. Ngay cả những bài thơ rất gần với đời, thì vẫn luôn chừa lại một khoảng: để bạn đọc thơ bằng câu chuyện của riêng mình.

“ước gì mưa mãi chẳng tan
để cho sấm cứ râm ran khắp trời
để cho em nép vào tôi
ôm chung một giọt mưa rơi xuống lòng.”

(Phố Nối mưa rào – Đồng Đức Bốn)

Câu thơ của người khác vang lên, mà lập tức lòng ta vơ vào thuật lại. Ai đọc lên mà không nhớ ngay một lần nào đó, đã cùng “em” đứng dưới hiên ngắm một trận mưa lớn – dù là mưa tưởng tượng, để “ước gì em nép vào tôi”.

Với tôi, mỗi bài thơ cũng là một bài nhạc – chúng có âm điệu riêng. Dẫu vậy, khó cảm hơn một bài nhạc.

Trước hết vì một bài nhạc đã có người làm nhạc, người hát xử lý giùm người nghe. Khi nghe, ta chỉ việc nghe nhận bình thường bằng tai. Cái dẫn, cái nhấn nhá, truyền cảm, người nghệ sĩ họ đã làm giùm ta hết cả. Như có chai rượu ngon trong tay, người thưởng thức chỉ việc rót ra ly rồi uống.

Còn một bài thơ có thể ví như một gói trà, gói cà phê. Nhận quà trong tay nhưng chưa uống ngay được. Phải có ấm, chén, tống, có bình, có phễu V60, có phin… Phải có thời gian, phải biết cách pha. Nhiêu khê hơn, và không chắc pha ra đúng ngụ ý của người sơ chế, người rang hạt, người sao trà. 

Một bài thơ khi nhận về, bạn có thể đọc bằng mắt, hoặc bằng miệng – và cảm giác chúng mang lại sẽ khác hoàn toàn. Thậm chí, mỗi lần đọc, bạn sẽ nhận ra mình đã ngắt nghỉ khác nhau, mình đọc bằng giọng khác nhau, bằng tâm trạng khác, góc nhìn khác, lứa tuổi khác. 

Nói cách khác, một bài thơ được tác giả viết ra, nhưng người đọc mới là người pha và thưởng thức. 

Tôi thì tin vào sức mạnh của thanh âm, cũng như tin vào việc một bài thơ nên được đọc lên thành tiếng. 

Trong quá trình thực hiện hai “đêm thi-ca” tại Hà Nội và Sài Gòn, tôi nhận ra nghệ thuật nào cũng cần một không gian được tạo dựng riêng biệt cho nó. (Hỏi sao phải cần đến phòng tranh, sân khấu nghệ thuật).

Ở đêm thi-ca, tôi chủ đích dựng nên một bối-cảnh-thi-ca. Mỗi vị khách tới đó, trên tay cầm ly rượu nhẹ, thảnh thơi ngồi xuống, chầm chậm lắng nghe từng bài thơ vang lên. Giọng nói cất lên thứ tiếng mẹ đẻ thân thuộc. Họ không vừa ăn cơm vừa nghe. Họ không vô tình nghe khi lướt mạng xã hội. Họ không nghe 30 giây. Họ nghe suốt hai giờ đồng hồ, trong sự tập trung hướng về sân khấu, hướng về thế giới của thi-ca.

Khi đó, người ta không chỉ nghe một bài thơ. Người ta nghe một cảm giác thơ. Một không gian thơ. Người ta chủ động tìm đến đó vì muốn nghe. Thế nên, người ta nghe.

Vậy bây giờ, thơ sẽ dành cho ai? Ai còn muốn đọc, muốn nghe thơ?

Tôi nghĩ rằng sẽ luôn có “ai đó” cần đến thơ, dù họ có biết điều đó hay không. Thơ đến vào ngày ta chẳng đợi.

Thơ đến, có thể vào lúc ta đã gõ các cửa, đã thử nương vào những sợi dây khác mà bất thành. Ta cần một tiếng nói thoát ra, nhỏ – ngắn, mà dõng dạc. Tiếng nói tâm tình. Tiếng nói gọi dậy. Tiếng mở cửa cho lòng tràn ra như biển. Tiếng líu ríu chim non hót lại. Tiếng giản đơn loài người muốn nghe.

Chừng nào ta còn sống, còn nhiều xúc cảm, nhiều nghĩ suy trong đầu, chừng đó, thơ còn cần thiết. 

Nhược Lạc

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s