bạn thầy tí hon

YK6W2563.jpg

mình còn khờ dại như mây
nên trời gửi xuống bạn thầy tí hon

sơ khai là một chấm tròn
vẽ thêm mi biếc, môi son để cười
tặng thêm câu hát thảnh thơi
để cho thầy ngủ mặc đời trầm luân

thầy dạy me biết âm thầm
nói thưa nhỏ nhẹ, nhịp chân bước hiền
dạy nhau sắp lại giấc phiên
ngủ khi trăng mới bên hiên gọi chào
thức khi màu nắng vừa xao
ăn khi đói vẫn chưa cào ruột gan
khoác thêm áo ấm, tất mang
xách ô đi dạo kẻo quàng nắng mưa

thầy – con nhắc mẹ sống vừa
không bon chen với được thua ở đời
và thương nhắc mẹ nụ cười
dịu vơi dòng nước dầu hơi chạnh lòng

con dạy me biết nhớ mong
đôi chân tí xíu đạp trong lòng mình
yên ngồi vui với lặng thinh
lắng nghe nhịp nấc nhỏ xinh khẽ khàng

con dạy me biết giỏi giang
nấu cơm, đan áo, dịu dàng lời ru
nệm chăn yên ấm chỉn chu
đón con giữa một ngày thu tháng mười

bài học còn lắm ghê nơi
mẹ chờ con đến bên đời dạy thêm.

Nhược Lạc 

Advertisement

tập nói

IMG_3917

“ngày xưa quả đất hình tròn
ngày nay quả đất vẫn tròn đấy thôi”

con người từ thủa nằm nôi
đã tròn vành tiếng của trời đất xưa

vào rừng rõ biết dạ thưa
gặp cây biết cúi, gặp mưa biết mừng
gặp giông bão biết ngập ngừng
gặp con thú dữ biết chừng mực lui
gặp bông hoa nở biết vui
gặp chùm dâu dại biết mùi ngọt thơm
gặp con suối mát biết ơn
trời xanh cho nước dịu cơn khát nguồn

nhân gian tám vạn nỗi buồn
bắt đầu tự lúc người đi buôn rừng
đất đai tàn tạ, dửng dưng
ai xui lấp bể, thanh trừng thú hoang

theo tôi về lại núi ngàn
để nghe tiếng Mẹ ngân vang động lòng
cùng tôi vốc ngụm nước trong
thanh ngoan cuống họng để mong đổi lời

đổi lời ngạo nghễ thành “ơi”
đổi câu oán giận thành lời nhớ thương
đổi đam mê chốn vô thường
thành chân nhẹ nhõm trên đường đất thô

cùng tôi rũ bụi thành đô
về nơi sống lại bi bô tiếng người.

Nhược Lạc 

 

*hai câu đề tựa là lời hát trong bài “Trái đất tròn” của Quái Vật Tí Hon 

Người tình bé nhỏ

tumblr_mxh50cUr7T1rbdhvpo1_500

Với mình thì mẹ không chỉ là mẹ, mà giống như bạn, như bạn thân, như người tình. Người tình bé nhỏ, trẻ mãi không già, vừa cứng rắn vừa mềm mại, chịu áp lực rất tốt, có thể mỉm cười và tìm cách xoa dịu căng thẳng trong bất cứ tình huống nào. Nhưng vẫn là người tình bé nhỏ. Thế nên vẫn sợ chuột, vẫn sợ sang đường đông xe qua lại, vẫn ghét ăn tối một mình và dễ tủi thân.

Continue reading

Mẹ

4dd1516e483ed896d23381fce7f5d840

lập thân tối hạ thị văn chương
câu ấy người xưa răn vẫn thường
có phải vì thế mẹ hay cấm
con gái đeo mình với bi thương

mẹ nói thơ ca là chiến trường
cuộc sống văn đàn rất nhiễu nhương
nhà văn cầm bút như cầm súng
bao nhiêu máu đổ thấm từng chương

mẹ chẳng vui gì đọc thơ con
những câu buồn bã, lời nỉ non
những đêm thao thức không ngủ được
mẹ cũng nằm vương giấc chẳng tròn

Continue reading

Đừng khóc vào Vu Lan

*Bài viết này không phải để tặng cho Mẹ, mà là dành cho những đứa Con.

1208690_510895742312523_1369859496_n

“Nếu có yêu tôi thì hãy yêu tôi bây giờ
Đừng đợi ngày mai đến lúc tôi qua đời
Đừng đợi ngày mai đến khi tôi thành mây khói
Cát bụi làm sao mà biết mỉm cười
(Trần Đức Huy)

Trong những ngày tháng bảy âm lịch, tôi có đọc một cuốn sách. Đó là Hãy chăm sóc mẹ của tác giả Shin Kyung-sook. Cuốn sách tôi đã biết tới khá lâu, nhưng không hiểu sao, hễ ra nhà sách nhìn thấy, đều cầm lên, sau đó lại đặt xuống. Lòng tôi có một sự chần chừ khó tả. Mãi sau này mới hiểu, đó là vì tôi sợ nước mắt.

Hai năm trước, tôi có dịp tham dự một khóa tu dành cho thanh thiếu niên ở chùa Hoằng Pháp (Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh). Những bạn trẻ từ khắp mọi miền trên cả nước tụ hợp về đó, cùng ăn uống, sinh hoạt, niệm Phật, nghe Pháp trong vòng một tuần. Hàng ngày, chúng tôi được nghe các bài giảng về đạo lý làm người. Hiển nhiên, không thể thiếu được những bài học về chữ Hiếu. Cho tới giờ, những lời thầy giảng có lẽ tôi cũng chẳng nhớ hết. Chỉ riêng một điều đọng lại mãi trong tôi, đó là tất cả lũ chúng tôi đều khóc như mưa.

Gia đình, mẹ cha là điều gì đó hễ cứ nhắc tới là rơi lệ. Có khi khóc vì tủi cho số phận của mình không nhận được đủ đầy yêu thương. Có khi khóc vì nhận ra những lỗi lầm niên thiếu đã làm mẹ cha phiền lòng. Có khi khóc vì thấm thía nỗi vất vả của đấng sinh thành. Chúng ta thường khóc khi tới chùa nghe giảng, khi xem một cuốn truyện hay, một thước phim cảm động. Chúng ta khóc nhiều nhất vào Vu Lan. Chúng ta sau cùng đã hiểu ra bản thân bất hiếu tới mức nào, đã hối hận, đã (tự) hứa hẹn với lòng rằng sẽ yêu thương cha mẹ như thế nào.

Nhưng rồi, chúng ta đều quên đi rất mau. Continue reading