chất riêng của bạn ở đâu?

Nhỏ tới lớn, lúc nào mình cũng ngưỡng mộ những người luôn biết mình muốn gì, làm gì. Còn mình, mình không biết.

Mình không thích việc học ở trường, nhưng không học thì làm gì. Mình không thích bị lôi ra so sánh với con nhà người ta, nhưng cũng không dám phản pháo lại. Mình không thích nghe theo những sắp đặt của bố mẹ, nhưng nếu không nghe theo, thì làm gì đây?

Đôi khi, mình có cảm giác dường như chỉ riêng mình đang sống sai, đang không biết mình là ai, mình phải làm gì với đời mình.

Dù vậy, cái mình mừng nhất tính đến thời điểm này, có lẽ là mình đã luôn làm-gì-đó. Vì rảnh thôi chứ không vì gì, mình bắt đầu tìm đến sách truyện. Vì đọc quá nhiều sách truyện, mình bắt đầu tập viết. Vì bắt đầu tập viết, mình bắt đầu lập blog, rồi có bài đăng báo, tạp chí. Vì bắt đầu có bài viết này nọ, mình được dẫn lối vào con đường trở thành copywriter trong ngành quảng cáo. Vì trở thành dân viết lách chính thống, mình càng viết nhiều hơn, mình làm thơ, rồi mình ra sách. Cuốn sách đầu tiên của mình: Cơm nhà nói chung là êm – vừa ra mắt vào đầu năm nay.

Bây giờ nói nghe một hơi nhẹ nhàng như vậy, nhưng hành trình đó tính bằng năm, vài năm, chục năm… đi kèm rất nhiều mồ hôi, nước mắt, tuyệt vọng, rồi lại đứng lên.

Bên cạnh chuyện viết lách, mình làm đủ thứ linh tinh. Mình tập chơi guitar, mình tập tành viết nhạc, hát nhạc do mình viết, đôi khi mình rap. Mình chơi cờ vây, mình tập Ki-Aikido. Mình thích trà, lặn lội lên khắp vùng núi non hẻo lánh để tìm về cây trà, về cách làm trà, học cách pha trà, thậm chí đã mở cả quán trà.

Bây giờ nhìn lại, thấy những gạch đầu dòng đó hệt như trò rảnh hơi của một đứa vô công rỗi nghề. Nhưng nhìn lại kỹ hơn, mới thấy tất cả những điều ấy tạo nên mình của bây giờ – Nhược Lạc của bây giờ. Một Nhược Lạc mà đôi khi, chỉ đôi khi thôi, nhận được lời khen từ ai đó rằng sao chị giỏi thế.

Đúng là so với người khác, mình chưa là ai cả. Nhưng so với chính mình của nhiều năm trước, mình đã giỏi hơn nhiều, đã “chất” hơn nhiều.

Vậy, “chất” của bạn ở đâu?

Nó vẫn ở đó thôi – bên trong con người bạn. Song bạn không thể chỉ đứng yên mà chờ cái “chất” đó hiển lộ ra bên ngoài. Bạn phải vận động, phải dám bước tới, trên một hành trình đầy mù sương và chông gai và khó đoán biết. Khi bạn dám đi và dám đau, dám ngã và dám bước tiếp, dám sai, dám nhận sai và dám sửa sai… cứ thế, cứ thế, cái lớp đá cứng ngắc thô sần vỡ dần ra, hé lộ những tia sáng đầu tiên lấp lánh của viên ngọc. Rồi bạn đi tiếp, làm tiếp, mài giũa dần cho viên ngọc thành hình, thành thứ hào quang sáng rỡ, rõ ràng và ấm áp.
Chuyện đó, sau này nhắc lại nghe sẽ nhẹ như một hơi thở, nhưng chỉ người đi qua mới hiểu – nó đau và đáng nhường nào.

Ở thời điểm bắt đầu của tuổi trẻ, khi sức lực còn sung mãn và thời gian còn nhiều, đừng vội băn khoăn quá về chất-riêng của mình. Hãy cứ tin rằng chất-riêng tồn tại, thành thật với chính mình và đi tiếp cùng niềm tin đó.

Thành thật là cái tiên quyết tạo nên tính nguyên bản của chất-riêng trong bạn. Nếu bạn cố đóng-vai một ai đó, có thể đến một lúc nào đó, bạn sẽ trở nên na ná họ, nhưng không hoàn toàn giống như họ. Mà vậy thì uổng quá. Ta hôm nay có thể chưa tỏa sáng rạng ngời, nhưng ta có những tia sáng lẻ loi ẩn nấp trong người.

Hãy lắng nghe nó, từng ngày, từng ngày một. Rồi thời gian sẽ trả lời giùm bạn.

Mình tin thế, vì mình đã được đáp lời.

Nhược Lạc

Advertisement

3 thoughts on “chất riêng của bạn ở đâu?

  1. có câu vẫn hằng muốn nói với chị từ hồi mới biết: chị ngầu ghê!
    aw, vừa ngầu vừa dịu dàng nữa, hay thiệt.

    1. Cám ơn em 😀 Chị cách đây 10-15 năm mà được nghe em nói câu này chắc sung sướng mừng rỡ nhảy chân sáo các kiểu luôn nè :))) Hồi xưa mình nhạt, đúng nghĩa nhạt. Bảo mình có chất riêng gì đó chắc mình chả tin. Nhưng đúng là phải đi, phải làm này làm nọ rồi mới biết được, hen.

      Chúc em luôn vui với phiên bản của mình mỗi ngày, mỗi ngày.

  2. Cảm ơn chị đã viết cho mình của ngày trước để em cũng tin mình có ngày sau nhìn lại như chị, có ngày sau để nhìn lại mọi cái thấy no cũng có lý ^^

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s