
Hà Nội đã bước sang thu thật rồi. Sáng thức dậy thấy trời mưa, lạnh, bụng dạ chỉ thèm bát canh thật ấm.
Lật đật trở dậy, ngâm nấm và rong biển. Lục trong tủ xem còn củ quả gì. Nếu còn đủ cà rốt, củ cải hay khoai tây thì thật tốt. Có hôm còn có ngưu bàng.
Bắc nồi lên bếp, để lửa thật nhỏ mà sên hành tây. Khi từng miếng hành tây chuyển màu nâu, hết mùi hăng, tỏa lên mùi thơm ngọt, thì thêm củ quả tùy thích, thêm nấm đông cô, rong biển, củ sen, táo đỏ, gừng… thêm nước lọc vừa đủ, rồi cứ thế để lửa liu riu.
Nếu là bữa sáng, chúng mình sẽ lấy nước dùng đó ăn kèm mì, sủi cảo, rau cải xanh. Nếu là bữa trưa, chúng mình sẽ có tô canh ấm, ăn kèm cơm nóng hổi.
Mỗi ngụm nước canh húp vào, khiến lòng mình run lên vì ấm áp. Đôi khi chúng mình nổi da gà, và cười bảo nhau là “gió đang ra”. Càng ăn canh, càng thấy người ấm áp dễ chịu. Có khi người đổ mồ hôi nhễ nhại, nhưng sau đó là nhẹ nhõm, khoan khoái vô cùng.
Có vài thứ nguyên liệu đặc biệt hợp với mùa thu. Trước tiên phải kể đến củ sen, và gừng – thứ giúp bổ phế, ấm phổi. Kế đến là củ cải, và táo đỏ. Nhưng điều khiến một bát canh nói chung trở nên đặc biệt trong mùa thu, có lẽ chỉ đơn giản là sự ấm áp. Thứ nhiệt nhỏ lửa, liu riu nhiều giờ, khi ăn có thể cảm nhận được.
Giống như những điều nho nhỏ chúng ta làm hàng ngày, qua nhiều năm đều hiện hết lên khuôn mặt.
Những quan tâm nhỏ nhặt mà ta dành cho nhau, như đắp một tấm chăn ngang bụng, rót cốc nước để sẵn trên bàn, đun trà củ sen, hoặc ninh sẵn một nồi canh ấm nóng cho bữa ăn mùa thu. Đó không phải là thứ cần treo băng rôn, ghim trong lịch, hay phải la toáng lên thì người ở cùng mới biết.
Đó là thứ, chỉ đơn giản là ta biết, như ngụm nước canh uống vào thấy ấm lòng – nói ra thành lời làm sao mà hết được.
Nhược Lạc